Diễn biến tình hình tại Tuy-ni-di

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 53)

7. Bố cục luận văn

2.1.1. Diễn biến tình hình tại Tuy-ni-di

Tuy-ni-di là một quốc gia Hồi giáo, nằm ở Bắc Phi trên bờ Nam Địa Trung Hải, giáp với các nước Algieria, Li-bi và sa mạc Sahara. Lâu nay Tuy-ni-di vẫn được coi là một nước ổn định về chính trị, kinh tế phát triển đều đặn, với tỷ lệ từ 3% đến hơn 6%/năm* . Về mặt chính trị, Tuy-ni-di theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Tháng 5/2002,

46

Tuy-ni-di tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp sửa đổi, theo đó xóa bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ của Tổng thống và tăng tuổi giới hạn cho phép của ứng cử viên từ 70 lên 75. Trong 5 cuộc bầu cử tổng thống, hoàn toàn là hình thức, vì không có người khác tham gia tranh cử, nên ông Ben Ali luôn giành được gần 100% số phiếu. Bầu cử lần cuối, năm 2009, ông giành được 89% phiếu bầu. Tổng thống Ben Ali đã dựng lên ở đất nước Tuy-ni-di một chế độ tiêu biểu về nhà nước cảnh sát trị, bỏ tù phần lớn những người chống đối không có xét xử, chủ yếu là trí thức, văn nghệ sỹ, luật sư, nhà báo, sinh viên, nhà buôn, nhà kinh doanh loại trung lưu, dân cư mạng bloggers. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đã lên đến mức báo động (13,3% năm 2009, 14% năm 2010 và 18% năm 2011) [75], cơ sở hạ tầng không được đầu tư thích hợp, giữa các khu vực có sự đầu tư và phát triển không đồng đều khi khu vực miền trung và miền nam ít được quan tâm hơn so với khu vực ven biển. Những yếu tố này tạo nên sự bất bình trong một bộ phận dân chúng đáng kể tại Tuy-ni-di.

Cuộc biểu tình ở Tuy-ni-di được bắt đầu từ vụ tự thiêu của Mohammed Bouazizi, 26 tuổi, ở thành phố Sidi Bouzid, cách thủ đô Tunis 265 km. Mohammed Bouazizi phải đi bán trái cây để kiếm sống và bị công an tịch thu xe bán trái cây do không có giấy phép hành nghề và không có tiền để hối lộ. Bị dồn vào đường cùng, cộng với phẫn uất đã được ấp ủ từ lâu, ngày 17/12/2010 Mohammed Bouazizi đổ xăng lên người tự thiêu và qua đời vào ngày 04/01/2011.

Sau ngày 03/01/2011, hàng nghìn người dân từ các nơi đổ về thủ đô Tunis bất chấp lệnh thiết quân luật, yêu cầu chính phủ nâng cao điều kiện sống, ngăn chặn tình trạng tham nhũng và sự đàn áp của cảnh sát. Yêu cầu của những người biểu tình trẻ tuổi phản ánh sự tức giận và cảm giác bế tắc trước tình hình kinh tế - xã hội mờ mịt tại đất nước. Họ lên án tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn đối với các trường đại học và cơ sở y tế, tình trạng thất nghiệp hang loạt của giới trẻ, không chỉ những người tốt nghiệp đại học, mà còn là tình trạng thiếu các cơ hội việc làm nói chung cho toàn xã hội. Trước làn sóng biểu tình đang ngày một dâng cao, chính phủ phản ứng tùy thuộc vào sự gia tăng sức mạnh của phong trào lúc đầu chỉ dựa trên các yêu cầu về kinh tế - xã hội, trước khi chuyển thành các yêu cầu chính trị. Một

47

mặt, sự đàn áp của cảnh sát tằng lên mức bạo lực dẫn đến một số người biểu tình bị thiệt mạng. Tổng thống Ben Ali ra lệnh cho cảnh sát thẳng tay đàn áp, lệnh cho cảnh sát bắn vào bất cứ người biểu tình nào không tuân lệnh. Ngoài ra, Tổng thống Ben Ali còn ra lệnh đóng cửa các cơ quan truyền thông và các trang web. Chính phủ tấn công vào tài khoản của các blogger, lấy cắp mật mã, xóa thông tin, nhằm ngăn chặn những thông tin, hình ảnh về cuộc nổi dậy của người dân ở Tuy-ni-di đến với thế giới bên ngoài. Mặt khác, phản ứng của Tổng thống khá chậm trễ khi Tổng thống Ben Ali chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình vào ngày 28/12/2010, hứa sẽ đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình.

