Quan niệm sử dụng ngôn ngữ của Hồ Chí Minh trong những lời kêu gọi

Một phần của tài liệu Tìm hiểu ngôn ngữ quan hệ công chúng Bước đầu nhận xét ngôn ngữ các bài diễn văn ngắn (trên tư liệu các lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh (Trang 43)

2. Sự sáng tạo và quyền lực của ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong việc thực hiện những

2.1.Quan niệm sử dụng ngôn ngữ của Hồ Chí Minh trong những lời kêu gọi

Luận văn tốt nghiệp

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi ngôn ngữ là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố và nâng cao nhận thức xã hội trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân mà ai cũng phải "cố gắng học tập", "ra công rèn luyện" để nắm được đặc tính của nó và sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất trong thực tiễn hoạt động cách mạng. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và viết không phải đơn thuần chỉ là một hành động thông tin mà còn chủ yếu là một quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục họ, cảm hóa họ, làm họ thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm, tình cảm thẩm mỹ và hành vi, hướng họ vào các hoạt động thực tiễn phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Quan hệ giữa thông tin và tác động thì thông tin là phương tiện, tác động là mục đích.

Lời kêu gọi chính là điển hình cho việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong nhận thức cách mạng nói riêng và ý thức xã hội nói chung. Người đã sử dụng ngôn ngữ với sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng mà rất đỗi giản dị, gần gũi nhằm phát huy tối đa khả năng thuyết phục, cảm hoá và thay đổi nhận thức của con người.

Trong “Lời kêu gọi đầu năm mới” (1947), chỉ bằng ngôn ngữ, Người đã vẽ lên một bức tranh với đủ màu sắc, đủ loại người Việt Nam lầm than trong chiến tranh, mất nước, Người đã gợi vào tình đồng bào, đồng chí và lòng tự tôn dân tộc của dòng dõi Lạc Hồng:

- Thực dân Pháp đã cướp nước ta 85 năm trường. Đồng bào ta, cha truyền con nối phải chịu bao tủi nhục, đắng cay.

- 7, 8 triệu dân ta chết vì đói, vì khủng bố, vì chiến tranh; người sống thì lầm than dưới ách nô lệ.

- Vậy con cháu Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… có chịu để nước non Hồng Lạc và nòi giống Rồng Tiên chịu giày xéo không?

- Không, quyết không. Chúng ta thà hi sinh để dân được tự do, cháu con được độc lập còn hơn làm nô lệ cho Pháp muôn đời.

- Hỡi đồng bào, năm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành thắng lợi.

Chỉ bằng những lời tâm sự, kêu gọi với ngôn ngữ rất đỗi mộc mạc, chân tình mà Bác đã làm nên sự thấm thía, Bác đã chạm đến lòng yêu thương đồng bào chan chứa và

Luận văn tốt nghiệp

lòng tự hào dân tộc của bất kì người dân Việt nào. Vận dụng chiêu thức PR trong chính trị và xã hội, Hồ Chủ Tịch đã linh hoạt và thật sự nhạy bén khi chọn đúng thời điểm (đầu năm mới), chọn đúng đối tượng (toàn thể nhân dân Việt Nam) và sử dụng ngôn ngữ một cách hoàn hảo nhằm tác động đến người nghe làm họ thay đổi nhận thức cách mạng và xã hội của mình.

Là một phương pháp PR, chắc chắn không phải là hình thức quảng cáo nên những bài viết của Bác chứa đều đựng nhiều thông tin rất hợp lí và “thật”. Những con số như: 7,8 triệu dân ta chết đói (Lời kêu gọi đầu năm mới, 1947); 95% người Việt Nam mù chữ (Chống nạn thất học, 1945) hay hình ảnh con Rồng cháu Tiên, con cháu Lạc Hồng… là những người thật việc thật. Những khổ đói lầm than của dân ta diễn ra từng ngày từng giờ và trước mắt mỗi người thì hà cớ gì người ta lại không hiểu và không đấu tranh giành lại chủ quyền, hạnh phúc? Bác Hồ đã thành công bởi tác động tới đúng tâm lí trong góc khuất của mỗi con người mà ít ai dám chạm vào. Mục đích nói và viết trong cách quan niệm của Hồ Chủ tịch không chỉ dừng lại ở chỗ làm cho người nghe, người đọc hiểu về điều được nói, được viết, mà cái cốt yếu là còn tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm, trên cơ sở đó, làm thay đổi hành vi của họ, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới.

Chính vì cách nói rất thật ấy mà Hồ Chủ Tịch luôn luôn có trách nhiệm và ý thức cao về lời nói của mình. Được xem như một chuyên gia về quan hệ công chúng hàng đầu tại Việt Nam lúc đương thời, Bác Hồ hội tụ đầy đủ các tố chất của một chuyên viên PR trong cả lĩnh vực chính trị, quân sự, xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền, thuyết phục và tác động đến tâm lí của mọi người, Hồ Chí Minh luôn giữ chữ tín trong bất kì tiếng nói hay chữ viết nào. Hồ Chí Minh coi hiệu quả tác động của bài nói, bài viết phụ thuộc rất đáng kể vào tính ý thức của người phát ngôn về mục đích phát ngôn của mình trước người nghe, người đọc và xã hội. Người nói, người viết có trách nhiệm thì không bao giờ vô tình với người nghe, người đọc. Hồ Chí Minh đưa ra năm luận đề có mối tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể văn bản như sau: Ai nói, Ai viết? Nói hoặc viết cho ai nghe, ai đọc? Nói và viết nhằm mục đích gì? Nên nói và viết như thế nào nhằm đạt hiệu quả tốt nhất?

Luận văn tốt nghiệp

Năm câu hỏi trên quả nhiên buộc người nói, người viết phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng về cương vị xã hội - công dân của bản thân mình, xác định thật rõ về ý đồ, mục đích bài nói, bài viết, về các đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, học vấn, vốn sống, thị hiếu, thẩm mỹ của đối tượng mà mình hướng tới, về cách lựa chọn các từ ngữ và các biện pháp nghệ thuật thích hợp khi nói và viết. Do vậy, khi nói, khi viết Bác Hồ luôn ý thức rõ ràng về vị thế, mục đích và đối tượng hướng tới của mình để có thể triển khai một cách hợp tình, hợp lí và đạt hiệu quả cao. Theo chúng tôi nhận thấy, đây là bước căn bản đầu tiên để một tác phẩm thành công, một mục tiêu được thực hiện bởi từ đó nó mới tác động đến cách sử dụng ngôn ngữ và triển khai đề tài.

Khi kêu gọi toàn dân tập thể dục (Sức khoẻ và thể dục, 1946), Bác Hồ xác định mục đích mà Bác muốn hướng đến là toàn dân Việt Nam kể cả “gái trai, trẻ già” ai cũng tham gia tập thể dục để bồi bổ sức khoẻ và làm cho tinh thần sảng khoái. Chính vì thế, Bác chọn cách diễn đạt rất dung dị, chân thành. Ở đây người ta không thấy sự giáo điều hay xa lạ của vị Chủ tịch nước với người dân mà chỉ thấy hình ảnh những người đồng bào đồng chí với nhau. Một minh chứng điển hình và “người thật việc thật” được Bác đưa ra đó là “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Như vậy, để thuyết phục người khác thì bên cạnh lời nói còn cần đến cả hành động, cần đến tấm gương sáng. Không chỉ nói rất hay, Bác Hồ còn là tấm gương rất sáng để dân ta từ trẻ đến già đều noi theo.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9/1945, Bác Hồ muốn thưởng khao quân bằng thóc gạo. Bác lấy danh nghĩa là cá nhân để mua gạo trong dân. Đây là việc Bác “nhờ” toàn dân nên đối tượng được Bác xác định như sau:

Thưa các vị phụ lão Các vị thân sĩ

Nam nữ đồng bào

(Lời kêu gọi đồng bào bán gạo khao quân nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1945) Có thể thấy đây là một phương thức PR với việc tổ chức một sự kiện lớn trong toàn dân. Trong cuộc đời làm lãnh đạo của Nhà cách mạng kính mến này đã có không

Luận văn tốt nghiệp

biết bao nhiêu sự kiện được tổ chức với nhiều hình thức, mục đích và hướng đến đối tượng khác nhau. Người làm quan hệ công chúng phải nói đúng, tôn trọng người nghe và tôn trọng mình nên khi thực hiện chiến dịch mua gạo khao quân này, Bác đã đưa ra “điều kiện”:

- Định giá 1kilô là 50 đồng - Những gia đình nghèo thì thôi

- Những đồng bào có thể bán giúp nhiều thì càng hay

- Đồng bào bán giúp thì phải nhận đủ tiền, vì tôi không muốn để đông bào thiệt thòi nhiều quá

Trong cách trình bày của mình, Bác cũng luôn chọn cách nói trực tiếp. Nói trực tiếp là nói thẳng, nói rõ, nói chân thành và không làm ảnh hưởng hoặc làm ai phật lòng. Tổ chức một sự kiện lớn trong cộng đồng như vậy, Bác Hồ cũng luôn có kế hoạch về lực lượng tham gia hoạt động để chia sẻ nhiệm vụ với mình: “Cách lấy gạo và trả tiền thế nào, Uỷ ban kháng chiến hành chính xã phụ trách”. Điều này nghĩa là bác đã sớm ứng dụng các chiêu thức của phương pháp PR trong tổ chức sự kiện: trong công việc luôn cần đến các đồng minh, cộng sự. Tinh thần đoàn kết và hợp tác là mấu chốt để sự kiện được tổ chức thành công theo nghĩa đúng của nó.

