0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở HẢI PHÒNG (Trang 38 -38 )

Hải Phòng nằm ở toạ độ 21o3039’’ - 21o0115’’ vĩ độ Bắc và 106o2339’’ - 107o0839’’ kinh tuyến Đông. Với diện tích là 1.519 km2, chiếm 0,47% diện tích cả nước gồm phần đồng bằng ven biển và phần biển đảo. Trong đó vùng đồng bằng với 940,6km2, chiếm 62% diện tích tự nhiên, phần diện tích đảo và vùng đất ngập triều là 567km2, chiếm 37,6% diện tích tự nhiên. Phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hải Dương. Hải Phòng tọa lạc tại khu vực đồng bằng sông Hồng với độ cao trung bình: 0,7 - 1,7m so với mực nước biển. Hải Phòng là một khu vực đồng bằng ven biển rộng lớn thuận lợi phát triển kinh tế biển và là khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ trung bình: 23 - 240C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 - 1.800mm, độ ẩm trung bình: 85% - 86%.

Hải Phòng nằm giáp biển, có bờ biển dài 125km, hội tụ mọi điều kiện cho việc khai thác và phát triển các ngành kinh tế đặc biệt kinh tế biển, vùng biển và dải ven biển Thành phố có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh, có nhiều điều kiện thuận lợi để ngày một nâng cao hơn mức sống của người dân.

Về tài nguyên thiên nhiên:

- Khoáng sản: Do đặc điểm lịch sử địa chất Hải Phòng ít có dấu vết của hoạt động macma nên ít có các mỏ khoáng sản lớn. Tuy nhiên theo kết quả thăm dò khảo sát thì Hải Phòng có mỏ sắt ở Dương Quan (Thuỷ Nguyên), sa khoáng ven biển (Cát Hải và Tiên Lãng). Khoáng sản phi kim loại có mỏ cao lanh ở Doãn Lại (Thuỷ Nguyên), mỏ sét ở Tiên Hội, Chiến Thắng (An Lão), Tân Phong (Kiến Thuỵ), Đông Thái (An Hải). Đá vôi phân phối chủ yếu ở Cát Bà, Tràng Kênh, Phi Liệt, Phà Đụn với trữ lượng 200 triệu tấn. Đặc biệt đá vôi Tràng Kênh là nguồn nguyên liệu chính cho các loại xi măng Hải

Phòng hiện nay. Quaczi và teczit ở một số núi thuộc Đồ Sơn; phốtphát ở đảo Bạch Long Vĩ; nước khoáng ở xã Bạch Đằng (Tiên Lãng).

- Dầu khí: Các kết quả nghiên cứu và thăm dò đã cho thấy Hải Phòng có dầu mỏ và khí ở khu vực biển và thềm lục địa. Trên đảo Bạch Long Vĩ có đá asfall, sản phẩm oxy hoá dầu cho biết triển vọng dầu khí vì thềm lục địa Hải Phòng chiếm đến 1/4 diện tích Đệ Tam Vịnh Bắc Bộ, có bề dày đạt tới 3000m. Cách Đồ Sơn 70km có dầu khí với trữ lượng 450.000 triệu thùng và 1 tỷ m3 khí đốt.

- Tài nguyên biển: Hải Phòng có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngành hải sản kể cả nuôi trồng và đánh bắt. Bờ biển có hướng một đường cong lõm của bờ vịnh Bắc bộ, thấp và khá bằng phẳng, cấu tạo chủ yếu là cát, bùn do 5 cửa sông chính đổ ra. Trên đoạn chính giữa bờ biển, mũi Đồ Sơn nhô ra khoảng 5km như một bán đảo theo hướng tây bắc - đông nam. Ưu thế về cấu trúc tự nhiên đã tạo cho Đồ Sơn một vị trí chiến lược quan trọng trên mặt biển, đồng thời cũng là một thắng cảnh nổi tiếng. Dưới chân những đồi đá kết là bãi tắm có giá trị. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác trên khắp mặt biển, lớn nhất có đảo Cát Bà, xa nhất là đảo Bạch Long Vĩ. Độ sâu của biển Hải Phòng không lớn, đường đẳng sâu 2m chạy quanh núi Đồ Sơn rồi hạ xuống 5m ở cách bờ khá xa. Ở đáy biển nơi có những cửa sông đổ ra, do sức xâm thực của dòng chảy nên độ sâu lớn hơn. Ra xa ngoài khơi đáy biển hạ thấp dần theo độ sâu của vịnh Bắc bộ khoảng 30 - 40m. Mặt đáy biển Hải Phòng được cấu tạo bằng thành phần mịn có nhiều lạch sâu vốn là các lòng sông cũ nay dùng làm luồng lạch ra vào hàng ngày của tàu biển. Với trữ lượng hải sản đánh bắt không ảnh hưởng nguồn lợi là 28 vạn tấn tập trung ở 3 ngư trường lớn là Bạch Long Vỹ, Long Châu và Cát Bà - Long Châu - Ba Lạch. Nuôi trồng thuỷ hải sản với lợi thế của cả 3 vùng nước (mặn: 5000ha, lợ: 23000ha, ngọt: 8000ha) cho phép Hải Phòng mở rộng và phát triển với quy mô lớn cho việc nuôi trồng thuỷ hải sản. Biển Hải Phòng có gần 1000 loài tôm cá và hàng chục loài rong biển có giá trị kinh tế cao như tôm rồng, tôm he, đồi mồi, sò huyết, tu hài, cá heo, cua bể, bào ngư… là những hải sản được thị trường các nước trên thế giới ưu chuộng, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, nguồn nước biển có độ mặn cao, ổn định như

ở Cát Bà, Đồ Sơn dùng để sản xuất muối. Như vậy, biển, bờ biển và hải đảo đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của Thành phố duyên hải và là thế mạnh tiềm năng của kinh tế địa phương.

- Tài nguyên du lịch: Đảo Cát Bà với hơn 300 hòn đảo, có rừng quốc gia và là nơi đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển, lại nằm sát Vịnh Hạ Long tạo cho khu vực Cát Bà có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Đồ Sơn đã từ lâu là khu du lịch biển nổi tiếng của cả nước thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến an dưỡng và nghỉ mát. Ngoài ra Hải Phòng còn có nhiều địa danh thuận tiện cho việc nghỉ dưỡng như Minh Tân, Ngũ Lão (Thuỷ Nguyên), núi Voi (An Lão), Đồi Thiên Văn (Kiến An), núi Đối (Kiến Thuỵ), suối nước nóng (Tiên Lãng), khu di tích lịch sử văn hoá danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo)… thực sự là tiềm năng quan trọng cho việc phát triển kinh tế và đời sống dân cư.

Một phần của tài liệu TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở HẢI PHÒNG (Trang 38 -38 )

×