Trước sức ép của nhân dân, ngày 14/01/2011, Ben Ali cùng gia đình lên trực thăng sang lánh nạn tại Ả Rập Xê Út, bỏ lại một đất nước hỗn loạn sau 23 năm cầm quyền. Ngày 15/01/2011, Tòa án Hiến pháp Tuy-ni-di quyết định bãi nhiệm Tổng thống Ben Ali. Theo điều 57 Hiến pháp, Chủ tịch quốc hội Fouad Mebazaa đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tạm quyền của Tuy-ni-di, đồng thời chỉ định ông Mohamed Ghannouchi làm Thủ tướng mới và yêu cầu thành lập một chính phủ liên hiệp đoàn kết dân tộc, nhằm sớm ổn định tình hình trong nước. Cùng ngày, không phận của Tuy-ni-di đã được mở cửa trở lại cho các máy bay dân dụng, các sân bay lớn nhất của Tunidi trở lại làm việc bình thường.

Có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của tổng thống Ben Ali rõ ràng không chỉ vì “hiệu ứng Facebook” cũng như nếu đây không phải là “cách mạng Twitter” thì cần phải hiểu được tầm quan trọng của các mạng xã hội trong việc hình thành phong trào. Với gần 2 triệu người dùng Facebook tại Tuy-ni-di [80] và một nhóm cơ bản gồm khoảng 2.000 blogger tích cực, internet đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gây chú ý cho phong trào mà phương tiện truyền thông truyền thống không thể mang lại. Các đảng phái chính trị tại Tuy-ni-di chỉ đóng một vai trò hạn chế trong những diễn biến vừa qua tại đất nước Bắc Phi này. Ban đầu, các đảng phái chính trị tham gia một cách không trực tiếp bằng cách tập hợp những nhà hoạt động để tham gia vào phong trào với tác động hạn chế. Phần lớn họ chỉ đưa ra các thông cáo báo chí và kêu gọi hành động, chủ yếu trên mạng internet. Trong khi đó, các phong trào Hồi giáo tỏ ra khá mờ nhạt trong phong trào biểu tình.

48

Al-Nahda, tổ chức Hồi giáo đối lập chính tại Tuy-ni-di trên thực tế không có nhiều thế lực sau nhiều năm bị trấn áp. Giống như các đảng cánh tả khác, các phong trào Hồi giáo không thể hành động được nếu thiếu các tổ chức lao động hoặc hiệp hội nghề nghiệp. Thêm vào đó, các phong trào Hồi giáo không gây được sự chú ý đáng kể khi không đưa ra được khẩu hiệu Hồi giáo nào trong suốt cuộc biểu tình. Thậm chí, Al-Nahda còn không đưa ra được những tuyên bố của chính mình, chỉ có tổ chức Houria wa Insaf (Tự do và Công bằng) có mối liên hệ chặt chẽ với Al-Nahda, là đưa ra quan điểm của mình ngay sau khi nổ ra biểu tình, trong đó lên án sự đàn áp của cảnh sát và kêu gọi các cơ hội kinh tế cho những sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp.

Sự quay trở lại của Chủ nghĩa Hồi giáo trên chính trường Tuy-ni-di được coi là một trong những thách thức lớn đối với quá trình chuyển giao chính trị tại đất nước Bắc Phi này. Quan điểm về các phong trào Hồi giáo vẫn là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt, các phong trào Hồi giáo reo rắc sự sợ hãi về quá khứ đầy bạo lực tại đất nước, mặt khác họ được công nhận là một phần không thể tách rời của quá trình chuyển đổi dân chủ tại quốc gia này. Nhận thức được thực tế không rõ ràng này, đảng Al-Nahda tìm cách liên hệ với các đối tác để tìm chỗ đứng chính trị cho mình trong chính phủ liên hiệp được thành lập sau này. Vào năm 1994, đảng Al-Nahda cũng tiến hành đối thoại với các phong trào dân tộc Ả Rập và phong trào cánh tả, trở thành một trong những nhà sáng lập của Hội nghị dân tộc và Hồi giáo, được tổ chức hàng năm tại Beirut, Li-băng. Sự pha trộn của Chủ nghĩa Hồi giáo và các lực lượng chính trị khác có nhiều diện mạo khác nhau. Trong những năm từ 1990 đến 2000, các thành viên của phong trào Hồi giáo tham gia vào các nhóm chính trị thế tục cũng như tham gia với các tổ chức nghề nghiệp vì các hoạt động chính trị tại quốc gia này không được chính phủ cho phép. Đáng chú ý là sau ngày 14/01/2011, không có đảng phái chính trị nào chính thức phản đối sự tham gia của Al-Nahda trong trò chơi chính trị. Điều này phản ánh tác động của những cuộc đối thoại trước đây giữa những người Hồi giáo và các phong trào đối lập khác.

49

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)