Tuệ Trung Thượng Sĩ

Một phần của tài liệu Sự vận động phát triển hệ thống chủ đề - đề tài trong văn chương Thiền Phái Trúc Lâm (Trang 25)

6. Kết cấu luận văn

2.2.2.Tuệ Trung Thượng Sĩ

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) tên thật là Trần Tung là con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm vợ vua Trần Thánh Tông. Khi Trần Liễu mất (1251), Thượng Hoàng Trần Thái Tông "cảm vì nghĩa, phong cho ông tước Hưng Ninh Vương". Cũng như phần lớn các vương hầu thân tín của

nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1257-1258; 1287- 1288), Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân chống giặc. Dưới quyền điều khiển của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, vào ngày 10 tháng 6 năm 1285, khi Thoát Hoan túng thế bắt đầu rút khỏi bờ Bắc sông Hồng thì ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Và trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn trại giặc vờ ước hẹn trá hàng, làm cho quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến cướp doanh trại giặc.

Sau ngày kháng chiến thắng lợi, tài liệu có nhắc tới Trần Tung hầu như rất ít. Hình như ông được nhận chức Tiết độ sứ, coi giữ phủ Thái Bình, nhưng chỉ ít lâu, ông đã lui về ấp Tịnh Bang, có lẽ là trang ấp được phong, dựng Dưỡng Chân Trang, tiếp tục đuổi theo ham thích cũ là tham cứu đạo Phật.

Trước kia Trần Tung đã từng theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý và là học trò của Thiền sư Tức Lự. Nhưng ông tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép "tam quy", "ngũ giới", và có phần chắc vẫn có gia đình như mọi vương hầu khác. Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn, biết "hoà quang đồng trần". Ông được Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất kính trọng, tôn làm sư huynh, và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy, mặc dầu thật ra ông không trực tiếp đào tạo ra phái Trúc Lâm, mà chỉ đàm thoại với nhà vua trong nhiều năm gần gũi cũng như trong những dịp vào chầu, tham dự các kỳ lễ hội.

Sáng tác của Trần Tung được tập hợp trong bộ Thượng sĩ ngũ lục, bộ sách gồm ba phần: Phần thứ nhất là phần "ngữ lục" - những bài giảng của ông

cho học trò và những công án của ông; Phần thứ hai gọi là sách "Tụng cổ", phần này do Pháp Loa ghi lại, Trần Nhân Tông khảo đính, gồm 49 bài thơ dưới nhiều đề tài và nhiều thể loại, trong đó có một bài Tịnh bang cảnh vật

trùng với bài Đề dã thự của Trần Quang Khải và bài Tứ sơn khả hại trùng với thơ Trần Thái Tông; Phần thứ ba gồm một bài Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông, tám bài tán của tám nhà Thiền học phái Trúc Lâm và một bài bạt của Đỗ Khắc Chung. Toàn bộ tập sách do sư Tuệ Nguyên, chùa Long Động khắc in vào năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà thứ tư (1683), được khắc lại một lần nữa vào năm Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763), rồi lại được sư Thanh Cừ khắc lại năm Quý Mão (1903).

Nho gia ghét bỏ Trần Tung, nhưng Phật gia lại hết lời ca ngợi ông. Từ vị Tiết độ sứ, Hưng Ninh Vương Trần Tung sớm trở thành Tuệ Trung Thượng Sĩ, một ngôi sao sáng trên bầu trời thiền Việt Nam. Tuệ Trung Thượng Sĩ là học trò xuất sắc của Thiền sư Tiêu Dao. Tiêu Dao Thiền sư còn gọi là Phúc Đường đại sư, cư trú ở Phúc Đường tinh xá (chưa rõ ở đâu) là một Thiền sư nổi tiếng thời Lý. Ông là đệ tử của Ứng Thuận phái Vô Ngôn Thông, đồng thời là người thừa kế thiền sư Đại Đăng, tổ thứ ba chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Trần Tung rất mực cung kính, khâm phục thiền sư Tiêu Dao:

(Bài: "Trình Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường")

Tu tri thế hữu nhân trung Phật Hưu quái lô khai hoả lý liên

(Nên biết trong đời sinh đức Phật Lạ chi giữa lửa nở sen vàng).

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiếp thu được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền học từ sư phụ Tiêu Dao, rồi truyền dạy lại cho Trần Nhân Tông, đệ nhất Tổ phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế Tuệ Trung

Thượng Sĩ được coi là người tiên phong của phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không giáo điều sách vở. Ông tu Phật nhưng không xuất gia, không toạ thiền, không trì giới, không ăn chay, không cầu thành Phật, không thuyết pháp,... mà "hoà quang đồng trần" (cùng thế tục hoà sáng), sống "hoà lẫn với thói thường chứ không làm ra cách trái hẳn với người đời", "cứ tuỳ cái tính tự nhiên của mình

mà làm chứ không câu chấp ở cái danh" (Thượng Sĩ hành trạng). Không ăn

chay, không trì giới đối với người tu Phật là thái độ trái với truyền thống giáo điều mà các tín đồ không thể hiểu nổi. Khi thấy trong khi dự tiệc, Tuệ Trung Thượng Sĩ gặp thịt cứ ăn, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: "Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?" Câu trả lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ sau đây đã thể hiện rõ tinh thần tự do, độc lập trong nhận thức sự vật ở chính sự vật chứ không lệ thuộc vào bất cứ tín điều nào:

"Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật, Phật dã bất yếu tố huynh. Bất kiến cổ đức đạo: "Văn Thù tự Văn Thù, giải thoát tự giải thoát ?"

