Bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 95)

7. Bố cục luận văn

3.3. Bài học kinh nghiệm

Đã gần ba năm trôi qua kể từ khi những cuộc biến động chính trị - xã hội tại các nước ở khu vực Trung Đông – Châu Phi làm rung chuyển khu vực nhưng nhiều nghiên cứu về sự kiện này vẫn tiếp tục nhằm rút ra những bài học cho thế giới trong tương lai. Từ những diễn biến trong khu vực vừa qua, có thể đúc kết lại những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, kinh tế có tầm quan trọng rất lớn đối với sự ổn định của quốc gia. Có nhiều nhân tố khiến nổ ra các cuộc phản kháng trong khu vực vào năm 2011, nhưng những nỗi thất vọng bị dồn nén cuối cùng đã dâng trào, các cuộc cách mạng công nghệ và sự can thiệp của nước ngoài không phải nguyên nhân chính của vấn đề. Nguyên nhân mấu chốt ở đây chính là sự suy thoái kinh tế khiến đời sống nhân dân trở nên khổ cực. Mặc dù kinh tế đã phát triển ở một số nước trước khi xảy ra các cuộc biểu tình nhưng người dân không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó, mà

88

trái lại họ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Điều này đã khiến cho người dân vô cùng giận dữ, căm phẫn đối với chế độ cầm quyền mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế trì trệ trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao ở những nước này đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong xã hội. Khi người dân bất mãn đối với tình trạng kinh tế và đổ lỗi cho chính phủ về vấn đề này, họ sẽ không khoan dung cho những thiếu sót trong nền dân chủ và việc họ biểu tình là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế vận hành tốt và người dân trở nên phát đạt nhờ nền kinh tế ấy, giống như trường hợp của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ca-ta, thì người dân không cảm thấy cần thiết phải có một nền dân chủ bởi vì những lợi ích kinh tế của họ được đáp ứng mà không cần phải có nền dân chủ đó. Hơn nữa, họ còn có thể chấp nhận những biện pháp phi dân chủ nào đó như bãi bỏ những giới hạn nhiệm kỳ và tập trung quyền lực kinh tế dưới tay người đứng đầu, nếu cần thiết, để duy trì chính phủ đương nhiệm và vận hành hiệu quả nền kinh tế. Các cuộc khảo sát cho thấy một cách nhất quán rằng người dân trên toàn thế giới muốn có một nền kinh tế vững mạnh hơn là một nền dân chủ bền vững. Trong một cuộc khảo sát năm 2005 của Trung tâm nghiên cứu Pew, đa số những người được hỏi ở 7 trong số 9 nước được khảo sát trả lời rằng một nền kinh tế vững mạnh quan trọng đối với họ hơn là một nền dân chủ tuyệt vời. Các cuộc khảo sát tại Mỹ Latinh, Đông Á và Trung Đông đều cho những kết quả tương tự, với đại đa số người dân ở những khu vực này ủng hộ sự phát triển kinh tế hơn là dân chủ. Thậm chí ở những nước bị tác động bởi các cuộc phản kháng, người dân đã ưu tiên những mối quan tâm kinh tế như tiền lương, sở hữu nhà ở hơn là việc sống trong một nền dân chủ.

Thứ hai, thanh niên luôn đứng ở vị trí hàng đầu. Đây không phải là lần đầu tiên tầng lớp thanh niên Ả Rập đứng lên chống lại chính phủ. Giới trẻ Palestine thường xuyên đứng lên chống lại sự xâm lược của chính quyền Israel; thanh niên tại Algieria đã đứng lên chống chính quyền vào năm 1988, khiến hàng trăm người phải thiệt mạng; thanh niên tại các nước Oman, Yemen, Tuy-ni-di, Ai Cập và nhiều nước khác đã nhiều lần đứng lên phản đối chính phủ nhưng đều bị cảnh sát đàn áp. Trong những năm gần đây, giới trẻ trong khu vực phải đối mặt với tình hình kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên luôn cao gấp đôi so với thế giới,

89

tương lai mờ mịt, tình hình tham nhũng gia tăng khắp nơi… Tất cả những điều này dồn nén lại và bùng nổ thành một làn sóng mạnh mẽ chưa từng có trong khu vực, quét phăng những chế độ độc tài đã cai trị hàng chục năm qua.

Thứ ba, sức mạnh của nhân dân là vô cùng to lớn, và khi họ đã tập hợp lại thì trong một vài trường hợp có thể giành chiến thắng mà không cần có người lãnh đạo. Đây là một thực tiễn để bổ sung cho lý luận cách mạng không ngừng của Mác – Lê nin, trong đó đề cao vai trò không thể thiếu của chính đảng lãnh đạo cách mạng. Trên thực tế, làn sóng biểu tình tại các quốc gia Ả Rập không bắt nguồn từ lời kêu gọi của một lãnh tụ, một đảng phái nào đó mà chỉ từ vụ tự thiêu của một anh thanh niên bán hoa quả dạo tại Tuy-ni-di. Sự căm phẫn chế độ lên đến đỉnh điểm, và người dân thuộc đủ mọi tầng lớp cùng tụ tập, hô vang những yêu sách của mình. Bằng sức mạnh tập thể, họ đã làm được những điều tưởng chứng như không thể: lật đổ Tổng thống Ben Ali sau 23 năm nắm quyền, lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak sau khi nắm quyền trong suốt 30 năm, buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải ra đi sau 33 năm nắm quyền. Như vậy, người dân đã chứng minh rằng họ có trong tay sức mạnh vô song, có thể nhấn chìm bất cứ chế độ độc tài nào mà không cần đến người lãnh đạo.

