2. Sự phá cách và sáng tạo trong lập luận của Hồ Chí Minh
2.3. Sáng tạo trong cách tạo nên lập luận nhờ việc đặt câu hỏi
Trong các tác phẩm văn học, bên cạnh những câu trần thuật đều đều và thông thường, các tác giả văn chương thường kết hợp các kiểu câu khác như hỏi, cầu khiến, cảm thán để tác phẩm thêm phần lôi cuốn, hấp dẫn. Nhưng vấn đề quan trọng là đưa các loại câu ấy vào như thế nào và khi nào để đạt hiệu quả cao nhất cho tác phẩm? Đồng thời, nếu một tác phẩm không thuộc loại hình văn học nghệ thuật thì nên áp dụng các câu đó như thế nào cho hợp lí? Trên thực tế chưa có câu trả lời xác đáng hay mẫu số chung để giải đáp câu hỏi trên, tuy nhiên cho đến nay đã có rất nhiều nhà văn cùng với tác phẩm của mình thành công trong việc kết hợp các loại câu khác nhau trog một tác phẩm. Và Hồ Chủ Tịch là điển hình của sự vận dụng thành công đó.
Phạm vi luận văn này, chúng tôi xin phép không đề cập đến các tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh mà bàn bạc việc vận dụng linh hoạt câu hỏi nhằm tạo nên những hiệu ứng và thành công đặc biệt trong các tác phẩm về quân sự và chính trị của Người. Đó chính là sự sáng tạo trong việc đặt câu hỏi để tạo nên lập luận, tính mạch lạc, logic và mang đến thành công cho các tác phẩm kêu gọi của Người.
Một điều rõ ràng mà người đọc rất dễ nhận thấy là Hồ Chí Minh thường dùng nhiều loại câu khác nhau trong một bài viết thay vì chỉ dùng một loại câu tường thuật như thông thường. Nghĩa là trong mỗi tác phẩm Người thường gửi gắm suy nghĩ, tâm sự của mình và những cung bậc cảm xúc ấy được thể hiện qua từng con chữ với sắc độ khác nhau. Những con chữ ấy lại được biểu diễn bởi các diễn ngôn khác nhau như: trần thuật, cầu khiến, nghi vấn, cảm thán. Tương ứng với những câu này là những cảm xúc, suy nghĩ khác nhau của tác giả. Sự sáng tạo và thành công trong những tác phẩm kêu gọi của Bác được chúng tôi đề cập ở đây không phải bởi việc sử dụng linh hoạt các câu hỏi trong bài mà bởi Bác đã sử dụng thật sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong tác phẩm thuộc lĩnh vực chính trị quân sự khô khan chứ không phải trong tác phẩm văn học nghệ thuật. Nếu như theo lí thuyết thông thường lập luận được hình thành bởi luận cứ và kết luận thì ở một số trường hợp đặc biệt, lập luận trong tác phẩm của Bác được tạo nên chỉ bởi các câu hỏi đặc biệt.
Luận văn tốt nghiệp
Trong “Lời kêu gọi nhân ngày 27/7/1948”, sau đoạn viết về tấm gương hi sinh anh dũng của các thanh niên yêu nước giờ đã là các thương binh, liệt sĩ, Người đã đưa ra những câu hỏi mà không cần câu trả lời cho nó nhưng ai cũng thấu hiểu. Đó không phải là câu hỏi thông thường trong đời sống - hỏi và trả lời mà theo chúng tôi nhận định, đó chính là một luận cứ không mang tính chính thức của Bác. Từ những luận cứ không mang tính chính thức này, Người vẫn đưa ra kết luận xác đáng cho bài viết mà người đọc đều cảm thấy tâm phục khẩu phục.
- Khi nạn ngoại xâm đến, số đông thanh niên dũng cảm xông ra mặt trận, có người trở thành thương binh, có người đã là liệt sĩ. Họ đã hi sinh cho ai?