(Phật là Phật, anh là anh. Anh không cầu làm Phật, Phật không cầu làm anh. Chẳng thấy các bậc đại đức xưa nói: "Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát" đó sao?)

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tuệ Trung Thượng Sĩ là người đầu tiên đưa ra khái niệm "bản thể", một khái niệm mà ngày nay triết học Đông - Tây thường nói tới. Bản thể luận (bàn về nguồn gốc sự vật) là vấn đề ông thường thể hiện trong sáng tác của mình. Theo ông, bản thể là KHÔNG. Mọi hiện tượng, sự vật trong tự nhiên và xã hội đều là những khái niệm không phản ánh được thực chất của vạn pháp, chỉ là ước định của người đời mà thôi. Từ bản thể KHÔNG sẽ xuất hiện ảo hoá, vô minh mà phân thành nhị kiến. Bởi nhị kiến mà xuất hiện mọi thứ: sinh - tử, mê - ngộ, phàm - thánh, chân - vọng, sắc - không, phải - trái... Do nhị kiến mà kiến giải cũng thiên lệch. Nếu lấy kiến giải để trình kiến giải thì lại càng sai lệch hơn:

“Kiến giải” Kiến giải trình kiến giải

Tự niết mục tác quái.

(Kiến giải bày kiến giải Như dụi mắt làm quái).

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Con người muốn nhận thức đúng sự vật phải xoá bỏ vô minh, mà thủ tiêu nhị kiến thì vô minh tự diệt. Cho nên Tuệ Trung Thượng Sĩ chủ trương "vong nhị kiến". Để diệt nhị kiến, ông đưa ra phương pháp phá chấp. Muốn giác ngộ tới chân lý tối hậu phải tự tìm hiểu, phải có tâm hồn trẻ thơ không thiên không lệch. Khi đã giác ngộ, lại trở về với tồn nhiên như nhiên, trở về với không (vô). Có người chấp vào kinh sách mà hỏi ông: "Sắc tức thị không,

không tức thị sắc" (Sắc là không, không là sắc) là thế nào?" Ông trả lời: "Sắc

bản vô không, không bản vô sắc" (Sắc vốn chẳng phải không, không vốn

không phải sắc). Theo ông, kinh điển chỉ là phương tiện mà thôi và ông khuyên mọi người:

Đừng gánh nặng hai vai Mới qua cầu khỉ được.

Tư tưởng Thiền tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng thể hiện ở mệnh đề "tức Tâm, tức Phật". Tâm, không thể nói được; Phật, không thể thấy được. Tâm và Phật quan hệ mật thiết với nhau, hễ có cái này thì cũng có cái kia, hễ cái này mất thì cái kia cũng mất. Bản thể của Tâm không tướng, không hình, không nhìn thấy được. Nếu muốn biết bộ mặt thật của Tâm thì thật là chuyện nực cười. Ông khuyên mọi người không nên tìm Tâm ở ngoài ta, bởi vì Phật trong ta. Đó chính là Tâm ta vậy:

Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp .

(Tâm của muôn loài tức Phật tâm Tâm Phật cũng phù hợp với tâm ta). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Một khi tâm con người bao dung, mở rộng, chứa được tâm của vạn pháp, đạt được tâm Phật là giác ngộ, là giải thoát.

Sinh tử là vấn đề quan trọng nhất trong nhân sinh quan của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông cho rằng, sinh tử đều là vọng (không chân thực), chỉ là nhận thức sai lầm mà thôi. Sinh tử phụ thuộc vào Tâm: Tâm sinh thì sinh tử sinh, Tâm diệt thì sinh tử diệt. Sinh tử vốn không có tự tính. Sinh tử cũng tuân theo quy luật tự nhiên như mặt trời mọc đằng đông, mặt trăng lặn đằng tây vậy. Con người chẳng nên lo lắng trước sống chết, hãy coi sống chết là việc nhẹ nhàng không quan trọng, vì sống chết là lẽ thường mà thôi.

Tâm chi sinh hề sinh tử sinh Tâm chi diệt hề sinh tử diệt

(Sinh tử nhàn nhi dự )

(Tâm sinh thì sống chết sinh Tâm diệt thì sống chết diệt).

(Đỗ Văn Hỷ dịch)

Một phần của tài liệu Sự vận động phát triển hệ thống chủ đề - đề tài trong văn chương Thiền Phái Trúc Lâm (Trang 25)