C. Các nguồn tài nguyên 1 Tài nguyên đất
2. Tài nguyên Nước a) Nước mặt
a) Nước mặt
Nguồn nước mặt chủ yếu gồm hệ thống sông ngòi và hồ đập.
Sông Lam chảy qua địa phận Nam Đàn với chiều dài 16km, diện tích lưu vực là 23.000km2, nguồn nước dồi dào và chất lượng tốt, được dùng làm nguồn nước cấp sinh hoạt. Lưu lượng dòng chảy bình quân trong năm là 21,9 l/s.km2, phân bố không đều. Tháng có lưu lượng dòng chảy lớn nhất là tháng 9, thường gấp 5-6 lần lưu lượng trung bình trong năm. Vào mùa kiệt, mực nước tại cống Ba ra Nam Đàn là + 1,05m. Ngoài ra trong huyện còn có 2 con kênh lớn là kênh thấp (sông Đào) và kênh Lam Trà và một số con suối nhỏ có nước quanh năm.
Trên địa bàn huyện Nam Đàn có trên 40 hồ đập lớn, nhỏ với trữ lượng hơn 19 triệu m3, trong đó có những hồ có trữ lượng khá lớn như: Tràng Đen, Thủng Pheo (Nam Hưng); Cửa Ông (Nam Nghĩa); Đá Hàn, Rào Băng, Hủng Cốc (Nam Thanh); Thanh Thủy (Vân Diên); Ba Khe (Nam Lộc); Hao Hao, Vực Mấu (Khánh Sơn); Hồ Thành (Nam Kim). Các hồ, đập này ngoài giá trị cao về mặt kinh tế (nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho sinh hoạt và tưới tiêu) còn có vai trò cực kì quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng các khu nghỉ mát và điều dưỡng (một hướng phát triển kinh tế trọng điểm của huyện cho đến năm 2020).
b) Nước ngầm:
Theo kết quả điều tra của liên đoàn địa chất 4 (năm 1995), Nam Đàn nằm trong phức hệ chứa nước vỉa, lổ hổng, vỉa khe núi các trầm tích lục nguyên xen phun trào Trias, trữ lượng nước ngầm ở vào mức trung bình. Độ sâu bình quân 8-12m, vùng đồi núi có nơi đến hơn 20m.
Theo “báo cáo tổng hợp hiện trạng môi trường tỉnh Nghệ An năm 2007”, Huyện Nam Đàn thuộc khu vực thuần nông, việc cấp nước sinh hoạt được lấy chủ yếu từ sông Lam và giếng đào nên trữ lượng nước ngầm còn rất dồi dào, hầu như chưa bị khai thác. Do hệ thống nước mặt cũng chưa bị ô nhiễm đáng kể nên chất lượng nước ngầm của Nam Đàn tốt.