Diễn biến tình hình tại Ai Cập

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 60)

7. Bố cục luận văn

2.1.3. Diễn biến tình hình tại Ai Cập

Chứng kiến sự sụp đổ của Tổng thống Ben Anli của Tuy-ni-di, người dân tại nhiều nước trong khu vực thay đổi suy nghĩ và dám đứng lên đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của mình, đòi chấm dứt tình trạng khẩn cấp vốn kéo dài hàng thập kỷ; đòi tăng lương tối thiểu và chấm dứt trình trạng giá thực phẩm tăng vọt như tên lửa. Nguyên nhân của những cuộc biểu tình này cũng tương tự như những quốc gia khác trong khu vực. Ai Cập đã phải sống hàng thập kỷ dưới sự cai trị độc tài, một môi trường chính trị hầu như độc quyền của Đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền (NDP); tình trạng tham nhũng tràn lan, sự bất bình đẳng rõ ràng giữa người giàu và người nghèo, lực lượng an ninh vô trách nhiệm và lạm dụng chức quyền.

Ngày 25/01/2011 được coi là “ngày thịnh nộ” tại đất nước này khi hàng chục nghìn người Ai Cập đổ ra đường biểu tình đòi chấm dứt chế độ của Tổng thống Mubarak đã cai trị đất nước từ năm 1981. Sự việc bắt đầu là sáng kiến kêu gọi biểu tình của một nhóm người sử dụng Facebook nhận được sự ủng hộ rộng rãi của tất cả các tầng lớp xã hội Ai Cập. Hơn nữa, tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm đối lập vốn

53

từ lâu bị cấm hoạt động tại Ai Cập tuyên bố ủng hộ các cuộc tuần hành của người biểu tình trong ngày này. Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng nhận được sự ủng hộ của cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohammed El- Barardei, người vừa trở về Ai Cập từ Vienna, Áo.

Trước làn sóng biểu tình ngày một gia tăng, Tổng thống Mubarak xuất hiện trên truyền hình nhà nước lần đầu tiên vào ngày 29/01/2011, công bố giải tán nội các chính phủ và tăng tốc cải cách để giúp đỡ người nghèo và khuyến khích dân chủ. Cách chế độ xử lý tình huống vào những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng thể hiện cách thức giải quyết của chính phủ đối với những ngày tiếp sau của phong trào: phương thức cây gậy và củ cà rốt, có sự trấn áp bằng bạo lực, cả chính thức và không chính thức, với những nhượng bộ hạn chế trong một nỗ lực để làm suy yếu các bộ phận của phe đối lập [31, pg. 6]. Truyền hình nhà nước ban đầu đã cố gắng giảm bớt hoặc bỏ qua các cuộc biểu tình - bằng cách nhấn mạnh những nhượng bộ của chính phủ và tập trung vào tình trạng bạo lực và cướp bóc - nhưng khi các chính phủ nước ngoài bắt đầu lên án hành vi của chế độ cầm quyền, thì chính phủ tìm cách xoay chuyển tình thế để có lợi cho mình. Chính phủ mô tả các cuộc biểu tình như các sản phẩm của sự can thiệp của nước ngoài và những người biểu tình như các phần tử Hồi giáo triệt để, Israel hoặc phương Tây.

Trước làn sóng biểu tình của hàng triệu người dân Ai Cập đòi ông Mubarak phải từ chức, ngày 11/02/2011 Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman thông báo Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức và trao lại quyền cho quân đội. Sau khi có tin ông Mubarak từ chức, hàng trăm nghìn người biểu tình tại quảng trường Tahrir đã bày tỏ niềm vui trước thông tin này. Thông báo của Phó Tổng thống Suleiman khiến mọi người hết sức bất ngờ, vì trước đó vào ngày 10/02/2011, trong bài phát biểu trên truyền hình dài 20 phút, ông Mubarak chỉ tuyên bố sẽ chuyển giao phần lớn quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman; không từ chức hoặc rời Ai Cập và tiếp tục cầm quyền đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9; sẽ đề nghị sửa đổi sáu điều trong hiến pháp; điều tra về những người biểu tình thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc quân đội tiếp quản giống như một cuộc đảo chính quân sự vì về mặt chính thức thì chủ tịch quốc hội phải tiếp quản quyền lực chứ không phải lãnh

54

đạo quân đội.

Ngày 13/02/2011, quân đội Ai Cập đã giải tán Quốc hội và đình chỉ hiến pháp nhằm đáp ứng hai đòi hỏi chính của những người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng liệu việc ông Mubarak chịu từ chức là do áp lực của cuộc biểu tình của dân chúng hay so sức ép của quân đội. Điều này sẽ quyết định đây là một cuộc cách mạng xã hội hay đảo chính quân sự.

Trong năm 2011, tại Ai Cập vẫn tiếp tục diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối việc Hội đồng quân sự tiếp tục điều hành đất nước sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vào tháng 2/2011. Trong các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện diễn ra vào năm 2012, đảng Tự do và Công lý (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng chính trị hiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập đã giành chiến thắng, và ông Mohammed Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, với 51,73% số phiếu bầu, đánh bại cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq. Tuy nhiên, sau một năm lãnh đạo đất nước, ông Morsi đã không làm hài lòng dân chúng nước này và kết quả là ngày 30/06/2013, hàng triệu người Ai Cập xuống đường ở Cairo và các thành phố khác tức giận kêu gọi Tổng thống Morsi từ chức vì thất vọng với nhà lãnh đạo Hồi giáo. Sau đó, ngày 04/7/2013, quân đội tuyên bố đã lật đổ ông Morsi và chỉ định Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour làm lãnh đạo lâm thời của nước này. Biểu tình, đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Morsi vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố, thị trấn, làm hàng chục người thiệt mạng, và khoét sâu hơn sự chia rẽ, phân cực trong xã hội Ai Cập. Người ta lo ngại rằng sự chia sẽ chính trị đang bị đẩy lên đỉnh điểm tại quốc gia này có thể khiến Ai Cập rơi vào thảm kịch và nội chiến. Như vậy có thể thấy rằng ngay cả sau khi đã thành lập được chính phủ thì Ai Cập vẫn rơi vào vòng xoáy bạo lực phe phái chưa có lối thoát. Bế tắc chính trị tại nước này khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)