Các tín ngưỡng, tôn giáo và các quan niệm đạo lý trong văn hóa truyền thống Đông Á có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm về quyền con người ở khu vực này, trong đó Nho giáo và Phật giáo là ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó không phải là giống nhau ở tất cả các xã hội Đông Á. Ở trường hợp Việt Nam, sự giao thoa của bốn chiều tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, kết hợp với văn hóa bản địa, lại tạo ra những đặc trưng có sự khác biệt so với các xã hội Đông Á khác. Vì vậy, điều trước tiên chúng ta cần là làm rõ những nội dung cơ bản của các tín ngưỡng, tôn giáo, các quan niệm đạo lý này xét trên khía cạnh về quyền con người.
1.3.2.1. Nho giáo
Nho giáo là một học thuyết chính trị – đạo đức, ra đời ở Trung Quốc vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Người có công sáng lập (hệ thống hóa và xây dựng thành một học thuyết hoàn chỉnh) là Khổng Tử, sau đó được Mạnh Tử và Tuân Tử hoàn thiện và phát triển thêm (theo hai xu hướng khác nhau). Học thuyết (Nho giáo Khổng – Mạnh) này có ảnh hưởng lớn đến các xã hội
Đông Á. Nó nói về những bản chất của con người (như lòng nhân đức, tính trung thực), mối quan hệ đạo đức giữa con người với nhau (tam cương, ngũ luân, chính danh), (đề cao) giáo dục mọi người sống có trách nhiệm với xã hội (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), và chủ trương chính quyền dùng đức trị, lễ trị và nhân trị để xây dựng một xã hội hữu đạo và thịnh trị, có trật tự (xã hội đại đồng).
Mặc dù thực tế chỉ ra rằng, Nho giáo đã được sử dụng như một công cụ để bảo vệ trật tự chính trị và củng cố quyền lực của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, Nho giáo không chủ trương trung thành một cách vô điều kiện với mọi hình thức nhà nước (sẽ được nói rõ hơn ở phần dưới), và không ngần ngại đưa ra những khuyến cáo, thông điệp với người cai trị để có được những sửa đổi, cải cách cho phù hợp. Cùng với đó, xét trên khía cạnh quyền con người, Nho giáo vẫn chứa đựng những tư tưởng mang tính nhân văn, tiến bộ so với thời kì nó ra đời và phát triển, đồng thời cũng có những ý nghĩa tích cực đến nhận thức, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trong xã hội, có thể chỉ ra một vài nét chính sau:
Thứ nhất, Nho giáo đề cao nhân đức, yêu thương mọi người – đây là phạm trù hạt nhân, tư tưởng xuyên xuất của Nho giáo.
Trong tác phẩm Luận Ngữ – chép lại những lời dạy của Khổng Tử, chữ
nhân được nhắc đến rất nhiều lần. Nội dung chữ nhân của Khổng Tử, trước hết, có nghĩa là yêu người (ái nhân) và giúp đỡ mọi người (cứu nhân). Khi Phàn Trì hỏi nhân là gì? Phu Tử nói “yêu người” (Phàn Trì vấn nhân, Tử viết
“ái nhân”[29, tr.91]). Và người nào có lòng yêu thương con người, thì người đó có đức nhân và ngược lại (Tử viết: “duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân”[29, tr.32]).
Người có đức nhân phải là người trung, thứ – có nghĩa là suy ra từ bản thân mình, hay từ lòng mình mà suy ra – đây chính là đạo làm người. Chữ
trung có nghĩa là yêu người, hết lòng với người, mình muốn tự lập thì cũng muốn giúp người thành công (“Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân”[29, tr.51]). Còn chữ thứ có nghĩa là cái gì mình không muốn thì không làm cho người khác (“Trọng Cung vấn nhân. Tử viết: ký sở bất dục, vật thi ư nhân”[29, tr.86]). Điều này tạo ra cơ sở để mọi người biết tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau – một quan niệm về quyền con người.
