Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ Gamma Glutamyl Transferase (GGT) huyết thanh ở bệnh nhân suy tim do bệnh tim thiếu máu cục bộ (Trang 89)

4.1.1. Tuổi

Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi trung bình là: 72,33 ± 14,20 theo bảng 3.1. Độ tuổi trong kết quả nghiên cứu này của chúng tôi lớn hơn so với kết quả của Hồ Xuân Minh là 58,4±17,2 [21] và Gerhard Poelzl và cs là: 59,3 ±13,1 [67]. Nghiên cứu của chúng tôi có độ tuổi trung bình tương đương so với các nghiên cứu ở các tác giả nước ngoài. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bệnh 72,33 ± 14,20 so với nhóm chứng là 70,13 ± 10,07. Tỷ lệ nhóm bệnh tuổi trên 60 chiếm tỷ lệ cao (85,71 %) trong khi đó tỷ lệ nhóm chứng của chúng tôi độ tuổi trên 60 chiếm tỷ lệ (81,43%) theo bảng 3.2. Nhưng sự khác biệt này không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Nhìn chung độ tuổi suy tim > 60 chiếm tỷ lệ cao nhất.

4.1.2. Giới

Nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ suy tim ở nam (60%) cao hơn nữ (40%), tuy nhiên sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p>0,05) theo bảng 3.3. Tỷ lệ suy tim giữa hai giới trong nghiên cứu của Hoàng Anh Tiến và Phạm Quang Tuấn cho thấy suy tim ở nam cao hơn so với nữ. Nghiên cứu của

Gerhard Poelzl [67] và cs cũng có tỷ lệ suy tim ở nam cao hơn ở nữ và sự khác biệt giữa hai giới có ý nghĩa thống kê [10], [17]. Điều này có thể được giải thích do nam giới hay có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá nhiều hơn so với nữ giới.

4.1.3. Phân độ suy tim theo NYHA

Theo bảng 3.4: Sự phân bố suy tim theo NYHA trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi cho thấy suy tim độ III chiếm tỷ lệ cao nhất là 48,57%, độ II là 44,29 % và độ IV chiếm tỷ lệ thấp nhất là 7,44%. Nghiên cứu này của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Hoàng Anh Tiến là suy tim độ III chiếm 47,5% và của Phạm Quang Tuấn là suy tim độ III chiếm tỷ lệ cao là 35,96% bởi vì kết quả nghiên cứu của Phạm Quang Tuấn, Hoàng Anh Tiến có tỷ lệ suy tim độ III chiếm tỷ lệ cao và gần giống với nghiên cứu của chúng tôi vì cùng nghiên cứu trên các giai đoạn suy tim theo NYHA [20],[21]. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài cũng cho thấy tỷ lệ suy tim theo NYHA phù hợp với nghiên cứu của chúng tôi. Nghiên cứu của Wang Y, Tuomilehto J [77] cho thấy tỷ lệ suy tim theo NYHA II, III, IV lần lượt là: 41%, 32% và 27%. Nghiên cứu của tác giả Dhingra R, Gona P [41] cho kết quả lần lượt suy tim theo NYHA I, II, III là: 23,25%, 32,56% và 44,19%. Nghiên cứu của tác giả Wang Y và cs [77] cho thấy tỷ lệ suy tim theo NYHA III là 23%. Nhìn chung thì tỷ lệ suy tim theo NYHA III chiếm tỷ lệ cao nhất [10],[17],[52],[54],[86], [33],[34].

4.1.4. Đặc điểm về thông số sống, BMI của nhóm chứng và nhóm bệnh

Theo bảng 3.7: Huyết áp tâm thu (123,57 ± 18,73) và tâm trương (72,43 ± 8,34) ở nhóm chứng đều trong giới hạn bình thường theo WHO/ISH 2003. Huyết áp tâm thu (129,23 ± 20,6) và tâm trương (74,43 ± 9,79) của nhóm bệnh đều nằm trong giới hạn bình thường. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về trị số huyết áp tâm thu, tâm trương giữa nhóm chứng và nhóm bệnh (p>0,05).

