Thanh Hóa nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền đồng bằng Bắc Bộ với Bắc Trung bộ, nơi tập trung các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước gồm đường sắt, đường bộ, đường biển, có cửa khẩu quốc tế với Lào và cảng nước sâu Nghi Sơn thuận lợi trong giao thương với khu vực và quốc tế. Với tiềm năng của 3 vùng kinh tế miền núi - trung du, đồng bằng và ven biển, với
nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển, khoáng sản và lao động, Thanh Hóa có lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Thanh Hoá cũng nằm xa các trung tâm kinh tế, ít được tác động lan toả của các vùng kinh tế động lực, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu sớm đưa Thanh Hoá ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, việc đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp là một trong những động lực tạo nên sự phát triển.
Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để môi trường này là “sân chơi” bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Trong đó, việc cải cách thủ tục hành chính được đưa lên hàng đầu với tinh thần đơn giản hoá về trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đồng thời vận dụng linh hoạt phù hợp với đặc thù của tỉnh.
Để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể, đó là:
+ Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các khâu theo cơ chế một cửa, niêm yết công khai thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp (Hiện nay các ngành kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và Cục Thuế đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” với thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký mã số thuế trong thời gian tối đa là 5 ngày).
+ Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đã lập quy hoạch chi tiết
sử dụng đất đến 2010, dành quỹ đất cho phát triển các cụm công nghiệp - làng nghề, thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các thành phần kinh tế yên tâm lựa chọn vị trí và xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ...
+ Quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, hàng năm tỉnh đều trích một phần ngân sách hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho các chức danh chủ chốt của doanh nghiệp theo hướng tăng cường kỹ năng điều hành quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, phát triển doanh nghiệp như: chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động… Đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hoá, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước.
Cùng với những giải pháp trên, đã thành định kỳ, hàng quý UBND tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe, trao đổi thông tin về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và cùng bàn biện pháp tháo gỡ, xử lý những vấn đề tồn đọng. Đây là điểm mới được các doanh nghiệp hết sức đồng tình ủng hộ.
Với những chính sách trên, Thanh Hóa đã tạo ra môi trường thông thoáng, hiệu quả trong xúc tiến và thu hút đầu tư. Điều này được minh chứng bởi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ thứ 53/64 tỉnh thành năm 2006 vượt lên vị trí thứ 38/64 tỉnh thành năm 2007. Năm 2009, Thanh Hóa vẫn là tỉnh được xếp hạng khá trong bảng xếp hạng PCI (57,32% đứng thứ 39/64), năm 2010 đứng thứ 44/64 tỉnh thành (55,68%) với vị trí xếp hạng cao hơn rất nhiều so với Nghệ An.