B. NỘI DUNG
3.2.2. Tính triết lý trong ngôn ngữ
Sự chắt lọc ngôn từ cộng với sự xâm nhập của triết học hiện đại và phân tâm học khiến ngôn ngữ của Kundera mang đậm tính triết lý. Từ một hiện tượng, sự việc rất nhỏ, nhà văn cũng có thể khoác cho nó một phạm trù mới, và khái quát lên thành một ý nghĩa sâu xa.
Quay trở lại với ý kiến cho rằng văn M.Kundera khó đọc. Quả là có thế thật. Sự “khó đọc” này – như đã phân tích, bị chi phối bởi tính tiết chế, chặt chẽ, sắc sảo, ngoài ra, phải khẳng định rằng sự “khó đọc” ấy còn do bị chi phối bởi thứ ngôn ngữ mang đậm tính triết lý.
Trong quá trình sáng tạo, dường như M.Kundera luôn bị thôi thúc bởi những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời và con người. Nhà văn cũng luôn đặt bản thân mình đứng trước một câu hỏi lớn: tương lai và sứ mệnh của nền tiểu thuyết hiện đại.
Bởi vậy, chúng ta không ngạc hiên khi tiểu thuyết của ông mang tính tiểu luận, và tiểu luận lại in dấu ấn của một cuốn tiểu thuyết. Sáng tác của ông luôn mang những thông điệp được thể hiện qua những triết lý. Qua mỗi chương, mỗi phần, nhà văn lại đưa ra được những khái quát, dẫn người đọc tới những vấn đề có tính triết học về cuộc sống và con người.
Mặc dù phủ định “sự chiêm nghiệm triết học” “là thủ pháp chính” [37, p.2] trong tiểu thuyết của mình, bởi ông cho rằng “triết học triển khai tư tưởng của mình trong một không gian trừu tượng, không có nhân vật, không có tình huống” [37, p.2], nhưng theo chúng tôi, triết học trong sáng tác của M.Kundera là một yếu tố thường xuyên không thể thiếu. Chính M.Kundera cũng đã từng thừa nhận những quan điểm của triết học hiện đại có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và sáng tác của mình. Từ sự ảnh hưởng ấy, nhà văn hình thành nên vô vàn những triết lý khác nhau. Có điều, khác với
85
triết học thông thường, triết học của M.Kundera có đầy đủ các yếu tố cần thiết như không gian, nhân vật và tình huống để tác giả triển khai tư tưởng.
Trong mỗi phần, mỗi chương, mỗi đoạn văn trong tác phẩm, chúng ta luôn có thể bắt gặp rất nhiều ý tứ sâu xa của nhà văn được nâng lên tầm khái quát triết lý, nhưng tựu trung lại, có thể phân chia thành một số chủ đề chính cho các triết lý của M.Kundera như sau: triết lý về con người thời hiện đại và triết lý về sứ mệnh tiểu thuyết. Đây là hai “đối tượng” chính của nhà văn trong hoạt động sáng tạo văn học.
Tuy nhiên, phải khẳng định một điều, để tìm ra những triết lý trong tiểu thuyết của M.Kundera không phải là một điều dễ dàng. Để trả lời cho câu hỏi: “Nhưng tại sao nhà tiểu thuyết lại phải tước bỏ đi quyền được bày tỏ triết lý của mình trong tiểu thuyết một cách trực tiếp và khẳng định?” [37, p.2], M.Kundera nói: “Có một sự khác biệt căn bản trong cách suy nghĩ của một nhà triết học và một nhà tiểu thuyết… Ngay cả khi họ biểu lộ những suy nghĩ của họ một cách trực tiếp, trong các sổ tay của họ, thì đấy cũng chỉ là những bài tập suy nghĩ, trò chơi những nghịch lý, những ứng tác hơn là khẳng định một tư tưởng”. Điều này đỏi hỏi người đọc phải thật sự đào sâu thì mới có thể tìm ra những triết lý ẩn sâu bên trong từng câu chữ của M.Kundera.
