Những định hướng chủ yếu cho sự phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam hiện nay (Trang 78 - 83)

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “ 23.376 89

3.2. Những định hướng chủ yếu cho sự phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam.

nông thôn ở Quảng Nam.

3.2.1. Định hướng về quy mô.

Quy mô phát triển của công nghiệp nông thôn có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển công nghiệp nông thôn. Định hướng về quy mô phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam trong thời gian tới là kết hợp phát triển nhiều quy mô khác nhau nhưng quy mô vừa và nhỏ là chính. Tùy theo từng ngành nghề, từng loại hình tổ chức sản xuất và lợi thế của từng chủ đầu tư có thể lựa chọn quy mô phát triển cho phù hợp.

Các doanh nghiệp tư nhân, các công ty, các doanh nghiệp nhà nước tăng cường đầu tư để quy mô sản xuất ngày càng lớn, có thể có một số cơ sở có quy mô lớn nhưng chủ yếu là quy mô vừa. Các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất cá thể chủ yếu vẫn ở quy mô rất nhỏ, dần dần phát triển lên quy mô nhỏ và trên cơ sở tổ chức lại sản xuất dưới hình thức hợp tác xã có thể nâng quy mô sản xuất lên quy mô vừa và nhỏ.

3.2.2. Định hướng về cơ cấu ngành nghề.

- Đối với ngành công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản.

Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên phát triển trong những năm đến. Trên cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp

chế biến để các nhà máy ổn định sản xuất như nhà máy tinh bột sắn, nước dứa cô đặc, chế biến hạt điều. Tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu mới như cây bông vải; cây nguyên liệu giấy, cây dầu thực vật, cây thuốc lá để cung cấp cho các nhà máy chế biến. Đầu tư mới các cơ sở chế biến chuối, mít sấy khô, chế biến dầu thực vật, tương ớt, chế biến chè, tinh dầu quế, sâm Ngọc Linh. Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh tại Hội An, Núi Thành với quy mô 2.500 tấn/năm, mở rộng các cơ sở chế biến nước mắm, xay xát lương thực. Phát triển cơ sở chế biến nguyên liệu như nguyên liệu bột giấy, bông vải, nấm, thuốc lá. Để phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cần hình thành các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ với công suất 300.000 tấn/năm. Quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa, đầu tư nhà máy sản xuất sữa hộp công suất 75 triệu hộp/năm. Xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật với công suất 5.000 tấn/năm, gắn với đầu tư phát triển diện tích trồng lạc, mè… đạt 15.000ha. Tìm kiếm thị trường, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để chế biến gỗ, chế biến hàng mộc, hàng mỹ nghệ từ nguyên liệu gỗ vườn, gỗ rừng thay cho nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên. Đồng thời xây dựng dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy với quy mô từ 150.000- 200.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm.

- Đối với ngành dệt- may- da giày.

Đây là ngành giải quyết việc làm cho nhiều lao động, suất đầu tư thấp, thị trường đang có triển vọng phát triển, là ngành công nghiệp rất quan trọng và thuận lợi phát triển đối với tỉnh Quảng Nam.

Hướng đến tập trung đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực hiện có tại hợp tác xã dệt Duy Trinh, Duy Sơn II, Nam Phước, Quyết Thắng. Đồng thời mở rộng các cơ sở dệt có quy mô nhỏ tại Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên để nâng công suất ngành dệt đến năm 2015 là 75 triệu mét vải/năm, giải quyết việc làm cho 19.000 lao động.

Phát triển ngành may Quảng Nam đến năm 2015 đạt sản lượng 30 triệu sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD, giải quyết việc làm

cho 23.000 lao động. Đầu tư đổi mới thiết bị, mở rộng các doanh nghiệp ngành may hiện có. Đồng thời đầu tư một số cơ sở mới có quy mô lớn, thiết bị công nghệ hiện đại tại Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành trên trục quốc lộ 1A và các cụm công nghiệp. Liên kết với các doanh nghiệp và nước ngoài để đầu tư một số nhà máy sản xuất phụ liệu ngành may. Hình thành các cơ sở may công nghiệp có quy mô nhỏ tại các vùng nông thôn làm vệ tinh gia công hàng xuất khẩu cho xí nghiệp.