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Hoàng Anh Tiến huyết áp tâm thu (129,80 ± 6,20) và tâm trương (81,80 ± 5,57) ở nhóm chứng, huyết áp tâm thu (132,24 ± 14,99) và tâm trương (87,06 ± 9,13). Nhìn chung ở nhóm bệnh nhân suy tim có trị số huyết áp tâm thu cao hơn so với nhóm chứng [20].

Theo bảng 3.5: Giá trị BMI của nhóm chứng là 22,36 ± 3,61, giá trị BMI của nhóm bệnh là 22,17 ± 3,67, cả hai giá trị này đều nằm trong giới hạn bình thường theo tiêu chuẩn người Châu Á. Không có sự khác biệt có ý nghĩa BMI giữa nhóm bệnh và nhóm chứng với (p >0,05) có lẽ là do nguyên nhân suy tim, hoặc do ngẫu nhiên trong nghiên cứu [19].

Theo bảng 3.6: tỷ lệ béo phì trong nhóm bệnh của chúng tôi là 34,29%. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bình thường và nhóm béo phì (p<0,05). Béo phì là một hiện tượng bệnh lý khá phổ biến ở các nước phát triển và có xu hướng ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân

chính là do ít hoạt động thể lực, dinh dưỡng giàu calo có liên quan đến điều kiện địa lý và di truyền. Hậu quả của béo phì sẽ làm THA, tăng đề kháng insulin, tăng đường máu và rối loạn lipid máu. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc BMV và đột tử do BMV, sự liên quan này đã được Nghiên cứu Framingham

đưa ra từ những năm 80, đặc biệt béo phì trung tâm có liên quan đến xơ vữa và làm tăng các biến cố mạch máu dẫn đến tình trạng tăng đông máu và giảm tiêu sợi huyết, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành huyết khối. Hoạt động thể lực kết hợp với tiết thực giảm cân sẽ cải thiện béo phì kéo theo cải thiện các YTNC khác. Tỷ lệ béo phì theo tiêu chuẩn Châu Á ở nhóm bệnh chiếm tỷ lệ 34,29%. Sự khác biệt giữa nhóm béo phì và nhóm bình thường có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Yếu tố béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm quá trình suy tim [19].

Theo bảng 3.8: Tỷ lệ ở nhóm bệnh có bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành và hút thuốc lá lần lượt chiếm tỷ lệ 80%, 31,43%, 30% và 17,14%. Theo nghiên cứu của Gerhard Poelzl và cs [67], tỷ lệ tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh mạch vành lần lượt là 44,9%, 20% và 38,2%. Chứng tỏ các yếu tố nguy cơ làm thúc đẩy quá trình suy tim ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi cao hơn và chúng ta cần biện pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp để giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn của quá trình suy tim.

4.1.5. Đặc điểm cận lâm sàng

4.1.5.1. Bilan lipid máu

Rối loạn lipid máu được coi là yếu tố nguy cơ số một của BMV và là một trong bốn yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được. Mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và BMV đã được xác lập bởi nhiều nghiên cứu đa quốc gia, trong đó tăng CT, tăng tỷ CT/HDL và giảm HDL-c đóng vai trò chủ yếu.

Theo bảng 3.9: Kết quả của chúng tôi cho thấy nồng độ trung bình của CT là 4,29 ± 1,58 khá phù hợp với kết quả của tác giả Mustafa Caliskan và cộng sự (4,8 ± 0,9) nhưng thấp hơn so với kết quả của Hồ Anh Bình (5,4591,345) [35],[19] và thấp hơn các nghiên cứu nước ngoài như nghiên cứu PROCAM có nồng độ trung bình của CT là 6,511,22 [16]. Theo bảng 3.10: Tỷ lệ rối loạn lipid máu CT, TG, HDL-c, LDL-c ở nhóm bệnh chúng tôi nghiên cứu lần lượt là 18,57%, 32,86%, 64,29% và 44,29% và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm bệnh và chứng về chỉ số Triglycerid.

