Hành vi phạm tội là hành vi hoàn chỉnh gồm cả mặt khách quan và chủ quan thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Trong mặt khách quan của tội phạm, hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản. Những biểu hiện khác của mặt khách quan chỉ có ý nghĩa khi có hành vi khách quan. Không thể nói đến hậu quả của tội phạm cũng như những biểu hiện khách quan khác như công cụ, phương tiện phạm tội, địa điểm, thời gian...khi không có hành vi khách quan.
Những biểu hiện của mặt chủ quan là lỗi, mục đích, động cơ phạm tội cũng luôn luôn gắn liền với hành vi khách quan cụ thể. Hành vi khách quan là nguyên nhân gây ra sự biến đổi tình trạng của những đối tượng tác động của tội phạm và do vậy là nguyên nhân của sự gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm. Hành vi khách quan là cầu nối giữa khách thể và chủ thể. Không thể có chủ thể của tội phạm khi không có hành vi khách quan. Hay nói cách khác không có hành vi khách quan thì không có tội phạm.
Theo quan điểm tâm lý học mácxít, cả ý thức và hành vi đều tồn tại khách quan, tham gia một cách tích cực vào quá trình tác động của con người đối với thế giới xung quanh, với người khác và chính bản thân mình. Khái niệm hành vi trong tâm lý học mácxít không tách rời khái niệm hoạt động mà hành vi là sự biểu hiện
cụ thể ra bên ngoài của hoạt động.
Trong luật hình sự, hành vi được hiểu là những “biểu hiện” của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới hình thức cụ thể nhằm đạt được những mục đích có chủ định và mong muốn.
Hành vi chỉ bao gồm những “biểu hiện” của con người ra thế giới khách quan mà mặt thực tế của nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Vậy, hành vi phạm tội là hành vi có lỗi, là thể thống nhất giữa mặt khách quan (hành vi gây thiệt hại) và mặt chủ quan (có lỗi).