h. Giám sát quá trình việc tuân thủ pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán
3.2.3. Bổ sung nhân sự giám sát và nâng cao trình độ kinh nghiệm nghiệp vụ
giám sát cho nhân sự trực tiếp giám sát
Giải pháp đưa ra được dựa trên cơ sở là phân tích về nhân sự giám sát hiện tại của UBCKNN trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hoạt động giám sát CTCK là chuyên viên giám sát thực hiện quá nhiều công việc, chưa có nhân viên chuyên trách thực hiện giám sát và thiếu kinh nghiệm giám sát cũng như kinh nghiệm về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nội dung cụ thể của giải pháp như sau:
a. Bổ sung nhân sự thực hiện công tác giám sát:
Như đã đề cập, đơn vị trực tiếp thực hiện giám sát hoạt động các CTCK là Vụ Quản lý kinh doanh - UBCK. Đây là đơn vị này không chỉ thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các CTCK mà còn thực hiện công tác xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động của các CTCK. Trong thời kỳ thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, hệ thống cơ sở pháp lý làm hành lang cho sự phát triển của thị trường đang dần hoàn thiện, công tác hoàn thiện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng rất cần thiết và chiếm tương đối nhiều thời gian của các cán bộ trực tiếp xây dựng văn bản pháp quy. Những cán bộ này vừa tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vừa thực hiện công tác giám sát hoạt động của các CTCK. Chính vì vậy, công việc của các chuyên viên này tương đối nặng và chưa được chuyên môn hóa. Trước mắt, UBCK cần tăng cường cán bộ có kinh nghiệm về hoạt động của các CTCK để thực hiện chuyên về công tác giám sát CTCK và một bộ phận chuyên về công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, để việc giám sát hoạt động của các CTCK có hiệu quả, số lượng nhân viên thực hiện công tác giám sát cần được duy trì theo mức, mỗi nhân viên phụ trách giám sát từ 3-4 CTCK.
b. Nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp thực hiện giám sát
Để nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát CTCK, cần chú trọng nội dung nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp thực hiện giám sát, tập trung vào kỹ năng giám sát hoạt động của các CTCK, kỹ năng đọc báo cáo tài chính CTCK, kỹ năng nắm bắt rõ các nguyên tắc quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giao dịch và dịch vụ tài chính mới, các kỹ năng bổ trợ như phân tích tài chính, hoạt động của CTCK. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những vi phạm đạo đức nghề nghiệp cho dù là nhỏ đồng thời có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với những chuyên viên trực tiếp giám sát có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi. Những cán bộ này cần được đào tạo cơ bản về kỹ năng giám sát, có kinh nghiệm thực tiễn về thị trường chứng khoán Việt nam, có ngoại ngữ để có thể tiếp cận với kiến thức về giám sát thị trường chứng khoán và phối hợp công tác giám sát với các cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài.
Trên cơ sở nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ giám sát, UBCKNN cần có chiến lược đào tạo tăng cường và phát triển kỹ năng giám sát cho cán bộ để có thể đáp ứng cả chiều sâu và chiều rộng kiến thức chuyên môn, có thể triển khai thực hiện chiến lược theo các cách tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước, mời các chuyên gia giảng dạy về kỹ năng giám sát, kỹ năng đọc báo cáo tài chính của các CTCK phục vụ cho việc giám sát các CTCK. Mặt khác, UBCKNN cần thường xuyên tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm giám sát từ ngân hàng nhà nước, các tổ chức giám sát thị trường chứng khoán nước ngoài.
c. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát và công tác thanh tra, kiểm tra
Phối hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát và thanh tra xử phạt nhằm nâng cao việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường và áp dụng nghiêm các chế tài dân sự, hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nâng cao các mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Giải pháp bổ sung thêm nhân sự giám sát và nâng cao trình độ năng lực giám sát của nhân sự giám sát hoàn toàn có căn cứ để thực hiện và có tính khả thi bởi
chứng khoán và thị trường chứng khoán là một lĩnh vực mới, do đó nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này luôn phải học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Trên cơ sở các nội dung của giải pháp nêu trên sẽ tạo được đội ngũ giám sát chuyên sâu, có trình độ và kinh nghiệm giám sát, giúp hoạt động giám sát của UBCKNN đối với các CTCK ngày một hiệu quả hơn.
