B. NỘI DUNG
2.2.1. Khắc họa nhân vật từ những nét nhỏ của hình dáng và cử chỉ
Có nhiều phương thức xây dựng nhân vật khác nhau. Có người thiên về tả hình dáng, hành động và cử chỉ, để thông qua đó xây dựng nên tính cách nhân vật, có người chuyên đi sâu khám phá nội tâm với những diễn biến nhỏ bé, tinh tế nhất trong tâm hồn suy nghĩ của nhân vật, có người lại hài hòa giữa việc xây dựng hình dáng và nội tâm.
Với M.Kundera, việc miêu tả ngoại hình của nhân vật có sự khác biệt so với các thế hệ nhà văn trước. Những thứ thuộc về hình thức, ở bên ngoài nhân vật không thật sự được M.Kundera chú trọng. Hay nói đúng hơn, ông chỉ chọn lọc để miêu tả một số đặc điểm có thể tạo nên sự khác biệt cho nhân vật của mình, đôi khi đó lại là những hình ảnh thuộc về bên ngoài nhân vật. Nhưng, từ những nét phác thảo đơn giản nhưng vô cùng sắc sảo ấy, nội tâm của nhân vật sẽ được khắc họa một cách rõ nét.
Nhân vật trong tiểu thuyết của M.Kundera không được chú trọng trong những nét tổng quan của hình thức. Nhân vật của ông không được giới thiệu rõ nguồn gốc, thân phận, nơi sinh, quá trình trưởng thành từ bé tới hiện tại (nếu có,
46
như nhân vật Tereza trong Đời nhẹ khôn kham, thì cũng là trường hợp hiếm hoi được tác giả cố tình nhắc về quãng đời tuổi thơ, để qua đó lý giải cho những tâm tư, tính cách và hướng lựa chọn cuộc sống hiện tại của cô). Người đọc không biết nhân vật của M.Kundera bao nhiêu tuổi, da và tóc có màu gì, gầy hay béo, xinh hay xấu, cao hay thấp… Thậm chí đôi khi nhân vật cũng không được nhà văn trao cho một cái tên cụ thể, mà chỉ được gọi bằng các danh từ chung như anh ta, cô ấy, hắn ta… Đi xa hơn, có khi họ còn mang một cái tên có tác dụng xóa nhòa đi con người thật như cô A, cô B, cô C, anh bạn F… Họ chỉ được tạo nên như những bức tranh phác thảo, và điểm nhấn của họ sẽ là nét chấm phá của một dáng đi, hay đơn giản hơn, là vóc dáng của một bộ phận cụ thể nào đó trên cơ thể.
Đặc điểm này khác hẳn với cách miêu tả nhân vật ở các nhà văn khác. Trước đây, nhân vật thường hiện lên đầy đủ với cả lý lịch, hình dáng, tên tuổi và tính cách. Tiêu biểu cho lối giới thiệu nhân vật một cách kỹ lưỡng đến tỉ mỉ là Balzac. Nhân vật của ông được miêu tả rõ đến từng yếu tố: luôn có tên đầy đủ, được miêu tả cụ thể từ ngày sinh, nơi sinh cho đến tuổi tác. Hình thức nhân vật cũng được Balzac mô tả đến từng chi tiết nhỏ, từ màu da, cách ăn mặc quần áo, cách đi đứng, các điệu bộ cử chỉ cho tới từng diễn biến tâm lý khi nhân vật đứng trước một sự việc nào đó. Rồi những đặc điểm về hình thức và tính cách càng được đẩy lên đến mức độ khó có thể miêu tả chi tiết hơn, khi họ sống, bộc lộ con người mình – con người trong xã hội tư bản, bị những yếu tố của vật chất chi phối. Đặc điểm này khiến người đọc có thể hình dung được nhân vật của Balzac một cách rõ nét, với cùng một hình mẫu, “mẫu số” chung, nếu có sự xê xích khác biệt thì cũng chỉ là rất nhỏ bé.
Quay trở lại với các nhân vật của M.Kundera. Chỉ hiện lên rất sơ sài trong những nét chấm phá, nhưng nhân vật của M.Kundera vẫn để lại thật nhiều ấn tượng, thậm chí là những ám ảnh trong lòng người đọc. Tại sao lại như thế?
