1. Sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài
3.1 Các giải pháp
Mặc dù đã đạt được các kết quả nhất định trong việc phát triển các mặt hàng quà lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Trong luận văn này căn cứ vào kết quả thu thập thông tin từ cáo báo cáo chuyên ngành kết hợp với kết quả phỏng vấn điều tra du khách quốc tế đánh giá về mặt hàng quà lưu niệm tại thành phố Du lịch biển Nha Trang, tác giả xin đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm khắc phục các điểm hạn chế đã nêu trên như sau:
Một là, cần đầu tư phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Khánh Hòa
Từng bước thực hiện, nâng cao sản phẩm quà lưu niệm thành sản phẩm độc quyền của Nha Trang, trở thành hàng Việt Nam chất lượng cao để có thể cạnh tranh với các sản phẩm quà lưu niệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, về mẫu mã hàng lưu niệm cho du khách cần chú trọng khai thác các hướng chính:
Các biểu tượng của địa phương như: Trầm hương, Tháp Bà Ponaga,
hay thể hiện các món ăn đặc sản của địa phương.
Sản phẩm truyền thống như gốm, đúc đồng, dệt chiếu, trầm hương:
hiện nay đã có một vài doanh nghiệp và các làng nghề đã tận dụng được nguồn lực này như: làng nghề gốm Lư Cấm, Chiếu Mỹ Trạch, đúc đồng Phú Lộc, Công ty Trầm hương Khánh Hòa (5c Lý Tự Trọng – Nha Trang – Khánh Hòa)..
Các mặt hàng mỹ nghệ làm từ tài nguyên vốn có của địa phương như:
ngọc trai, vỏ ốc, vỏ sò làm đồ trang sức, tranh khảm xà cừ, các sản phẩm trang trí nhà cửa; các sản phẩm từ cát như tranh cát; sản phẩm từ vỏ dừa như túi xách tay, ví, trang sức; tranh thêu tay và gần đây là tranh thêu chữ thập cũng là một trong những sản phẩm đáng chú ý ở Nha Trang. Đáng kể tới là một số thương hiệu như Tranh cát Hồng Châu Sa, tranh thêu XQ, cơ sở chuyên về vỏ hải sản, khảm xà cừ cho các đồ nội thất, tranh, như Duyên Hà, Hoa Biển, Ngọc Bích…
Các mặt hàng từ da như đà điểu, cá sấu: Trên thế giới, thời trang từ da đà điểu, cá sấu luôn là biểu tượng dành cho tầng lớp thượng lưu. Đó là các nghệ sĩ, doanh nhân, các chính trị gia, những người luôn có gu thẩm mỹ sang trọng và tinh tế. Với các hãng thời trang lớn như Hermes, Gucci…, ngoài chất liệu da bò, cừu, dê… thì đồ hiệu từ da cá sấu, đà điểu vẫn luôn là những sản phẩm đắt giá, đẳng cấp, tôn vinh giá trị của thương hiệu. Sản phẩm da cá sấu, đà điểu tại thị trường Việt nam hiện nay hầu hết đều đạt chuẩn chất lượng theo chuẩn quốc tế. Như vậy nói về chất lượng của da thì chúng ta không thua kém gì thế giới. Hiện nay ngành chăn nuôi cá sấu, đà điểu đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài xuất khẩu nguyên liệu da, doanh nghiệp Việt còn đang đầu tư lớn cho công nghệ thuộc, chế biến, sản xuất… cho ra các sản phẩm thời trang da cao cấp, hội nhập với thế giới. Trên thị trường, hiện đã có các sản phẩm thời trang da cá sấu của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, chỉ một số thương hiệu có mẫu mã đẹp, cập nhật được xu thế thời trang thế giới. Còn lại hầu hết các sản phẩm thiết kế vẫn đơn điệu, sản xuất manh mún, chất lượng chưa ổn. thành công nhất phải kể đến là KHATOCO, một doanh nghiệp lớn của Khánh Hòa. Doanh nghiệp đã có hướng đi đúng, biết đón đầu cơ hội. Tập trung chăn nuôi cá sấu, đà điểu theo quy mô công nghiệp, hàng năm KHATOCO
xuất khẩu tới hàng vạn tấm da... bằng nguồn nguyên liệu dồi dào, nếu mạnh dạn
đầu tư cho công nghệ sản xuất, ngành thời trang cao cấp từ da cá sấu, đà điểu Việt Nam, chắc chắn sẽ hội nhập thành công.
Sản phẩm quà lưu niệm không chỉ có chất lượng mà phải đẹp về bao bì, mẫu mã. Ngoài ra, hình dáng và kích thước phải gọn gàng, dễ vận chuyển và bảo quản để du khách có thể dễ dàng hơn trong việc quyết định chọn mua.
