Đây là hình thức tín dụng ngân hàng cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở chiết khấu bộ chứng từ hàng hóa xuất khẩu trước khi đến hạn thanh toán. Như vậy, ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu có thể thu hồi được vốn nhanh tương tự như phương thức cho vay trên cơ sở hối phiếu. Có 2 phương thức chiết khấu: (1) Chiết khấu bảo lưu quyền truy đòi là việc ngân hàng chiết khấu sẽ quay lại truy đòi doanh nghiệp xuất khẩu nếu đến hết thời hạn chiết khấu vẫn không nhận được tiền thanh toán cho bộ chứng từ xuất khẩu. Lãi suất chiết khấu trong trường hợp này thấp hơn so với phương thức chiết khấu miễn truy đòi; (2) Chiết khấu miễn truy đòi là việc ngân hàng mua đứt bộ chứng từ, ngân hàng chiết khấu chịu rủi ro, không được truy đòi lại khách hàng khi đến hết thời hạn chiết khấu vẫn không nhận được tiền thanh toán cho bộ chứng từ xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu thường sử dụng hình thức này để tìm kiếm nguồn tài trợ ngắn hạn phục vụ nhu cầu tiền mặt tạm thời. Các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đang cung cấp
dịch vụ chiết khấu bộ chứng từ hàng hóa đối với các phương thức thanh toán thư tín dụng, nhờ thu, chuyển tiền. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu lãi suất chiết khấu khác nhau đối với các phương thức thanh toán khác nhau tùy thuộc vào rủi ro của ngân hàng chiết khấu trong từng phương thức.
c) Cho vay thông thường
Cho vay thông thường là việc ngân hàng giao cho khách hàng một khoản tiền để họ sử dụng trong một thời gian nhất định. Khi hết hạn, người vay phải trả đầy đủ cả gốc và lãi. Về kỹ thuật và phương pháp cho vay giống như các dạng tín dụng trong nước tương ứng thông thường khác. Nó bao gồm các phương thức như cho vay một lần, cho vay theo hạn mức tín dụng và cho vay ngắn hạn, cho vay trung dài hạn. Đối với các nhà xuất khẩu hình thức tín dụng này ngoài việc được sử dụng cho các mục đích thu mua sản xuất, chế biến xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu vốn lưu động nó còn được sử dụng để để mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh xuất khẩu.