Căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước và thực hiện ở tỉnh Phú Thọ hiện nay (Trang 25)

+ Là quốc gia có nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo.

Từ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai đến hiện đại, từ tôn giáo phương Đông cổ đại đến phương Tây, tất cả đã và đang cùng tồn tại bên cạnh tín ngưỡng dân gian, bản địa của nhiều dân tộc. Có những tôn giáo mới du nhập vào, có những tôn giáo xuất hiện ở nước ta, có những tôn giáo thu hút hàng triệu tín đồ, đồng thời có những tôn giáo có số lượng tín đồ không đáng kể, thành phần cũng rất đa dạng “…Việt Nam gần như là một bảo tàng tôn giáo” [54, tr. 41]. Sự tồn tại đa dạng của các loại hình tôn giáo song số lượng tín đồ chiếm khoảng 25% dân số và tập trung ở các tôn giáo lớn.

Tính đến năm 2011 nước ta có 13 tôn giáo và 33 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận: “Phật giáo trên 10 triệu, Thiên chúa giáo 6,1 triệu, Cao đài 3,2 triệu, Hòa hảo 1,26 triệu, Tin lành gần 1,5 triệu, Hồi giáo 72,732 nghìn, Tịnh độ cư sĩ phật hội 1,5 triệu, Tứ ân hiếu nghĩa 70 nghìn, Minh lý đạo Tam tông miếu 1,058

nghìn, đạo Ba’ihai 7 nghìn, Bàlamôn 54,068 nghìn, Phật đường Minh sư đạo 11,124 nghìn, Bửu sơn Kỳ Hương 15 nghìn” [16, tr.74].

+ Các tín ngưỡng, tôn giáo đan xen, hòa đồng, khoan dung.

Mặc dù tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta đa dạng và có tín đan xen hòa đồng nhưng không có kỳ thị, tranh chấp và xung đột tôn giáo. Các tín ngưỡng truyền thống và tàn dư của tôn giáo nguyên thủy vẫn in dấu khá sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Việt Nam cho đến ngày nay. Đối với Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo vào nước ta gần như cùng một thời kỳ và được người Việt tiếp nhận một cách tự nhiên. “Đạo Phật thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng dân gian ở Giao Chỉ một cách tự nhiên như nước thấm vào lòng đất, không gặp phản ứng và trở ngại. Điều này một phần là do tinh thần cởi mở không giáo điều của đạo Phật, một phần là do phật tử với tư tưởng khác. Phật giáo sử dụng được kho tàng từ ngữ của cả Khổng và Lão để phiên dịch kinh điển và truyền đạt tư tưởng mà còn khiến cho nhiều người theo Khổng - Lão thấy được chiều sâu và giá trị của đạo Phật một cách dễ dàng” [25, tr. 74]. Có thể thấy dù là tôn giáo gì, tín ngưỡng nào, từ đâu đến, người Việt cũng sẵn sàng tiếp nhận miễn là nó không đi ngược lại với lợi ích quốc gia, không xem thường, miệt thị văn hóa bản địa. Sau này tôn giáo phương Tây du nhập vào và một số tôn giáo bản địa mới ra đời tuy có mâu thuẫn nảy sinh nhưng vẫn chung sống hòa bình cùng với tín ngưỡng dân gian bản địa. Sự dè dặt và thận trọng đối với Công giáo có thể thấy rõ chúng ta không tiếp nhận một cách xô bồ, không chọn lọc. Bởi lẽ, thứ nhất Công giáo khi truyền vào đã xung đột với văn hoá của người Việt, thứ hai bị thế lực thực dân lợi dụng.

Trong khi đó Phật giáo lại rất phù hợp với tâm thức của người Việt khi du nhập vào đã nhanh chóng hòa vào tín ngưỡng bản địa, tuy nhiên phải gần 1000 năm ông cha ta mới chấp nhận. Mọi tôn giáo muốn có chỗ đứng ở nước ta đều phải trải qua sự khảo nghiệm của lịch sử dựng nước và giữ nước sau nữa là hòa đồng với tín ngưỡng bản địa. Tính hòa đồng, đan xen, khoan dung là đặc điểm quan trọng của tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta và văn hóa khoan dung cũng là một trong những đặc điểm văn hóa truyền thống của người Việt. Thể hiện rất rõ trong hiện tượng thờ