Thứ tư, quân đội vẫn là lực lượng quan trọng đối với quốc gia. Tại Ai Cập, quân đội chính là lực lượng quyết định làm lệch cán cân nghiêng về phía người biểu tình khiến cho ông Hosni Mubarak cùng những người ủng hộ không còn có lựa chọn nào khác là phải rời bỏ quyền lực. Trong những ngày ấy, đa số người dân Ai Cập đã hân hoan bày tỏ sự mừng rỡ cuồng nhiệt vì cho rằng thoát khỏi ách độc tài trong suốt nhiều thập niên. Thế nhưng, những diễn biến sau đó đã không đúng như những gì người ta có thể chờ đợi. Từ tháng 02/2011, khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng 05/2012, Ai Cập nằm dưới sự điều hành của quân đội, một hiện tượng thường thì chỉ xảy ra trong tình huống khủng hoảng. Hơn một năm sau, quân đội Ai Cập mới miễn cưỡng đồng ý cho tiến hành một cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, đúng một năm sau khi được bầu làm Tổng thống, ông Morsi lại bị chính những người dân đã bầu ra mình đòi phải từ chức. Nguyên nhân chính ở đây là

90

người dân Ai Cập cho rằng Tổng thống Morsi không làm được gì đáng kể để cái thiện tình hình kinh tế trong nước mà chỉ lo củng cố vị trí của phong trào Anh em Hồi giáo trong chính trường Ai Cập. Khi cuộc khủng hoảng chính trị lâm vào tình thế không lối thoát, quân đội Ai Cập lại quyết định vào cuộc: Tổng thống Morsi bị bắt; một Tổng thống lâm thời được quân đội bổ nhiệm; các thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo bị bắt, văn phòng và kênh truyền hình của tổ chức này bị đóng cửa… và cuối cùng, phong trào này lại bị cấm hoạt động tại Ai Cập. Tình hình cũng xảy ra tương tự tại Tuy-ni-di, khi Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali không được quân đội ủng hộ nên đành phải từ chức và nhượng quyền, mặc dù không muốn.

Thứ năm, các trang mạng xã hội ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong việc định hình các xu hướng của xã hội. Trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập, phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là các trang mạng Facebook, Twitter, YouTube… là một công cụ hữu ích của những người biểu tình, giúp họ tập hợp tạo nên sức mạnh như vũ bão, góp phần lật đổ chế độ cầm quyền tại đất nước mình. Phương tiện truyền thông xã hội được coi là công cụ hữu hiệu để bắt đầu một phản ứng dây chuyền bằng cách mở rộng và củng cố sự liên hệ trực tiếp của truyền thông quốc tế giữa các cá nhân xuyên biên giới, giúp đẩy nhanh tốc độ trao đổi thông tin. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông xã hội không chỉ cho phép truyền tải thông tin nhanh chóng hơn với chi phí rẻ hơn, mà còn làm giảm đáng kể các hạn chế về biên giới quốc gia, cung cấp phương tiện cho các cá nhân trong một quốc gia để có thể giao tiếp với những người từ các đất nước xa xôi khác trên một nền tảng ảo.

Thứ sáu, không có đồng minh vĩnh cửu mà các quan hệ ngoại giao đều dựa trên lợi ích. Khi người dân tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đứng dậy đòi tự do và dân chủ, và khi đã nhận thấy xu hướng của những cuộc biểu tình thì phương Tây đã nhanh chóng can thiệp, phản bội những đồng minh của mình như Tổng thống Ben Ali ở Tuy-ni-di, Mubarak ở Ai Cập, Saleh ở Yemen. Lúc đầu, Mỹ và phương Tây chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, tránh bạo lực, tìm giải pháp hòa bình; sau đó, khi thấy được sức mạnh rung chuyển của phong trào biểu tình, các nước này chuyển dần sang ủng hộ lực lượng chống chính phủ. Mỹ gây sức ép lên các chính phủ trong

91

khu vực này, đòi cải cách, thực thi dân chủ. Khi Mỹ công khai ủng hộ lực lượng biểu tình, kêu gọi chuyển giao quyền lực, hành động này đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho làn sóng biểu tình, chống đối lan nhanh ra khu vực. Dù là đồng minh lâu năm của chính phủ Ai Cập và Tuy-ni-di, nhưng từ lâu Mỹ và phương Tây vẫn tài trợ cho các lực lượng dân chủ đối lập thân Mỹ tại các nước này, nhằm hướng đến xây dựng một xã hội dân sự theo mô hình dân chủ phương Tây và theo ý đồ riêng của những nước này. Tuy luôn rao giảng về các giá trị dân chủ nhưng Mỹ đã duy trì sự ủng hộ cho các chế độ độc tài ở Yemen và Bahrain bất chấp họ đã vi phạm các quyền con người, sát hại những người biểu tình hòa bình và bắt giam những nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách. Nhưng khi các chế độ này bắt đầu sụp đổ thì Mỹ lại ngừng ủng hộ họ. Như vậy, đối với các nước phương Tây mà điển hình là Mỹ, tất cả chính sách của họ đều vì lợi ích của mình, và họ sẵn sàng hi sinh cả đồng minh miễn là lợi ích của họ không bị tổn hại.

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)