Lý thuyết biến đổi xã hội

Một phần của tài liệu Biến đổi hoạt động sinh hoạt cộng đồng - xã hội trong thời kỳ đổi mới (Trang 26)

10. Kết cấu luận văn

1.2.1.Lý thuyết biến đổi xã hội

Khi thực hiện nghiên cứu “Biến đổi hoạt động sinh hoạt cộng đồng xã hội trong thời kỳ đổi mới”, tác giả chọn lý thuyết biến đổi xã hội là một trong những lý thuyết nền tảng để phân tích.

Biến đổi xã hội luôn được các nhà nghiên cứu về xã hội, đặc biệt là các nhà xã hội học quan tâm. Các nhà xã hội học kinh điển như Karl Marx, A. Comte, H. Spencer hay E. Durkhiem luôn coi biến đổi xã hội là vấn đề cơ bản của xã hội. Nếu không có sự biến đổi xã hội thì các xã hội sẽ luôn ở trạng thái gốc. Biến đổi xã hội là một quá trình xã hội về những thay đổi trong cơ cấu của một hệ thống xã hội.

Theo quan điểm của Lý thuyết biến đổi xã hội, mọi xã hội từ khi hình thành đều không ngừng biến đổi, vận động. Theo Từ điển Xã hội học, “Biến đổi xã hội là sự thay đổi có ý nghĩa về mặt cơ cấu xã hội (đó là hành động xã hội và tương tác xã hội) kể cả hậu quả và biểu thị của những cơ cấu biểu hiện ở các chuẩn mực giá trị của các sản phẩm và các biểu trưng văn hóa”. Tuy nhiên có một khái niệm về biến

đổi xã hội khá phổ biến và được nhiều người chấp nhận, đó là: “Biến đổi xã hội là

một quá trình qua đó những khuôn mẫu của các hành vi xã hội, các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng xã hội được thay đổi theo thời gian”.

Không chỉ dừng lại với tư cách là một khái niệm đơn thuần, biến đổi xã hội còn đóng vai trò là một lý thuyết lớn trong nghiên cứu xã hội học, đặc biệt là trong nghiên cứu về đô thị hoá, xã hội học nông thôn, xã hội học đô thị. Trong các nghiên cứu về biến đổi xã hội cho thấy những nhân tố có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự biến đổi xã hội phải kể đến là đô thị hoá, hệ giá trị - tư tưởng, văn hoá, khoa học công nghệ…, trong đó đô thị hoá được coi là nhân tố quan trọng nhất.

Nguồn gốc của lý thuyết biến đổi bắt đầu từ triết học khi cho rằng mọi xã hội đều tồn tại trong trạng thái vận động và phát triển không ngừng. Biến đổi xã hội là một hiện tượng phổ biến, diễn ra ở mọi xã hội, nó được coi là một quá trình, một thuộc tính tất yếu của tồn tại xã hội.

A. Comte tuyên bố rằng, biến đổi xã hội là chắc chắn sẽ xảy ra, nó theo một con đường phát triển và những tiến bộ tất nhiên hướng tới một xã hội tốt hơn. Biến đổi xã hội là tăng trưởng và phát triển xã hội cả về mặt vật chất cũng như trí tuệ và năng suất lao động xã hội. Đó là quá trình tiến hoá tất yếu của xã hội cùng với quá trình tích luỹ tri thức và khoa học công nghệ của con người.

Lý thuyết biến đổi xã hội đề cập đến sự biến đổi xã hội về mặt cấu trúc hay tổ chức. Sự biến đổi đó có ảnh hưởng đến phần lớn các cá nhân trong xã hội. Biến đổi xa hội là hiện tượng phổ biến nhưng nó không diễn ra giống nhau giữa các xã hội. Mỗi xã hội đều biến đổi thông qua thời gian, nhưng do điều kiện khác nhau nên các xã hội biến đổi theo nhịp độ nhanh chậm khác nhau. Điều này cho thấy biến đổi xã hội phải diễn ra trong thời gian và hoàn cảnh cụ thể của từng xã hội và nhu cầu xã hội chính là động lực cho biến đổi xã hội.

Trong 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới đất nước. Hệ thống chính sách đổi mới đã giúp phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội, hướng tới một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đời sống vật chất được đảm bảo khiến cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú.

Áp dụng lý thuyết biến đổi vào nghiên cứu biến đổi hoạt động sinh hoạt cộng đồng xã hội trong thời kỳ đổi mới giúp chúng ta tìm hiểu những thay đổi ở cấp độ cá nhân trong việc tham gia những hoạt động cộng đồng trong thời kỳ đổi mới? Những nhân tố tác động tới sự biến đổi đó là gì?

Do khả năng cá nhân còn hạn chế nên tác giả chỉ tập trung vào phân tích những biến đổi trong việc tham gia các hoạt động - cộng đồng xã hội của người dân trong 10 năm trở lại đây. Các yếu tố nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, nơi sinh sống của hộ gia đình, tuổi và trình độ học vấn được xem là những nhân tố có ảnh hưởng tới việc biến đổi trong hoạt động sinh hoạt cộng đồng - xã hội.

Một phần của tài liệu Biến đổi hoạt động sinh hoạt cộng đồng - xã hội trong thời kỳ đổi mới (Trang 26)