Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ (Trang 40)

Tân Sơn là huyện miền núi được thành lập theo Nghị định số 61/2007/NĐ- CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thanh Sơn để thành lập huyện: Thanh Sơn và huyện Tân Sơn.

Vị trí địa lý:

Huyện Tân Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 75km.

Ranh giới hành chính: Phía Bắc giáp huyện Yên Lập, phía Đông giáp huyện Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La.

Là huyện miền núi xa sôi hẻo lánh, xa trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Phú Thọ, xa những trung tâm kinh tế của các tỉnh bạn và các vùng lân cận là điều kiện khó khăn cho việc giao thương, phát triển kinh tế xã hội

Địa hình, khí hậu, thủy văn và sông ngòi:

Tân Sơn là huyện vùng núi cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông suối và núi đồi, khe lạch….có độ dốc cao; sông Bứa chảy từ Sơn La qua nhiều xã trong huyện, nơi kết thúc của dãy Hoàng Liên Sơn nên tạo ra các vùng tiểu khí hậu gần như riêng có của huyện Tân Sơn.

Tân Sơn nằm trong vùng khí hậu Trung du Bắc Bộ nhưng có ảnh hưởng mạnh của khí hậu Tây Bắc, có nét điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình qua các năm là 23,3°C (nhiệt độ cao tuyệt đối là 42,3 °C và nhiệt độ thấp tuyệt đối là 3,1°C), mùa khô hạn kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tháng 4, 5, 6, 7 chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam, nhiệt độ trong các tháng này nhiều khi lên tới 39-40°C; tháng 8, 9 thường có mưa bão, lốc xoáy gây lũ quét, lũ ống sạt lở đất; mùa đông có sương muối, giá rét, nhiệt độ xuống dưới 5°C.

Hệ thống sông Bứa và các chi lưu của nó tỏa rộng ra khắp vùng, các chi lưu lớn phân bố đều là sông Chôm (xã Văn Luông), sông Giày (Minh Đài), sông Gôm (Thu Ngạc).

Đồi núi, sông suối, khe lạch nhiều thuận lợi cho phát triển cây lâm nghiệp và nông nghiệp, nhưng giao thông đi lại khó khăn, khí hậu giá rét, sương muối nên ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, trồng trọt một năm chỉ canh tác được 2 vụ lúa và thường phải cấy muộn, chăn nuôi thì thường sảy ra hiện tượng trâu, bò, lợn, gà chết rét hàng loạt. Nên có thể nói địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tài nguyên thiên nhiên:

- Đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 68.858 ha, trong đó 57.958 ha là đất nông, lâm nghiệp (chiếm 84,17%); 2.119,45 ha là đất phi nông nghiệp (chiếm 3,07%); 8.779 ha đất chưa sử dụng (chiếm 12,74%). Trong số hơn 52.577,51 ha đất lâm nghiệp có 15.048 ha thuộc vườn Quốc gia Xuân Sơn với hệ động thực vật phong phú, nhiều hang động độc đáo, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm, nghỉ dưỡng.

- Khoáng sản: Một số loại quặng đang được khảo sát, thăm dò là Sắt, Than, Chì, Đá xây dựng, cát sỏi, chủ yếu ở các xã Thu Cúc, Thu Ngạc, Đồng Sơn, Long Cốc, Thanh Kiệt, Tân Phú, Mỹ Thuận và Văn Luông.

- Tài nguyên nước: Tân Sơn có hệ thống sông Bứa và các chi lưu, có 02 hồ lớn là hồ Sận Hòa (Tân Sơn) và hồ Xuân Sơn.

- Tiềm năng du lịch: Tân Sơn không có nhiều các di tích lịch sử, văn hóa nhưng với trên 82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể mang tính đặc thù của địa phương như:hát Ví, hát Rang dân tộc Mường; lễ Lập tĩnh dân tộc Dao; múa khèn, kèn lá dân tộc H’Mông…là tiềm năng giữ gìn và phát triển văn hóa phi vật thể.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn hiện tại là địa điểm du lịch nổi bật nhất của Tân Sơn, với diện tích là 15.048 ha. Hệ động, thực vật phong phú với 69 loài thú; 240 loài chim cùng với 134 họ và 726 loài thực vật khác nhau.

Ngoài ra huyện còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng: Khu Vượng (xã Xuân Đài), Bản Dù (xã Xuân Sơn) đang được qui hoạch

và đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Diện tích đất rộng, tài nguyên thiên nhiên khá là đa dạng phong phú, có tiềm năng du lịch, nhưng bị hạn chế bởi các yếu tố khác nên hiện nay những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách.

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ (Trang 40)