Các kiểu con người trong Một tỉ sáu

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Vấn đề con người trong Một tỉ sáu của Trương Hiền Lượng (Trang 26)

B. NỘI DUNG

2.2. Các kiểu con người trong Một tỉ sáu

Trong dòng chảy của nền văn học nói chung, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết nói riêng, có rất nhiều kiểu con người đang tồn tại, đang sống và đang thể hiện mình. Mỗi kiểu con người như vậy trong tác phẩm sẽ hiện thân cho kiểu con người ngoài cuộc sống. Nó nói lên suy nghĩ của nhà văn về thế giới mà con người đang tồn tại. Tác phẩm văn học từ đó đã trở nên trọn vẹn và có hồn hơn khi có một thế giới con người như vậy.

Văn học Trung Quốc trong thời kì cải cách mở cửa có sự đổi mới đa dạng. Những kiểu con người mới trong xã hội đương đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện dần trên văn đàn đất nước này, một sự đổi mới toàn diện về nội dung lẫn phong cách nghệ thuật. “Bước sang thời kì cải cách mở cửa, tiểu thuyết đương đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện hình tượng nhân vật mới mang đặc trưng con người hiện đại. Đây là sản phẩm tất yếu của thời kì cải cách mở cửa. Sự đổi mới về thể chế chính trị, kinh tế, sự giao lưu văn hóa Đông - Tây, sự thay đổi quan niệm giá trị, kết cấu tâm lí dẫn đến sự ra đời con người hiện đại”[25,116].

Với một thế giới nhân vật rất sinh động và đa dạng, bằng nhiều mảnh ghép về cuộc đời của mỗi nhân vật, Trương Hiền Lượng đã tạo nên một hệ thống các kiểu con người. Mỗi kiểu con người là một mảnh đời, một số phận, đại diện cho một tầng lớp trong xã hội đương đại Trung Quốc.

2.2.1. Kiểu con người gặp thời

Để có thể phản ánh một cách chân thực sinh động về thế giới bên ngoài, nhà văn Trương Hiền Lượng đã xây dựng các kiểu con người khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng về xã hội đương đại Trung Quốc.

Kiểu con người gặp thời là một trong những kiểu con người nổi bật trong

Một tỉ sáu của Trương Hiền Lượng. Nhà văn đã rất khéo léo khi xây dựng kiểu con người rất phổ biến trong xã hội hiện đại này. Tiêu biểu cho kiểu con người gặp thời đó là Vương Thảo Căn - một nhân vật đặc biệt mang nhiều dấu ấn trong tác phẩm.

Vương Thảo Căn, nhân vật được mệnh danh là “vị doanh nhân hàng đầu”. Bên cạnh đó là những người phụ nữ như: Lục Thư và San San những người đàn bà quyền quý trong hàng “tiểu thư”….

Cuộc sống muôn hình vạn trạng với những màu sắc rực rỡ. Nào ai biết đâu chính giữa cái xã hội ấy có bao nhiêu con người đang cố gắng chạy đua cho kịp vòng quay của bánh xe trần gian. Kiểu con người gặp thời trong Một tỉ sáu, là những kiểu con người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, họ tình cờ gặp nhau giữa vòng tròn số phận. Tất cả họ đều là những con người gặp nhiều những cảnh éo le trong cuộc sống. Vương Thảo Căn và Lục Thư là những người xuất thân nơi thôn quê vất vả, thiếu thốn đủ bề. Họ từ giả quê hương để đến với chốn phồn hoa nhiều cám dỗ. Mỗi người chọn cho mình một con đường đi riêng, những con đường quyết định tương lai của chính bản thân họ.

