B. NỘI DUNG
3.1.2. Điểm nhìn bên trong sự trải nghiệm về tâm lý nhân vật
Với người kể chuyện toàn năng, toàn tri biết tuốt, qua điểm nhìn bên ngoài có thể thấy được chân dung của các nhân vật, thì điểm nhìn bên trong cho phép trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, đã tái hiện đời sống nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Việc phối hợp và di chuyển điểm nhìn bên ngoài và bên trong sẽ giúp cho nhà văn có điều kiện vẽ nhiều ô cửa sổ để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, nhà văn có đủ điều kiện để đào sâu vào cả tầng vô thức cũng như miêu tả một cách sinh động những đường quanh tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật.
Sự luân phiên thay đổi điểm nhìn trần thuật cũng là một nét đặc sắc trong tác phẩm. Người trần thuật luôn có sự di chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong,
từ điểm nhìn của người trần thuật toàn tri đến điểm nhìn của nhân vật trong câu chuyện. Điều đó tạo nên ấn tượng khách quan, chân thực đồng thời tạo nên tính dân chủ và đối thoại. Người đọc được khuyến khích tham gia tranh luận về những tình huống trong tác phẩm dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Trong Một tỉ sáu, ta thấy sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật được thực hiện liên tục. Khi miêu tả về bối cảnh xung quanh của cuộc sống, điểm nhìn bên ngoài dựng nên không gian rộng lớn bao trùm toàn bức tranh xã hội. Trong không gian đó sẽ diễn ra các hoạt động của các nhân vật, những mối quan hệ trong công việc của từng nhân vật. Đi sâu vào khám phá các sự kiện, điểm nhìn bên trong lại thực hiện việc khám phá số phận của các cá nhân. Điểm nhìn bên trong còn cho thấy những băn khoăn, trăn trở, những hoài nghi vô vọng, những nỗi đau về tận sâu trong tâm hồn của mỗi con người trước những hoàn cảnh đầy biến động của chính mình trước cuộc đời. Sự di chuyển điểm nhìn đã giúp cho Trương Hiền Lượng có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống và con người trong xã hội Trung Quốc đương đại, đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẽ và sống động trong hành trình tìm kiếm con người hoàn hảo của nhân loại.
Một tỉ sáu đã có một hành trình khám phá chiều sâu tâm hồn nhân vật qua từng chi tiết. Nhân vật tự soi chiếu vào đời sống nội tâm của chính mình. Họ tâm sự với những người được xem là tri kỉ. Đừng nói Nhất Ức Lục thiểu năng mà không có nội tâm. Anh ta cũng có những suy nghĩ, những ưu tư trong cuộc sống. Là một thanh niên rất khoẻ mạnh và đã trưởng thành, nhưng anh ta với một đầu óc của đứa trẻ thơ, luôn được sự che chở của chị gái, lớn từng ấy rồi nhưng chị anh phải lo lắng cho anh bao nhiêu là chuyện trong cuộc sống, từ việc ăn uống cho tới học hành, anh chuyên gây rắc rối cho chị gái mình. Nhưng ai ngờ tận sâu trong tâm hồn anh là cả một suy nghĩ dài miên man: “Anh thường gây rắc rối ở bên ngoài. Lớn chừng này tuổi đầu mà nói theo cách của chị gái thì chị anh phải “chùi đít” cho anh. Nghĩ đến đây, anh cảm thấy rất xấu hổ…”[20,7]. Đừng nghĩ rằng bị thiểu năng mà Nhất Ức Lục không có những suy nghĩ của chính mình. Anh không muốn cuộc sống có sự sắp đặt sẵn của chị gái, anh không thích phải gồng mình trong các lớp học vô bổ. Anh không muốn hoà lẫn mình trong những thứ xa xỉ của thành phố
xô bồ nhố nhăng. Một tâm hồn rất ngây thơ nhưng cũng có những suy nghĩ của riêng mình, những suy nghĩ rất thật.
“Đại gia” Vương Thảo Căn, những “tiểu thư” luôn sống trong giàu sang, nhung lụa quanh mình, xe hơi đưa đón, nhưng tận sâu trong những con người ấy là những nỗi niềm ưu tư không ai hiểu họ hơn chính họ. Nỗi lo âu của vị “đại gia”
Vương Thảo Căn là một nỗi lo âu về việc hiếm muộn con trai nối dõi sự nghiệp của chính mình. Những suy nghĩ của những cô gái lầm lỡ bước chân vào cái nghiệp “tiểu thư”, là sự đau xót cho số phận của chính mình.
Ta thấy điểm nhìn bên trong thường là hình thức trần thuật theo ngôi kể thứ nhất. Tuy nhiên Một tỉ sáu của Trương Hiền Lượng thay vì trần thuật ở ngôi thứ nhất thì lại trần thuật ở ngôi thứ ba. Nhưng điểm nhìn đôi lúc vẫn trao cho từng nhân vật trong truyện và đôi lúc có sự đánh tráo ngôi kể. Toàn bộ tác phẩm đều không đặt điểm nhìn ở nhân vật xưng tôi. Người kể chuyện hiển diện hầu như toàn văn bản. Đó là cách đánh tráo ngôi kể của nhà văn, với cái tôi len lỏi vào tác phẩm. Có lẽ là do nhu cầu phản ánh hiện thực với tất cả sự phong phú và chiều sâu của con người, các nhà văn không duy trì một phương thức trần thuật từ đầu đến cuối tác phẩm. Tác giả đã mượn điểm nhìn của nhân vật, xâm nhập vào ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật, nhìn theo nhãn quan của nhân vật và trần thuật đúng giọng điệu của nó.
Chính nhờ sự chuyển dịch điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong làm cho những xúc cảm được khắc hoạ rõ nét cái bên trong sâu thẳm của tâm lí nhân vật. Cùng với sự đan xen chuyển dịch đó cộng với thực tại đầy bi kịch khiến cho đối tượng được miêu tả trở nên đa chiều hơn. Các nhân vật được khẳng định chính mình trong cái thế giới hỗn loạn, đau khổ và đầy bi kịch này.
Những dòng hồi ức về quá khứ của nhân vật như trôi chảy dọc theo miền tâm trạng chính họ. Những ngày mới chập chững bước chân lên thành phố, những cám dỗ và cạm bẫy đang rình rập một cô gái trẻ đẹp từ nông thôn, bằng trực giác của mình Lục Thư đã tránh xa bằng những nỗi sợ hãi. Mặc dù sống gần bùn nhưng cô vẫn giữ được nét tươi trong của mình. Lục Thư tự nghĩ không thể ở lại tiệm cắt tóc mãi. Cô xin nghĩ ở quán cắt tóc ít hôm để đi xin việc, nhưng công việc thư kí
mà cô được nhận khiến cô không thể làm, thư kí nhưng thực ra làm bồ nhí cho giám đốc mà thôi. Từ đây những biến cố trong cuộc đời cô cũng đã đến, vì gia đình có chuyện cần tiền gấp khiến Lục Thư phải “bán trinh”. Mọi chuyện trong xã hội này đều có thể xảy ra, và buộc cô phải chấp nhận. Cô suy nghĩ rất nhiều cho hành động sẽ cho ai phá trinh của mình, và cô đã thấy “cái tồn tại là cái hợp lý”. Sự trăn trở trước ngày đi “phá trinh” và cái nghiệp “tiểu thư” sắp tới cũng làm cho người đọc băn khoăn, trăn trở. Chỉ có bằng điểm nhìn của chính nhân vật mới có thể có được những dòng tâm sự sâu sắc với chính bản thân mình như vậy. Đó là tài nghệ của nhà văn khi quyết định trao điểm nhìn cho nhân vật. Không riêng nhân vật Lục Thư mới có những dòng tâm sự với chính mình như thế, mà còn có một San San xinh đẹp, kiêu sa luôn sống trong nhung lụa. Xuất thân từ thành phố, bao nhiêu biến cố của cuộc sống gia đình đã đưa cô vào cái nghề làm tiếp viên, cái nghề ấy cũng đưa cô đến với Vương Thảo Căn, được “đại gia” bao, cuộc sống của cô cũng được nhiều sung sướng. Những tâm sự cùng nhau với Lục Thư khiến người đọc cũng phần nào xót thương cho số phận của họ.
Khi trao quyền trần thuật và di chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật, nhà văn đã đồng thời trao quyền nhìn nhận đánh giá người khác theo chủ quan của mỗi nhân vật và đôi khi nhìn nhận lại cả bản thân mình. Tất cả đều được nhìn nhận một cách sâu sắc, với nhiều điểm nhìn khác nhau của nhiều nhân vật khác nhau. Nhất Ức Lục trong con mắt của người chị gái Lục Thư là một cậu bé chưa trưởng thành khiến cô phải lo toan, ân cần; trong mắt bác sĩ Lưu thì đây là nam thanh niên cường tráng vượt cả tiêu chuẩn mà ông đang tìm kiếm, trong con mắt của San San thì Nhất Ức Lục là một thanh niên mà cô mơ ước. Đồng thời ta cũng thấy nhà văn còn cho nhân vật của mình tự nhìn nhận về bản thân, về xã hội mà họ đang sống. Đó là sự đánh giá nhìn nhận vấn đề của cảnh sát Đào trong cuộc nói chuyện với Lục Thư: “Em chế giễu anh không phá nổi án. Nói thực những vụ án ngày nay, chẳng cần phải tra xét cũng rõ, bởi nó tầm thường hết chỗ nói. Quả thật anh không có đất dụng võ, anh muốn phá những vụ án cao cấp hơn…”[20,141], rằng đó chẳng phải là sự bại hoại của dòng giống thì còn là gì?. Cảnh sát Đào liên tục đưa
ra hàng loạt những suy nghĩ của mình về xã hội và con người trong xã hội Trung Quốc đương đại.
Như vậy, bên cạnh điểm nhìn của người kể chuyện là điểm nhìn của các nhân vật. Đó có thể là lúc các nhân vật tự soi chiếu vào chính bản thân mình. Điểm nhìn khách quan của các nhân vật tập trung vào một nhân vật là điểm độc đáo được các nhà văn thể hiện. Từ phương diện nào đó, có thể nói, sự đan xen và dịch chuyển liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức để tạo nên tính phức điệu của tiểu thuyết. Theo đó, văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng, có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau. Điểm nhìn bên trong được trao cho các nhân vật một mặt được tạo cơ hội để cho các nhân vật tự bộc lộ cảm xúc tâm trạng, mặt khác tạo nên được tiếng nói dân chủ, bình đẳng trong cách nhìn nhận vấn đề, đánh giá và nhận xét mọi tình huống trong tác phẩm.