Nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển công nghiệp nông thôn.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam hiện nay (Trang 26 - 32)

1.2.1. Nội dung phát triển công nghiệp nông thôn.

Nội dung phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta hiện nay là quá trình hình thành, mở rộng, nâng cao quy mô, trình độ các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc mọi thành phần, mọi loại hình sản xuât kinh doanh, mọi ngành nghề ở địa bàn nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Trên tinh thần này, phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta được xác định trên những nội dung cơ bản sau đây:

Về có bản, công nghiệp nông thôn nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế cả về qui mô và trình độ phát triển. Qui mô công nghiệp nông thôn nhìn chung còn nhỏ bé, cả trên tổng thể và trên từng doanh nghiệp, từng cơ sở công nghiệp nông thôn. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Chính qui mô nhỏ còn làm hạn chế khả năng áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Vì thế, xét về trình độ, công nghiệp nông thôn Việt Nam hiện nay còn lạc hậu, biểu hiện cả ở phương tiện, thiết bị và cách tổ chức quản lý trong từng doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Chính vì vậy, mở rộng qui mô, nâng cao trình độ phát triển công nghiệp nông thôn là một trong những nội dung cơ bản ở nước ta hiện nay, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân công nghiệp nông thôn mà còn đáp ứng đòi hỏi đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhìn trên tổng thể, công nghiệp nông thôn ở nước ta có thể và cần phải phát triển ở mọi vùng miền của đất nước. Bởi lẽ, ở nước ta, nông thôn là vùng lãnh thổ rộng lớn, trải khắp mọi vùng, miền của đất nước. Hơn thế nữa, tiềm năng cho phát triển công nghiệp nông thôn ở những vùng này chưa được khai thác bao nhiêu, còn dồi dào, nhất là nguồn nguyên liệu, lao động và thị trường. Phát triển công nghiệp nông thôn về qui mô còn là sự mở rộng quá trình sản xuất kinh doanh trong từng doanh nghiệp, từng cơ sở công nghiệp nông thôn. Chỉ có mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, cả về qui mô vốn, qui mô về lao động thì mới áp dụng được những tiến bộ của khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh của công nghiệp nông thôn.

Thứ hai, phát triển công nghiệp nông thôn hướng vào các ngành, nghề phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp và nông thôn.

Ở nước ta, hiện nay kinh tế nông thôn nhiều vùng miền, nhiều địa phương, nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nông thôn; lao

động nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu lao động của nông thôn. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là các ngành nghề trực tiếp phục vụ kinh tế nông nghiệp và nông thôn là nội dung quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn ở nước ta trong thời gian tới. Tập trung nhất là các ngành, nghề như công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, sửa chữa máy móc nông nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng. Sự phát triển mạnh mẽ những ngành, nghề này thúc đẩy mạnh sự phát triển nông nghiệp – với tư cách là nguồn cung cấp nguyên liệu; hơn nữa, sự phát triển mạnh những ngành, nghề này còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp - dịch vụ; trên cơ sở đó chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra sự phân công lao động xã hội mới trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Thứ ba, phát triển công nghiệp nông thôn còn là phát triển tiểu thủ công nghiệp, hình thành các làng nghề công nghiệp nông thôn.

Làng nghề là lực lượng chủ yếu của công nghiệp nông thôn và là hình thức chủ yếu của phát triển công nghiệp nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các làng nghề đồng nghĩa với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, nhờ vậy sẽ nâng tỉ trọng của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế ở nông thôn và tăng tốc độ phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời với thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển các làng nghề sẽ kéo theo phát triển nông nghiệp để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các nghề dịch vụ. Hơn thế nữa, phát triển tiểu thủ công nghiệp, hình thành các làng nghề ở nông thôn còn là sự bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn. Chính vì vậy, phát triển tiểu thủ công nghiệp, hình thành các làng nghề là nội dung cơ bản của phát triển công nghiệp nông thôn được nhà nước quan tâm và khuyến khích. Trong thực tế, ở nhiều vùng, nhiều địa phương, sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp, của các

làng nghề đã đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn.

