NGOÀI VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THẨM PHÁN

Một phần của tài liệu nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm định trong tố tụng dân sự (Trang 40)

1.5.1. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán theo pháp luật tố tụng dân sự nước Cộng hòa Pháp

Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp ban hành năm 1806 và sau nhiều lần sửa đổi đều nhấn mạnh vai trò tích cực của Thẩm phán trong toàn bộ quá trình

TTDS. Theo đó, Thẩm phán được trao những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, đặc biệt trong quá trình hòa giải, thẩm cứu vụ việc.

Tại chương I - Phần những quy định chung của BLTTDS Pháp có những quy định về nhiệm vụ của Thẩm phán như: Thẩm phán bảo đảm trong quá trình tố tụng được tiến hành theo đúng thủ tục quy định (Điều 3); Thẩm phán phải xét xử về tất cả các yêu cầu và chỉ xét xử trên cơ sở các yêu cầu đó (Điều 5); Thẩm phán ra các quyết định căn cứ vào các tình tiết được viện dẫn khi tranh luận (Điều 7); Thẩm phán có trách nhiệm hòa giải các bên đương sự (Điều 21)...

Về quyền hạn của Thẩm phán trong BLTTDS Pháp cũng có những quy định: Thẩm phán có quyền ấn định thời hạn và quyết định các biện pháp cần thiết (Điều 3); Thẩm phán có thể yêu cầu các đương sự giải thích về tình tiết mà Thẩm phán thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ tranh chấp (Điều 8); Thẩm phán có quyền tự mình quyết định tất cả các biện pháp Thẩm cứu mà pháp luật cho phép (Điều 10); Thẩm phán có thể ra quyết định mà không cần tranh luận (Điều 28)… Theo Điều 134, Thẩm phán còn có quyền ấn định thời hạn đương sự cung cấp chứng cứ và nếu cần thì ấn định cả thể thức trao đổi giấy tờ, tài liệu, trường hợp có vi phạm có thể bị phạt tiền để cưỡng chế [23, tr. 38]. Ngoài ra, một Thẩm phán cũng có thể có quyền hạn độc lập trong việc giải quyết vụ kiện theo các quy định từ Điều 801 đến Điều 805 BLTTDS Pháp, đồng thời ở mỗi giai đoạn tố tụng Thẩm phán đều được xác định những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Về trách nhiệm của Thẩm phán, pháp luật nước Cộng hòa Pháp quy định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tòa án, các thiệt hại do hoạt động kém hiệu quả của Thẩm phán gây ra trước hết Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Và Nhà nước có quyền kiện lại Thẩm phán gây ra trục trặc trong hoạt động tư pháp. Thẩm phán có thể bị truy cứu trực tiếp nếu đã phạm lỗi cá nhân không liên quan đến việc thực hiện các chức năng nghề nghiệp; Thẩm phán vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội của mình, không

được hưởng quyền miễn trừ tài phán về hình sự; Thẩm phán có thể bị áp dụng thủ tục kỷ luật nội bộ nếu không tuân theo các nhiệm vụ của mình.

Qua nghiên cứu pháp luật TTDS Pháp có thể thấy, BLTTDS Pháp đã quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán. Đặc biệt Thẩm phán có quyền độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thậm chí có quyền ra quyết định mà không cần tiến hành tranh luận, có quyền ấn định thời hạn cung cấp chứng cứ, giải quyết theo thủ tục rút gọn. Đây là những điểm mà nước ta có thể học hỏi trong quá trình hoàn thiện pháp luật TTDS, nhất là cải cách thủ tục tranh luận tại phiên tòa.

1.5.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán theo pháp luật tố tụng dân sự của Liên bang Nga

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán của Liên bang Nga được quy định tương đối cụ thể theo quy định của Quy chế Thẩm phán Liên bang Nga ngày 21/06/1995 và BLTTDS mới của Liên bang Nga được quốc hội thông qua ngày 23/10/2002 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2003 thay thế BLTTDS Liên bang Nga năm 1964. Điều 1 Quy chế Thẩm phán liên bang Nga quy định: "Thẩm phán là người thực thi quyền lực". Cụ thể: Thẩm quyền xét xử của Liên bang chỉ thuộc Thẩm phán thay mặt Tòa án và trong những trường hợp được pháp luật quy định có sự tham gia của HTND. Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp để thực thi việc xét xử và họ thực hiện nhiệm vụ của mình trên cơ sở chuyên nghiệp. Thẩm phán hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Trong lĩnh vực TTDS, BLTTDS 2003 Liên bang Nga quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong các giai đoạn khởi kiện, bảo đảm việc khởi kiện, chuẩn bị xét xử, xét xử. Trong giai đoạn khởi kiện (Điều 131 đến Điều 138): Thẩm phán tự mình quyết định việc thụ lý đơn khởi kiện, có quyền từ chối thụ lý đơn khởi kiện và trả lại đơn khởi kiện theo quy định từ Điều 133 đến Điều 135 BLTTDS.

Sau khi chấp nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời từ Điều 139 đến Điều 146 (tương tự như việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại BLTTDS Việt Nam). Thẩm phán đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có quyền thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời có thể yêu cầu nguyên đơn đảm bảo việc bồi thường thiệt hại có thể xảy ra đối với bị đơn.

Để vụ kiện được xét xử đúng thời hạn và đúng đắn, chương XIV đã quy định những nhiệm vụ, quyền hạn Thẩm phán có thể thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Cụ thể từ Điều 147 đến Điều 153 BLTTDS Thẩm phán có thể thực hiện một số công việc nhất định như: làm rõ những tình tiết khách quan có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ án, hòa giải giữa các bên… Đồng thời Thẩm phán có quyền nhập, tách vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu có căn cứ pháp luật. Sau khi hoàn thành thủ tục xét hỏi, chỉ có Thẩm phán đang giải quyết vụ án hoặc những Thẩm phán là thành viên HĐXX mới được vào phòng nghị án và các Thẩm phán không được tiết lộ tranh luận liên quan đến việc ra bản án.

Đặc biệt tại Phần thứ hai, phần I chương XI BLTTDS Liên bang Nga năm 2003 còn quy định về thủ tục rút gọn với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích của các bên với thời gian giải quyết ngắn nhất, thủ tục đơn giản nhất. Theo Điều 121 thì Thẩm phán có thể ban hành lệnh của Tòa án dựa trên yêu cầu đòi nợ hoặc đòi lại tài sản theo những căn cứ được quy định tại Điều 122. Những vụ việc giải quyết theo thủ tục rút gọn thuộc thẩm quyền của Thẩm phán hòa giải xét xử ở cấp sơ thẩm. Điều này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 123, Điều 23 và Điều 24. Trong trường hợp này, Lệnh của Tòa án hoặc quyết định của Tòa án sẽ do một Thẩm phán ban hành.

Như vậy, BLTTDS Liên bang Nga có những điểm tương đồng, gần giống với thủ tục giải quyết vụ án dân sự của Việt Nam. Tuy nhiên so với pháp luật Việt Nam nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán được

quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong BLTTDS Liên bang Nga. Đây chính là những điểm chúng ta cần xem xét, nghiên cứu và tiếp thu cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn xét xử của Việt Nam nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán khi giải quyết vụ việc theo thủ tục rút gọn mà hiện nay BLTTDS của Việt Nam vẫn chưa quy định.

1.5.3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán theo pháp luật tố tụng dân sự Anh - Mỹ

Theo pháp luật TTDS của Anh - Mỹ, Thẩm phán có vai trò quan trọng trong việc thu hập chứng cứ và áp dụng án lệ khi giải quyết vụ việc dân sự. Pháp luật TTDS Anh - Mỹ xác định đương sự trong vụ án dân sự gồm nguyên đơn và bị đơn [20]. Các bên đương sự phải tự mình tìm kiếm, thu thập mọi chứng cứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình như thu thập chứng cứ viết, các vật chứng, đề xuất Tòa án triệu tập những người làm chứng cần thiết… Các bên đương sự có quyền và nghĩa vụ trao đổi chứng cứ với nhau và được biết toàn bộ các chứng cứ của bên kia. Nếu một bên từ chối không cung cấp chứng cứ hoặc không trả lời về vấn đề nào đó thì Thẩm phán sẽ ban hành lệnh buộc người từ chối phải cung cấp chứng cứ hoặc áp dụng các biện pháp chế tài cần thiết. Nếu người không cung cấp chứng cứ là bị đơn thì Thẩm phán sẽ quyết định giải quyết vụ kiện hoàn toàn dựa trên chứng cứ do nguyên đơn xuất trình trước Tòa án. Trường hợp Thẩm phán thấy chứng cứ mà các đương sự xuất trình chưa đầy đủ để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu các bên đương sự cung cấp thêm chứng cứ chứ Thẩm phán không bao giờ tự mình thu thập chứng cứ. Sau khi các bên thu thập được đầy đủ thông tin, chứng cứ thì họ phải gặp nhau theo lệnh của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Tại đây, Thẩm phán có thể tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc hoặc thống nhất những vấn đề cần tranh tụng tại phiên tòa [21, tr. 22-23]. Qua đó có thể thấy pháp luật TTDS Mỹ luôn đề cao vai trò của các bên đương sự trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của

mình, họ là các chủ thể tranh tụng giữ vai trò chủ động, quyết định kết quả tranh tụng. Thẩm phán không chủ động thu thập chứng cứ mà chỉ là người trọng tài giữ vai trò trung gian, căn cứ vào chứng cứ của các bên đương sự và kết quả tranh tụng để ra quyết định giải quyết vụ án.

Về quyền thừa nhận và áp dụng án lệ theo quy định của pháp luật Anh thì khi xét xử Thẩm phán phải tuân theo những nguyên tắc áp dụng án lệ. Thẩm phán Tòa án tối cao Anh không có nghĩa vụ ràng buộc bởi những phán quyết trước đây của mình, nhưng trên thực tế họ thường tuân thủ án lệ của chính mình. Mặt khác, Tòa phúc thẩm dân sự Anh thì không chấp nhận việc xem xét lại những phán quyết trước đây để ra phán quyết mới phủ nhận án lệ. Còn pháp luật TTDS Mĩ coi bản án, quyết định phúc thẩm hay quyết định của Tòa án tối cao là án lệ để Tòa án cấp dưới phải tuân theo khi xét xử các vụ án tương tự. Việc áp dụng án lệ trong pháp luật TTDS Anh - Mỹ tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ việc giống nhau, giúp đỡ tiên lượng được trước kết quả của các vụ tranh chấp, tránh được việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, tạo niềm tin cho các Thẩm phán khi đưa ra phán quyết của mình khi giải quyết vụ án. Vì vậy, việc lựa chọn, bổ nhiệm Thẩm phán ở Anh - Mĩ có tiêu chuẩn rất cao và nghiêm ngặt. Ở Mĩ, Thẩm phán liên bang sẽ được giữ chức vụ đó suốt đời nếu luôn có hành vi đúng đắn.

Thực hiện các chủ trương, quan điểm về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước đã được đề ra trong Nghị quyết số 49/NQ-TW: "Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ…" [7]. Đồng thời trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm về việc áp dụng án lệ ở các nước trên thế giới, ngày 31/10/2012 TANDTC đã

ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC về việc Phê duyệt Đề án "Phát

triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao". Theo Quyết định này thì quyết định

giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TANDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC

thông qua sẽ là án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Với các bản án mẫu sẽ giúp người tiến hành tố tụng đặc biệt là Thẩm phán có thể học hỏi cả về nội dung lẫn hình thức, từ đó có căn cứ giải quyết vụ án công bằng, đúng pháp luật. Mặt khác, thông qua việc áp dụng án lệ sẽ góp phần minh bạch hóa các hoạt động tư pháp, tạo niềm tin của người dân vào các phán xét của Tòa án. Để làm được điều đó đòi hỏi các Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất cao.

Thông qua các quy định pháp luật TTDS Anh - Mĩ và thực tiễn áp dụng án lệ cho thấy vị trí, vai trò của Thẩm phán rất quan trọng. Thẩm phán không chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong xét xử mà còn tham gia vào hoạt động lập pháp thông qua các bản án, quyết định được coi là án lệ. Nước ta cần tiếp thu những quy định pháp luật TTDS Anh - Mĩ về thu thập chứng cứ cũng như việc áp dụng án lệ, chế độ bổ nhiệm và đãi ngộ đối với Thẩm phán để tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong TTDS hiện nay.

Một phần của tài liệu nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm định trong tố tụng dân sự (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)