Về khái niệm “Đông Á”, đây là một khái niệm mới ra đời trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng có những cách hiểu khác nhau về khái niệm này, chẳng hạn như về mặt địa lý, khái niệm Đông Á dùng để chỉ “khu
vực gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á (theo nghĩa rộng)”, hoặc dùng để chỉ
“khu vực gồm các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản (theo nghĩa hẹp)”[37, tr.11].
Trong luận văn này, khái niệm Đông Á được đề cập đến theo nghĩa văn hóa vùng, hay không gian văn hóa. Quan niệm này nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu (văn hóa) ở nước ta. Chẳng hạn, theo GS. TS Hồ Sĩ Quý, “khái niệm Đông Á được dùng với nghĩa vùng văn hóa nhiều hơn với nghĩa là một khu vực địa – chính trị. Đây là một vùng văn hóa riêng biệt, định hình từ rất sớm và có nhiều nét đặc thù, độc đáo cả về mặt văn hóa và cả về mặt lịch sử”[36, tr.170].
Còn theo GS. TS Phan Huy Lê, đó là “không gian văn hóa hay khu vực địa – văn hóa hay địa – lịch sử – văn hóa”[30] với cơ sở chủ yếu là mối quan hệ lịch sử và tính tương đồng văn hóa (mặc dù vị trí địa lý cũng có tầm quan trọng của nó). PSG. TS Trần Lê Bảo làm rõ hơn yếu tố văn hóa trong khái niệm này, đó là: “Đông Á bao gồm cộng đồng các dân tộc chịu một phần ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, thể hiện trong quá trình lịch sử lâu dài, từ ngôn ngữ Hán, đến tôn giáo, triết học như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo Đại thừa”[37, tr.65].
Về khái niệm giá trị, trong tác phẩm Về giá trị và giá trị châu Á, tác giả GS. TS Hồ Sĩ Quý đã đề cập và phân tích các nghiên cứu so sánh của một số học giả về các giá trị của châu Á và phương Tây (sẽ được đề cập cụ thể hơn ở phần dưới). Tác giả nhận ra và khẳng định rằng, “với các nền văn hóa khác nhau thì các giá trị làm người phần nhiều là giống nhau hoặc tương đương nhau. Rất hiếm có giá trị nào chỉ là “của riêng” của một cộng đồng; điều gì châu Á tôn vinh thì về đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh”[36, tr.158- 159]. Sự khác nhau ở đây chỉ là khác nhau về giá trị quan, tức là ở bảng giá trị và vị trí của từng giá trị, từ đó tác giả đã đưa ra định nghĩa của mình về khái niệm giá trị quan như sau:
Giá trị quan – đó là hệ thống các giá trị cá nhân và giá trị xã hội đã định hình và tạo thành quan điểm, quan niệm, tâm thế… có ý nghĩa nhìn nhận, đánh giá và định hướng đối với con người và cộng đồng trong quá trình điều chỉnh cách sống, lối sống và hành vi. Giá trị quan của mỗi cộng đồng được thể hiện trong tương quan vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị; tương quan đó thường là sản phẩm lâu dài của lịch sử sinh tồn và phát triển của mỗi nền văn hóa. Giá trị quan của mỗi cộng đồng tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi thành viên cộng đồng; nó chi phối việc xác định ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của sự làm người đối với mỗi thành viên cộng đồng[36, tr.161].
Vậy, giá trị Đông Á là gì? Có hay không các giá trị Đông Á? Và cụ thể đó là các giá trị nào? Các nhà nghiên cứu đều nhận định, rằng có tồn tại các giá trị Đông Á, song lại chưa thống nhất được quan điểm. PGS. TS Trần Lê Bảo cho rằng, “khu vực Đông Á với đặc điểm riêng của không gian văn hóa, cùng với những đặc thù về địa lí, về tộc người, về kinh tế – xã hội và những giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng trong và ngoài khu vực, đã tạo nên một số giá trị văn hóa truyền thống khác biệt so với những khu vực khác”[37, tr.64]. Từ đó, ông đưa ra định nghĩa về giá trị văn hóa Đông Á như sau:
Giá trị văn hóa Đông Á là hệ thống chuẩn mực về quan hệ giữa con người – xã hội loài người với tự nhiên và quan hệ giữa con người với con người, do các cộng đồng cư dân trong khu vực Đông Á sáng tạo ra trong quá trình tương tác lâu dài với tự nhiên và xã hội. Những giá trị này thể hiện diện mạo tinh thần của cộng đồng các dân tộc Đông Á, có thể khu biệt với văn hóa của cộng đồng các dân tộc khu vực khác[37, tr.64].
nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề có thể nói đến. “Các giá trị Đông Á có thể tìm thấy hoặc biểu hiện ở tổ chức làng xã, ở Nho giáo, Phật giáo, ở chữ Hán và vai trò, ảnh hưởng của nó, ở các phẩm chất thuộc về tính cách của con người, ở những đặc điểm văn hóa phổ quát, tiêu biểu của Đông Á…”[5]. Ông cũng nêu ra một số phẩm chất đặc trưng của con người khu vực Đông Á hay được nhắc đến là:
Thứ nhất, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức cộng đồng cao; Thứ hai, cần cù lao động và tiết kiệm trong tiêu dùng; Thứ ba, hiếu học, ham hiểu biết, tiếp thu nhanh những cái mới; Thứ tư, phương thức chỉ đạo tập trung có hiệu lực, đảm bảo được mọi hành động thống nhất, hạn chế được sự phân tán vô chính phủ, tránh được những thái độ, những việc làm theo kiểu tự do, cực đoan[5].
