Diễn biến tình hình tại Li-bi

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 57)

7. Bố cục luận văn

2.1.2. Diễn biến tình hình tại Li-bi

Nằm ở Bắc Phi với diện tích khoảng 1.759.540 km2, Li-bi được chia thành ba phần khá khác biệt – Tripolitania ở phía Tây, Cyrenaica ở phía Đông và Fezzan ở phía Nam. Vì sự chia cắt địa lý nên giao thông và liên lạc giữa các vùng với nhau bị hạn chế khá nhiều. Phương tiện hiệu quả để di chuyển giữa các khu vực này là bằng máy bay. Chính vì vậy, nhiều người tại khu vực phía Đông cảm thấy gần gũi với quốc gia Ai Cập láng giềng hơn đối với khu vực phía Tây của đất nước. Ngược lại, những người tại phía Tây cảm thấy gần gũi hơn với Tuy-ni-di hơn do có kết nối thương mại từ xa xưa. Bên cạnh đó, dân cư tại khu vực thủ đô thường coi họ hướng ngoại và cởi mở hơn so với những người tại khu vực phía Đông đất nước. Ngay cả tiếng Ả Rập tại các khu vực này cũng khác nhau đáng kể. Khu vực phía Đông của Li-bi cũng có liên quan rất nhiều tới Chủ nghĩa Hồi giáo với dân số thiên về xu hướng bảo thủ về mặt truyền thống và xã hội. Đây là khu vực mà phong trào Sanussi được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Ban đầu, đây là một phong trào phục hưng tìm cách kết hợp tinh thần bí truyền trong giáo lý của truyền thống Hồi giáo Sufi với các yếu tố cải cách tôn giáo coi thời kỳ sơ khai của Hồi giáo và các bậc tiền bối như là một mô hình xã hội. Phong trào này được thành lập vào đầu thế kỷ XIX bởi một học giả Algeria tên là Sayed Mohamed Ali Al- Sanussi. Những lời giảng dạy của Sanussi đặc biệt được những người Bedouin đón nhận bởi thông điệp đơn giản là mang Hồi giáo trở lại với thời sơ khai của tôn giáo này. Phong trào Sanussi mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng liên minh với các lãnh đạo bộ tộc và củng cố vững chắc phong trào trong các cấu trúc bộ lạc tại khu vực. Cuối cùng họ kiểm soát rất nhiều các tuyến đường thương mại trên sa mạc Sahara từ Trung Phi tới bờ biển Cyrenaican và Ai Cập. Kết quả là, phong trào Sanussi không chỉ trở thành lực lượng tôn giáo mà còn là lực lượng chính trị chiếm ưu thế tại Cyrenaica; vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào vào cuối thế kỷ XIX, nó giống như một nhà nước độc lập, một yếu tố khác góp phần vào bản sắc riêng biệt của khu vực phía Đông. Trong những thập kỷ gần đây, khu vực này cũng là nơi xuất phát của phần lớn những thành viên của các dòng Hồi giáo đối lập khác nhau, cả ôn hòa (như Nhóm Hồi giáo

50

Li-bi, một chi nhánh địa phương của phong trào Anh em Hồi giáo) và thánh chiến quân sự (chẳng hạn như Nhóm Chiến đấu Hồi giáo Li-bi).

Sau khi phong trào Mùa xuân Ả Rập lật đổ nhà lãnh đạo của Tuy-ni-di và Ai Cập, Li-bi đã trải qua hàng loạt các cuộc biểu tình trên quy mô rộng lớn từ ngày 17/02/2011. Cũng giống như các nước Tuy-ni-di, Ai Cập, Yemen, người biểu tình ở Li-bi đã xuống đường chống chính phủ và muốn thay đổi chế độ cầm quyền. Họ cũng đã liên kết và kêu gọi biểu tình qua mạng facebook. Sự bất bình làm thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Li-bi cũng tương tự như một số nước khác tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Chế độ độc tài kéo dài nhiều thập kỷ và sự trấn áp chính trị cùng với tình trạng tham nhũng tràn lan và sự quản lý sai lầm, yếu kém đã gây nên nhiều oán hận trong phần lớn dân chúng đến nỗi khi ngọn lửa được nhen lên, nó nhanh chóng bùng phát dữ dội, khiến những con người luôn sống trong sự kìm kẹp quên hết nỗi sợ hãi, cùng đổ ra đường, đoàn kết với nhau trong một mục tiêu chung là lật đổ chế độ cầm quyền. Sự tức giận của dân chúng cũng là kết quả của những bất bình có lẽ chỉ có tại Li-bi. Nhân dân tại quốc gia Bắc Phi này khiếp sợ vị lãnh đạo của họ đến mức phải chấp nhận sự lập dị của ông Gaddafi trong lãnh đạo đất nước cũng như trong đối ngoại [33, pg.1]. Thứ hai, người dân Li-bi cảm thấy quá thất vọng vì tình trạng phát triển thấp của đất nước mặc dù sở hữu những nguồn dầu mỏ phong phú. Trong khi chế độ cầm quyền thực sự đã sử dụng nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ để xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội ấn tượng vào những năm 1970, cung cấp nhà ở, tiền trợ cấp, thậm chí cả xe ô tô, nhưng chương trình này đã bị suy giảm trong những thập kỷ gần đây khiến nhiều người dân phải chật vật sống qua ngày. Mặc dù các điều kiện kinh tế tại Li-bi không quá khó khăn như tại một số nước láng giềng nhưng nhiều người dân không thấy được sự phát triển kinh tế sau khi kết thúc lệnh trừng phạt của quốc tế vào năm 2003-2004 và thường xuyên than phiền về khoảng cách ngày một mở rộng giữa người giàu và người nghèo. Ngoài ra, những cơ hội kinh tế thường rơi vào tay một bộ phận nhỏ giới thượng lưu cũng như các con và người nhà của Tổng thống Gaddafi. Việc sử dụng quỹ của chính phủ để hỗ trợ các công ty của những người con trai ông Gaddafi