Agnés hiện lên trước mắt nhà văn như một sự tình cờ, hoàn toàn không có chủ ý. Chỉ là ở trong khung cảnh một bể bơi, hiện lên trước mắt nhân vật “tôi” - nhà
47
văn hình ảnh một bà già bước lên từ bể. Bàn tay bà đưa lên cao vẫy tạm biệt anh huấn luyện dạy bơi của bà, cái vẫy tay của bà có nét ngượng nghịu, nhưng lại chứa đựng sự duyên dáng của một cô thiếu nữ. Hình ảnh người phụ nữ cùng cái vẫy tay đầy trẻ trung ấy khiến nhà văn liên tưởng tới một cô gái. Và tức khắc, nhân vật Agnés ra đời. Tình cờ, ngẫu hứng, rất mơ mộng nhưng cũng rất thực tế, Agnés được “thoát thai” từ một người phụ nữ vô danh bên bể bơi như vậy. Nói đúng hơn, nàng được tạo ra chỉ từ hình ảnh ngượng nghịu mà duyên dáng của bàn tay giơ lên cao vẫy chào kia. Không có tuổi thơ, không có sự tóm tắt về thân phận, cũng chẳng cần lai lịch rõ ràng, nhưng kể từ khi được hình thành, Agnés đã trở thành một nhân vật không thể thiếu của Sự bất tử. Có thể nói Agnés được tạo thành từ các cử chỉ. Cô còn có cử chỉ giơ tay đặc trưng nàng học được từ người thư ký của cha mình, “giống như tung một quả bóng mầu lên trời” [30, tr.54]. Cô còn được hình thành từ cử chỉ giơ hai tay ôm lấy ngực trong một điệu nhảy. Cử chỉ này tạo riêng dấu ấn trong lòng họa sĩ Rubens.
Chúng ta có một hình dung thế nào về Agnés? Một người phụ nữ dịu dàng, kín đáo? Một người phụ nữ sâu sắc, trầm tư? Hay một người phụ nữ bản lĩnh, vững vàng? Nàng đẹp kiêu sa hay chỉ đơn thuần mang những nét dễ coi trên khuôn mặt, dáng vóc của nàng là dáng vóc của một thiếu phụ đã có chồng và một đứa con gái tuổi thiếu niên, hay vẫn còn mang những nét tinh khôi của một thiếu nữ? Hẳn không một độc giả nào có được câu trả lời chính xác. Những người xung quanh nàng cũng mang những ấn tượng khác nhau về nàng. Với cô em gái Laura, Agnés là người “không biết yêu” với lối sống khô khan, thực tế. Với người tình họa sĩ Rubens, Agnés luôn luôn là một cô thiếu nữ dịu dàng, ngây thơ với hình ảnh đưa tay che ngực trong một điệu nhảy xa xưa, khi họ còn trẻ. Agnés cũng hiện lên khác nhau trong mỗi độc giả khác nhau, tùy vào trí tưởng tượng của người đọc. Nhưng, dù hiện lên với dáng vẻ, điệu bộ, hình thức nào, thì Agnés vẫn luôn là một nhân vật được mọi người yêu mến.
48
Cùng với hình ảnh cái vẫy tay kia, Agnés còn lưu lại trong tâm trí độc giả bởi hình ảnh một cô gái đi như mơ trên phố, tay cầm nhành hoa lưu ly màu tím. “Nếu rốt cuộc sự xấu xí này đã siết chặt đến mức không thể chịu đựng được nữa, nàng (tức Agnés) sẽ vào hàng hoa mua một cành lưu ly, một cành lưu ly duy nhất, thân mỏng mảnh đỡ tán xanh nhỏ nhắn, rồi cầm nó đi ra phố và cứ giữ nó trước ngực, chăm chăm nhìn vào nó để chỉ thấy cái chấm xanh nhỏ tuyệt vời duy nhất này thôi, để chỉ thấy nó như vật cuối cùng nàng để cho mình và cho đôi mắt mình từ cái thế giới mà nàng đã thôi yêu” [30, tr.31]. Cành hoa lưu ly, cô gái cùng dáng vẻ như muốn bản thân thoát ra khỏi cuộc sống với những nhộn nhạo, ngột ngạt, ghê tởm của tiếng ồn và mùi vị đã tạc nên một Agnés luôn bức bối với nhịp sống xung quanh mình, luôn không tìm thấy ý nghĩa và không tìm thấy chính bản thân trong cuộc sống thường nhật và trong đời sống vợ chồng.
Khi miêu tả về vóc dáng của Agnés, chỉ cần qua hình ảnh những mũi tên, M.Kundera đã hoàn toàn lột tả được những tâm tư, diễn biến và tính cách của nàng. Đây là mũi tên tính cách Agnés:
↓
↑
“Thân thể vươn lên như ngọn lửa. Còn cái đầu thường xuyên cúi xuống: một đầu óc hoài nghi nghiêng xuống mặt đất” [30, tr.327]. Nàng luôn muốn thoát ra khỏi sự ồn ào, hỗn tạp của cuộc sống, nàng hướng tới những giá trị đích thực, nhưng thực tế, những suy nghĩ của nàng luôn bị làm phiền bởi những gì xảy ra xung quanh mình.