Người có đức nhân, đối với bản thân mình, phải là người biết khắc phục, kìm nén ham muốn của mình để thực hiện theo đúng lễ (Nhan Uyên vấn nhân. Tử viết “khắc kỷ phục lễ vi nhân”[29, tr.86]). Lễ ở đây là cách ứng xử giữa người với người, là tiêu chuẩn đánh giá và thước đo phẩm giá của con người. Đó là, “con cái phải có hiếu với cha mẹ, bề tôi phải trung với vua, chồng vợ có nghĩa với nhau, anh em phải trên kính dưới nhường, bạn bè phải giữ được lòng tin, chữ tín với nhau”[9]. Còn Mạnh Tử nhấn mạnh, “khi chăm sóc cha mẹ già của mình, anh phải chăm sóc cha mẹ già của cả người khác; chăm sóc con cái của mình, anh cũng nên chăm con của người khác nữa”[40, tr.83].
Như vậy, có thể thấy chữ nhân trong Nho giáo nghiêng về trách nhiệm của con người nhiều hơn – khác với chữ nhân trong luật nhân đạo quốc tế (chỉ là một phần của lòng nhân đức, nghiêng về quyền lợi con người). Nhân đức ở đây là: đối với mình thì phải trong sạch, không nghĩ và không làm điều xấu, điều ác, phải giữ đúng lễ và không ngừng vươn lên; “trong nhà thì kính yêu, chăm sóc cha mẹ và những người thân trong gia đình; ra ngoài thì những điều mình không muốn thì không làm cho người khác, hay khi tự lập cho mình thì đồng thời cũng giúp người khác thành công”[9].
Thứ hai, Nho giáo đưa ra chủ nghĩa dân túy – lấy dân làm gốc, và tư tưởng đức trị.
Nho giáo rất coi trọng nhân dân, chủ trương lấy dân làm gốc. Khi Tử Cống hỏi về phép trị dân, trong ba điều lương thực, binh bị và dân, nếu bất
đắc dĩ phải bỏ một, Khổng Tử trả lời bỏ binh bị. Tử Cống hỏi tiếp trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, Khổng Tử trả lời bỏ lương thực. Ông cho rằng:
“Nếu dân không tin vào chính quyền, thì chính quyền đó phải đổ”[29, tr.87]. Còn Mạnh Tử cho rằng, “trong một nhà nước, nhân dân là quan trọng nhất, tiếp đến là xã tắc, kẻ cai trị là ít quan trọng nhất – dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[24, tr.103]; “nhân dân là nền tảng của đất nước, khi nền tảng được vững chắc thì đất nước được bình yên”[40, tr.33]. Tuân Tử chỉ rõ rằng, “vua là thuyền, thứ dân là nước. Nước chở thuyền, nước có thể lật thuyền”[9].
Nho giáo cũng quan tâm đặc biệt đến đạo đức của người cầm quyền. Khổng Tử cho rằng vua cũng chỉ là một người như dân bình thường, nên cũng phải “tu thân, sửa mình, trau dồi đạo đức của bản thân để làm gương cho mọi người”[19, tr.92]. Nhờ đó cảm hóa được dân chúng, dân chúng phục mà nghe theo, chứ không dùng bạo lực thô bạo để ép buộc. Làm chính trị mà dùng đức thì như sao Bắc đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (“Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi”[29, tr.16]). Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa dân vào khuôn pháp mà dùng lễ thì dân sẽ biết liêm sỉ và thực lòng qui phục (“Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”[29, tr.17]).
Còn Mạnh Tử cho rằng, người cầm quyền phải hết lòng chăm lo, biết lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân, thì dân sẽ một lòng đi theo: “Người vui cái vui của dân, thì dân cũng vui cái vui của mình; người lo cái lo của dân, thì dân cũng lo cái lo của mình. Vì thiên hạ mà vui, vì thiên hạ mà lo, thế mà không làm vương thì chưa có vậy”[19, tr.230].
Như vậy, đức trị cùng tư tưởng lấy dân làm gốc của Nho giáo khiến các vua chúa, quan lại phải “kiềm chế tính độc đoán của mình, phải biết tự sửa mình và trau dồi đạo đức, tạo điều kiện cho người dân được hưởng các
quyền và tự do trong một giới hạn nhất định”[9].
Thứ ba, Nho giáo đề cao sự hòa hợp, tôn tri trật tự trong xã hội.
