Với hoạt động chuyên xuất khẩu, trong thời gian 10 năm trở lại đây, khu vực dệt may Hàn Quốc đã chứng tỏ là một khu vực kinh tế năng động và là bộ phận không thể tách rời của ngành dệt may tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần đưa dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn tại khu vực. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 973 triệu USD, chiếm 14,1% kim ngạch xuất khẩu dệt may của vùng.11
Vào những năm 2001-2005, doanh nghiệp Hàn Quốc vất vả với chuyện phân bổ hạn ngạch dệt may của Mỹ, làm cho khối doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc rất bức xúc vì lượng quota phân bổ không đủ đáp ứng nhu cầu và năng lực sản xuất của họ, các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Điều này cũng dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của họ giảm mạnh. Điển hình, năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc chỉ là 336 triệu USD.
Sau một năm gia nhập WTO, các doanh nghiệp này lại đối mặt với một thách thức còn gay gắt hơn, đó là Trung Quốc. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã được bãi bỏ chế độ hạn ngạch dưới Hiệp định Dệt May (ATC) và thuế nhập khẩu cũng được cắt giảm theo cam kết thành viên của WTO, ngay lập tức hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Trong khi đó, Việt Nam vào thời điểm đó chưa là thành viên của WTO nên phải chịu thuế nhập khẩu dệt may vào các thị trường từ 12-14%. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp dệt may nói chung, các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc nói riêng. Tuy vậy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO 1/2007 đã mở ra một cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may xứ Hàn. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp này năm 2007 tăng khá cao so với năm 2006 (16,3%). Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội Việt Nam gia nhập WTO để mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, do sức ép cạnh tranh gay gắt từ phía Trung Quốc tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… các doanh nghiệp này phải tìm cho mình thị trường mới.