51

đã trở thành phổ biến. Chính vì những lý do này, Li-bi được ví như một lò hơi bị nén chặt, chỉ chờ cơ hội bùng nổ [33, pg.2].

Sau sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Ben Ali tại Tuy-ni-di vào ngày 14/01/2011, chính phủ Li-bi đã có những động thái khá kịp thời. Ngày 26/01/2011, ông Gaddafi có một bài phát biểu bất thường, trong đó có đề cập đến tình trạng thiếu nhà ở, đồng thời nói rằng giới trẻ có thể lấy những ngôi nhà thuộc về mình. Ngay lập tức, hàng trăm người dân Li-bi đã chiếm những dự án xây nhà chưa hoàn thành trên khắp cả nước. Ngay sau đó, chính phủ đã có những hành động khôn ngoan để dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách tăng cường lực lượng an ninh, trong khi khích lệ những người đã mua nhà trong các khu bị chiếm giữ đòi lại nhà của mình. Bằng cách khiến người Li-bi tự chống lại nhau theo cách này, chính phủ đảm bảo rằng các cuộc biểu tình sẽ không leo thang nữa. Tuy nhiên, ba tuần sau đó, người dân lại tăng cường quy mô biểu tình khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ vào ngày 11/02/2011. Bên cạnh các biện pháp an ninh, chính phủ cũng triển khai các biện pháp khác để kìm chế người biểu tình, bao gồm cả việc huy động những người ủng hộ chính phủ trong các cuộc mit-ting rộng lớn. Ngoài ra, ông Gaddafi cũng cảnh báo lãnh đạo các bộ lạc không cho phép giới trẻ tham gia vào biểu tình, tranh thủ sự ủng hộ của người dân bằng cách lắng nghe các yêu cầu của họ. Bất chấp những động thái này, một lần nữa các cuộc biểu tình lại bắt đầu tại thành phố Benghazi và nhanh chóng lan sang các thị trấn ở phía đông khác như Derna, Tobruk và Al-Baida. Sau gần mười tháng chiến đầu giằng co giữa lực lượng quân chính phủ Li-bi và lực lượng quân nổi dậy, ngày 20/10/2011, ông Gaddafi và người đứng đầu lực lượng vũ trang trung thành với ông Gaddafi đã bị tiêu diệt sau khi thành phố Sirte thất thủ. Việc chiếm được Sirte và cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), khi lực lượng này có thể tuyên bố hoàn toàn giải phóng Li-bi và tổ chức các cuộc bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, hai năm sau ngày chính quyền ông Gaddafi sụp đổ , Li- bi vẫn thường xuyên xảy ra những vụ bạo lực , xung đột, và đầy bất ổn. Dù hiện nay Li-bia đã có Quốc hội và Chính phủ , song chính quyền mới đang rất vất vả để giải quyết vấn đề an ninh, cũng như hòa giải các phe phái trong nước . Quốc gia này

52

đang bị chia rẽ bởi các “yếu tố bộ lạc” gia tăng sau sự sụp đổ của chế độ nhà lãnh đạo Gaddafi. Sự đối đầu giữa những bộ lạc khác nhau , những liên minh bộ lạc là đặc trưng của đất nước Li -bi mới. An ninh cũng là thách thức lớn mà chính quyền mới tại Libya phải đối mặt. Thành phố Bani Walid- cách thủ đô Tripoli 160km về phía Nam, vốn là thành trì của ông Gaddafi, hiện nay vẫn chứng kiến các cuộc xung đột ác liệt khi quân đội cố gắng “áp đặt trật tự” nơi đây. Một số nhóm vũ trang trung thành với chế độ cũ của ông Gaddafi cho biết, đang chờ cơ hội hành động chống chính quyền. Trong khi đó, nhiều người dân chưa thực sự hài lòng về sự thay đổi do chính quyền mới mang lại. Cùng với những thử thách về chính trị và an ninh, kinh tế trì trệ cũng là điều mà Li-bi đang cố gắng khắc phục. Sau nhiều tháng chiến tranh, nền kinh tế Li-bi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề và mặc dù nước này đã khôi phục các hoạt động khai thác dầu, nhưng để làm sống lại thời kì hưng thịnh dưới chế độ của ông Gaddafi thì sẽ phải mất một thời gian dài. Nhìn chung, tình hình kinh tế Li-bi vẫn trì trệ, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.

Một phần của tài liệu Vấn đề Hồi giáo và chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi đầu thế kỷ XXI (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)