Lễ trị là một nội dung quan trọng của Nho giáo, với tam cương – ngũ luân là những quy tắc xử thế mang tính chuẩn mực và học thuyết chính danh. Chúng xác định vị trí, vai trò, nghĩa vụ của mỗi người để họ hành động cho đúng, đó là “danh không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói không thuận thì việc chẳng nên, việc không nên thì lễ nhạc chẳng hưng vượng, lễ nhạc không hưng vượng thì hình phạt chẳng trúng, hình phạt không trúng ắt dân không biết xử trí ra sao”[29, tr.92]. Những điều này cho thấy Nho giáo đề cao trật tự, sự ổn định trong xã hội. Theo đó, trong các mối quan hệ, mỗi người phải theo địa vị, danh phận của mình làm theo lễ, đó là “vua phải thương dân, tôi phải trung với vua; cha mẹ phải bao dung với con cái, con cái phải hiếu đễ với cha mẹ; chồng phải ngay thẳng, vợ phải nhẫn nhịn; anh phải đại lượng, em phải kính nhường; bạn bè phải thành thật và tôn trọng lẫn nhau”[9].
Nho giáo cho rằng, mỗi cá nhân không thể tồn tại độc lập, mà bao giờ cũng là thành viên của một tập thể (đó là gia đình, cộng đồng, hay dân tộc). Từ đó, Nho giáo đề cao tính cộng đồng, lợi ích tập thể, trách nhiệm (nghĩa vụ) của cá nhân đối với tập thể, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ – một tư tưởng quan trọng trong Nho giáo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là triệt tiêu quyền lợi của cá nhân, mà có sự trung hòa (mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người), và “quyền lợi của mỗi cá nhân chỉ đạt được một cách gián tiếp theo các nghĩa vụ”[9].
Một xã hội ổn định, có tôn ti trật tự là một trong những yếu tố nền tảng để đảm bảo các quyền con người. Tuy nhiên, tôn ti trật tự trong Nho giáo không đồng nghĩa với việc ưu ái quyền lực, hay bảo vệ sự độc đoán của giai cấp thống trị. Bởi vì, “người cai trị luôn bị chế ước bởi các phạm trù đạo đức, lấy dân làm gốc,…”[9]. Nho giáo cũng không yêu cầu nhân dân phải
trung thành một cách mù quáng với chính quyền. Khi Tử Lộ hỏi về đạo thờ vua, Khổng Tử nói không được lừa dối vua, dám can ngăn dù xúc phạm vua (Tử Lộ vấn sự quân. Tử viết “vật khi dã, nhi phạm chi”[29, tr.105]). Còn đối với một chính quyền tồi tệ, Khổng Tử khuyến khích nhân dân chống lại: “Khi nước có đạo, hãy nói thẳng và hành động dũng cảm. Còn khi nước đã mất đạo, hãy hành động dũng cảm và nói năng nhỏ nhẹ” (Bang hữu đạo, nguy ngôn nguy hành; bang vô đạo, nguy hành nguy tốn)[27, tr.244].
Sự hòa hợp cũng rất được Nho giáo chú trọng và có vị trí nổi bật. Con người cần một mối quan hệ hòa hợp để tồn tại. Khổng Tử nói, “khi thực hiện nguyên tắc chính trực, sự hòa hợp là quý”[9]. Ông khuyên mọi người hãy đối xử với người khác như đối xử với chính mình, những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (“Ký sở bất dục, vật thi ư nhân”[29, tr.86]). Đây là sự mở rộng tư tưởng đề cao con người (quyền con người), khi yêu cầu mọi người “đối xử với nhau bằng tình yêu thương, sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của nhau, giải quyết các mối quan hệ trên tinh thần hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau”[9].
Có thể thấy quan điểm về sự hòa hợp có những nét tương đồng với một số nguyên tắc trong luật quốc tế về quyền con người hiện đại như khoan dung, cùng chung sống trong hòa bình trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau,... Tuy nhiên, nó được mở rộng, sâu sắc và toàn diện hơn, bởi:
Sự hòa hợp ở đây không chỉ bó hẹp giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể, mà còn giữa con người với tự nhiên[9]. Nho giáo cho rằng, con người dựa vào thiên nhiên, và muôn loài cùng mọi vật tạo nên tự nhiên đều có quyền sống, do vậy, người ta không chỉ cần yêu bản thân mình, mà còn cần yêu thương những người khác và yêu quý muôn loài nhằm để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn[40, tr.59].
những vấn đề như bạo lực, xung đột giữa các cá nhân với nhau, giữa các nhà nước, các quốc gia, gây ra những vấn đề về môi trường tự nhiên – môi trường sống của con người như biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí,… Cho nên, có thể thấy sự hòa hợp trong Nho giáo chứa đựng giá trị mang ý nghĩa quan trọng đối với việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người.
