B. NỘI DUNG
2.1. KHÁI NIỆM NHÂN VẬT
“Nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách” [5, tr.126]. Khái niệm nhân vật này cũng chỉ rõ, “nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người… mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người… Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan tới con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm…” [5, tr.126].
Dù nhân vật là con người, là sự vật, loài vật hay là một hiện tượng thì nhân vật cũng là một yếu tố không thể thiếu trong một tác phẩm văn học. Nhân vật là nơi để tác giả thổi hồn, gửi gắm vào đó những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm; là nơi để tác giả xây dựng nên những mối quan hệ giữa con người, giữa sự vật với cuộc sống.
Việc tìm hiểu một tác phẩm văn học không thể bỏ qua việc tìm hiểu về nhân vật. Mỗi nhà văn, tùy vào quan niệm thẩm mỹ và mục đích mà sáng tạo nên các loại hình nhân vật khác nhau. Bởi vậy, khi khám phá nhân vật cũng có nghĩa là chúng ta đang tìm hiểu về những suy nghĩ, quan điểm, tư duy và lý tưởng của nhà văn. Thậm chí, nếu nhà văn hóa thân vào nhân vật, thì khám phá nhân vật cũng chính là một hình thức khám phá con người thật sống động tác giả.
Theo quan niệm truyền thống về cách xây dựng nhân vật, thì nhân vật phải có các yếu tố sau: tư tưởng, thế giới xúc cảm, ngoại hình và hành động. Tuy nhiên,
41
tiểu thuyết thời kỳ đầu thường chỉ xây dựng nhân vật qua ngoại hình và hành động, các tác giả thông qua ngoại hình và hành động để xây dựng tính cách, đặc biệt là ở các tiểu thuyết Trung quốc và phương Đông. Trong Tam quốc diễn nghĩa, chỉ bằng việc miêu tả hình dáng và kể lại những hành động, lời nói của nhân vật mà chúng ta thấy được một Trương Phi nóng nảy, khẳng khái, bộc trực; một Quan Vân Trường dũng cảm phi thường, trọng nghĩa, trọng chữ tín, là bề tôi trung thành; một Lưu Bị tính ôn hòa, ít nói, mừng giận không lộ ra sắc mặt, nhưng lại có chí lớn, kết giao với các tay hào kiệt trong thiên hạ; một Khổng Minh Gia Cát Lượng mưu trí, có tài năng siêu phàm; một nhà chính trị, nhà quân sự Tào Tháo tài cao, hùng khí… Như vậy, tiểu thuyết thời kỳ đầu, khi xây dựng nhân vật thì hầu như chỉ khắc họa về ngoại hình và hành động mà vắng bóng đi tư tưởng, thế giới xúc cảm và những đấu tranh nội tâm của nhân vật. Điều này làm cho nhân vật ít nhiều trở nên đơn điệu và mất đi tính chiều sâu.
Nhân vật trong tiểu thuyết phương Tây cũng có những bước phát triển khác nhau qua từng thời kỳ. Được coi là tác phẩm mở đầu cho nền tiểu thuyết đích thực – nền tiểu thuyết gắn với những tìm tòi tư tưởng triết lý, Đôn Kihôtê của nhà văn Cervantes đã chú trọng khai thác nhân vật Đôn Kihôtê với những tâm tư, suy nghĩ riêng đặc trưng cho tính cách. Không gian của nhân vật Đôn Kihôtê là một không gian mở rộng lớn gắn với các cuộc phiêu lưu. Tương ứng với không gian này là sự tạo dựng hình tượng chính trong các mối tương quan với các nhân vật, hoàn cảnh khác, với nhiều hành động và xung đột. Chỉ một thời gian ngắn sau sự ra đời của tác phẩm này, nhân vật tiểu thuyết đã tự thu mình lại trong không gian nhỏ hơn, đó là thiết chế xã hội tư sản với những toan tính quẩn quanh, mà điển hình là các nhân vật của Balzac - họ được chú trọng tới chiều sâu tâm lý với số phận riêng. “Nhà tiểu thuyết tính cách” [19; tr.129] Balzac nhận rõ tác động sâu sắc của hoàn cảnh vào sự hình thành tính cách, tạo nên một thể thống nhất giữa thế giới nội tâm với thế giới đồng tiền và tham vọng. “Không nghi ngờ gì nữa, cái tầm cỡ phong