3.2.2.1. Triết lý về con người thời hiện đại
Đến đây, ta lại phải nhắc đến triết học hiện đại (tiêu biểu là Nietzsche, Heidegger và học thuyết Freud). Triết học hiện đại đề cập tới vấn đề con người trong xã hội tư sản - nơi mà các phát minh khoa học và những thành tựu về kỹ thuật công nghệ nở rộ. Nó đặt con người trong tính hiện thể, vong tính, điều này giải thích tại sao con người luôn sống lừa dối, giả tạo. Và, phân tâm học của Freud thì nhắc tới con người với những dục tính như là một nhu cầu thiết yếu và có sẵn một cách tự nhiên ở mỗi cá thể ngay từ khi bắt đầu là một mầm sống. Hệ thống các quan niệm triết học hiện đại về xã hội và con người trong thời kỳ này được M.Kundera
86
biểu đạt một cách trọn vẹn trong các tác phẩm của mình. Dùng thứ ngôn ngữ của văn học, M.Kundera đã thành công trong việc nêu lên những triết lý về con người thời hiện đại. Hay nói cách khác, M.Kundera đã triết-học-hóa-tiểu-thuyết.
Thứ nhất, là triết lý về con người trong mối tương quan với thời hiện đại. Câu hỏi đặt ra là, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có ảnh hưởng thế nào tới con người?
Nếu như các phát minh khoa học kỹ thuật mang lại cho con người một đời sống tiện nghi, giúp họ thực hiện được nhiều điều không tưởng như khám phá vũ trụ, hay đơn giản hơn là trò chuyện, tiếp xúc bất chấp khoảng cách… thì những gì thuộc về thế giới hiện đại cũng lấy đi quá nhiều thứ trong cuộc sống của họ. Xu thế phát triển chung của sự toàn cầu hóa giúp xóa đi những khoảng cách về mặt địa lý, thì nó cũng đồng thời tạo nên sự xa cách về mặt tinh thần giữa con người với con người. Con người hiện đại trở nên cô đơn và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Họ không còn niềm tin vào Chúa, vào bản thân và cuộc sống.
Agnés (Sự bất tử) ngày bé hỏi cha của mình liệu ông có tin vào Chúa không. Người cha đáp: “Bố tin vào máy tính của Tạo Hóa” [30, tr.17]. Còn câu trả lời cho câu hỏi liệu ông có cầu nguyện không là: “Việc đó cũng giống như là con cầu nguyện Edisson khi đèn điện của con bị cháy” [30, tr.17]. Từ hai câu trả lời này, Agnés có suy nghĩ rằng Chúa là người đã tạo ra một cái máy tính vũ trụ đã được lập trình sẵn. Và như thế thì theo quan điểm của Tạo Hóa, tất cả mọi thứ trên thế gian này “chỉ là những trò chơi của những biến hình của một chương trình tổng thể đã được định trước, chương trình đó không phải là sự tiên đoán thấy trước tương lai, mà chỉ vạch ra giới hạn của những khả năng mà ở bên trong những giới hạn đó toàn bộ sức mạnh đều phụ thuộc vào tính ngẫu nhiên” [30, tr.18]. Và nếu đúng như thế, thì con người cũng sẽ không có phiên bản riêng. “Khuôn mặt chỉ là số hiệu của các phiên bản. Nó không phản ánh cả tính cách, cả tâm hồn, cả cái chúng ta gọi là cái
87
Đó là triết lý của M.Kundera: sống trong xã hội hiện đại, không còn Chúa, không còn niềm tin; và con người cũng chẳng còn cái tôi riêng bản thân mình nữa, họ chỉ là những phiên bản giống nhau từ một khuôn mẫu mà thôi.
Khoa học kỹ thuật với những phát minh mới một mặt cải thiện đời sống con người, mặt khác trở thành phương tiện săm soi, dò xét họ. Trong Đời nhẹ khôn kham, một nhà chính trị Prochazka với những câu chuyện tán gẫu với một người bạn giáo sư đã bị hạ gục bởi câu chuyện của họ bị mật thám đặt máy nghe lén.
Bởi vậy mà con người hiện đại luôn phải che giấu đi bộ mặt thật của mình, sống trong cái nhìn của những con mắt vô hồn máy quay máy ảnh, với đôi tai bí mật của máy nghe trộm, họ đã bị cướp đi một cuộc sống bình thường của một con người bình thường nhất. Họ trở nên giả dối trong cuộc sống và trong tình cảm. Chẳng có thời đại nào mà sự giả dối, thói đạo đức giả lại phát triển mạnh như vậy.
Chậm rãi đưa ra triết lý về con người thời hiện đại. Đối mặt với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sống trong guồng quay của xã hội tư sản, con người không thể làm chủ được tốc độ bản thân, lúc nào họ cũng phải sống nhanh, sống gấp nếu không sẽ bị tụt hậu. Và, bất chợt một lúc nào đó, ngoảnh đầu nhìn lại, họ mới thấy lối sống gấp đã làm họ đánh mất bao điều đẹp đẽ, và những gì đã trôi qua, họ không sao có thể lấy lại được nữa.
