- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “ 23.376 89
3.3. Những giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp nông thôn ở tỉnh
Quảng Nam trong thời gian tới.
3.3.1. Quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn.
Quy hoạch là vấn đề rất cần thiết và quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế nói chung cũng như quá trình phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Do tính tự phát rất cao của các doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở sản xuất cá thể nhỏ, nếu không có sự phù hợp dễ dẫn đến sự lãng phí, không hiệu quả cũng như ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chung. Vì thế nhất thiết phải quy hoạch. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khóa XVIII) của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Nam về phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động “ly nông bất ly hương”, thì công tác quy hoạch công nghiệp nông thôn ở các huyện, thành phố là rất cần thiết. Quy hoạch để sắp xếp, bố trí không gian, địa điểm sản xuất một cách hợp lý khoa học từ đô thị đến đồng bằng, trung du, miền núi; chọn địa điểm thuận lợi về giao thông, gần nguồn nguyên liệu, có lực lượng lao động tại chỗ… vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa tiêu thụ nông sản của nông dân. Quy hoạch để có điều kiện đầu tư phát triển cải tạo vật chất xã hội, nâng cao giá trị gia tăng và giá trị sản xuất đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái, kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề cần quan tâm trong công tác quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn là phải xác định được vùng nguyên liệu, chủng loại nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, các cơ sở sản xuất; tiếp theo là công nghệ, thiết bị; chủng loại sản phẩm sản xuất ra và thị trường tiêu thụ; cuối cùng là vấn đề môi trường. Tất cả những vấn đề đó nếu không được tính toán một cách đầy đủ, khoa học trong khâu quy hoạch thì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện sau này, thậm chí làm thiệt hại đến sản xuất của người nông dân và của doanh nghiệp. Do vậy, trong khâu quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn phải tính toán một cách thận trọng cả vấn đề trước mắt và cả những vấn đề lâu dài, không vì những vấn đề bức xúc trước mắt mà làm một cách vội vàng, thiếu khoa học sẽ ảnh hưởng đến phát triển lâu dài. Cũng như phát triển nền kinh tế
nói chung, quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn phải đảm bảo phát triển bền vững, theo hướng hiện đại và phải góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam cần phải thực hiện như sau:
Thứ nhất, phải xây dựng các quy hoạch hệ thống đô thị như thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống đô thị bền vững, gắn khu vực đô thị với khu vực nông thôn tạo mối quan hệ thúc đẩy, biến đô thị thành hạt nhân, động lực mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Quy hoạch xây dựng thị trấn, thị tứ tạo ra các trung tâm kinh tế, thương mại cho huyện, liên xã, xã, đặc biệt ở khu vực miền núi như TaBing, Chà Val, La Dê (Nam Giang), Khâm Đức, Phước Năng (Phước Sơn), Việt An, Sông Trà (Hiệp Đức), góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông- lâm- thủy sản ở khu vực nông thôn.
Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phải phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo mặt bằng, giải quyết những vấn đề bức xúc trong việc đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Bố trí các điểm công nghiệp ở những nơi có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng, phù hợp với cảnh quan môi trường, thuận tiện cung cấp nguyên vật liệu, gần các trục lộ giao thông và có khả năng mở rộng phát triển. Kết hợp giữa quy hoạch mới với quy hoạch sắp xếp, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn. Tổ chức không gian hợp lý để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề ở nông thôn đang nằm rải rác trong đô thị, thị trấn, thị tứ, làng xóm như hiện nay vào các cụm công nghiệp, đồng thời vận động thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch mà sắp xếp, cơ cấu lại sản phẩm các cơ sở và cụm công nghiệp theo hướng lựa chọn những loại sản phẩm chủ lực, mũi nhọn có lợi thế để tập trung đầu tư hàng loạt. Hiện nay Quảng Nam có 157 cụm công nghiệp đã được tỉnh quy hoạch, các huyện, thành phố đã triển khai 43 cụm, tiếp tục từ nay đến 2015 triển khai
các cụm công nghiệp còn lại.