Đặc trưng nổi bật trong quan niệm ngôn ngữ Hồ Chí Minh còn thể hiện bởi tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt trong bài nói, bài viết của Người với tầm mức văn hóa, trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người nghe, người đọc và hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Bác ý thức rất rõ rằng, hiệu quả cuối cùng và cao nhất của bài nói, bài viết chính là ở mức cảm thụ được ở người nghe, người đọc từ bài nói, bài viết đó.

Đối với Bác, mỗi đối tượng phải có một cách nói, cách viết khác nhau, phù hợp trình độ học vấn, trình độ nhận thức xã hội, quan niệm thẩm mỹ, và các đặc điểm về tâm lý, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng của từng nhóm đối tượng. Quan điểm này của Bác được thể hiện ngay từ lời chào:

Luận văn tốt nghiệp

Khi gửi lời kêu gọi đến toàn thể nhân dân, Bác dùng cách nói rất chan hoà, tình cảm và giản dị khiến ai nghe cũng thấy vừa lòng:

Cùng quốc dân đồng bào

Cùng toàn thể chiến sĩ Vệ quốc quân, dân quân, tự vệ”

(Lời kêu gọi nhân kỉ niệm 6 tháng kháng chiến, 1947) Lúc gửi lời đến các cụ già, Bác thưa:

Thưa các cụ phụ lão”

(Lời kêu gọi đồng bào bán gạo khao quân nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1945) Khi gửi thư nhằm kêu gọi liên hợp các quốc gia hãy cùng đứng lên ủng hộ và bảo vệ chiến tranh chính nghĩa tại Việt Nam, Bác dùng những lời rất trang trọng, lịch sự:

Kính gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô, và các nước thành viên khác của liên hợp quốc”

(Lời kêu gọi liên hợp quốc, 1946)

Tư tưởng nói và viết phải phù hợp đối tượng như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh. Người luôn luôn khuyên "muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem". Ở chỗ khác, Người cũng nói: "Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo thì khi huấn luyện đối với đồng bào Thái và đồng bào Mèo phải khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp, bởi vì đời sống và trình độ đồng bào Mèo và đồng bào Thái khác nhau". Người đã nhận xét rất thú vị về cách nói, cách giảng bài của cán bộ trước quần chúng: "Nhiều đồng chí ta... đã đưa thặng dư giá trị nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân, tân dân chủ nghĩa nhồi sọ cho các em nhi đồng, biện chứng pháp nhồi sọ cho công nhân đang học chữ quốc ngữ". Và, Người khẳng định "chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng phải học cách nói của quần chúng mới lọt

Luận văn tốt nghiệp

tai quần chúng". "Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên, các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân".

Qua khảo sát các bài kêu gọi, chúng tôi nhận thấy Bác Hồ đã sử dụng hết sức phong phú, linh hoạt và đặc biệt là phù hợp các cách chào, cách nói với các đối tượng khác nhau. Khi kêu gọi thanh niên Nam Bộ tiếp tục chiến đấu giữ vững nền độc lập, Bác Hồ như một người bạn trẻ cùng họ sẻ chia những khó khăn. Bác viết thư bằng ngôn từ thật giản dị, gần gũi:

“Những gương hi sinh anh dũng của các bạn đã sáng dọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm cương quyết”.

(Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ, 1945).

Lúc khác, trong “Lời kêu gọi đồng bào Việt Nam ở Pháp” (1945), Bác lại phân tích tình hình chính sự:

Tháng 8 dương lịch vừa rồi, sự thành công của mặt trận Việt Minh và sự thoái vị của Vua Bảo Đại đã ràng buộc chặt chẽ những năng lực của một dân tộc muốn được sống tự do và độc lập…”.

Người cũng khẳng định với kiều bào rằng: “Đã 5 năm nay các bạn bị gián đoạn với Tổ quốc. Các bạn không khỏi bị thiệt thòi vì cô đơn ấy…”. Chính những phân tích vừa mang đậm tính chính trị, quân sự, vừa thể hiện mối quan tâm tới các kiều bào của Bác đã tác động mạnh mẽ đến tâm lí những người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Từ đó, họ sẽ làm cho “thế giới văn minh và nhất là dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc […] chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi”.

Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ một điều rằng công chúng ở thời nào cũng vậy, bao giờ cũng là một cộng đồng xã hội phân tầng theo các nhóm khác nhau về trình độ nhận thức, học vấn, thẩm mỹ, động cơ, quyền lợi, tôn giáo, quan điểm tư tưởng. Chính đặc tính xã hội - tâm lý của đối tượng đã chi phối gần như toàn bộ cách lựa chọn từ ngữ, và các thủ pháp nghệ thuật, cách trình bày bố cục của bài nói, bài viết của Bác Hồ. Do

Luận văn tốt nghiệp

vậy, sự sáng tạo trong ngôn ngữ của Bác có xuất phát từ nhận thức sâu sắc xã hội và văn hoá của Người.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu ngôn ngữ quan hệ công chúng Bước đầu nhận xét ngôn ngữ các bài diễn văn ngắn (trên tư liệu các lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh (Trang 43)