4.1.5.2. SGOT, SGPT, CRP, NT-proBNP

Nồng độ CRP biểu hiện tình trạng viêm tiềm ẩn của bệnh nhân, các nghiên nước ngoài đều cho rằng nồng độ CRP ở nhóm bệnh cao hơn so với nhóm chứng, đây là một dự báo về yếu tố nguy cơ tim mạch ở người khỏe mạnh nói chung cũng như là yếu tố tiên lượng trong tương lai của suy tim. Cùng một YTNC kinh điển và cùng một mức độ, thì các nguy cơ tim mạch tăng từ 1,5-2 lần ở nhóm bệnh nhân có CRP >3mg/L so với nhóm có CRP

thấp <1mg/L. Vì thế, những bệnh nhân nằm trong nhóm có mức CRP cao mà có các YTNC nằm trong giới hạn trên của bình thường thì cần đặt vấn đề điều trị sớm [19].

Theo bảng 3.11: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trên 70 bệnh nhân suy tim có nồng độ CRP có giá trị trung vị 18,03 mg/L. Kết quả này cao hơn nhiều so với nhóm chứng (2,05 mg/L), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với một số nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài như tác giả Gerhard Poelzl và cộng sự [67] cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm bệnh và chứng (p<0,001).

Theo bảng 3.11: Nồng độ SGPT, SGOT có giá trị trung vị ở nhóm bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi lần lượt là 23 U/l và 31,5 U/l. Kết quả này tăng hơn so với kết quả của nhóm chứng lần lượt là 20,5 U/l và 25 U/l. Trong đó sự gia tăng của men SGOT của nhóm bệnh có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p<0,05). Kết quả của chúng tôi khá tương đồng với tác giả Gerhard Poelzl và cs [67]. Sở dĩ các men SGOT, SGPT tăng trong nhóm bệnh nhân suy tim vì ở bệnh nhân suy tim có tình trạng ứ máu tại gan, gây ra tình trạng viêm gan, xơ gan do suy tim dẫn đến hai loại men gan này bị rò rỉ vào dòng máu làm cho chỉ số men gan tăng [67].

Theo bảng 3.11: Nồng độ NT-proBNP trung bình ở nhóm bệnh là 9965,38 pg/ml và giá trị trung vị là 2262 pg/ml có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nồng độ NT-proBNP trung bình của nhóm chứng là 149,31

pg/ml và giá trị trung vị 144,6 (p<0,05). Cơ chế tiết NT-ProBNP chủ yếu là từ sức căng của thành cơ tim, gia tăng áp lực đổ đầy thất và sự quá tải về thể tích, NT-ProBNP huyết tương tăng ở những bệnh nhân suy tim và tương quan thuận với áp lực đổ đầy thất trái. Do đó, đối với bệnh nhân suy tim càng nặng tương ứng với phân độ suy tim theo NYHA càng cao thì nồng độ tiết ra của NT-ProBNP càng nhiều. Như vậy, cùng với sự tăng dần của suy tim theo phân độ NYHA, NT- ProBNP cũng tăng theo một cách có ý nghĩa. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc đánh giá độ nặng của suy tim dựa vào NT- ProBNP, từ đó có thái độ và chỉ định điều trị cũng như tiên lượng phù hợp cho bệnh nhân suy tim [45], [80].