Mặt khác, hình thành và phát triển khu công nghiệp vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp làng nghề là nhân tố mới trong phát triển công nghiệp nông thôn ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cụm công nghiệp làng nghề là một địa bàn phân bố các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh tế gia đình nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo ra cơ sở hạ tầng tốt hơn và tạo điều kiện tốt hơn cho mở rộng sản xuất kinh doanh.. Phát triển cụm công nghiệp làng nghề là hợp với quy luật kinh tế khách quan, đó là do sự phát triển của phân công lao động xã hội, sản xuất công nghiệp tách khỏi sản xuất nông nghiệp, trở thành ngành độc lập và do sản xuất công nghiệp đi từ phân tán đến tập trung để có quy mô lớn, có điều kiện phát triển sản xuất- kinh doanh.

Thứ tư, phát triển công nghiệp nông thôn với sự đa dạng về hình thức tổ chức và thành phần kinh tế.

Về cơ bản, công nghiệp nông thôn ở nước ta hiện nay đã có sự đa dạng về hình thức tổ chức và thành phần kinh tế. Đó là các hợp tác xã, các loại hình công ty; doanh nghiệp tư nhân; Các loại hình doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa và nhỏ; Các hộ gia đình, hoặc các cá nhân.... Do vậy, nội dung phát triển công nghiệp nông thôn còn là phát triển mọi loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, cũng từ thực tế phát triển công nghiệp nông thôn trong những năm gần đây, trong khi các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã có sự giảm sút về số lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh thì các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn tăng lên với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn hẳn. Chính vì vậy, nội dung đa dạng hóa hình thức tổ chức và thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp nông thôn còn là đổi mới, sắp xếp lại các hợp tác xã, các doanh nhiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chính sự đa dạng hóa hình

thức tổ chức và các thành phần kinh tế với sự hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo các mối ra mối liên kết kinh tế, đẩy mạnh sự phân công lao động, không chỉ theo khu vực mà còn cả theo các khâu của quá trình sản xuất. Điều này góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nội dung đa dạng hóa các hình thức tổ chức và thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp nông thôn còn tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp nông thôn, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn. Với việc hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp nông thôn. Mặt khác, việc hội nhập kinh tế cũng tạo ra nhiều thách thức, nhất là áp lực cạnh tranh. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh đòi hỏi phải mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh trên cơ sở tăng cường liên doanh, liên kết. Chính mở rộng qui mô sẽ tạo điều kiện về nguồn vốn, về khả năng áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ…mới nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường mới.

Thứ năm, phát triển công nghiệp nông thôn còn có nội dung là phát triển thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để công nghiệp nông thôn phát triển.

Mặc dù có sự đổi mới nhiều trong thể chế, chính sách và sự quản lý điều hành của nhà nước và chính quyền các cấp tạo điều kiện cho công nghiệp nông thôn phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung chính sách của nhà nước đối với sự phát triển công nghiệp nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa tạo ra được sự ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh tạo ra sự phát triển mang tính đột phá. Thêm vào đó, sự vận dụng của chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành đối với sự phát triển công nghiệp nông thôn còn mang nặng yếu tố chủ quan, tùy vào từng địa phương. Chính sự vận dụng không thống nhất đã tạo ra môi trường phát triển

không giống nhau đối với công nghiệp nông thôn giữa các vùng, miền, địa phương. Điều này tạo ra sự không bình đẳng về cơ hội phát triển công nghiệp nông thôn giữa các địa phương, làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước, cũng như việc đổi mới sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương đối với công nghiệp nông thôn chính là nội dung của phát triển công nghiệp nông thôn.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế còn cần phải có những chính sách khuyến khích mạnh hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển công nghiệp nông thôn trong bối cảnh cạnh tranh mới. Mặt khác, cần đổi mới mạnh mẽ sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp đối với sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng tạo thuận lợi cho việc mở rộng khả năng phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chính việc sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước, việc đổi mới sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp sẽ tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và minh bạch, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển công nghiệp nông thôn, nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

1.2.1. Tiêu chí đánh giá phát triển công nghiệp nông thôn.

Dựa vào quy mô, trình độ và hiệu quả giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của nông nghiệp và nông thôn. Theo tiêu chí đó có thể đánh giá công nghiệp nông thôn trên những nét cơ bản sau đây:

- Tốc độ và quy mô tăng trưởng

- Cơ cấu ngành công nghiệp nông thôn trong cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn. - Cơ cấu lao động, sử dụng lao động. - Thu nhập.

- Quy mô doanh nghiệp; các loại hình doanh nghiệp, lợi nhuận, doanh thu, vốn.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam hiện nay (Trang 26 - 32)