San San - cô gái xuất thân từ thành thị. Cuộc sống gia đình đã đưa đẩy cô vào thế bế tắc, tất cả cũng bởi đồng tiền, bởi chính cái việc quen sống trong cảnh nhung lụa đã đưa cô đặt chân đến với thế giới chớp nhoáng xanh đỏ. Tuy nhiên ta cũng phải thấy một thực tế rằng, tuy gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời, không chịu lùi bước trước số phận nghiệt ngã của mình. Cuộc sống ở đô thị đã dạy cho họ một tinh thần luôn luôn sẵn sàng đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Từ một người xuất thân là nông thôn lạc hậu, không được học hành như bao người khác nhưng không ai có thể ngay lần gặp đầu tiên có thể nhận ra được điều đó. “Đừng tưởng Vương Thảo Căn mù chữ thì không có chút văn hóa nào. Hồi trẻ ở nông thôn, ông cũng hơi nổi tiếng đấy. Người làng đều khen thằng bé này có nhiều sáng kiến, hay bênh vực người yếu, hay giúp đỡ người khác. Nhà ai có việc bận như lợp nhà, cắt lúa, cần tìm người giúp, thì người đầu tiên họ nghĩ đến là Vương Thảo Căn. Vương Thảo Căn không những làm việc cẩn thận mà còn biết nghĩ ra nhiều cách, nên thường làm ít mà thành công nhiều”. [20,55]

Kiểu con người gặp thời này đã được tác giả miêu tả rất kĩ từ hoàn cảnh xuất thân cho đến tính cách, địa vị xã hội, tạo nên một sự thống nhất chặt chẽ về cách

xây dựng kiểu con người đặc trưng cho một xã hội thời @. Thời @ điều gì cũng có thể xảy ra, những “đại gia” ngày càng phất cao nhờ vào vận may của mình.

Cuộc sống với những bất ngờ không thể biết trước. Đôi khi những thứ tưởng chừng như rất khó khăn nhưng con người lại có được, nhờ gặp vận may không ngờ tới khi rời xa chốn quê mùa. Mỗi người có một vận may riêng từ đó trở thành những người nổi tiếng và có được địa vị xã hội. Vương Thảo Căn xuất thân từ bùn đất đã trở thành một “đại gia” thực sự, một kiểu đại gia ngoi lên từ ruộng đồng, một “vị doanh nhân hàng đầu”. Ông phất lên và có địa vị cao trong xã hội là nhờ gặp thời. Từ một nông dân quê mùa trở thành đại gia là nhờ vào vận may, vào những mánh khóe mà ông thu nhận được giữa cuộc sống bon chen nhiều toan tính của con người Trung Quốc hiện đại. Đi lên từ cái nghề nhặt rác, “nhờ chăm chỉ, nhanh nhẹn, ông nhặt được nhiều phế liệu hơn người khác. Người khác bới một đống thì ông bới ba đống” [20,11]. Ông cố gom góp tất cả những gì có thể mang lại lợi nhuận cho việc kinh doanh bằng nhiều thủ đoạn của bản thân, từ chỗ đi nhặt phế liệu ông leo lên thu mua phế liệu. Thường những thứ bẩn thỉu người ta không màng đến thì Vương Thảo Căn rất coi trọng và đó là điều giúp ông may mắn.

Từ những mánh khóe trong kinh doanh nhỏ, Vương Thảo Căn đã tiến dần lên những bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Hết thu mua phế liệu ông chuyển sang buôn bất động sản: “Như chó chạy đến đâu thì vãi đái đánh dấu đến đấy, ông coi đất là lãnh địa của mình và lãnh địa của ông lan ra khắp nơi”[20,15]. Lợi dụng sự xuống cấp về nhân cách của một số thành phần đứng đầu thành phố C. Vương Thảo Căn từ đó đã liên tục được nhận nhiều món lợi trong kinh doanh, trở thành chủ của nhiều xí nghiệp và nhà máy lớn chỉ bằng chút ma mảnh trong việc mua bán. Tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Những cái danh hiệu như “doanh nhân tiên tiến”, “doanh nhân tiên tiến xuất sắc” liên tục dành cho Vương Thảo Căn. Không phải là ông giỏi, thông minh hơn người khác mà chỉ vì ông biết cách để tận dụng những thứ người ta vứt đi trở thành cái lợi cho mình: “bất kể thủ tục phí trong quá trình thu mua là bao nhiêu, hễ chuyển sang tay ông là hiệu quả kinh doanh tăng gấp bội phần, lời lãi ổn định không bao giờ lỗ vốn. Thì ra, những giám đốc và bí thư Đảng ở nhà máy không phải do kiến thức