Tập trung khai thác mở rộng thị trường để ổn định sản xuất cho xí nghiệp giày Duy Xuyên, Tam Kỳ. Trong những năm đến, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như mặt bằng, nhà xưởng, cơ chế chính sách để kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành da giày trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2015 đạt giá trị xuất khẩu 42 triệu USD, giải quyết việc làm cho 13.000 lao động.

- Đối với ngành công nghiệp khai thác mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng.

Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng lớn về khoáng sản, để phát triển có hiệu quả cần nhanh chóng tăng cường quản lý tốt về khai thác tài nguyên khoáng sản. Đồng thời đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến để tăng hiệu quả, tiết kiệm trong việc sử dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường sinh thái. Phải quy hoạch khai thác và sử dụng cát, sỏi, sạn, sét, cao lanh, đá xây dựng. Đầu tư chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn như cát trắng, Fenspat, đá Granit. Xây dựng nhà máy sản xuất bột Fenspat, nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, nhà máy sản xuất đá Granit Duy Xuyên, sông Kôn. Xây dựng, sắp xếp các cơ sở khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, sạn, sỏi và một số khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý tốt việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng dự báo có nhịp độ tăng trưởng khoảng 14% giai đoạn 2010- 2015. Vì vậy cần tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất gạch tuy nen, nhằm tiến đến hạn chế sản xuất các lò gạch thủ công, xây dựng hướng chuyển đổi nghề để

sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung, đầu tư sản xuất các loại vật liệu xây dựng cao cấp. Quy hoạch phát triển ngành sản xuất đá ốp lát, đá xây dựng, nguyên liệu từ vùng đá ở huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành đáp ứng khu kinh tế mở Chu Lai và vùng lân cận. Khai thác dọc tuyến đường liên huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn và một số điểm ở Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Hiện đại hóa công nghệ sản xuất gốm sứ và gốm mỹ nghệ xuất khẩu ở Thăng Bình, Quế Sơn.

- Đối với ngành cơ khí.

Phát triển các cơ sở công nghiệp cơ khí sản xuất các loại công cụ, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như lắp ráp xe máy cày, xe công nông, máy xay xát, máy gặt,…

Khuyến khích tư nhân, hộ gia đình phát triển mạnh các dịch vụ sửa chữa điện tử. Xây dựng cơ sở sản xuất cán thép, cán tôn, sản xuất sắt kết cấu và sản xuất cơ khí phục vụ cho xây dựng. Hình thành một số cơ sở đóng, sửa tàu thuyền tại Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.

- Đối với ngành công nghiệp hóa chất- khí hóa lỏng.

Tổ chức lại hệ thống các cơ sở công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp trong tỉnh trên cơ sở đầu tư phát triển cơ sở sản xuất phân bón tổng hợp NPK, phân vi sinh nâng công suất lên 30.000 tấn/năm. Xây dựng cụm công nghiệp để thu hút đầu tư sản xuất các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, vật tư nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng nhà máy khí hóa lỏng hiện có tại Núi Thành, Điện Bàn.

- Đối với các làng nghề truyền thống.

Tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch hình thành các vùng nguyên liệu, trong đó dự kiến sẽ khôi phục 3000 ha dâu, như vậy sẽ cho lượng kén tương ứng 2.400 tấn kén và sản xuất 240 tấn tơ. Trong giai đoạn đến đầu tư phát triển làng nghề ươm tơ dệt lụa Châu Hiệp, Duy Xuyên (hợp tác xã ươm dệt thị trấn Nam Phước), Bảo An (hợp tác xã Điện Quang). Xây dựng các dự án

