Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nhấn mạnh: “ Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” [26, tr 34]. Điều đó cho thấy, đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong các yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đối với các địa phương trong cả nước hiện nay và trong các chỉ số thành phần của PCI thì vấn đề chất lượng của nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo lao động đang là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư. Mặc dù Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội song hiệu quả phát huy các tiềm năng chưa cao. Muốn thoát khỏi tỉnh nghèo, kém phát triển và thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH thì việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải đảm bảo: có đủ lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề. Do đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải trên cơ sở khai thác và phát huy có hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đặc biệt là tiềm năng lao động dồi dào. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên chủ trương phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh như : sản xuất xi măng, thuỷ điện, mía đường, chăn nuôi đại gia súc, đồ uống và sản phẩm hàng hoá xuất khẩu, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ...
Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung vào giải quyết tốt một số vấn đề sau :
Một là, củng cố các trung tâm dạy nghề hiện có của tỉnh, chuyển
hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; chú trọng việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo dạy
nghề trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo các trường đại học, cao đẳng hiện có; đầu tư phát triển thêm các cơ sở đào tạo - dạy nghề công lập, kết hợp với việc đẩy mạnh xã hội hóa về giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết 05/CP của Chính phủ.
Hai là, thực hiện việc liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh
nghiệp. Xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh phát triển theo quy hoạch; đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề... và có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo - dạy nghề tư thục tại Nghệ An... xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc miền Trung theo tinh thần Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, đẩy mạnh đào tạo, sử dụng và thu hút nguồn nhân lực có chất
lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề, đáp ứng cơ bản nguồn lao động tại chỗ có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là để hướng vào phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh do đó việc phát triển phải quan tâm cả hai việc đào tạo và sử dụng, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng thì mới có thể phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục - đào tạo là phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để tạo ra đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhân tài trong tất cả các lĩnh vực [7].
Bốn là, tỉnh Nghệ An cần phải thực hiện sự đổi mới toàn diện hệ thống
giáo dục và đào tạo, phải lấy chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội làm tiêu chí thay cho “lấy thành tích đổi mới của ngành”.[26, tr 81]
Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước. Để đáp ứng quá trình đó, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề tốt, có trình độ, tiếp thu và sử dụng hiệu quả những tiến bộ, thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới, góp phần đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ ra những giải pháp quan trọng cho giáo dục là: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục, xã hội hoá, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam” [26, tr 91]. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa then chốt để tỉnh Nghệ An áp dụng trong việc bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm là, bên cạnh những yêu cầu mới thì nguồn nhân lực của tỉnh
Nghệ An còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như : Phong tục, tập quán, văn hoá làng xã, tâm lý lao động nông nghiệp, tiểu nông... Những tác động đó luôn bao gồm hai mặt tích cực và hạn chế. Mặt tích cực: người lao động thông minh, cần cù, nhanh nhẹn.... Bên cạnh đó, cần phải khắc phục những hạn chế như: tâm lý tiểu nông, làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, làm và bỏ làm một cách tùy tiện...
Các yếu tố vùng miền, dân tộc cũng ảnh hưởng, tác động tới việc bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, cần có quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với từng huyện, xã. Phát triển cân đối, hợp lý giữa các vùng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cuối cùng, để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực thì tỉnh Nghệ An
cần có thêm nhiều thay đổi trước tiên là phải đảm bảo ổn định đời sống cho nguồn nhân lực bởi nếu có cuộc sống ổn định thì nhân lực mới có thể phát huy được sự năng động sáng tạo trong công tác, có động lực để nhân lực phát
triển. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng rất quan trọng, tình trạng lao động đổ dồn về các thành phố lớn để chờ đợi cơ hội kiếm việc làm thậm chí họ phải làm những ngành nghề không phù hợp bỏ mặc những chính sách đãi ngộ của tỉnh nhà không còn là điều mới mẻ. Bởi người lao động nghĩ khi đi đến những thành phố lớn thì sẽ có đời sống, điều kiện để phát huy đúng sở trường, học tập những cái mới có môi trường nghiên cứu đào tạo, giao lưu học tập tốt hơn. Vì vậy, để có thể thu hút nhân tài tỉnh Nghệ An cần phải nắm bắt được nhu cầu thực tế của lao động qua đó có thể đáp ứng, kêu gọi người lao động về công tác tại địa phương.