4.1.5.3. X-Quang tim phổi

X-Quang tim phổi là một phương tiện không thể thiếu khi nói đến chẩn đoán suy tim, đây là một trong những phương tiện đánh giá khách quan của suy tim, tuy nhiên nó cũng phụ thuộc một phần vào nguyên nhân gây suy tim. Ở đây chúng tôi chỉ đánh giá bóng tim lớn thông qua chỉ số Tim/Lồng ngực. Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo đối tượng nghiên cứu, mức độ suy tim cũng như loại hình suy tim. Tiêu chuẩn chẩn đoán tim lớn trên X-Quang là chỉ số Tim/Lồng ngực >50%. Theo bảng 3.14: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ số Tim/Lồng ngực trung bình trong nhóm nghiên cứu là: 62,87±9,24%, trong đó nhóm bệnh là: 63,60±9,36%, cao hơn nhóm chứng là: 61,81±9,1%, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Huỳnh Đình Lai là: 63±5% [21]. Có sự khác biệt này là do nghiên cứu của Huỳnh Đình Lai chỉ nghiên cứu ở suy tim NYHA III và IV nên chỉ số này lớn hơn nghiên cứu của chúng tôi. Nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Phạm Quang Tuấn là: 60,42±7,19% [21].

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 74,42% bệnh nhân có bóng tim lớn (chỉ số Tim/Lồng ngực >50%) nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Hồ Xuân Minh khi có 86,84% có bóng tim lớn, Phạm Quang Tuấn có 90,01% có bóng tim lớn. Có sự khác biệt như vậy có lẽ là do nguyên nhân gây suy tim có khi bệnh nhân có bóng tim lớn, chức năng tim giảm nhưng vẫn không có dấu hiệu suy tim (bệnh cơ tim dãn), nhưng có những bệnh nhân bóng tim không lớn nhưng dấu hiệu suy tim đã thể hiện (hẹp van hai lá) [17], [21].

4.1.5.4. Các chỉ số siêu âm tim và suy tim

Siêu âm tim đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân suy tim. Ngoài việc cho phép xác định nguyên nhân suy tim như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim... Siêu âm còn cho phép đánh giá hình thái và kích thước các buồng tim, đánh giá chức năng tâm thu thất trái, tâm trương thất trái và chỉ số co hồi thất trái. Trong nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu nghiên cứu đến chỉ số thông thường nhất của siêu âm tim đó là phân suất tống máu thất trái (EF).

Theo bảng 3.12: Trong nghiên cứu của chúng tôi kết quả EF trung bình là: 37,45 ± 8,76%, kết quả này thấp hơn với nghiên cứu của tác giả Hoàng Anh Tiến và cộng sự là: 57,59±13,34% [20]. Sở dĩ có sự khác biệt này là do một phần cỡ mẫu nghiên cứu khác nhau bên cạnh đó là nguyên nhân dẫn đến suy tim. Trong nghiên cứu của Phạm Quang Tuấn và Hồ Xuân Minh nguyên nhân gây suy tim chiếm tỷ lệ cao là bệnh cơ tim và tăng huyết áp, còn nghiên cứu của Huỳnh Đình Lai thì nguyên nhân gây suy tim chủ yếu là bệnh van tim mà trong bệnh van tim có thể EF trong giới hạn bình thường nhưng mức độ suy tim đã nặng [21].

Trong nghiên cứu của chúng tôi kết quả EF trung bình của nhóm bệnh là: 37,45 ± 8,76%, thấp hơn so với nhóm chứng là: 67,68 ± 5,72% và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,05). Có sự khác biệt như vậy có lẽ là do nguyên nhân gây suy tim có khi bệnh nhân có chức năng tim giảm nhưng vẫn không có dấu hiệu suy tim, nhưng có những bệnh nhân chức năng tim bình thường nhưng dấu hiệu suy tim đã thể hiện [17],[31],[36]. Theo bảng 3.13: tỷ lệ bệnh nhân có chức năng thất trái EF < 35% chiếm tỷ lệ 34,29% và bệnh nhân có EF ≥ 35% chiếm tỷ lệ 65,71%. Sự khác biệt giữa hai nhóm bệnh nhân này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Qua chỉ số siêu âm tim trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi và của các tác giả khác, đồng thời phối hợp với lý thuyết cho thấy các chỉ số này ít nhiều cũng bị biến đổi trong suy tim và phản ánh tình trạng nặng nề của suy tim [12].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nồng độ Gamma Glutamyl Transferase (GGT) huyết thanh ở bệnh nhân suy tim do bệnh tim thiếu máu cục bộ (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)