42
phú muôn hình nghìn vẻ trong tâm trạng nhân vật luôn phát triển theo sự biến động chi phối của thế lực đồng tiền” [19; tr.129]. Với Stendhal, ông chú trọng tới sự phát triển của tâm lý. Để nhân vật tự bộc lộ mình, nhà văn sử dụng độc thoại nội tâm như một phương thức đắc địa thể hiện tính cách. “Sự phát triển cái tôi tinh thần của các nhân vật trở thành khâu trung tâm miêu tả đã tạo nên một đặc trưng thẩm mỹ… Đây là một bước tiến lớn trong sự khám phá đời sống tâm hồn phong phú của nhân vật” [19, tr.130]. Và, càng về sau, tiến đến nền văn học hiện đại, nhân vật càng được chú trọng vào chiều sâu tâm lý. Nhưng họ không vận động trong một không gian của xã hội tư bản nữa, mà suy nghĩ của họ chuyển động trong không gian nhỏ hẹp là bốn bức tường xung quanh mình, với những lo lắng, bận tâm của thường nhật, của những gì mà có liên quan trực tiếp tới bản thân họ. Rồi tiến đến những kiểu nhân vật mà những gì thuộc không gian bên ngoài đã hoàn toàn được thay thế bởi chiều sâu trong chính nội tâm của nhân vật (tiêu biểu, phải kể đến những tiểu thuyết tâm lý của Flaubert).
Về sau này, kể cả khi được đặt trong những sự kiện lịch sử to lớn vĩ đại, thì nhân vật vẫn được chú trọng khắc sâu, chiếu sáng từ những diễn biến tâm lý và đấu tranh nội tâm. Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi của nền văn học Nga đã tái hiện thành công một giai đoạn lịch sử Nga, về cuộc chiến tranh Vệ quốc cùng cuộc sống của giai cấp quý tộc trước và sau chiến tranh. Nhưng cũng không thể bỏ qua điều làm nên sự vĩ đại của tác phẩm, đó chính là nghệ thuật miêu tả tâm lý. Ở đó, nhân vật đọc thoại nội tâm, suy tư và tự mổ xẻ mình với những ý nghĩ thường nhật, từ những biến suy tư nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày đến những trăn trở về cuộc chiến. Những suy tư ấy còn tái hiện trong cả giấc mơ của các nhân vật. Anđrây, Pie, Pêchia, Natasa… họ là những con người sống động được nhà văn xây dựng từ những biến đổi nội tâm sâu kín nhất.
Như vậy, qua các chặng đường phát triển của văn học, cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết có sự chuyển biến rõ rệt: từ không gian rộng lớn - không gian
43
hướng ngoại tới không gian nhỏ bé hơn - không gian hướng nội. Từ đơn thuần mô tả hình dáng, hành động đến phức tạp hơn, là đi sâu khám phá tâm tư và những diễn biến nội tâm. Sự chuyển biến trong hình thức xây dựng nhân vật như vậy giúp nhân vật trở nên sinh động như cuộc sống thật, cũng qua đó phản ánh sự đổi mới về tư duy, về phương thức sáng tạo của nhà văn.
Sự đổi mới này diễn ra trong suốt một quãng thời gian dài, liên tục không ngừng nghỉ. Ở M.Kundera và những nhà văn thế kỷ XX, khi họ cùng chịu ảnh hưởng của những tư tưởng triết học hiện đại của một số triết gia như Nietzsche, Heidegger… và ảnh hưởng bởi phân tâm học Freud, cùng với đó là sự “xâm phạm” của khoa học kỹ thuật vào mọi ngõ ngách của đời sống mỗi con người, thì cách xây dựng nhân vật của họ cũng có sự đổi mới theo hướng hiện đại, hầu như khác biệt với các lối xây dựng nhân vật trước đây. Nhân vật thời kỳ này được xây dựng để nhà văn khái quát, đặt ra một câu hỏi thường trực: Con người là gì? Bản chất của con người là thế nào? Làm sao để bảo vệ, cứu rỗi con người khỏi những bi kịch thời hiện đại?