Trái ngược với hình ảnh Agnés là những mũi tên nói lên tính cách của Laura, em gái Agnés:
↑
49
“Phần mông như cái neo sắt cắm chặt… xuống đất” [30, tr.326]… “Cái đầu chứa đầy mơ mộng hướng lên trời, còn thân thể thì bị hút xuống đất: cặp mông và bộ ngực của cô ta khá nặng nề nên hướng xuống dưới” “phần mông như cái neo sắt cắm chặt… xuống đất” [30, tr.327].
Chỉ với những chi tiết hết sức đơn giản và dường như mơ hồ của cái vẫy tay, của hình ảnh cô gái cầm nhành lưu ly, của hình ảnh những mũi tên, người ta thấy được một Agnés luôn lơ đãng, luôn muốn thoát ra khỏi cái cuộc sống mà nàng đang hiện hữu; một Agnés luôn băn khoăn với “khuôn mặt riêng mình” và “khuôn mặt bản thế”, cuộc sống của nàng như một cuộc hành trình tìm lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống của mình.
Agnés giống như một nốt nhạc nhẹ nhàng thẩm thấu vào mạch truyện, trong suốt cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tìm lại “khuôn mặt riêng” của mình - không hề giả tạo và chủ ý, cũng không hề mong muốn những thứ hư danh - nàng đã đi đến sựbất tử. Mãi mãi. Vĩnh viễn.
Trái ngược hoàn toàn với nàng là cô em gái Laura. Hình ảnh những mũi tên đã bộc lộ rõ nét con người cô - một người phù phiếm, ích kỷ, giả tạo, thích những gì thuộc về hình thức. Laura cũng không được M.Kundera chú ý khắc họa kỹ lưỡng những chi tiết thuộc về hình dáng, ông chỉ dùng hình ảnh những mũi tên để nêu bật lên những nét tính cách trái ngược với cô chị. Bên cạnh đó, nhà văn còn dùng hình ảnh chiếc kính để nói lên sự giả tạo, tính hình thức của Laura. “Kính râm đối với nàng là dấu hiệu của nỗi buồn. Nàng mang kính, nhưng không phải để giấu nước mắt mà để cho thấy nàng đang khóc. Chiếc kính trở thành vật thay thế của nước mắt” [30, tr.124]. Một hành động đầy tính kịch cũng được M.Kundera gán cho Laura (dường như hành động này được tiếp nối từ nhân vật Betina của nhiều thế kỷ về trước), chính là hành động mà M.Kundera gọi là “cử chỉ đòi hỏi sự bất tử” [30, tr.287]: “Thoạt đầu nàng ngón tay vào điểm giữa hai bầu vú, dường như muốn chỉ vào chính cái tâm điểm của cái chúng ta gọi là cái “tôi” của mình. Sau đó nàng hất
50
tay ra trước, như muốn gửi cái “tôi” đó đến chốn xa xôi tận chân trời vào cõi bất tận” [30, tr.287].
Hành động, cách xử sự của cô hoàn toàn chứng tỏ một con người hình thức giả tạo, ích kỷ, hay ghen tỵ do thói được cưng chiều, nhường nhịn từ bé. Với hi vọng in dấu mình ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi người xung quanh mình, nhưng với tính cách và lối xử sự của mình, cô không bao giờ tìm được sự bất tử cho bản thân.
Không thể. Hoàn toàn.
Như vậy là, chỉ qua những nét phác thảo đơn giản về hình thức, M.Kundera vẫn có thể qua đó lột tả sâu sắc những diễn biến tâm lý và khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Cách xây dựng nhân vật này, chúng ta có thể bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm khác của ông. Trong Điệu Valse giã từ, chúng ta có thể nhận biết cô y tá Ruzena, nghệ sĩ thổi kèn nổi tiếng Klima, ông người Mỹ Bertlef, bác sĩ Skreta ở khu điều dưỡng và người bạn của ông – Jakub… là những người có tính cách như thế nào, nhưng khó ai có thể diễn tả lại hình dáng, khuôn mặt của mỗi người trong số họ. Gạt bỏ đi những chi tiết rườm rà về hình thức, M.Kundera để các nhân vật của mình hoàn toàn quên đi những thứ hữu hình thuộc về cuộc sống và con người thực tại để bị lôi đi bởi một điệu valse định mệnh. Trong vũ điệu này, mỗi người đều bị cuốn theo một điệu nhảy của riêng mình, hòa với điệu nhảy chung ngẫu hứng với những nhân vật khác – những người mà họ không hề biết trước và cũng không được định sẵn là sẽ cùng dìu nhau trong những nốt nhạc. Tình cờ, ngẫu nhiên mà mê đắm quyến rũ, những con người vô tình gặp trong điệu nhảy sẽ tương tác với nhau, tạo nên những thay đổi về suy nghĩ nhận thức, thậm chí ảnh hưởng đến cả số phận riêng của mỗi nhân vật.