Đó là triết lý về con người với cuộc sống của những phát minh khoa học kỹ thuật và công nghệ. Thứ hai, đó còn là triết lý về con người trong mối tương quan với các biến động của lịch sử.
Cũng giống như luôn bị soi mói bởi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người còn bị phán xét bởi những biến động lịch sử. Chỉ vì vô tình chứng kiến, vô tình sống trong bước chuyển mình của xã hội mà cuộc đời riêng của họ bị thay đổi hoàn toàn.
88
Jakub trong Điệu Valsle giã từ, sau rất nhiều biến động do các biến cố lịch sử đem lại, đã quyết định rời đất nước mình để sinh sống tại một đất nước khác. Anh đã vui sướng vì thoát khỏi nơi mình đã sống nửa đời người, để rồi ngày cuối cùng, “anh biết mình đang rời tổ quốc duy nhất của mình và anh sẽ không có tổ quốc nào khác hết” [34, p.5].
Qua sự biến đổi trong suy nghĩ của nhân vật Jakub (mới đầu anh tin tưởng chuyến đi của mình sẽ mở ra một chân trời mới, một cuộc sống mới, rồi phút cuối anh thấy mình cô đơn), M.Kundera muốn xoáy sâu vào cảm giác lưu vong của con người, sau khi chịu bao biến động của lịch sử: Họ lưu vong trên chính đất nước quê hương của mình, và dù có tìm được cuộc sống mới ở một đất nước khác, mãi mãi họ vẫn không thoát nổi cảm giác lưu vong ấy.
Vô tri, Đời nhẹ khôn kham… với giọng văn bình thản, M.Kundera đưa ra những khái quát, triết lý sâu sắc về sự biến đổi âm thầm mà dữ dội của con người trước sự biến đổi của lịch sử. Lịch sử riêng của con người họ bị cuốn theo lịch sử lớn của đất nước, của thế giới. Sống trong những biến động lịch sử, con người không thể tự quyết được số phận, vận mệnh của mình, chỉ biết đón đợi số phận lịch sử gán sẵn cho mình mà thôi.
Thứ ba, M.Kundera đưa ra những triết lý về con người hiện đại trong tình yêu và tình dục.
M.Kundera đề cập nhiều về tình yêu của con người trong thời hiện đại, ông cũng không tránh né, chẳng ngại ngùng khi nhắc đến tình dục. Tuy nhiên, không giống như một số ý kiến cho rằng đưa tình dục vào tác phẩm để “hút độc giả”, tình dục trong tiểu thuyết của M.Kundera là cái cớ để ông đưa đến triết lý về giá trị thật của tình yêu trong cuộc sống. Những triết lý ấy phản ánh rõ quan niệm của ông về con người trong bản năng và lý trí. Quan niệm này bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái nhìn mới về con người, về bản năng và dục tính của học thuyết Freud.
89
Với người họa sĩ Rubens trong Sự bất tử, cuộc đời của anh không được đánh dấu bởi năm tháng, cũng chẳng là những sự kiện lớn trong cuộc đời, mà là trong tình dục. Thời kỳ đầu tiên của anh được mang tên Thời kỳ điền kinh câm lặng với quan niệm “phải biến toàn bộ năng lực tình yêu thành một kỳ tích thể lực trên thân thể một người phụ nữ” [30, tr.371]. Thời kỳ thứ hai được gọi là Thời kỳ ẩn dụ với việc anh dùng lối nói ẩn dụ để bóng gió về việc làm tình. Thời kỳ thứ ba có tên Thời kỳ thật sự thô bỉ khi anh trở nên thô bỉ hơn. Thời kỳ thứ tư là Thời kỳ điện thoại bị hỏng khi anh và những cô nhân tình và người tình của các cô nhân tình ấy truyền tai nhau, “chào nhau” qua những câu nói nhỏ. Thời kỳ thứ năm là Thời kỳ thần bí với suy nghĩ “tất cả đàn bà và đàn ông đều cùng có một dòng chảy, một con sông chung duy nhất của những hình ảnh tình ái. Mỗi người riêng lẻ nhận được những hình ảnh mơ mộng tội lỗi phần mình không phải từ anh nhân tình hay cô nhân tình theo nguyên lý điện thoại hỏng, mà từ cái dòng chảy vô cá thể (siêu cá thể hay trầm cá thể)… dòng sông chảy xuyên qua chúng ta đó… thuộc về người đã tạo ra chúng ta và đặt nó vào trong chúng ta, nói cách khác, nó thuộc về Chúa, hay hơn thế nó chính là một trong những hóa thân của Người” [30, tr.377]. Trải qua năm thời kỳ của cuộc đời mình, Rubens nhận ra “anh đã vĩnh viễn ở ngoài giới hạn tình yêu” [30, tr.388], bởi vì “bây giờ anh đã nằm ngoài thời gian của mặt số đồng hồ của mình” [30, tr.436].
