0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

Sự sáng tạo và đặc trưng ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong những lời kêu gọi

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU NGÔN NGỮ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG BƯỚC ĐẦU NHẬN XÉT NGÔN NGỮ CÁC BÀI DIỄN VĂN NGẮN (TRÊN TƯ LIỆU CÁC LỜI KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (Trang 50 -50 )

2. Sự sáng tạo và quyền lực của ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong việc thực hiện những

2.2. Sự sáng tạo và đặc trưng ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong những lời kêu gọi

Ngôn ngữ trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm độc đáo, đa dạng của quá trình hoạt động hơn nửa thế kỷ của một nhà cách mạng có lý luận; nhà hoạt động chính trị, ngoại giao nhiều kinh nghiệm, am tường sự thế; nhà tuyên truyền nắm chắc mục đích và thấu hiểu đối tượng; một nhà báo sắc sảo, có bản lĩnh; một nhà giáo dục sâu sắc, tế nhị; một người viết văn, làm thơ có ý hướng rõ rệt; một người cộng sự tin cẩn, một người bạn tâm tình gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân; một Bác Hồ kính yêu, phúc hậu của các cháu thiếu niên, nhi đồng; một vị Chủ tịch nước có uy tín lớn, cương nghị, kiên quyết với kẻ thù, đúng mực, nhân ái với kẻ lầm đường lạc lối, toàn tâm toàn ý với nước, với dân. Thâm nhập hết thảy cương vị của Người là một chiến sĩ cộng sản xuất sắc, một nhà văn hóa lớn có năng lực ứng xử xã hội tài tình và năng lực ứng xử ngôn ngữ đa dạng, tinh tế, thâm thúy có sức thuyết phục đặc biệt.

2.2.1. Tính chính xác trong sử dụng nghĩa của từ

Đặc trưng nổi bật trong ngôn ngữ những lời kêu gọi Hồ Chí Minh là tính xác đáng nghĩa của từ được sử dụng. Một nhà lãnh đạo uy tín, một nhà văn, nhà báo có kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam, một người làm công tác thuyết phục tuyên truyền giỏi ắt phải có tri thức và kĩ năng sử dụng ngôn ngữ tài tình. Người nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những đại biểu cao nhất của chủ nghĩa thực dân đế quốc; nhân dân các nước thuộc địa; nhân dân và Đảng Cộng sản các nước anh em; những người có lương tri tiến bộ trên khắp thế giới… và nhiều nhất là cho đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với dân tộc, tôn giáo, trình độ khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, Bác Hồ đều tìm ra những cách nói cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Bác có cách viết rất “tây”, sâu xa, châm biếm, hài hước, ý nhị…Với nhân dân Việt Nam, Bác lại nói và viết rất giản dị, mộc mạc, nhiều khi có vần, có đối như ca dao tục ngữ rất quen thuộc với số đông mọi người. Với những nhà tri thức uyên bác, Người lại bàn về những lời răn dạy của các bậc tiên hiền, bàn về những vấn đề sâu sắc của khoa học, của thơ ca và nghệ thuật…

Luận văn tốt nghiệp

Một từ Người đã dùng cho ý nào, trong tình huống nào là từ đó có ấn tượng mạnh và nhất định là nó, khó có thể thay thế bằng từ khác. Tính xác đáng ở đây bao gồm cả tính chính xác về ý nghĩa và tính thích hợp (hay trúng) với hoàn cảnh hay tình huống giao tiếp cụ thể.

Chẳng hạn, khi kêu gọi kiều bào Việt Nam tại Pháp hãy lên tiếng và hành động đấu tranh với thực dân, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, Bác viết:

“Các bạn hãy chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi”.

(Lời kêu gọi kiều bào Việt Nam ở Pháp, 1945).

Những từ Bác dùng không phải xa lạ hay khó hiểu cho bất kì người Việt nào mà lại có khả năng tố cáo, vạch trần bộ mặt xấu xa, “bỉ ổi” của quân cướp nước.

Hoặc khi muốn tố cáo sự gian hùng của Pháp với Quốc hội Pháp khi quân đội nước này không thực thi đúng những điều khoản đã kí, Bác có cách viết rất bình tĩnh và chính xác:

“Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết lòng cộng tác thật thà như anh em với nhân dân Pháp […]. Việt Nam muốn tham gia trong khối liên hợp Pháp quốc, mà họ lại lập ra nước “Nam Kỳ” để chia xẻ Việt Nam”.

(Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, 1946)

Một điều dễ nhận thấy trong văn phong và cách dùng từ của Bác là rất thật mà không có chút gì thô vụng, gai góc. Bác không bóng bảy hoá ngôn từ mà người đọc, người nghe có cảm giác nó được sử dụng thật tự nhiên, như thể nó ắt hẳn phải nằm trong câu như vậy. Và quan trọng hơn, nó đơn giản mà thể hiện được thật nhiều ý, nhiều tình, nhiều hình ảnh. Trong ví dụ vừa nêu, Người dùng từ “chia xẻ” (chứ không phải “chia rẽ”) để nói về việc Pháp lập ra Bắc Kỳ và Nam Kỳ tại Việt Nam. Động từ này làm cho người đọc, người nghe cảm nhận rõ Pháp đang âm mưu chia Việt Nam thành nhiều vùng địa lí

Luận văn tốt nghiệp

và xẻ đồng bào Việt Nam về mặt tình cảm, tinh thần. Địa lí có thể bị chia cắt nhưng nếu tinh thần cũng bị thực dân rẽ chia thì quả thực đó là hành động vô cùng nhỏ nhen và bỉ ổi. Tính chính xác của ngôn ngữ cũng bao hàm cả tính tinh tế trong việc lựa chọn từ khi nói, viết, điển hình là câu: "Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ", "Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ". Ở đây, thái độ của người viết rất rõ ràng: một bên là đồng bào, một bên là kẻ; một bên là lạc lối lầm đường, một bên là lầm đường lạc lối (đối lập đường và lối); một bên là lấy tình thân ái mà cảm hóa, một bên là lấy lời khôn lẽ phải mà bày.

Với cách dùng từ hợp tình, hợp lí, đúng chỗ, đúng lúc, Bác đã làm thức dậy bao trái tim và khối óc của những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Cả thế giới chính nghĩa đã sẵn lòng đứng lên chiến đấu và bảo vệ chủ quyền cho dân tộc Việt Nam. Phải chăng đó là hệ quả từ những lá thư, những lời kêu gọi nhân dân thế giới với lời lẽ rất đỗi chân thành, giản dị mà đầy ý nghĩa của Bác như thế này?

Cuộc xâm lược này mà chúng tôi là nạn nhân, ngoài việc gieo rắc chết chóc và huỷ diệt trên đất nước chúng tôi, còn uy hiếp nền hoà bình thế giới trong miền Viễn Đông”.

(Lời kêu gọi liên hợp quốc, 1946)

Hoặc, phải chăng cuộc kháng chiến cứu quốc của chúng ta cập đến bến bờ thành công là một phần bởi những lời kêu gọi chân tình, mộc mạc mà thấm thía này Bác đã gửi đến toàn dân?

“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 1946)

Bên cạnh sự ngắn gọn, đơn giản trong cấu trúc mỗi bài kêu gọi, Hồ Chủ Tịch còn sử dụng những từ ngữ đặc biệt trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến

Luận văn tốt nghiệp

với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại. Nghĩa là Bác đã nói thứ ngôn ngữ của quần chúng, nghĩ cách nghĩ của nhân dân và thường đơn giản hoá mọi vấn đề nhưng đó tất yếu không phải là sự đơn giản tầm thường. Sự giản dị, trong sáng của Người bắt đầu từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ.

2.2.2. Các thủ pháp của nghệ thuật ngôn từ Hồ Chí Minh

Đặc trưng nổi bật thứ hai trong ngôn ngữ các bài kêu gọi của Hồ Chí Minh chính là việc sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật ngôn từ cho một mục đích diễn đạt. Đặc điểm này rất ít thấy ở các tác giả khác. Bên cạnh việc lựa chọn để sử dụng từ ngữ chính xác, hợp hoàn cảnh và giàu tính biểu đạt thì người tài tình về ngôn ngữ còn phải linh hoạt trong vận dụng và biến đổi sắc thái của nó. Là bậc tài năng số một trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, Hồ Chủ Tịch đã không chỉ nuôi dưỡng mà còn làm tiếng Việt phát triển rực rỡ khi Người sử dụng nó làm công cụ cho những mục đích cao cả của mình.

Coi bài kêu gọi như một lá thư tâm sự, như một bài nói chuyện chân thành với nhân dân, Hồ Chủ Tịch luôn đặt và thu hút họ vào như trong một cuộc thoại bằng cách sử dụng linh hoạt và đa dạng câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán trong bài viết. Ngoài việc tạo dựng một cuộc hội thoại mang tính tự nhiên, gần gũi, cách sử dụng đa dạng các kiểu câu còn giúp cho văn phong của Bác thêm phần sinh động, nhẹ nhàng và đơn giản cho dù nó đang nói đến tình hình chính trị, quân sự vô cùng phức tạp và cấp bách.

Chẳng hạn, khi kêu gọi nhân dân hãy đón tết một cách tiết kiệm, đơn giản để dành tiền bạc, sức khoẻ cho tiền tuyến và kháng chiến dài lâu, Bác nói:

“[…] Đồng bào các chiến khu thì nhà tan của mất, lưu lạc, tản cư, ăn đói mặc rét, cực khổ điêu linh.

Trước tình trạng đó, đồng bào các nơi khác có nỡ lòng ăn tết linh đình không? Chắc là không!”

Luận văn tốt nghiệp

(Lời kêu gọi nhân ngày tết nguyên đán năm 1947)

Câu hỏi và lời lẽ của Bác như thấm sâu vào da thịt, trái tim mỗi người dân. Nó dường như buộc người nghe, người đọc phải nghĩ suy, phải trả lời theo cách tích cực nhất mà lương tri mách bảo.

Nếu không sử dụng câu hỏi mà lựa chọn các câu cảm thán, câu cầu khiến thì lời của Bác đã chính là những lời khẳng định chắc chắn, không thể có gì khác và thay thế được. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946)- một văn kiện với ngôn từ cực kì ngắn gọn, xuất hiện trong tình thế hiểm nghèo vào lúc “sơn hà nguy biến” thì cốt lõi văn bản thể hiện ở tiêu điểm: lời thề quyết chiến:

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!”

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 1946)

Con đường Bác đã lựa chọn thể hiện qua lời Bác nói. Lời Bác nói là tôn chỉ, là đúng đắn nhất mà bất kì người Việt Nam yêu nước nào cũng công nhận và làm theo. Bác đã vận dụng ngôn ngữ với cách nói đầy ấn tượng là một chiêu thức PR hoàn hảo để thuyết phục lòng người. Sự thành công trên con đường chính trị của Bác là thành công từ cách nghĩ, lời nói và việc làm cùng với sự linh hoạt trong sử dụng các công cụ hỗ trợ đắc lực, đó là ngôn ngữ.

Là một nhà chính trị, quân sự có biệt tài về văn chương nghệ thuật, Hồ Chí Minh thường xuyên vận dụng thành ngữ, ca dạo tục ngữ nhằm tăng thêm tính bóng bảy và truyền cảm cho lời nói hay bài viết của mình. Đây là một phong cách rất Hồ Chí Minh. Không phải chưa từng có nhà văn nào sử dụng cách này trong viết lách nghệ thuật nhưng Bác lại sử dụng trong các bài viết về chính trị, quân sự với lối viết dân dã và giản dị đến bất ngờ. Sau khi khảo sát các bài kêu gọi trong Hồ Chí Minh toàn tập tập 4 và 5, chúng

Luận văn tốt nghiệp

tôi nhận thấy hầu hết trong các bài Bác đều ít nhất một lần sử dụng thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ mà đại chúng nhân dân thường dùng trong cuộc sống và lao động hàng ngày.

Trong bài “Sẻ cơm nhường áo”, người ta thấy thành ngữ được Bác dùng ngay từ tiêu đề bài viết đến nội dung của bài như: “…người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau”.

Hoặc khi viết những “Lời kêu gọi đầu năm mới 1947”, Bác có câu: “…đồng bào ta cha truyền con nối đã chịu bao nhiêu nỗi đắng cay”

Yếu tố giúp Hồ Chủ Tịch thành công trong vận dụng ngôn ngữ là bởi Bác đã linh hoạt trong “tận dụng” nó. Bên cạnh việc lựa chọn ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hợp hoàn cảnh, Bác còn luôn ý thức trong việc vận dụng các thành ngữ, quán ngữ một cách thuần thục và hợp lí nhằm phát huy tối đa hiệu quả phát ngôn.

Trong “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới”, Bác viết: “Chúng quyết tâm hi sinh tiền bạc của nhân dân Pháp và tính mạng thanh niên Pháp để kéo dài cuộc chiến tranh

huynh đệ tương tàn này”. Cách dùng thành ngữ đầy hình ảnh và ý nghĩa trong hoàn cảnh phù hợp như trên đã giúp cho không chỉ Việt Nam mà cả nhân dân Pháp có thể hình dung một cách rõ ràng về cái mặt thực nhất của cuộc chiến tranh Việt Pháp. Nhân dân hai nước là những người anh em, những người yêu chuộng hoà bình, tự do, bác ái, tại sao chúng ta lại có thể làm ngơ để bọn thực dân đểu cáng gây chiến tranh, giết người và thù hằn dân tộc? Câu hỏi đó, dưới ngòi bút và ngôn ngữ đanh thép của Hồ Chí Minh đã in sâu vào tâm trí của nhân dân thế giới.

Có khi, cụm từ Bác thường dùng lại trở thành một thành ngữ quen thuộc và được toàn dân sử dụng đến tận sau này, như: toàn dân đoàn kết (Lời kêu gọi nhân ngày 1/5), đồng không nhà vắng (Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, 1945)…

Nếu không vận dụng các thành ngữ, quán ngữ, Hồ Chí Minh lại tự tạo cho mình lối chơi chữ, dùng câu rất riêng và đầy ấn tượng. Về lối chơi chữ, Bác thường thay đổi hình thức, cấu trúc từ để tạo ra một cách nói mới rất dí dỏm mà thật nhiều hình ảnh.

Luận văn tốt nghiệp

Như trên đã phân tích về từ “chia xẻ” trong “Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp” (1946). Ở đây, Bác dùng “chia xẻ”, chứ không phải “chia rẽ” để nói về việc chia cắt đất nước Việt Nam và xẻ đôi mối tình sắt son Nam Bắc một nhà của dân tộc ta.

Trong bài viết khác về “Kêu gọi thi đua yêu nước” (1948), Bác lại có cách chơi chữ rất lạ: “Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau”. Ở đây, thay vì nói “chúng ta phải phát triển nhanh về kinh tế, xã hội” thì Bác chỉ nói ngắn gọn bằng chữ “đi mau”. Đây là cách nói thật bóng bảy, nhiều ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh và có tác động lớn đến suy nghĩ của người đọc, người nghe.

Một thủ pháp có thể coi là được Bác sử dụng phổ biến và triệt để hơn cả là hiện tượng lặp từ, lặp câu trong các lời kêu gọi nhằm nhấn mạnh và lôi kéo, thu hút người nghe vào câu chuyện. Qua thống kê chúng tôi thấy hiện tượng lặp từ, lặp câu được Hồ Chủ Tịch sử dụng rất phổ biến và đa dạng trong các lời kêu gọi và trở nên như một phong cách Hồ Chí Minh.

Ngay trong áng văn lập quốc vĩ đại “Tuyên ngôn độc lập” (1945) Bác đã nhiều lần sử dụng biện pháp lặp từ cũng như lặp cấu trúc câu này:

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học…

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân Chúng dùng thuốc phiện… làm cho nòi giống ta suy nhược”

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, một dân tộc dã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Chính thủ pháp lặp từ, lặp cấu trúc câu này là những lời khẳng định chắc chắn về một hiện tượng, sự việc nhất định. Thêm vào đó, nó còn tác động đến suy nghĩ và hành động của người đọc, người nghe. Nghĩa là, bên cạnh khả năng thuyết phục cao của ngôn từ, hiện tượng lặp còn giúp khẳng định về tính chính xác và chắc chắn của sự việc.

Luận văn tốt nghiệp

Có thể thấy, lặp là một hiện tượng đặc biệt được sử dụng phổ biến trong văn phong viết và nói. Và trong thủ pháp PR nó có tác động quan trọng trong việc thuyết phục và thu hút con người. Nhằm nhấn mạnh và kêu gọi nhân dân đi bỏ phiếu nhân ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với một sự kiện đặc biệt quan trọng như vậy, Bác đã kêu gọi bằng cách dùng một loạt các từ và cấu trúc lặp:


Một phần của tài liệu TÌM HIỂU NGÔN NGỮ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG BƯỚC ĐẦU NHẬN XÉT NGÔN NGỮ CÁC BÀI DIỄN VĂN NGẮN (TRÊN TƯ LIỆU CÁC LỜI KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (Trang 50 -50 )

×