Thứ ba, quy hoạch vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy hải sản. Như vùng nguyên liệu sắn ở Quế Sơn cho nhà máy chế biến tinh bột sắn, vùng nguyên liệu dứa ở các huyện Nam Giang, Đại Lộc cho nhà máy chế biến nước dứa cô đặc… Đây là một trong những nội dung ưu tiên trong quá trình phát triển công nghiệp nông thôn. Do vậy, công tác quy hoạch cần chú trọng thế mạnh tiềm năng của từng vùng, tăng khả năng liên kết giữa các vùng và tăng cường liên kết giữa các ngành nhất là giữa nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài việc đảm bảo nguyên liệu cho những nhà máy hiện có, cần tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản, con vật nuôi để đáp ứng công suất hiện có và khả năng tăng công suất của các nhà máy trong giai đoạn sau năm 2010 và phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy dự định đầu tư như: nhà máy sợi, nhà máy cán bông, nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến thịt xuất khẩu, nhà máy sản xuất cá hộp… Với hơn 300.000 ha đất trống đồi núi trọc ở các huyện miền núi như Tiên Phước, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, cần có cơ chế khuyến khích trồng các loại cây nguyên liệu giấy như keo lá tràm, keo lai…, cây tre lấy măng, cây mây, cây cao su, để có nguyên liệu cho các nhà máy giấy, cao su,…
Thứ tư, quy hoạch trung tâm thương mại- dịch vụ quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống tại các đô thị lớn, khu du lịch. Từng bước hình thành khu chợ hàng hóa vật thể và phi vật thể vừa quảng bá, vừa đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước như chợ rằm, chợ đêm Hội An, chợ phiên Mỹ Sơn, trung tâm thương mại- dịch vụ quảng bá Tam Kỳ, khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc…
3.3.2. Mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua có không ít cơ sở công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam hoạt động bị chững lại hay phải thu hẹp quy mô sản xuất do sự biến động của thị trường tiêu thụ. Một số cơ sở dự định mở rộng quy mô sản xuất và tạo ra
sản phẩm mới nhưng không dám thực hiện. Như vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng cho sự tồn tại và phát triển công nghiệp nông thôn. Do đó, việc tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn có ý nghĩa thực tiễn cho sự phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam. Vì vậy, để hình thành và mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn, cả Nhà nước lẫn các đơn vị kinh doanh trong công nghiệp nông thôn đều cần cộng tác thực hiện hàng loạt các biện pháp có quan hệ hữu cơ với nhau. Những biện pháp này cần tác động theo các hướng sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại.
Những hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, cần tăng cường thông tin dự báo thị trường giúp cho các cơ sở sản xuất định hướng phát triển mặt hàng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát, liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế, thành lập các hiệp hội làng nghề, hiệp hội sản xuất theo ngành hoặc theo địa phương, như hiệp hội sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ ở Hội An. Đồng thời tạo mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các làng nghề với các doanh nghiệp lớn để các đơn vị này đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề.
Cần phải coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn đến các vùng, tạo thành thói quen tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong nhân dân, không ngừng đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng hàng ngày trong gia đình. Mặt khác các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các cụm công nghiệp nông thôn, hộ gia đình các làng nghề đăng ký thương hiệu để quảng bá sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích đội ngũ sáng tác,
thiết kế xây dựng mẫu, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc thù Quảng Nam. Sử dụng rộng rãi nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá để khách hàng gần xa biết tới như quảng bá trên mạng, tham gia hội chợ, triển lãm... Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất kinh doanh trong trong các làng nghề mở các đại lý, quầy hàng giới thiệu sản phẩm ở các đô thị, các tụ điểm thương mại ở tại các địa phương, các điểm du lịch lớn như Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng. Đặt các đại diện thương mại, hình thành các trung tâm xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm hàng công nghiệp nông thôn. Tăng cường chặt chẽ với các đại sứ quán các nước, các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài nhằm giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của các cơ sở công nghiệp nông thôn ra nước ngoài. Ngoài ra tỉnh nên quan hệ tốt với các tờ báo, tạp chí, trong đó có các tạp chí ngành như Tạp chí Thương mại, Báo Công thương, Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tạp chí Du lịch, … để thực hiện các bài viết, phóng sự về sản phẩm hàng công nghiệp nông thôn Quảng Nam, giới thiệu các làng nghề.
Thứ hai, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, vươn ra thị trường trong nước và thế giới.