Thứ tư, Nho giáo đề cao con người, quyền được học tập của mọi người.
Nho giáo đề cao con người, khi cho rằng, “trong muôn loài, con người là đáng quý nhất”[9], “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[24, tr.103]. Mục tiêu giáo dục đạo đức, với hình tượng người quân tử, Nho giáo đề cao xây dựng nhân cách của mỗi cá nhân con người, từ cách ăn, đi đứng, nói năng, suy nghĩ, hành động,… Chẳng hạn như, người quân tử nghiêm túc mà không thất thố, giao thiệp với ai mà cũng kính cẩn, lễ độ (“Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ”[29, tr.87]).
Khổng Tử cho rằng, bất luận hạng người nào, dù giàu sang, nghèo hèn, thông minh, đần độn,… cũng đều có thể học và có quyền được học (“Hữu giáo vô loại”[29, tr.117]). Trên thực tế thì học trò của Khổng Tử rất đông đảo và đủ các lứa tuổi, tầng lớp, hạng người, trong số đó có không ít người nghèo khó. Bất kì ai dâng lễ mọn (dù chỉ một bó nem), ông cũng không chê để rồi không dạy (“Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên”[29, tr.54]). Dù người xin học là kẻ thô bỉ, kém cỏi, năng lực nhận thức yếu, ông cũng tận tình đem hai bề từ đầu chí cuối mà dẫn giải cho thật tường tận mới nghe (“Hữu bỉ phu vấn ư ngã, không không như giã, giá khấu kỳ lưỡng đoan, nhi kiệt yên”[29, tr.68]).
Khổng Tử cũng là người đầu tiên mở trường tư, làm cho giáo dục được đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân hơn. Sau này, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị, nó đã xây dựng lên hệ thống khoa cử phong kiến và
nguyên tắc tuyển dụng người có tài, có đức tham gia vào chính quyền cai trị. Điều này một phần nào đó, tạo điều kiện (bình đẳng) cho các tầng lớp nhân dân (có học, có tài, có đức) có điều kiện tham gia vào công việc của chính quyền, quản lý xã hội.
1.3.2.2. Phật giáo
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỉ 6-5 TCN do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập ra. Phật giáo quan niệm rằng khởi thủy con người sống hạnh phúc, bình đẳng và tự do. Chỉ đến khi xã hội xuất hiện lòng tham, cướp bóc và lừa đảo mới sinh ra bất bình đẳng, đói nghèo và bị bỏ rơi. Ở xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, đó chính là sự nô dịch của chính quyền và hệ thống đẳng cấp bất công của Bà-la-môn. Xuất phát từ nền tảng đó, Phật giáo có nhiều tư tưởng có ý nghĩa đạo đức về hạnh phúc, bình đẳng và tự do – những tư tưởng có liên quan đến quyền con người, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của nhiều cộng đồng, dân tộc, nhất là các dân tộc ở Đông Á. Có thể chỉ ra một số nội dung nổi bật sau:
Thứ nhất, Phật giáo đề cao con người, khuyên con người sống khoan dung, nhân đạo với mọi người.
Phật giáo coi con người là trọng tâm (trung tâm), quan niệm cuộc đời là bể khổ. Thuyết nhân quả và thuyết nghiệp báo xác định rõ, cái khổ này do chính con người tạo nên, bởi vô minh (mê lầm) và tham dục. Do đó, cũng chính con người phải tự tìm đường giải thoát cho mình. Đó là sự tự nỗ lực rèn luyện trí tuệ thân tâm, diệt trừ vô minh, tham dục (“làm dữ ở nơi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”[18]).
Phật giáo cho rằng đã là con người thì ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc, ai cũng biết quý trọng thân thể, đó là tài sản quý nhất mà bất cứ ai cũng không có quyền xâm phạm. Cho nên, Phật giáo “không chấp nhận hành động
hủy diệt đời sống của chúng sinh khác”[34]. Trong giới luật của Phật giáo – là những điều răn của Phật mà các Phật tử phải theo, là những điều không nên làm, hoặc đã làm thì bỏ dần dần cho đến hết, thì giới luật đầu tiên (trong ngũ