phát triển làng nghề ươm tơ dệt lụa Đông Yên, Thi Lai, Giao Thủy, Trung Phước. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, đầu tư thiết bị dệt mới thay thế dần thiết bị cũ lạc hậu ở các làng dệt Duy Trinh, thị trấn Nam Phước để dệt ra những sản phẩm mới có chất lượng cao. Đối với làng nghề gốm sứ mỹ nghệ xây dựng dự án khôi phục và phát triển làng gốm Thanh Hà (Hội An) với quy mô đầu tư cơ sở mới sản xuất tập trung kết hợp đầu tư công nghệ hiện đại với kỹ thuật truyền thống tạo ra các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp hướng vào thị trường xuất khẩu. Đầu tư mở rộng sản xuất và chế tác các mẫu mã gốm sứ mỹ nghệ phục vụ hàng lưu niệm, hàng gia dụng, gốm trang trí và gốm xuất khẩu ở các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn. Đầu tư thiết bị công nghệ tại Xí nghiệp sản xuất nhôm đồng Điện Phương để sản xuất các sản phẩm nhôm đồng truyền thống, sản phẩm phục vụ công trình xây dựng công nghiệp, lắp ráp xe máy, sản phẩm gia dụng. Đối với phát triển sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, hướng tới là đầu tư mở rộng sản xuất và hình thành các cơ sở sản xuất mới, vừa sản xuất tập trung vừa mở rộng gia công đến từng hộ gia đình trong huyện, thành phố. Hình thành các cơ sở vừa sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa sơ chế mây ở các huyện miền núi. Tạo thành các cụm sản xuất hàng mây tre trên tuyến tham quan du lịch Hội An- Mỹ Sơn như khu vực phường Thanh Hà (Hội An), khu vực Điện Thắng (Điện Bàn); xã Duy Phước, thị trấn Nam Phước, Duy Sơn (Duy Xuyên).

3.2.3. Định hướng phân bổ địa điểm sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn.

+ Đối với các cụm công nghiệp tập trung.

Đẩy nhanh việc đầu tư sản xuất kết cấu hạ tầng như điện, đường, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải để kêu gọi đầu tư theo quy hoạch các cụm công nghiệp Trảng Nhật, Đại Hiệp, Đông Quế Sơn, Đông Thăng Bình. Đầu tư xây dựng mới cụm công nghiệp Tây An (Duy Xuyên), Trường Xuân

(Tam Kỳ) để thu hút các ngành công nghiệp dệt-may- da giày, chế biến thực phẩm và thức uống, sản xuất vật liệu xây dựng. Xây dựng các cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp gắn với hình thành các trung tâm, các làng nghề truyền thống tại Thanh Hà (Hội An), Phước Kiều (Điện Bàn), Duy Trinh (Duy Xuyên) và một số làng nghề nông thôn. Quy hoạch các trung tâm tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ ở các thị tứ, thị trấn, các huyện, thị xã và các trung tâm cụm xã của các huyện miền núi.

+ Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phân tán.

Ở Quảng Nam loại hình cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phân tán rất nhiều, đây là loại hình có xu hướng tận dụng điều kiện sẵn có của cơ sở hạ tầng, nằm gần vùng nguyên liệu, nguồn lao động, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế- xã hội của nhiều địa phương. Từ nay đến năm 2015, dọc theo tuyến quốc lộ 1A, các tuyến đường mới quốc lộ, tỉnh lộ, các khu vực trung tâm của các huyện sẽ có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán đa ngành với quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ tương đối hiện đại. Các tuyến đường Hội An- Mỹ Sơn, các tuyến đường vào khu vực làng nghề truyền thống sẽ hình thành các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ du khách tham quan. Để góp phần thúc đẩy các huyện miền núi và trung du cần khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tư nhân, hộ gia đình làm dịch vụ sửa chữa cơ khí, điện tử, sản xuất, lắp ráp thiết bị phục vụ nông nghiệp, xay xát, chế biến lương thực, lâm sản quy mô nhỏ. Nhà nước cũng cần đầu tư hoặc khuyến khích những nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các cơ sở công nghiệp, tạo ra sự phát triển kinh tế vùng núi và trung du như nhà máy xi măng Thạnh Mỹ- Asơ, các nhà máy thủy điện, các nhà máy chế biến tinh dầu quế ở Trà My, chế biến chè ở Đông Giang, Tây Giang, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp các huyện phía Tây.

Một phần của tài liệu Phát triển công nghiệp nông thôn ở Quảng Nam hiện nay (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w