Khung tăng nặng thứ nhất (Khoản 2 Điều 139)

Một phần của tài liệu Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Luật Hình sự Việt Nam - Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 50)

Được quy định ở khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự, quy định chế tài lựa chọn từ hai đến bảy năm tù khi có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

a) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức:

Là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản [21, khoản 3 Điều 20]. Giữa

44

những người đồng phạm vừa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, vừa có sự phân công vai trò, nhiệm vụ. Nhóm tội phạm được hình thành với phương hướng hoạt động có tính lâu dài, bền vững. Trong nhóm tồn tại quan hệ chỉ huy - phục tùng trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên tùy từng trường hợp mà mới có đủ các người trên, hoặc có trường hợp không có người xúi giục và người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức, người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức. Người thực hành trong vụ lừa đảo chiếm tài sản là người trực tiếp thực hiện thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

b) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp:

Là người phạm tội lấy việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phương tiện sinh sống của mình, người phạm tội phải thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều lần, lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính và là phượng tiện sinh sống của họ. "Nói chung lừa đảo có tính chất chuyên nghiệp thường thực hiện có tổ chức" [13].Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp, nhất thiết người thực hành phải thực hiện thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản nhiều lần, nhưng không phải cứ thực hiện thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản nhiều lần đều là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, mà phải xem xét việc thực hiện tội phạm của họ có thật sự là phương tiện sống hay không. Nếu phạm tội nhiều lần nhưng họ không lấy việc phạm tội là phương tiện sinh sống chủ yếu thì không coi là có tính chất chuyên nghiệp mà chỉ là phạm tội nhiều lần (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự). Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích.

45

Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính [33].

c) Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm:

Đây là trường hợp phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 3, 4 Điều 139 Bộ luật hình sự; đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này theo Khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự.

Ví dụ: Lê Quốc T là đối tượng nghiện ma túy đã nhiều lần phạm tội. Năm 2006 T phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Khoản 1 Điều 194 BLHS bị xử phạt 2 năm tù. Năm 2008 T phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 138 BLHS thuộc trường hợp tái phạm và bị xử phạt 3 năm tù. Đến năm 2011, sau khi ra trại thời gian ngắn T lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị 40 triệu đồng. Tháng 12 năm 2011, Tòa án nhân dân huyện H xử phạt T 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điểm c Khoản 2 Điều 139 BLHS.

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức:

Là trường hợp người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như phương tiện để lừa dối hoặc núp dưới danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ví dụ: Phùng Văn V là điều tra viên Công an huyện H đang thụ lý điều tra vụ án Cướp tài sản mà Đinh Văn N là bị can. Trong quá trình điều tra V đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để gặp gỡ người nhà của N và hứa sẽ giúp đỡ N giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do tin tưởng V nên gia đình N đã đưa cho V 30 triệu đồng nhưng thực chất thì V không giúp được gì cả. Khi thấy N vẫn bị xử lý hình sự nặng, gia đình N đã làm đơn tố cáo về hành vi của V

46

và V bị bắt. Tại cơ quan điều tra V thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Như vậy hành vi của Phùng Văn V đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điểm d Khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn tinh vi hoặc gian dối cao làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước để đề phòng và cơ quan điều tra cũng khó phát hiện.

Ví dụ: Đỗ Văn C là đối tượng buôn bán tự do, năm 2011 khi biết ông T có con thi trượt đại học C nói với ông T là sẽ giúp cho con ông T vào Trường đại học CNHN với giá 40 triệu đồng. Ông T đồng ý nhưng để chắc chắn và sợ bị lừa nên ông T yêu cầu khi nào có giấy báo nhập học thì giao đủ tiền, ông T chỉ đưa trước cho C 5 triệu đồng để chi phí đi lại. Sau một tháng khi các trường đại học báo gọi sinh viên trúng tuyển nhập trường thì C làm giấy báo nhập học giả trông như thật, có chữ ký, con dấu của Trường đại học CNHN mang đến cho ông T, gia đình ông T không hề nghi ngờ gì nên đưa cho C 40 triệu đồng, C lấy tiền và bỏ trốn. Khi con ông T mang giấy đi nhập học mới phát hiện là giấy giả, liên lạc với C không được nên ông T đã trình báo công an, sau mấy tháng sau thì C bị bắt. Tháng 3 năm 2012 Tòa án nhân dân huyện N đã xử phạt Đỗ Văn C 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điểm đ Khoản 2 Điều 139 BLHS

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng": Căn cứ vào giá trị tài sản do hội đồng định giá tài sản kết luận.

Ví dụ: Do đánh bạc bị thua nên Trịnh Văn N nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. N nói dối anh Q mượn xe máy đi đón con, anh Q tin tưởng nên cho N mượn chiếc xe máy SH và hẹn 30 phút quay lại trả. Sau khi mượn được xe N đi thẳng đến hiệu cầm đồ Hoàng H cầm cố chiếc xe SH lấy 20 triệu đồng rồi bỏ trốn. Sau đó anh Q trình báo công an và N bị bắt. Hội đồng định giá

47

tài sản trong tố tụng hình sự kết luận chiếc xe máy SH của anh Q trị giá 60 triệu đồng. Tòa án nhân dân huyện T đã xử phạt Trịnh Văn N 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điểm e Khoản 2 Điều 139 BLHS.

g) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng: Là trường hợp hành vi phạm tội lừa đảo đã gây ra những thiệt hại khác ngoài những thiệt hại mà điều luật quy định đủ để cấu thành tội phạm. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra trong trường hợp này thì cách xác định cũng tương tự như hậu quả nghiêm trọng là yếu tố định tội ở Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Một phần của tài liệu Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Luật Hình sự Việt Nam - Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn tỉnh Nam Định (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)