TRÁCH NHIỆM CỦA THẨM PHÁN

Một phần của tài liệu nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm định trong tố tụng dân sự (Trang 75 - 81)

2.2.1. Trách nhiệm của Thẩm phán trong tố tụng dân sự

Qua nghiên cứu pháp luật TTDS hiện hành cho thấy Thẩm phán có những trách nhiệm cụ thể sau:

- Trách nhiệm giải quyết vụ việc theo sự phân công của Chánh án, không được từ chối giải quyết vụ việc được phân công, nếu không có căn cứ từ chối theo quy định của pháp luật TTDS

Nhiệm vụ của Thẩm phán là xét xử nên trách nhiệm của Thẩm phán là hoàn thành nhiệm vụ xét xử các vụ việc dân sự theo sự phân công của Chánh án. Thẩm phán không thể tùy tiện trong việc nhận hay từ chối việc giải quyết vụ việc đã được Chánh án phân công. Nếu Thẩm phán từ chối việc giải quyết vụ việc được phân công mà không có căn cứ theo quy định tại Điều 46, Điều 47 BLTTDS sẽ bị coi là không hoàn thành trách nhiệm của một công chức đối với Nhà nước, dẫn đến hoạt động của Tòa án nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung bị ngừng trệ.

- Trách nhiệm từ chối giải quyết vụ việc được phân công khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật TTDS

Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc được vô tư, khách quan đòi hỏi sự tham gia tố tụng của Thẩm phán không bị chi phối tác động bên ngoài

như quan hệ gia đình, hành chính, kinh tế, bạn bè… nên các nhà làm luật đã dự liệu các khả năng mà Thẩm phán phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi tại Điều 46, Điều 47 BLTTDS. Trong các trường hợp này, Thẩm phán có quyền và trách nhiệm từ chối tham gia tố tụng, nếu không bản án, quyết định của Thẩm phán sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

- Trách nhiệm đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bản án, quyết định do Thẩm phán tuyên là phán quyết nhân danh Nhà nước về giải quyết một vụ việc dân sự cụ thể. Vì vậy, việc ra bản án, quyết định đòi hỏi phải thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật TTDS quy định và áp dụng đúng pháp luật nội dung. Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật nội dung và không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục TTDS sẽ không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về Thẩm phán được giao giải quyết vụ việc.

Đặc biệt, Thẩm phán còn có trách nhiệm thu thập thêm chứng cứ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan. Trong TTDS, ngoài trách nhiệm đánh giá các chứng cứ do đương sự cung cấp Thẩm phán còn có trách nhiệm chủ động áp dụng một số biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS và khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc đầy đủ, chính xác hơn.

- Trách nhiệm giải quyết vụ việc đúng thời hạn theo quy định của pháp luật TTDS

Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ thực sự được bảo vệ khi việc giải quyết vụ việc của Thẩm phán được tiến hành trong khoảng thời hạn theo quy định tại BLTTDS như thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (Điều 179), thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 258)… Vì vậy, trách nhiệm của

Thẩm phán là phải hoàn thành việc giải quyết vụ việc trong thời hạn quy định, nếu vượt quá thời hạn trên sẽ bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ xét xử.

- Trách nhiệm hòa giải giữa các bên đương sự

Trong TTDS, hòa giải là một nguyên tắc, thủ tục bắt buộc đối với việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Khi được phân công giải quyết một vụ việc dân sự cụ thể, Thẩm phán có trách nhiệm giữ vai trò trung gian để tổ chức hòa giải, giải thích pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên từ đó các đương sự tự nguyện thỏa thuận giải quyết các vấn đề của vụ việc. Nếu bỏ qua thủ tục hòa giải trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động sẽ bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng và trách nhiệm này thuộc về Thẩm phán.

2.2.2. Trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật mà Thẩm phán phải chịu các hình thức trách nhiệm pháp lý sau:

- Trách nhiệm hình sự

Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm tội của mình như một công dân khác. Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi giải quyết các vụ việc dân sự, Thẩm phán có các hành vi như ra bản án, quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật hoặc có các hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoại, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các Điều 295, 296, 300 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Chẳng hạn như: Ngày 23/02/2009, TAND huyện Tam Nông đã thụ lý vụ án dân sự về việc "Tranh chấp hợp đồng vay" giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Y trú tại ấp Phú Thọ, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông với bị đơn là ông Trần Văn Hoàng trú tại ấp Long Phú, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông.

Thẩm phán Lê Minh Hiếu là người trực tiếp giải quyết vụ án và trong quá trình giải quyết Thẩm phán Hiếu đã yêu cầu ông Hoàng đưa 30.000.000đ để Hiếu giải quyết vụ án theo yêu cầu của ông Hoàng. Ngày 21/05/2009, trong lúc nhận tiền, Hiếu đã bị công an bắt quả tang. Với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, Thẩm phán Hiếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật Hình sự) với mức hình phạt là 4 năm tù [27].

- Trách nhiệm dân sự

Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi giải quyết vụ việc dân sự mà Thẩm phán có những hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về vật chất và tinh thần cho cá nhân, tổ chức thì Thẩm phán phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 619, Điều 620 BLDS, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 đối với những trường hợp quy định tại Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Chẳng hạn, Thẩm phán áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của đương sự sai... dẫn đến đương sự bị thiệt hại về kinh tế. Trách nhiệm bồi thường trước tiên thuộc về Tòa án (Điều 33 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước). Sau đó, theo quy định tại Điều 55 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, trên cơ sở đánh giá mức độ lỗi, khả năng kinh tế của Thẩm phán mà Hội đồng xem xét việc giải quyết bồi thường và quyết định việc Thẩm phán phải hoàn trả lại một phần hay toàn bộ số tiền mà Tòa án đã bồi thường cho người bị hại. Tuy nhiên, trong trường hợp do năng lực của Thẩm phán yếu nên quá trình giải quyết vụ việc dân sự gây thiệt hại cho đương sự thì Thẩm phán có phải bồi thường hay không thì Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng như các văn bản pháp luật khác vẫn chưa có quy định cụ thể. Bởi đây không phải là trường hợp Thẩm phán ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Như vậy, khi trách nhiệm của Tòa án và Thẩm phán chưa được quy định rõ ràng sẽ gây khó khăn

cho đương sự khi yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng tôi cho rằng, trường hợp này Tòa án nơi Thẩm phán công tác sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu trong quá trình giải quyết vụ việc do năng lực của Thẩm phán yếu đã gây thiệt hại cho đương sự và Thẩm phán không phải hoàn trả lại số tiền Tòa án đã bồi thường. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ để xem xét có tái bổ nhiệm Thẩm phán đó hay không.

- Trách nhiệm hành chính (trách nhiệm kỷ luật)

Ngoài ra, Thẩm phán có thể bị áp dụng hình thức trách nhiệm kỷ luật nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà vi phạm các quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thẩm phán là công chức nhà nước, nên việc xem xét ra quyết định kỷ luật đối với Thẩm phán cũng được thực hiện theo các quy định chung đối với công chức. Luật cán bộ công chức quy định sáu hình thức kỷ luật công chức là: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; hạ ngạch; cách chức; buộc thôi việc. Việc xử lý kỷ luật công chức nói chung và nói riêng thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý cán bộ công chức.

Tùy vào mức độ và tính chất của hành vi sai phạm, Thẩm phán có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên. Trong trường hợp Thẩm phán phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc (khoản 3 Điều 78 Luật Cán bộ công chức).

Một ví dụ thực tế về trách nhiệm hành chính của Thẩm phán như việc Thẩm phán TAND thị xã Tây Ninh là bà Trịnh Thị Suổi trong quá trình giải quyết vụ án dân sự giữa bà O và ông T đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai rồi mượn tiền của đương sự để hủy quyết định. Ngày 10/07/2012, Hội đồng kỷ luật TAND tỉnh Tây Ninh đã thống nhất kỷ luật hình thức khiển trách và chuyển công tác Thẩm phán Suổi về TAND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh [10].

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Hệ thống tư pháp Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo truyền thống pháp luật lục địa. Trong đó, TTDS thể hiện tính chất của tố tụng xét hỏi nhưng kết hợp những điểm hợp lý của tố tụng tranh tụng. Để việc giải quyết vụ việc dân sự của Thẩm phán được khách quan, công bằng, đúng pháp luật lần đầu tiên Điều 41 BLTTDS năm 2004 đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán. Các quy định này ngày càng hoàn thiện hơn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011.

Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự ngoài việc được trao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định họ còn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình bao gồm trách nhiệm của Thẩm phán trong TTDS và trách nhiệm pháp lý. Mặc dù pháp luật TTDS không quy định các trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán nhưng Bộ luật Hình sự, BLDS, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức... đã quy định khá chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Có như vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự các Thẩm phán mới thực sự thận trọng trước khi đưa ra những phán quyết và quyết định của mình. Mỗi phán quyết, quyết định của Thẩm phán đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự góp phần duy trì trật tự pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đồng thời tạo được niềm tin của người dân vào nền công lý nước nhà.

Có thể nói các quy định của BLTTDS hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán trong TTDS đã được quy định khá đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vấn đề này vẫn còn những vướng mắc, bất cập nhất định mà chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Chương 3

THỰC TIỄN THỰC HIỆN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN, BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,

TRÁCH NHIỆM CỦA THẨM PHÁN

Một phần của tài liệu nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm định trong tố tụng dân sự (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)