Cuộc tranh luận sôi nổi về các giá trị châu Á và quyền con người những năm 1990 cho ta thấy được nhiều điều thú vị. Trước hết, nó dường như chỉ tập trung vào khu vực Đông Á hơn là cả châu Á, khi chính Lý Quang Diệu – nguyên thủ tướng và nhà cải cách vĩ đại của Singapore, một trong những người khởi xướng và ủng hộ cho quan điểm về các giá trị châu Á đã giải thích rằng: “khi tôi nói đến những người Đông Á, tôi muốn nói đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, tách ra khỏi vùng Đông Nam Á, một nơi pha trộn hai nền văn hóa của Trung Hoa và Ấn Độ, tuy văn hóa Ấn Độ cũng chú trọng những giá trị tương tự”[45, tr.174]. Còn David I. Hitchcock khi tiến hành cuộc nghiên cứu so sánh quan niệm sống (qua các thang giá trị) giữa người Mỹ và người châu Á, ông cũng chỉ thực hiện nghiên cứu ở các nước Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines – những nước mà có thể được coi là có chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Đông Á, để từ đó rút ra những kết luận so sánh
các thang giá trị về quan niệm sống giữa người Mỹ và người Đông Á (sẽ được đề cập rõ hơn ở dưới đây).
Điều thú vị tiếp theo đó là cuộc tranh luận này chỉ đề cập và chú trọng đến vai trò của Nho giáo mà thiếu đi những vai trò khác của Phật giáo hay Lão giáo trong các xã hội Đông Á. Các nghiên cứu hay tranh luận đều chỉ tập trung đến những giá trị của sự kỷ luật, hiếu học, đề cao lợi ích cộng đồng,… được rút ra từ Nho giáo. Theo quan niệm của Lý Quang Diệu, thì
giá trị châu Á về quyền con người bao gồm các giá trị chủ yếu dựa trên hệ tư tưởng Nho giáo (Confucianism), đó là: đề cao nghĩa vụ hơn so với quyền; quyền của cá nhân phải gắn chặt với quyền của cộng đồng; đề cao vai trò của gia đình và tính thứ bậc;… Còn Amartya Sen đã tranh luận và phê phán Lý Quang Diệu đã chỉ tuyệt đối hóa và nhấn mạnh đến Nho giáo như là nền tảng của cái gọi là giá trị châu Á. Theo Amartya Sen, châu Á đâu chỉ có Nho giáo, mà còn là di sản của Phật giáo, Hồi giáo (Ấn Độ cổ đại) và Thần giáo (Nhật Bản),…. “Nếu coi văn hóa Đông Á chỉ có Nho giáo thì đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng”[27, tr.243].
Điều thú vị nữa là cuộc tranh luận này cũng đã chỉ ra được một điểm, tuy chưa thống nhất, đó là có tồn tại các giá trị Đông Á, và nó có tạo nên sự khác biệt so với văn hóa các khu vực khác trên thế giới. David I. Hictchcock trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng, đối với người Đông Á, 5 giá trị cá nhân quan trọng nhất đó là: “Cần cù; Hiếu học; Trung thực; Tự lực cánh sinh; và Kỷ luật”[36, tr.133]. Còn 5 giá trị xã hội quan trọng nhất là: “Một xã hội trật tự; Sự hòa hợp xã hội; Các quan chức có trách nhiệm; Cởi mở đón nhận tư tưởng mới; và Tự do ngôn luận”[36, tr.133]. Còn Tommy Koh đưa ra 10 giá trị nền tảng cho sự thành đạt của các xã hội Đông Á là:
Không tán thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan; Coi trọng gia đình; Coi trọng việc học hành; Cần kiệm và thanh đạm; Cần cù; Coi
trọng cộng đồng; Đề cao quan hệ bổn phận giữa chính phủ và công dân; Ở một số nước chính phủ tạo điều kiện cho công dân có cổ phần; Coi trọng xã hội có đạo đức; Tán thành nền báo chí tự do nhưng không tuyệt đối[36, tr.135-137].
Ngoài ra, Francis Fukuyama, Richard Robison, Chen Fenglin (Trần Phong Lâm), hay Phan Ngọc, tuy không hoàn toàn giống nhau, cũng đều đưa ra những nhận xét và các giá trị đặc thù của văn hóa châu Á (Đông Á). Cho nên, vấn đề cần giải quyết trong luận văn này là xác định chính xác những giá trị truyền thống đích thực của xã hội và con người Đông Á nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng, và những ảnh hưởng của nó đến việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.