phối của tín ngưỡng, tôn giáo. Chẳng hạn trong kiến trúc Đình, Chùa , Đền, Quán, Miếu, Phủ, những nơi ấy đều có hiện tượng thờ phối. Không ít chùa có ban hoặc điện thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ, các danh nhân văn hóa, lịch sử, người có công với dân tộc. Trong quá trình du nhập và phát triển Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng dân gian để tạo nên Phật giáo mang sắc thái Việt Nam. Hiện tượng thờ Phật- Thánh thờ ghép là phổ biến ở các ngôi chùa: “Trường hợp chùa Bối Khê – Đại Từ Bi thì hỗn dung Phật – Thánh là Quan Âm Đức Minh Chân Nhân; chùa Keo- thần Quang là Mật ( Thiền- Thánh Dương Không Lộ; chùa Thầy – Thiên Phúc là Mật Thiền – Thánh Từ Đạo Hạnh)… Như vậy, ta thấy hỗn hợp Phật – Thánh là đa dạng” [45, tr. 19]. Bất cứ nơi thờ tự của loại hình tín ngưỡng dân gian, tôn giáo nào ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy được cách thờ phối. Các vị Thánh, Thần, Tiên, Phật, đến những người có công với dân, với nước đều được thờ chung trong một điện thờ. Chẳng hạn như ở Đền Ngọc Sơn thờ cả Quan Công và Đức Thánh Trần, Văn Miếu ngoài thờ Khổng Tử ở chính gian giữa còn có bốn pho tượng bày bên tả bên hữu gồm có: Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử còn gọi là tứ phối. Phía sau còn vẽ tranh 72 người khác trong số những học trò của Khổng Tử còn được gọi là “ Thất thập nhị hiền”. Hiện nay có một số nơi đưa các vị anh hùng liệt sĩ, các danh nhân văn hóa đương đại vào thờ phối với tín ngưỡng dân gian, tôn giáo. Ví dụ như Hồ Chí Minh, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học… Đã có nơi lập đền thờ riêng hoặc thờ phối nhằm tôn vinh công trạng, đức hạnh, trí tuệ của họ.

Sự phân bố tôn giáo ở nước ta có đặc điểm nổi bật là tín đồ của các tôn giáo thường sinh sống thành cộng đồng quy mô nhỏ, các cộng đồng tôn giáo khác nhau có thể sống đan xen với nhau. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao tôn giáo ở nước ta lại có tính đan xen hòa đồng, không hề có xung đột hay tranh chấp “ Sự dung hợp diễn ra không chỉ giữa từng tôn giáo ngoại sinh với tín ngưỡng bản địa, giữa các tôn giáo ngoại sinh đã được bản địa hóa với nhau mà ở mức độ cao hơn, người Việt Nam đã hòa chung tất cả với nhau thành một khối” [39, tr. 303].

+ Yếu tố nữ trong hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo.

Hình tượng người Phụ nữ đã xâm nhập và nổi bật trong các tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Điều đó phản ánh tình cảm và sự đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Thể hiện trong Tín ngưỡng thờ Mẫu đa dạng, phong phú thể hiện nhu cầu nhiều mặt của con người ở thế gian. Có Mẫu là Thiên Thần, nhưng cũng có Mẫu là Nhân Thần, có Mẫu gây dựng nên nòi giống, cũng có Mẫu lại duy trì đất nước, có Mẫu là con người lịch sử, có Mẫu là con người huyền thoại, Người thì lo đuổi giặc cứu dân, Người lại giúp mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.Ví dụ như: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện, Đức Mẹ Âu Cơ sáng tạo ra dân tộc. Trong chùa có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, Quan Âm Bồ Tát… Ở nước khác thì các vị Bồ Tát thường là nam hoặc nữ, còn riêng ở Việt Nam thì thường là nữ mà dân gian hay gọi là Phật Bà.

Theo số liệu thống kê “Trong số 1000 di tích văn hóa thì có tới 250 di tích thờ cúng các vị thần hay danh nhân là nữ giới. Chỉ riêng quần thể di tích Phủ Giầy cũng có đến hơn 20 đền thờ, miếu thờ nữ thần” [40, tr. 169]. Đối với Công giáo, Hồi giáo, Nho giáo đều coi thường phụ nữ, nhưng khi vào Việt Nam thì đã phải thay đổi ít nhiều cho phù hợp với vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

+ Thần thánh hóa những người có công với gia đình, làng nước.

Xuất phát từ thực tế là một nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, vì thế sớm hình thành nên truyền thống yêu nước, trọng tình nghĩa, lòng nhân ái, khoan dung, các tín ngưỡng, tôn giáo đều thể hiện những truyền thống ấy. Trong phạm vi một làng, xã hình thành nên tục thờ cúng thần địa phương đó là Thành Hoàng. Mỗi làng có một vị nhưng cũng có làng thờ nhiều vị những vị thần ấy được coi là thần bản mệnh của cộng đồng. Thành hoàng thường là những người có công với dân, với nước được người dân tôn vinh. Cũng có người đỗ đạt cao hay có công khai phá đất đai, lập nghề mới, Thành hoàng có thể là nam, nữ, nhân thần cũng có khi là thiên thần, có làng thờ cả dị thần như: Thần ăn xin, thần chết nghẹn như vậy không kể đẳng cấp sang hèn, khi được nhân dân một vùng thừa nhận thì được tôn vinh làm Thành Hoàng làng.

Nhìn chung các vị Thành Hoàng làng ở nước ta hầu hết là những người có công đánh giặc, giữ nước, mở mang bờ cõi, còn những tà thần, dị thần dần dần bị loại bỏ trong đời sống tinh thần của nhân dân điều này nói lên nhân dân ta rất coi trọng những người có công dựng nước và giữ nước. Những người có công với làng, xóm, gia đình, đất nước đều được nhân dân tôn vinh, sùng kính, nhiều vị có đóng góp trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục.

+ Tín đồ các tôn giáo nước ta hầu hết là nông dân lao động.

Là một nước nông nghiệp hiện nay, nông dân chiếm tỷ lệ rất lớn (khoảng 74% dân số). Trong giai đoạn hiện nay người dân bước đầu tiếp xúc với nền văn minh công nghiệp mang tính toàn cầu. Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư thành thị tăng nhanh, tuy nhiên dù là cư dân thành thị hay họ có gắn với nền văn minh phương tây thì cội rễ của họ vẫn là nông dân. Xuất phát từ đặc điểm này chúng ta thấy hiện nay xuất hiện một số hiện tượng mê tín, hủ tục trỗi dậy. Hiện tượng cúng bái tràn lan, các chức sắc còn bày thêm các nghi lễ phức tạp nhằm lôi kéo tín đồ, lòng tin của mọi người. Hiện tượng hành hương, cúng bái; Chùa chiền, thánh thất được trùng tu, xây mới, những hiện tượng mê tín, hủ tục xưa ít người theo, thậm chí bị lên án, thì bây giờ trở thành phổ biến, tất cả những hành vi tôn giáo thái quá của những tín đồ, sự cuồng tín đều có nguyên nhân từ nhận thức yếu kém về giáo lí của chức sắc và tín đồ.

+ Các tôn giáo Việt Nam thường bị các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng.

Khó có thể tách bạch giữa tôn giáo và chính trị trong lịch sử cũng như hiện tại ở nước ta, trong thời phong kiến chúng ta thấy rõ khi tôn giáo luôn được nhà vua sử dụng, làm công cụ để duy trì sự thống trị. Tuy nhiên trong lịch sử yếu tố tôn giáo được sử dụng như thế nào thì cũng không có những cuộc khởi nghĩa mang màu sắc tôn giáo, cũng không có chiến tranh tôn giáo.

Đã có thời kỳ, Phật giáo đóng vai trò là cơ sở cho sự thống nhất, đoàn kết cho cả dân tộc chống quân nguyên, sau đó thời kỳ Nho giáo, vào thế kỷ XVI- XIX khi Công giáo được truyền bá vào nước ta, thực dân Pháp đã sử dụng vào mục đích chính trị của mình, sau đó là Tin lành đã được Mỹ sử dụng. Các thế lực thù địch vẫn

luôn tìm mọi cách lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình: Cao Đài thành lập năm 1926 được sự đồng ý của thực dân Pháp được sử dụng như một lực lượng để chống lại cách mạng; Còn Đạo Hòa Hảo nảy sinh từ sự bất mãn của người dân tuy nhiên sau này cũng bị thế lực phản động lợi dụng. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách để lợi dụng tôn giáo nhằm thực hiện những mục đích chính trị của mình. Đảng và Nhà nước ta coi trọng nhu cầu tôn giáo của nhân dân, coi trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo là một trong những nhu cầu chính đáng và được cụ thể hóa trong các Nghị Quyết, trong bản Hiếp pháp và Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Một phần của tài liệu Quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước và thực hiện ở tỉnh Phú Thọ hiện nay (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)