Giảng viên hướng dẫn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học - Đề tài về Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới động lực nghiên cứu khoa học của sinh viên đại học KTQD (Trang 27)

Trong lí thuyết 2 nhân tố của Herzberg, ở nhóm “yếu tố duy trì” có đề cập đến 2 yếu tố là: sự giám sát và điều kiện làm việc. Những yếu tố này sẽ giúp sinh viên không bất mãn khi tiến hành nghiên cứu.

Trong nghiên cứu khoa học, các yếu tố này được biểu hiện cụ thể ở nhân tố “ giảng viên hướng dẫn”. Khi có sự giám sát của giảng viên hướng dẫn về: đề tài nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu của sinh viên, chất lượng bài làm của sinh viên… sẽ giúp sinh viên thêm phần tự tin. Đồng thời giảng viên hướng dẫn cũng góp phần tạo ra điều kiện làm việc tốt. Giảng viên sẽ có sự hỗ trợ cho sinh viên về các kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu. Từ đó, khiến sinh viên tin tưởng hơn, kỳ vọng hơn vào nỗ lực của họ. Những nố lực đó sẽ dẫn đến kết quả và phần thưởng như họ mong muốn.

Mặt khác, trong Mô hình đặc điểm công việc (job characteristics model) của Hackman & Oldham (1974) thì hai nhà khoa học cũng đã đưa ra 5 nhân tố sẽ cho phép người lao động có cơ hội phát triển và đó là động lực cho họ làm việc. Trong đó nhân tố thứ 5 là “công việc phải đảm bảo được phản hồi kịp thời từ cấp trên, ghi nhận thành tựu của nhân viên cũng như những góp ý, phê bình nhằm giúp nhân viên làm việc tốt hơn ở lần sau, để giúp nhân viên biết được kết quả thực sự của công việc mình làm”. Qua đây, lại một lần nữa khẳng định “sự hỗ trợ của cấp trên” hay “giảng viên hướng dẫn” sẽ giúp người lao động hay “sinh viên NCKH” có thêm động lực.

Sinh viên thường gặp khó khăn khi bắt đầu NCKH. Họ phải trả lời câu hỏi: Nghiên cứu cái gì? Nghiên cứu như thế nào? Để làm gì?...Vai trò của giảng viên hướng dẫn thể hiện ở đây:

Giúp sinh viên lựa chọn đề tài

Việc giảng viên giúp sinh viên chọn được đề tài phù hợp với năng lực, đam mê của sinh viên là đặc biệt quan trọng. Chọn đúng đề tài sẽ đảm bảo cho quá trình NCKH một khởi đầu tốt. Tiếp đó, việc giảng viên cung cấp tài liệu liên quan sẽ giúp sinh viên có cơ sở ban đầu, sẽ thúc đẩy họ tìm thêm thông tin để phân tích và làm rõ đề tài nghiên cứu. Một điều quan trọng khác mà giảng viên cần cung cấp cho sinh viên ngay từ đầu là phương pháp nghiên cứu. Kinh nghiệm NCKH của sinh viên còn ít nên nếu không có phương pháp thì sinh viên sẽ không biết xuất phát từ đâu, sẽ nghiên cứu như thế nào. Và

sau khi tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực mà không có kết quả thì động lực sẽ giảm xuống, và có thể khiến sinh viên không hoàn thành được đề tài nghiên cứu.

Giúp sinh viên lập kế hoạch NCKH

Sinh viên thường làm việc không theo kế hoạch, nên việc được giảng viên hướng dẫn giúp hình thành một kế hoach hợp lí sẽ giúp sinh viên làm việc hiệu quả. Khi đó sinh viên sẽ thực hiện các khâu nghiên cứu theo thời gian đã định. Đồng thời làm việc theo kế hoạch thì giảng viên cũng giám sát sinh viên chặt chẽ hơn, sẽ có những chỉnh sửa kịp thời khi sinh viên đi lệch hướng. Từ đó, sinh viên sẽ có thêm động lực để làm nghiên cứu. Bởi sinh viên cảm thấy mình đang làm việc theo đúng tiến độ, đúng hướng.

Giúp sinh viên công bố những kết quả NCKH

Sau khi nghiên cứu thì sinh viên sẽ viết báo cáo nghiên cứu. Nhưng bản thân sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm nên họ thường rất lúng túng và cảm thấy nản lòng khi không trình bày được kết quả nghiên cứu. Lúc này sự chỉ dẫn của giảng viên về bố cục, về cách diễn đạt sẽ gỡ rối cho sinh viên, giúp họ hoàn thành được bản báo cáo mà không phải bỏ cuộc hay đảm bảo được chất lượng của báo cáo.

Giảng viên giống như là “ điểm tựa” đầu tiên mà sinh viên có được để bước đi các bước tiếp theo. Với những định hướng rõ ràng, cung cấp các tài liệu và phương pháp nghiên cứu làm căn cứ vững chắc thì họ đã truyền cho sinh viên những “đóm lửa” để sinh viên có thể thổi bùng lên những “hòn than” đang muốn cháy hết mình trong bản thân mỗi sinh viên.

Nếu như giảng viên hướng dẫn không nhiệt tình sẽ khiến sinh viên cảm giác không được tôn trọng, và cuộc thi Nghiên cứu khoa học này cũng không có ý nghĩa gì (bởi giảng viên không quan tâm tới đề tài hướng dẫn thì chứng tỏ là cuộc thi này không quan trọng). Điều đó có thể khiến sinh viên bỏ cuộc ngay từ đầu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học - Đề tài về Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới động lực nghiên cứu khoa học của sinh viên đại học KTQD (Trang 27)