3.2.4. Xây dựng phần mềm giám sát và phân tích số liệu
Với tốc độ phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ thông tin, và với yêu cầu đáp ứng kịp thời, chính xác các số liệu thông tin cho thị trường, đòi hỏi phải xây dựng được phần mềm giám sát. Việc xây dựng các phần mềm giám sát CTCK, giảm thiểu việc giám sát thủ công, bằng cách chuẩn hóa các mẫu báo cáo tháng, quý, năm và các báo cáo bất thường khác đối với các CTCK, từ đó cho phép tự động kiểm tra tính hợp lý và chính xác của các thông tin mà các CTCK công bố, mặt khác hệ thống này phải đáp ứng được việc tích hợp các tiêu chí giám sát qua đó sớm phát hiện các vi phạm của các CTCK.
Với việc xây dựng được phần mềm giám sát phù hợp đáp ứng yêu cầu như trên sẽ góp phần tạo dựng được cơ sở dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đảm bảo được tính chất thường xuyên, liên tục trong công tác giám sát của UBCKNN đối với các CTCK.
Dựa trên các tiêu chí giám sát, các yêu cầu về chất lượng đầu ra của thông tin, việc xây dựng phần mềm giám sát phù hợp không phải là khó khăn. Các đơn vị viết phần mềm có uy tín và kinh nghiệm đều có thể xây dựng được phần mềm giám sát các CTCK cho UBCKNN, theo đó yêu cầu chuẩn hóa báo cáo từ các CTCK và kết xuất dữ liệu phân tích được đưa lên hàng đầu.
3.2.5. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về chứng khoán và thị trường chứng khoán
Rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp quy thực sự cần thiết cho việc hoàn thiện công tác giám sát hoạt động CTCK. Để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTCK nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh.
Chính vì vậy, rà soát, điều chỉnh và bổ sung sửa đổi các văn bản pháp quy về chứng khoán và TTCK là nhiệm vụ cần phải được ưu tiên hành đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng cần phải được tiến hành một cách khoa học nhằm tránh thiếu sót và chồng chéo.
Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn trong thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo được một hành lang pháp lý cho các CTCK tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán theo trật tự nhất định và cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế công ty.
Đối với lĩnh vực mới mẻ và nhạy cảm như hoạt động thị trường chứng khoán nói chung, sự điều chỉnh của Nhà nước thông qua các quy phạm pháp luật hết sức cần thiết và quan trọng. Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật là một nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.
Dưới đây là một số ý kiến đề xuất cho công tác này:
Trong giai đoạn trước mắt, do hoạt động của các CTCK đánh giá chất lượng dịch vụ kinh doanh chứng khoán, đánh giá sự lành mạnh tài chính và sự phát triển của các tổ chức trung gian tài chính nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung nên việc hoàn thiện các văn bản pháp quy về tổ chức, hoạt động và quản lý giám sát tài chính đối với CTCK trước mắt phải được tiến hành ở cấp cao nhất. Theo đó, cần hệ thống hóa các văn bản pháp quy có hiệu lực pháp lý cao (do Quốc hội và Chính phủ ban hành) liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán để tạo một sự đồng nhất trong các văn bản này bao gồm:
- Luật Doanh nghiệp;
- Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn;
Những văn bản pháp lý cơ bản trên đây đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý chung và quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với toàn bộ hoạt động chứng khoán. Khi đã có được sự nhất quán trong các quy định tại các văn bản đó, thì bước tiếp theo là rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành triệt để và có hiệu quả.
Tiến hành rà soát văn bản hướng dẫn thi hành đối với việc tổ chức và hoạt động của các CTCK, khắc phục nhược điểm hiện nay trong các văn bản hướng dẫn là chưa cụ thể và không phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường và không phù hợp với các văn bản pháp lý khác có liên quan, bước này phải thực hiện theo hướng sau:
- Khắc phục tình trạng không cụ thể, rõ ràng trong nội dung của các văn bản hướng dẫn, tránh sự lặp lại không cần thiết đối với các quy định đã được thể hiện trong các văn bản pháp lý cao hơn.
- Xây dựng cơ chế điều chỉnh các quy định hướng dẫn đối với những vấn đề mới phát sinh một cách linh hoạt để đảm bảo sự phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của thị trường. Có thể liệt kê một số vấn đề cụ thể sau:
(i) Đối với Luật chứng khoán:
- Cần định nghĩa lại tất cả các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi của CTCK, cũng như nâng cao khả năng giám sát của UBCKNN;
- Về quản trị, điều hành công ty, cần bổ sung các quy định về quản trị doanh nghiệp bao gồm các quy định về Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các thành viên khác của Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc phải được UBCKNN thông qua, các quy định khung về quản trị điều hành CTCK, quy định áp dụng điều lệ mẫu đối với các CTCK;
- Sửa và bổ sung một số nội dung tại phần nghĩa vụ của CTCK và các hạn chế trong hoạt động kinh doanh của CTCK để đảm bảo hoạt động của CTCK được minh bạch, đảm bảo an toàn hệ thống và không có xung đột lợi ích, cũng như giúp UBCKNN thực hiện giám sát hoạt động của các CTCK được hiệu quả hơn;
- Bổ sung, sửa đổi các quy định duy trì điều kiện cấp phép để đáp ứng các yêu cầu về vốn và an toàn tài chính của CTCK.
- Bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt, sau thời gian cảnh báo, cần có thêm quy định đưa CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và cho phép UBCKNN
một số quyền hạn xử lý trong trường hợp này như tổ chức giám sát, kiểm tra công ty, yêu cầu công ty áp dụng các biện pháp cần thiết để khôi phục tình trạng tài chính, yêu cầu thay đổi người điều hành công ty hay nhân sự chủ chốt nếu cần thiết. - Bổ sung sửa đổi quy định về các nghiệp vụ phụ trợ mà CTCK được làm nhằm hạn chế các hoạt động không được phép làm như mở sàn vàng trong thời gian vừa qua.
(ii) Đối với Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC (Quyết định 27)
- Bổ sung quy định về hạn chế đầu tư của CTCK để giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư của CTCK, góp phần giảm bớt những rủi ro đầu tư của công ty;
- Bổ sung quy định nhằm tăng cường kiểm soát việc thành lập, mở rộng mạng lưới kinh doanh chứng khoán như công ty con, chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện;
- Bổ sung các quy định cụ thể về quản trị công ty, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro của CTCK, yêu cầu mức độ tuân thủ các nguyên tắc trên theo thông lệ quốc tế;
- Bổ sung các quy định giám sát tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các CTCK được phép phát hành trái phiếu;
- Bổ sung các nội dung thay đổi trong tổ chức và hoạt động công ty phải được UBCKNN chấp thuận để tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cũng như đảm bảo sự chặt chẽ, minh bạch trong hoạt động của công ty như chấp thuận thay đổi Tổng Giám đốc Công ty, chấp thuận thay đổi Giám đốc chi nhánh…
- Sửa đổi các quy định về thời hạn báo cáo mua cổ phiếu quỹ đối với các CTCK đại chúng cũng như chưa đại chúng nhằm bảo đảm tính công bằng giữa các CTCK, mặt khác, cần hướng dẫn bổ sung đối với trường hợp mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch chứng khoán, trường hợp mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên được mua theo chương trình được duyệt khi người lao động nghỉ việc.
(iii) Đối với Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
- Không tuân thủ các hạn mức do Bộ Tài chính quy định (quy định hiện nay gồm: tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK vượt quá 06 lần, đầu tư vào tài sản cố định vượt quá 50% vốn điều lệ CTCK, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn).
- Thực hiện chuyển hiện chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn góp của các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập cho người khác không phải là cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập trong thời gian pháp luật quy định cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập không được chuyển nhượng.
- Thực hiện các giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của công ty chứng khoán khi chưa được UBCKNN chấp thuận.
- Liên quan đến người hành nghề chứng khoán: bổ sung trường hợp xử phạt khi CTCK không thông báo kịp thời sau khi phát hiện người có chứng chỉ hành nghề của Công ty vi phạm quy định của pháp luật, bố trí người có hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ không phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định pháp luật (trường hợp công ty bố trí người có chứng chỉ hành nghề môi giới thực hiện hành nghề tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán).
- Tăng mức xử phạt nhằm nâng cao hiệu quả răng đe đối với các hành vi cố tình vi phạm.
- Có chế tài xử phạt nặng đối với các CTCK thường xuyên vi phạm chế độ báo cáo, báo cáo không trung thực, cố tình làm sai lệch số liệu, thông tin báo cáo.
(iv) Đối với giám sát rủi ro CTCK: Việc giám sát tài chính thường xuyên đối với các CTCK theo tiêu chí vốn khả dụng đã không còn phù hợp với tình hình hoạt động của các CTCK hiện nay, do đó cần xây dựng văn bản giám sát tình hình tài chính của các CTCK có tính đến rủi ro của CTCK, lượng hóa các rủi ro hoạt động, rủi ro thanh toán và rủi ro tín dụng, cần cụ thể hóa các chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK.
(v) Hoàn thiện cơ chế tài chính áp dụng cho CTCK: bổ sung hướng dẫn về việc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư, sửa đổi quy định về việc trích lập và hoàn nhập