Thật ra, việc không chú trọng miêu tả những nét thuộc về hình thức bên ngoài của nhân vật, chỉ khắc họa những nét nhỏ của hình dáng và cử chỉ là một chủ ý nghệ thuật của M.Kundera. Như đã nói trong chương I, “cô đặc” chính là một trong những thủ pháp về mặt kết cấu. Việc lược bỏ thân phận, hình dáng của nhân
51
vật khiến mỗi độc giả sau khi đọc xong có được những hình dung riêng đối với các nhân vật.
Chủ ý nghệ thuật chỉ khắc họa những nét nhỏ của hình dáng và cử chỉ còn là phong cách riêng xuất phát từ quan niệm về con người của M.Kundera. Việc bị ảnh hưởng bởi triết học hiện đại có tác động sâu sắc tới phong cách sáng tác của nhà văn. Khi miêu tả nhân vật mà giản lược tới mức tối thiểu thân phận, tên tuổi, hình dáng của họ, ông muốn nhấn mạnh một điều rằng: con người trong cuộc sống này nhỏ bé đến vô cùng. Họ chỉ như những thực thể tồn tại mờ nhạt mà không hoàn toàn làm chủ được những diễn biến xung quanh, thậm chí không làm chủ, nắm bắt và hiểu rõ được chính bản thân mình. Do vậy, họ luôn phải sống trong sự lo lắng, sợ hãi, luôn băn khoăn trong việc tìm kiếm bản thể.
Triết học hiện đại phủ nhận quan điểm con người là trung tâm của vũ trụ của triết học thời kỳ trước. Triết học hiện đại cho rằng con người cũng chỉ là một phần trong sự đa dạng, phong phú đến vô tận của vũ trụ. Con người chịu sự chi phối của các hiện tượng, sự việc xung quanh mình, và lớn nhất, đó là chịu sự chi phối của cái chết. Do rất mong manh, nhỏ bé trước sự vĩ đại, vô tận của thế giới, mà đôi khi con người lạc lối, mất phương hướng, họ không biết nên nghĩ gì, làm gì, họ không biết đâu là con người thật của mình. Trong cuộc sống đầy rẫy những bất an, nguy cơ ấy, họ che giấu đi con người thật của mình, và tìm một khuôn diện khác để trưng ra ngoài. Nỗi sợ hãi ấy xuất phát từ nỗi sợ hãi về chính thể của bản thân, nó khiến con người không thể sống thật với đúng bản chất của mình. Chỉ trong những tình huống hiện sinh tiêu biểu, họ mới bộc lộ bản chất thật – bản chất mà chính họ cũng phải ngạc nhiên, do sống quá lâu trong một bộ mặt, một khuôn mẫu giả tạo.
Tereza trong Đời nhẹ khôn kham luôn thường trực trong tâm khảm nỗi ám ảnh về quá khứ tuổi thơ, khi phải sống cùng với một người mẹ có những “hành vi, ngôn ngữ hung tợn, thô bạo, đầy chất tự hủy” [33, tr.54], một người mẹ luôn chế giễu Tereza, một người mẹ luôn coi Tereza chính là nguyên nhân của những đau
52
khổ, bất hạnh, thiệt thòi mà bà đang phải chịu đựng. Có lẽ đây là nhân vật duy nhất được M.Kundera nhắc về tuổi thơ và quãng đời đã qua nhiều đến như vậy. Dụng ý nghệ thuật của nhà văn, là qua đó xoáy sâu vào những ám ảnh, tủi nhục mà Tereza phải chịu đựng, nó không những hằn dấu vết lên tuổi thơ cô, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại, tới tâm lý và suy nghĩ của cô, dù Tereza đã có cuộc sống mới, hoàn toàn thoát ly khỏi gia đình, khỏi vùng đất quê hương. Chính những ám ảnh này đã tạo nên tính cách một Tereza nhạy cảm, dễ bị tổn thương, và nó có ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của cô – cho tới lúc chết.
Tuy nhiên, ngoài việc nhắc nhiều tới tuổi thơ của Tereza như một biến cố đầu tiên mở đường cho các biến cố sau này, M.Kundera hoàn toàn không miêu tả tuổi tác, vóc dáng, khuôn mặt, dáng đi… của cô, cũng như không miêu tả hình thức của