Đi tận tận cùng của bản năng, con người sẽ càng cảm thấy cô đơn trong chính tiểu vũ trụ bản thân, nếu như trong họ không tồn tại cái gọi là tình yêu nữa. Tomas trong Đời nhẹ khôn kham cũng vĩnh viễn không bao giờ hiểu được thế nào là tình yêu, dù anh có được tình yêu duy nhất và trọn vẹn của Tereza. Santal và Jan- Mark (Bản nguyên) khi nhận ra không còn tình yêu nữa, họ đã hoàn toàn đánh mất mình và vô vọng tìm kiếm lại bản thể.
Không tìm thấy tình yêu nơi cuộc sống hiện tại, cuộc đời riêng bị soi mói, phơi trần bởi cuộc sống hiện đại của những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, số phận
90
bị đưa đẩy bởi dòng chảy chung lịch sử… con người quay cuồng đi tìm lại bản thân, tìm ý nghĩa cuộc đời mình. Bị tổn thương, họ tìm nơi bản năng, buông thả mình như tìm đến một sự giải phóng sự kìm kẹp, nhưng càng dấn sâu vào, họ càng thấy cái vô nghĩa đến nhẹ bồng của cuộc sống, họ càng mất phương hướng, càng không tìm thấy cái tôi của mình ở đâu.
Vậy đấy, hành vi tình dục sẽ trở nên thật cao đẹp khi có tình yêu, nhưng tầm thường khi tình yêu biến mất. Cao đẹp hay tầm thường – cái ranh giới ấy quá mỏng manh. Con người khó có thể phân định một cách rạch ròi.
Qua đó, M.Kundera đi đến một triết lý: “Một chân lý giáo huấn cũ nói rằng quan hệ tình dục không có tình yêu thì mất hết ý nghĩa, chân lý đó bất ngờ được khẳng định lại và có thêm giá trị mới” [30, tr.395]. Tình dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi được đặt trong mối quan hệ bền chặt với cái gọi là tình yêu.
M.Kundera đã đào sâu vào cuộc sống và tâm tư của con người trong cuộc sống hiện đại. Ông đã dẫn ra công thức quen thuộc về đặc trưng sinh tồn của Heidegger, đó là “tồn tại trong thế giới”, “con người không liên quan với thế giới như chủ thể với khách thể, như con mắt với bức tranh; cũng chẳng như diễn viên với trang trí sân khấu. Con người và thế giới gắn liền với nhau như con sâu với cái vỏ của nó: thế giới thuộc về con người, nó là kích cỡ của con người, và mỗi khi thế giới biến đổi, cái sinh tồn cũng biến đổi” [37, p.2].
Đưa ra những triết lý về mối tương quan giữa con người với thời hiện đại – thời của khoa học kỹ thuật, của biến động lịch sử, của sự giải phóng tình dục – ông muốn khẳng định sự nhỏ bé, yếu ớt của con người thời hiện đại. Thông qua đó, ông muốn lên tiếng bảo vệ con người, và hơn lúc nào hết, tiểu thuyết cần đảm đương sứ mệnh đó. Từ triết lý về con người thời hiện đại, ông nêu ra những triết lý về sứ mệnh của tiểu thuyết nhằm khẳng định tầm quan trọng của tiểu thuyết trong việc cứu rỗi con người.
91
3.2.2.2. Triết lý về sứ mệnh tiểu thuyết
Quan điểm của M.Kundera về tiểu thuyết “là một sự chiêm nghiệm có tính thơ về sinh tồn… Người ta tìm thấy ở đó nhiều sự kiện chính trị, chúng cung cấp cho người ta một cách giải thích xã hội học, lịch sử hay ý thức hệ...” [37, p.2]. Như vậy, qua các tiểu thuyết của M.Kundera, chúng ta có thể thấy được nhà văn có suy nghĩ như thế nào về vai trò và sứ mệnh của tiểu thuyết. Triết lý này đặc biệt biểu hiện rõ nét ở Sự bất tử và trong tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết.