Đặc điểm nồng độ GammaGlutamylTransferase huyết thanh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ Gamma Glutamyl Transferase (GGT) huyết thanh ở bệnh nhân suy tim do bệnh tim thiếu máu cục bộ (Trang 98)

HUYẾT THANH

Suy tim mãn là một hội chứng rất phổ biến trên toàn thế giới và có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đáng kể. Ngoài các yếu tố nguy cơ truyền thống, các chất chỉ điểm sinh học phản ánh hoạt động của hệ thần kinh, tình trạng viêm, quá trình trao đổi chất, và các rối loạn chức năng thận, gan có liên quan với mức độ nặng và tiến triển của bệnh.

Phân tích huyết thanh Gamma Glutamyltransferase (GGT) là một test có độ nhạy cao, rẻ tiền và dễ dàng. Đây được coi là một chỉ số của rối loạn chức năng gan mật và nghiện rượu. Các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra vai trò của GGT trong sinh bệnh học của xơ vữa động mạch và các mảng bám xơ vữa [67]. Hơn nữa, các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh GGT trong việc dự đoán các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch và mạch máu não, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong tim mạch, cụ thể là độc lập với sự xuất hiện của bệnh lý gan, uống rượu. GGT cũng tương quan với các yếu tố nguy cơ tim mạch nhất, bao gồm bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, và hội chứng chuyển hóa.

4.2.1. Nồng độ Gamma Glutamyl Transferase huyết thanh

Theo bảng 3.15: Giá trị trung vị của nồng độ GGT ở nhóm bệnh là 56 U/l lớn hơn so với nhóm chứng là 34 U/l một cách có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Trong đó, sự gia tăng GGT ở nhóm bệnh: nam chiếm tỷ lệ 66,67%

và ở nữ giới là 89,28% theo bảng 3.16. Giá trị trung vị GGT trong nhóm bệnh ở nam là 54,5 U/l và ở nữ là 56,5 U/l theo bảng 3.16. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khá tương đồng với kết quả của tác giả Gerhard Poelzl và cộng sự [67], trong đó tỷ lệ tăng GGT ở nữ là 50,2% cao hơn so với ở nam là 42,9%.

Theo bảng 3.19: Nồng độ GGT tăng ở bệnh nhân có độ tuổi ≥ 60 tuổi nhỏ hơn so với bệnh nhân có độ tuổi < 60 (71,43 % so với 92,86%). Có sự gia tăng GGT ở nhóm bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ so với nhóm bệnh nhân không phải bệnh tim thiếu máu cục bộ (75,31% so với (27,14%), cũng như ở bệnh nhân có đái tháo đường và không bị đái tháo đường theo bảng 3.18 và bảng 3.21. Bởi vì Gamma-glutamyltransferase (GGT) là chất xúc tác đầu tiên trong sự xuống cấp của glutathione ngoại bào (GSH), cho phép cho các tiền axít amin được đồng hóa và cho tế bào tổng hợp GSH [1]. GGT có chức năng bảo vệ hệ thống chống oxy hóa trong việc duy trì mức GSH gan thích hợp, mà là một chất chống oxy hóa bảo vệ rất quan trọng cho các tế bào. Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng quá trình gia tăng oxy hóa là liên quan đến sinh bệnh học và tiến triển của suy tim. Vì vậy, nồng độ GGT cao là một yếu tố dự báo độc lập cho bệnh tim mạch, có thể đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh của suy tim và tổn thương cơ tim [72].

Theo bảng 3.22: Giá trị trung bình của phân suất tống máu thất trái có tăng nồng độ GGT thấp hơn so với giá trị trung bình của phân suất tống máu thất trái có nồng độ GGT bình thường có ý nghĩa thống kê (p<0,05) và theo

bảng 3.23, nhóm bệnh nhân có EF < 35% có tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ GGT cao hơn so với nhóm bệnh nhân có EF ≥ 35%, có ý nghĩa thống kê. Điều này cho thấy có mối liên quan giữa nồng độ GGT huyết thanh với chức năng co bóp thất trái. Nồng độ GGT càng tăng thì EF càng giảm và ngược lại trong bệnh nhân bị suy tim.

Theo bảng 3.24: Nồng độ SGPT, SGOT, CRP, NT-proBNP của nhóm bệnh nhân có tăng nồng độ GGT lớn hơn so với nhóm có nồng độ GGT bình thường một cách có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Điều này càng khẳng định: ý nghĩa và vai trò của các chất này trong tiên lượng bệnh nhân suy tim.

4.3. NỒNG ĐỘ GGT HUYẾT THANH VÀ PHÂN ĐỘ SUY TIM THEO NYHA NYHA

4.3.1. Nồng độ GGT theo phân độ suy tim NYHA

Theo bảng 3.25: Giá trị trung vị của nồng độ GGT ở các giai đoạn suy tim II, III, IV trong nghiên cứu của chúng tôi theo phân độ NYHA lần lượt là 53U/l, 56U/l và 286 U/l. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nồng độ GGT ở suy tim IV với các mức độ suy tim khác (p<0,05). Đặc biệt là ở những bệnh nhân có tăng nồng độ GGT thì nồng độ GGT ở nhóm bệnh nhân này theo các phân độ suy tim lần lượt là: 58 U/l, 65 U/l và 286 U/L. Bệnh nhân có mức độ suy tim càng nặng thì nồng độ GGT càng tăng.

Một số nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng nồng độ GGT huyết thanh, chủ yếu trong phạm vi bình thường, có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy

cơ tim mạch nhất và dự đoán sự phát triển của bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, và đái tháo đường thể 2. Ở bệnh nhân với các triệu chứng suy tim ổn định, nồng độ GGT huyết thanh tăng lên có ý nghĩa quan trọng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của suy tim [72], [75]. Mặc dù cơ chế nền tảng cho sự kết hợp này vẫn chưa được biết, một số giải thích cho hiện tượng này có thể được xem xét. Sung huyết ở gan là một lời giải thích cơ học khá rõ ràng cho sự gia tăng nồng độ của GGT trong suy tim. Nhiều nghiên cứu cho rằng suy tim nặng thường dẫn đến tình trạng gan sung huyết, do đó làm ứ đọng men gan với nồng độ cao của GGT và bilirubin hoặc thiếu máu tại chỗ, giải phóng cytokine có thể được tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho một mối tương quan nhất định hoặc độc quyền giữa GGT và nhĩ phải và áp lực động mạch phổi cũng như mức độ nghiêm trọng của cung lượng tim giảm. Do đó, bên cạnh việc tắc nghẽn gan và/hoặc thiếu máu cục bộ, các yếu tố khác gây cao GGT trong suy tim cũng phải được xem xét.

Nồng độ GGT huyết thanh chỉ tăng có ý nghĩa chủ yếu trong các trường hợp suy tim, còn ở các trường hợp bệnh lý chưa gây ra biến chứng suy tim như đái tháo đường thể 2, tăng huyết áp, bệnh mạch vành thì nồng độ GGT huyết thanh tăng lên không có ý nghĩa. Do đó, kết quả của chúng tôi ở bảng 3.20 là hoàn toàn phù hợp [70].

4.3.2. Tương quan giữa nồng độ GGT và phân độ suy tim theo NYHA

Tình trạng lâm sàng của suy tim đã được đánh giá một cách truyền thống bằng sự suy giảm chức năng tim. Một trong những công cụ được dùng để đánh giá sự suy giảm này là phân độ suy tim theo NYHA. Phân độ NYHA dùng những thông tin rất dễ áp dụng trên lâm sàng, bên cạnh đó phân độ NYHA cũng được dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống và khả năng gắng sức [57]. Nhiều nghiên cứu đã kết luận, có thể bổ sung GGT để đánh giá mức độ nặng theo phân độ suy tim NYHA để phân độ này mang tính chính xác và khách quan cao hơn [54]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có sự tương quan thuận mức độ vừa giữa nồng độ GGT và phân độ suy tim theo NYHA với hệ số tương quan là r = 0,4952 (p<0.001) (theo biểu đồ 3.6). Điều này cũng khẳng định việc phối hợp GGT và phân độ suy tim NYHA để theo dõi mức độ suy tim ở bệnh nhân suy tim là hoàn toàn có thể được và hứa hẹn sẽ mang lại giá trị khoa học cao.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ Gamma Glutamyl Transferase (GGT) huyết thanh ở bệnh nhân suy tim do bệnh tim thiếu máu cục bộ (Trang 98)