(p1)
- Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ mong đợi kháng chiến thắng lợi họ sẽ trở về quê hương, ngày nay bố mẹ họ mất đi người con yêu quý, vợ mất chồng, con bồ côi. Họ đã hi sinh cho ai? (p2)
- Để báo đáp công ơn đó, đồng bào trước đã giúp đỡ, sau sẽ giúp đỡ mãi những gia đình thương binh và tử sĩ (r)
Những câu hỏi trên không chỉ đơn thuần để chờ đợi một câu trả lời mà ở đây, Bác đã vận dụng thật linh hoạt câu hỏi tu từ nhằm tạo cho người đọc những trăn trở, nghĩ suy. Và lời kết luận mà Bác đưa ra chắc cũng trùng hợp với điều mà độc giả suy nghĩ. Do vậy, sự sáng tạo độc đáo của Bác là đặt câu hỏi trong hoàn cảnh phù hợp, khi đó, nó không chỉ tạo nên một luận cứ mà có tác động sâu sắc đến suy nghĩ, cảm xúc trong tâm hồn người đọc, người nghe. Lời kêu gọi cho một hoạt động chính trị, quân sự lúc này không hề khô khan hay ép buộc mà nó đi vào lòng người thật nhẹ nhàng và thấm thía.
Một tác phẩm khác – “Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp” (1947) cũng là minh chứng cho sự sáng tạo hết sức thú vị và thành công của Bác khi vận dụng câu hỏi như một luận cứ nhằm tạo nên lập luận. Trong lời kêu gọi này, Bác đã hơn một lần dùng câu hỏi tu từ nhưng chắc chắn không phải để khỏi mà để khẳng định rõ hơn bộ mặt xấu xa của thực dân Pháp. Trong một câu hỏi khác, câu trả lời của Bác lại chính là kết luận cuối cùng của lời kêu gọi, là những gì mà Bác muốn và toàn dân tộc Việt Nam đang
Luận văn tốt nghiệp
hướng tới, là lời kêu gọi và đề nghị mà toàn dân Việt Nam muốn gửi tới Chính phủ và nhân dân Pháp.
- Chiến tranh bùng nổ do chính sách võ lực và xâm lược của Pháp mà người ta vu cho chúng tôi gây ra cuộc chiến tranh này. Chúng tôi nhiều lần kêu gọi Chính phủ Pháp gây hoà bình và tin tưởng lẫn nhau. Phải chăng đó là một cuộc gây chiến? (p1)
- Việc tiếp tục chiến sự ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, việc chiếm đóng Hải Phòng và Lạng Sơn, việc tàn sát thường dân ở Hà Nội, phải chăng đó là những bằng cớ chứng tỏ ý muốn hoà bình của những người đại diện Pháp ở đất này? (p2)
- Chúng tôi muốn gì? (p3)
- Chúng tôi muốn độc lập và cộng tác như anh em với Pháp (r1)
- Chúng tôi muốn kiến thiết lại đất nước với sự giúp đỡ của Pháp để mưu lợi ích chung cho hai dân tộc (r2)
- Chúng tôi mong đợi Chính phủ và nhân dân Pháp một cử chỉ mang lại hoà bình nếu không chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng đất nước. (r3)
Những luận cứ và kết luận trên chỉ ra rằng cho dù được hình thành dưới hình thức là các câu khẳng định hay câu nghi vấn thì tác giả vẫn định hướng chúng theo mục đích riêng của mình. Trong lời kêu gọi này, Hồ Chủ Tịch đã tinh tế và thành công khi sử dụng các câu hỏi nhằm tạo nên lập luận. Sự khác biệt và sáng tạo đó làm cho tác phẩm kêu gọi không đi vào sự tẻ nhạt, nhàm chán và khô khan mà nó có rất nhiều cung bậc cảm xúc, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng mà thật thấm thía. Sự sáng tạo và linh hoạt trong cách vận dụng các loại hình câu đã thực sự mang lại hiệu quả PR và thành công trong công cuộc chiến đấu giành hoà bình và xây dựng đất nước của Hồ Chủ Tịch.