Vấn đề về mối quan hệ giữa động cơ hoạt động của con người và ý thức của họ là một vấn đề đã được nhiều nhà tâm lý học đề cập từ rất lâu. Các nhà tâm lý
học lý giải động cơ của con người theo hướng sinh vật hóa động cơ, xem các bản năng có sẵn từ khi con người mới sinh ra là các lực thúc đẩy con người hoạt động, thường có khuynh hướng nhấn mạnh tính vô thức của động cơ con người (W.McDougall, S.Freud…). Phần vô thức được xem là phần có vai trò quyết định, tạo nên sắc thái của toàn bộ đời sống con người, trong khi đó phần ý thức chỉ là một phần rất nhỏ bé trong cuộc sống đó. Con người được nhìn nhận như là một cái máy hiện thực hóa các bản năng vô thức bởi các cơ chế vô thức khác nhau.
Tuy nhiên, từ khi lý thuyết động thái của K.Lewin ra đời ngày càng có xu hướng lý giải động cơ, hoạt động của con người trong mối quan hệ với ý thức. Xuất phát từ quan điểm của Lewin, nhiều nhà tâm lý học đã đánh giá cao vai trò của các quá trình nhận thức. N.E.Miller, E.Galanter, K.H.Pribram nhấn mạnh vai trò của các quá trình so sánh, đối chiếu các tác động bên ngoài với trạng thái của cơ thể. Họ nói đến các mối liên hệ phản hồi, đến kế hoạch như là một quá trình được chủ thể xây dựng để kiểm soát việc thực hiện hành vi. J.Locke với lý thuyết nhận thức về động cơ đã cho rằng, một trong những điểm con người khác với những loài khác là con người thường được động cơ hóa bởi các mục đích dài hạn. Mục đích được xem là yếu tố cơ bản, là chìa khóa để hiểu động cơ của con người. Mục đích - đó là cái gì đó mà cá nhân cố gắng đạt được một cách có ý thức, Vì vậy, các kích thích có thể tác động lên hành vi của con người chỉ khi chúng có liên quan đến mục đích của họ và do đó gây được sự chú ý của chủ thể. Ablert Bandura và những người khác với cách tiếp cận động cơ dưới góc độ nhận thức xã hội đã khẳng định chính niềm hy vọng về sự củng cố trong tương lai hơn là những củng cố trong quá khứ thôi thúc con người thực hiện hành động. Theo họ, hành vi được điều chỉnh, được hướng dẫn bởi các mục đích của chủ thể và những gì liên quan đến mục đích đó. Với cách tiếp cận như vậy, Bandura cho rằng có thể lý giải được sự phát triển đạo đức của con người.
những tư tưởng tích cực hơn so với các quan điểm sinh vật hóa động cơ.
Việc giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa động cơ hoạt động của con người và ý thức có liên quan chặt chẽ với cách hiểu về bản chất động cơ con người. Tâm lý học mácxít khẳng định rằng, cũng như các hiện tượng tâm lý khác, động cơ hoạt động của con người là sự phản ánh chủ quan các giá trị xã hội khách quan. Trong quá trình phát triển cá thể, hệ thống động cơ - nhu cầu đặc trưng của con người được hình thành trên cơ sở cá nhân lĩnh hội những giá trị xã hội khác nhau - dần dần tiếp nhận chúng như những giá trị của bản thân, đem lại cho chúng những ý nghĩa nhân cách riêng. Quá trình lĩnh hội các giá trị xã hội là một quá trình tích cực, được thực hiện trên cơ sở cá nhân thực sự tham gia vào các hoạt động xã hội khác nhau, giao tiếp với những người xung quanh, tham gia vào các quan hệ xã hội, khẳng định vị trí và vai trò của mình trong các quan hệ đó. Đó là một quá trình lĩnh hội có chọn lọc các giá trị phù hợp với vị trí và vai trò của mỗi người trong hệ thống các quan hệ xã hội. Do đó, hệ thống động cơ của mỗi cá nhân với những quan hệ thứ bậc của các động cơ cấu thành nên hệ thống đó không hoàn toàn trùng khớp với hệ thống các giá trị xã hội. Như vậy, xét về quá trình hình thành các động cơ đặc trưng của con người không tách rời ý thức. Điều này không loại trừ ngay cả với số động cơ được xem là có tính sinh lý của con người như những động cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống hay nhu cầu tình dục. Ngày nay , mọi người đều thừa nhận rằng, cách thức thỏa mãn cũng như đối tượng có khả năng thỏa mãn các nhu cầu đó của con người phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục nhân cách, vào các đặc điểm, lối sống - văn hóa đặc trưng cho mỗi nhóm người, mỗi dân tộc, vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là quá trình hình thành và phát triển các động cơ như là một hiện tượng tâm lý của con người cũng mang tính xã hội và không tách rời ý thức.
Mối quan hệ không tách rời giữa động cơ hoạt động và ý thức của con người thể hiện cả trong quá trình động cơ thực hiện chức năng định hướng, điều chỉnh hành vi. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng, sự xuất hiện của ý
thức như một đặc điểm tâm lý đặc trưng của con người và sự tham gia của hiện tượng tâm lý đó vào mọi mặt đời sống con người là một tất yếu nảy sinh trên cơ sở các đặc thù của tồn tại xã hội của con người. Tuy nhiên, sự tham gia đó của ý thức không có nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày, lúc nào con người cũng có ý thức một cách rõ ràng những gì thôi thúc anh ta thực hiện hoạt động này hay hoạt động khác. Có những hoàn cảnh bắt buộc con người ta phải đắn đo, lựa chọn. Trong các hoàn cảnh như vậy, người ta nói đến các cuộc đấu tranh động cơ và chủ thể sẽ nhận thức rõ ràng anh ta hành động vì điều gì. Song cũng không ít trường hợp, con người không chủ động đặt ra câu hỏi về những điều thôi thúc anh ta hoạt động. Điển hình về những trường hợp này là khi các động cơ có tính bền vững đã hình thành nên xu hướng của nhân cách và được thể hiện trong cuộc sống thực tiễn trong việc chủ thể có khuynh hướng sẵn sàng thực hiện các dạng hoạt động thể hiện xu hướng đó như một thói quen. Mối quan hệ không tách rời giữa động cơ và ý thức của con người, về thực chất thể hiện ở chỗ động cơ không phải là một hiện tượng tâm lý mà ý thức không thể với tới được. Động cơ hoạt động của con người không tách rời ý thức, song chúng có thể được phản ánh ở các mức độ khác nhau. Về mặt chủ quan, động cơ hoạt động được phản ánh gián tiếp thông qua cảm nhận của chủ thể về các trạng thái xúc cảm có liên quan đến động cơ. Về mặt khách quan, chúng có thể được chủ thể ý thức nhờ việc phân tích hoạt động.
Vì vậy, V.K.Viluinax khẳng định rằng, động cơ hoạt động của con người được gián tiếp hóa bởi các quá trình tư duy, ngôn ngữ, các quá trình ý chí. Nhờ vậy, chúng tương đối bền vững, không hoàn toàn phụ thuộc vào những thay đổi của hoàn cảnh hay trạng thái của cơ thể.