Tích cực phát động phong trào tìm kiếm sự sáng tạo, mới mẻ trong các nghệ nhân, các doanh nhân trẻ, những người hoạt động trong ngành hoặc có thể là trong môi trường sinh viên.
Không nhập hàng lưu niệm từ Trung quốc, Thái Lan… mà phải tự sản xuất ra sản phẩm mang nét đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa để gây ấn tượng tốt đến du khách quốc tế.
Quy định giá bán cho từng sản phẩm để người sản xuất, người bán, người tiêu dùng đều có lợi.
Xây dựng các khu sản xuất quà lưu niệm ngay tại trung tâm Thành phố để du khách vừa có thể tham quan, vừa có thể mua sắm quà lưu niệm, vì như thế du khách sẽ bị thu hút mạnh và tăng nhu cầu mua sắm của du khách. Đặc biệt ưu tiên phát triển và khôi phục các làng nghề hiện có của địa phương như làng gốm Lư Cấm, đúc đồng Phú Lộc... Đồng thời xây dựng các tour, tuyến tham quan để du khách có khả năng tiếp cận nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Từ đó tạo điều kiện bán sản phẩm lưu niệm cho du khách.
Hai là, đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường
Cần có sự liên kết giữa chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, các làng nghề thủ công. Các cơ sở ban ngành quan tâm hơn đến việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của du lịch Nha Trang nói chung và sản phẩm quà lưu niệm nói riêng.
Tổ chức các hội chợ, lễ hội du lịch tạo điều kiện đưa hình ảnh Nha Trang và sản phẩm lưu niệm nổi trội đến với khách du lịch.
Tổ chức khảo sát, tìm hiểu thị trường đồng thời tham dự các hội chợ lớn trong và ngoài nước: Đức, Nga..
Điều chỉnh chính sách giá mềm dẻo và linh hoạt khi bán với lượng lớn sản phẩm, hoặc với các cơ sở có mối quan hệ lâu dài, khách hàng truyền thống.
Thành lập các phòng trưng bày với trang trí đẹp mắt, đồng thời với đội ngũ nhân viên kinh nghiệm nhất, giao tiếp tốt, ngoại ngữ giỏi để đứng ra giới thiệu sản phẩm đến với du khách và các doanh nghiệp quan tâm.
Nghiên cứu thị hiếu khách hàng để có những sản phẩm phù với với từng đối tượng khách hướng đến. Ví dụ như đối với đối tượng khách trẻ, thì sản phẩm cần mang màu sắc trẻ trung, hiện đại và người lại đối với khách lớn tuổi thì sản phẩm nhã nhặn hơn, màu dịu nhẹ hơn.
Ba là, phát triển liên kết giữa cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối và đơn vị kinh doanh du lịch
Các cơ sở sản xuất cần tạo mối quan hệ khăn khít với các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn… thông qua các brochure giới thiệu hoặc trưng bày sản phẩm tại các địa điểm du lịch cả trong và ngoài địa phận tỉnh nhằm quảng bá đến với du khách một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Tổ chức các tour tham quan cho du khách đến với các làng nghề thủ công để khách có thể tận mặt nhìn thấy quá trình sản xuất cũng như được tham gia làm ra sản phẩm cho mình: Dệt chiếu Mỹ Trạch, Gốm Lư Cấm, Trung Dõng, tranh thêu XQ.
Các cơ sở sản xuất cần có mối quan hệ mật thiết với nhau để tạo ra thế mạnh cho hàng lưu niệm địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở hợp tác với nhau trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Để làm được điều này, các cơ sở sản xuất có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm; các cuộc thi giữa các nghệ nhân.
Bốn là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề
Tổ chức các hoạt động quảng bá các làng nghề để thu hút đội ngũ lao động trẻ tham gia hoạt động sản xuất.
Có kế hoạch đào tạo cho đội ngũ phục vụ du lịch đặc biệt là đội ngũ nhân viên bán hàng lưu niệm. Điều này sẽ giúp cho khách hàng có cảm nhận tốt hơn, hài lòng hơn và thúc đẩy ý định mua của du khách.
Có sự quản lý và kiểm tra thường xuyên về thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng đối với du khách để có giải pháp xử lý hợp lý.
Tổ chức các chương trình, cuộc thi về sáng tạo hàng lưu niệm để tìm ra được những nhân tài trong lĩnh vực này.
Tạo mối liên kết và có chính sách hợp lý để thu hút các nghệ nhân giỏi, nghệ nhân nước ngoài, các nhà thiết kế sản phẩm lưu niệm nổi tiếng.