Một là, cần phát triển hệ thống chợ ở nông thôn, thông qua chợ để làm cầu nối lưu thông hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp, giữa nông thôn với thành thị. Thực tế cho thấy, ở nơi nào chợ phát triển thì kinh tế hàng hóa, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ ở nông thôn phát triển, các dịch vụ cũng phát triển theo để phục vụ sản xuất, quan hệ xã hội ngày càng sôi động, sức mua tăng, thị trường được mở rộng về chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay các huyện nông thôn miền núi Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn vẫn còn nhiều xã rộng nhưng không có chợ hoặc có cũng dạng chợ tạm không ổn định, dân cư thưa thớt không tạo được sức mua. Phấn đấu đến năm 2010- 2015 bình quân mỗi xã ở nông thôn Quảng Nam có từ 1- 2 chợ mua
bán ổn định, gắn liền với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất xây dựng và thành lập thương hiệu để ổn định và có địa chỉ tin cậy trong việc giao dịch.
Hai là, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn ngày càng cao, để cho nông dân và dân cư nông thôn có thu nhập tăng lên, kéo theo sức mua lớn, tạo cơ sở tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp nông thôn. Thực hiện nhiều biện pháp tác động nhằm định hướng nhu cầu tiêu dùng, thay đổi tập quán tiêu dùng, cơ cấu tiêu dùng của dân cư nông thôn, như thói quen tiêu dùng hàng nội địa, hàng công nghiệp nông thôn… Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ sản phẩm nội địa, đồng thời kiên quyết xử lý hàng lậu, hàng giả, tạo điều kiện công nghiệp nông thôn cạnh tranh bình đẳng hơn. Chú trọng các biện pháp trợ giúp cơ sở sản xuất ngay từ khi khởi sự kinh doanh và trong quá trình quá trình kinh doanh tạo sự bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho mỗi doanh nghiệp, trợ giúp cơ sở sản xuất khắc phục nhược điểm, đủ sức vươn lên tham gia cuộc cạnh tranh trên thị trường.
Ba là, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với thay đổi mẫu mã, tăng cường trang thiết bị sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm để đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam đến với các nước trong khu vực và thế giới.
Quảng Nam hiện còn nhiều tiềm năng và lợi thế để đa dạng hóa sản phẩm, nhưng giá cả nhiều mặt hàng còn cao, kém sức cạnh tranh, nhất là những sản phẩm dệt thổ cẩm, các mặt hàng chế biến nông sản, sản phẩm gỗ, điêu khắc, may mặc. Các mặt hàng này phần lớn là lao động thủ công, tay nghề thấp, phương tiện lạc hậu nên năng suất thấp khi trao đổi trên thị trường quốc tế bị thua thiệt, bất lợi trong cạnh tranh. Do vậy, phải đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất đa dạng sản phẩm, kết hợp với kỹ thuật truyền thống tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phong phú để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ngày càng cao sang thị trường các nước EU, Nhật Bản, các
nước ASEAN, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và một số thị trường có triển vọng phát triển như các nước Trung cận đông, các nước châu Phi. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tiến tới việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước hết, cần coi trọng xuất khẩu tại chỗ bằng cách:
- Gắn phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, các làng nghề với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch đến với các di sản văn hóa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, qua đó xây dựng hình ảnh tích cực về làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đảm bảo sự lôi cuốn lâu bền với khách du lịch, có thể mở các phố, các cửa hàng chuyên bán hàng lưu niệm.
- Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp nông thôn, các làng nghề cần phải quan hệ tốt và thường xuyên với các cơ sở đại lý phân phối cấp I và cấp II để bán và giới thiệu sản phẩm, tăng cường quan hệ với các siêu thị, sân bay, bến cảng. Thiết lập mạng lưới phân phối ở các thành phố, các điểm du lịch trong vùng duyên hải Nam Trung bộ.
3.3.3. Đầu tư vốn và đổi mới kỹ thuật công nghệ 3.3.3.1. Nhóm giải pháp về huy động vốn
Nhu cầu về tổng vốn đầu tư cho công nghiệp nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng từ năm 2006 đến 2010 và 2015 là 34.065 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, làng nghề là 1.644 tỉ đồng, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp là 32.421 tỉ đồng [34]. Đối với Quảng Nam nền kinh tế còn khó khăn, tích lũy thấp thì nhu cầu vốn này là lớn. Để đảm bảo huy động được một lượng vốn như trên, cần áp dụng một hệ thống các biện pháp để vừa tạo nguồn vốn, tăng lượng vốn có thể huy động từ mỗi nguồn, vừa tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể khai thác, sử dụng được các nguồn vốn đó. Trong thời gian, những biện pháp mà tỉnh Quảng Nam cần áp dụng là: