Trong những năm qua, số lượng các vụ việc dân sự được thụ lý không ngừng tăng lên với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp tạo nên một áp lực công việc rất lớn đối với các Thẩm phán. Tuy nhiên, với các quy định của BLTTDS năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán đã giúp cho các Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật. Bên cạnh những kết quả đã đạt được quy định của BLTTDS về vấn đề này vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần khắc phục để chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự của Thẩm phán ngày càng tốt hơn.
3.1.1. Những thành tựu đạt được
Theo báo cáo số liệu của TANDTC, trong những năm qua số lượng các vụ việc dân sự đã thụ lý và giải quyết liên tục tăng. Từ năm 2006 đến năm 2012 số lượng các vụ việc dân sự tăng 106.418 vụ việc, gấp 1,64 lần. Không chỉ tăng về số lượng các vụ việc đã thụ lý mà tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc dân sự cũng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ ngành Tòa án đặc biệt là các Thẩm phán nên hàng năm số lượng các vụ việc dân sự đã giải quyết luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 90%) số vụ việc dân sự đã thụ lý, trong đó số lượng các vụ việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm có chiều hướng giảm xuống. Năm 2012 nhiều Tòa án đã giải quyết trên 90% số vụ việc dân sự đã thụ lý như: TAND các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đắc Nông,
Đồng Nai… Trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhiều TAND địa phương đã quan tâm khắc phục có hiệu quả việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tỷ lệ các bản án, quyết định bị sửa, bị hủy đều giảm nhất là các vụ việc bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan. Năm 2012 số lượng các vụ án dân sự bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,4% so với năm 2011. Điều này thể hiện rất rõ qua bảng thống kê dưới đây:
Bảng 3.1: Thống kê số lượng vụ việc dân sự được thụ lý và đã giải quyết tại TAND từ năm 2006 đến năm 2012
Năm Số vụ việc dân sự đã thụ lý Số vụ việc dân sự đã giải quyết Tỷ lệ (%) Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa (%) Hủy Sửa 2006 164.888 146.823 89 1,45 3.8 2007 188.992 171.681 90,8 1,6 3,4 2008 192.336 174.768 90,8 1,4 3,1 2009 214.174 194.358 90,7 1,55 2,64 2010 215.741 194.372 90 1,6 2 2011 246.915 222.386 90 1,5 1,9 2012 271.306 246.215 90 1,3 1,7
Chú ý: - Tỷ lệ vụ việc đã giải quyết được tính dựa trên số vụ việc dân
sự đã giải quyết chia cho số vụ việc dân sự đã thụ lý tại TAND.
- Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa được tính dựa trên số vụ việc dân sự đã giải quyết bị hủy, sửa chia cho số vụ việc dân sự đã giải quyết tại TAND.
Nguồn: Báo cáo tổng kết ngành TAND từ năm 2006 - 2012.
Kết quả trên là một dấu hiệu đáng mừng khẳng định năng lực xét xử cũng như trách nhiệm của Thẩm phán trong công tác giải quyết vụ việc dân sự đang ngày một nâng cao. Quá trình giải quyết vụ án dân sự các Thẩm phán đã rất chú trọng công tác hòa giải, tích cực hướng dẫn, phân tích cho các đương
sự hiểu rõ các quy định của pháp luật nên tỷ lệ hòa giải thành luôn chiếm tỷ lệ cao (51% số vụ việc đã giải quyết). Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 của ngành TAND cho thấy có một số Tòa án đã làm tốt công tác hòa giải như: ngành TAND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Có thể nói khi hòa giải vụ án dân sự nếu các Thẩm phán thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình sẽ rút ngắn thời gian giải quyết góp phần tiết kiệm chi phí cho đương sự cũng như cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong những năm qua Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng tới việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán. Nhiều văn bản pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán đã được ban hành, sửa đổi trong những năm gần đây như: BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Pháp lệnh Thẩm phán và HTND năm 2002, sửa đổi bổ sung năm 2011 đã xác định nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của Thẩm phán trong điều luật cụ thể. Thêm vào đó, các quy định của Luật cán bộ công chức năm 2008; BLDS năm 2005; các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán; các công văn trao đổi nghiệp vụ của TANDTC đã tháo gỡ những vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình khi lập hồ sơ cũng như khi tiến hành xét xử và ra quyết định giải quyết vụ việc dân sự.
Trước thực tế trung bình mỗi năm ngành TAND phải giải quyết khoảng 260.000 vụ việc các loại và hàng năm số vụ việc lại tăng khoảng 10.000 vụ việc nên ngành Tòa án đã rất quan tâm tới việc bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng Thẩm phán. Hiện nay, theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và HTND và quy định của BLTTDS hiện hành, để được bổ nhiệm làm Thẩm phán phải có những tiêu chuẩn nhất định. Thông qua công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán đội ngũ Thẩm phán TAND các cấp tiếp tục được rà soát, bổ sung, tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Trình độ chính trị,
chuyên môn nghiệp vụ và năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán ngày càng được nâng lên. Bảng thống kê sau đã thể hiện rất rõ:
Bảng 3.2: Số lượng và trình độ của Thẩm phán TAND địa phương
Năm Thẩm phán Số lượng Thẩm phán Trình độ chuyên môn Hiện có Chế độ Đại học Cao đẳng và Luân huấn Trung cấp Sơ cấp Trước 1993 Tỉnh 619 Hội đồng nhân dân bầu
438 70,8% 70,8% 118 19% 53 8,6% 10 1,6% Huyện 1373 Hội đồng nhân dân bầu
250 18,2% 18,2% 227 16,5% 604 44% 292 21,3% 2000 Tỉnh 925 Bổ nhiệm 796 86% 120 13% 9 1% 0 Huyện 2274 Bổ nhiệm 1888 83% 318 14% 68 3% 0 06/2003 Tỉnh 921 Bổ nhiệm 808 87,7% 113 12,3% 0 0 Huyện 2411 Bổ nhiệm 1889 87,3% 504 21,7% 0 0 30/09/2005 Tỉnh 938 Bổ nhiệm 846 90,2% 92 9,8% 0 0 Huyện 2810 Bổ nhiệm 2586 92% 224 8% 0 0 2009 Tỉnh 329 Bổ nhiệm / / / / Huyện 1068 Bổ nhiệm / / / / Nguồn: Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC.
Theo báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 2012, Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TAND tối cao đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm mới 12 Thẩm phán TANDTC và 229 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Đối với các Thẩm phán được bổ nhiệm lại đều hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao và đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng xét xử trong nhiệm kỳ. Trong thời gian tới, để hoàn thiện số lượng Thẩm phán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
đồng ý bổ sung cho ngành TAND 1.713 biên chế, trong đó có 52 Thẩm phán trung cấp và 658 Thẩm phán sơ cấp năm 2012 và 2013 [1].
Về chất lượng đội ngũ Thẩm phán được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại: đối với các trường hợp được bổ nhiệm lần đầu đều bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và chính trị, có trình độ cử nhân luật và được đào tạo nghiệp vụ xét xử theo quy định và sau khi được bổ nhiệm tiếp tục được tập huấn thêm về kỹ năng xét xử.
Ngoài ra, TANDTC còn chú trọng thực hiện công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ giải quyết các vụ việc dân sự. Hàng năm, TANDTC và TAND các cấp thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về pháp luật TTDS đối với Thẩm phán và cán bộ Tòa án các cấp. Mục đích của việc tập huấn nghiệp vụ và hội thảo khoa học một phần để cập nhật những quy định pháp luật mới đồng thời cũng là cơ hội để các Thẩm phán có thể nhận được những giải đáp những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Năm 2012 TANDTC đã tổ chức 56 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 7.000 lượt học viên là Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.
Như vậy, trong những năm qua Thẩm phán ở nước ta không chỉ tăng lên về số lượng mà còn được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự có tính chất phức tạp đang ngày một gia tăng ở nước ta hiện nay. Một mặt nâng cao chất lượng xét xử mặt khác tạo điều kiện để các Thẩm phán thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình.
3.1.2. Những vướng mắc, bất cập của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán trong tố tụng dân sự và hạn chế của thực tiễn thực hiện
3.1.2.1. Những vướng mắc, bất cập của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán trong tố tụng dân sự
Quy định của pháp luật TTDS về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ là một trong những
nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán.
BLTTDS năm 2004 dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 tuy nhiên một số nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của Thẩm phán trong TTDS vẫn chưa được ghi nhận một cách đầy đủ. Theo chúng tôi, đây là những nhiệm vụ, quyền hạn rất cần thiết giúp Thẩm phán giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, có hiệu quả hơn. Quy định của pháp luật về vấn đề này còn có những hạn chế như:
- Quyền thụ lý vụ việc dân sự chưa được quy định cụ thể.
Thụ lý vụ án dân sự là việc Tòa án nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự để giải quyết [58, tr. 247]. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí (Điều 171 BLTTDS). Như vậy, việc thụ lý vụ án chỉ được Tòa án tiến hành sau khi xem xét đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ kèm theo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Có thể nói đây là công việc đầu tiên trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án, có ý nghĩa quan trọng để Tòa án thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tiến hành tố tụng. Do vậy, tại nhiều Tòa án ở nước ta hiện nay, Thẩm phán tham gia giải quyết vụ việc ngay từ khâu nhận đơn khởi kiện, xem xét vụ việc ấy có đủ điều kiện để thụ lý giải quyết hay không. Tuy nhiên, Điều 41 BLTTDS lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong việc thụ lý vụ việc dân sự.
Mặt khác Điều 171 BLTTDS chỉ quy định chung chung là "Tòa án thụ
lý", nên trong thực tiễn việc xem xét quyết định thụ lý vụ việc dân sự, trả lại
cho thư ký hoặc cán bộ tổng hợp, có Tòa án lại coi đó là việc của lãnh đạo Tòa án, có Tòa án dành quyền này cho Thẩm phán… Ngay tại TAND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nơi tôi đang công tác cũng như nhiều Tòa án cấp huyện, thành phố, thị xã ở Ninh Bình việc tiếp nhận các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu sẽ do một đồng chí thư ký Tòa án được phân công làm nhiệm vụ tiếp dân tiếp nhận. Sau đó đơn khởi kiện, đơn yêu cầu sẽ chuyển lên Chánh án hoặc Phó chánh án phụ trách giải quyết vụ việc dân sự phân đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Thẩm phán để Thẩm phán xem xét có thụ lý hay không. Đây cũng chính là Thẩm phán sẽ trực tiếp giải quyết vụ việc sau khi thụ lý.
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu Chánh án Tòa án các cấp trực tiếp xem xét thụ lý vụ việc thì sẽ không thể bao quát và đủ thời gian để xem xét kỹ lưỡng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không. Bởi Chánh án ngoài việc trực tiếp giải quyết các vụ việc tại Tòa án còn có chức năng quản lý hành chính và các nhiệm vụ khác. Còn những cán bộ Tòa án không phải là Thẩm phán, về mặt pháp lý không có quyền hạn và nhiều trường hợp không có khả năng để xem xét quyết định thụ lý hay trả lại đơn khởi kiện vì đa phần họ chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử, chưa có kinh nghiệm cần thiết. Bởi nhiệm vụ xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc về Thẩm phán mà thụ lý vụ việc là công đoạn đầu tiên của quá trình giải quyết vụ việc, là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật TTDS, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc, trong đó có Tòa án. Mặt khác, nếu việc xem xét thụ lý, trả lại đơn khởi kiện không đúng sẽ dẫn đến hai khả năng: Vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng Tòa án không thụ lý, sẽ dẫn đến quyền dân sự của công dân không được pháp luật bảo vệ kịp thời hoặc vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng Tòa án lại thụ lý sẽ dẫn đến sau khi thụ lý, Thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ hoặc chuyển vụ việc. Trong thực tế việc áp dụng và ra các quyết định trong các trường hợp thụ lý không đúng điều kiện rất khó khăn, thường gây tranh cãi trong Tòa án, gây phiền hà,
tốn kém cho đương sự. Với những lý do trên, chúng tôi cho rằng pháp luật cần phải quy định cụ thể quyền hạn này cho Thẩm phán.
- BLTTDS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định cho Thẩm phán quyền hạn yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng lại không xác định một thời hạn để đương sự cung cấp chứng cứ, cũng không trao quyền ấn định một thời hạn cụ thể cho Thẩm phán. Một số biện pháp thu thập chứng cứ lại không xác định rõ Thẩm phán có quyền chủ động thu thập hay không.
Có thể nói các quy định về nghĩa vụ chứng minh trong BLTTDS còn chứa đựng nhiều điểm không hợp lý, thiếu sự công bằng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ chứng minh và tính chịu hậu quả khi không thực hiện nghĩa vụ chứng minh cũng chưa triệt để. Theo khoản 4 Điều 79 BLTTDS, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh hoặc chứng minh không đầy đủ. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó (Điều 84 BLTTDS). Như vậy,