không bằng ông mà là vì không để tâm suy tính như ông” [20,16]. Mọi thứ đến với Vương Thảo Căn như một sự may mắn định trước. Xuất thân từ nông dân lại không được học hành vậy mà sau những ngày tháng rong ruổi ở thành phố với sự khởi đầu nhặt rác, Vương Thảo Căn đã trở thành một “đại gia”, được ngồi vào hàng cấp cao của xã hội Trung Quốc, bao nhiêu người phải kính nể. Ông trở thành một hiện tượng đặc biệt của xã hội Trung Quốc đương đại.

Lục Thư một cô gái quê, vì mong cho em trai được đi học mà cô đã rời bỏ ước mơ học thành tài để đi kiếm tiền. Giữa đô thị đầy những cạm bẫy cô gặp được Phượng Thư, người đã giúp đỡ cô rất nhiều trong cuộc sống. Từ chỗ là một cô gái quê mùa nhưng lại xinh đẹp hấp dẫn, Lục Thư rất dễ dàng đặt chân vào thế giới của giai cấp thượng lưu. Vận may trong cuộc đời liên tiếp đến với cô gái trẻ này và luôn được các loại “đại gia” yêu thương chiều chuộng, nâng đỡ. Lục Thư ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực kinh doanh, trong làng “tiểu thư”. Từ một cô gái nhà quê, lạc lõng chơ vơ giữa dòng đời đen bạc, Lục Thư đã thực sự đặt đôi chân nhỏ nhắn của mình vào giới thượng lưu, được đại gia bao, được một cảnh sát cấp cao làm vệ sĩ. Đời cô cứ lên như diều gặp gió.

Xây dựng kiểu con người gặp thời với nhiều tình tiết làm người đọc cũng phải bất ngờ. Đây là kiểu con người khá nổi bật trong thực tế đương đại không chỉ ở Trung Quốc mà dường như có trên khắp thế giới. Kiểu con người này của Một tỉ sáu đã đưa người đọc có sự hiểu biết thêm về cuộc sống về con người trong sự chuyển đổi của xã hội.

2.2.2. Kiểu “chân dài” rơi vào “bước đường cùng”

Một tỉ sáu là thế giới của những đại gia, những “chân dài”, cuộc sống với đầy rẫy những biến động lớn. Xã hội phát triển đi lên, các “đại gia”, “chân dài”

ngày càng chứng tỏ vị thế của mình. Trương Hiền Lượng đã xây dựng hình ảnh các cô gái “chân dài” bởi cuộc sống mưu sinh đã đưa đẩy họ vào những rối ren của cuộc đời, chân lún sâu vào bùn đen của xã hội. Các “tiểu thư” thời @ đầy rẫy trên phố. Họ là những cô gái tuổi thanh xuân đã bán đi cuộc đời mình cho các “đại gia”

để lo cho cuộc sống, “tiểu thư” trở thành nghề hái ra tiền trong thời hiện đại. Với các nhân vật như Lục Thư, San San, Nhị Bách Ngũ, những cô gái ở quán cắt tóc

Phượng Thư, những cô gái trong quán bar chỗ San San làm trước khi gặp Vương Thảo Căn, Hoàng Tiểu Mai,….Những cô gái đến từ những vùng miền khác nhau, mỗi cô một nét đẹp riêng, và cái đẹp chính là đặc điểm chung của họ.

Các chân dài có nhan sắc nhưng lại gặp hoàn cảnh không may mắn, kế sinh nhai, miếng cơm manh áo đã đẩy họ đến những “bước đường cùng” bán thân, cho những kẻ thừa tiền ăn chơi.

Bằng con mắt quan sát rất tinh tế về thực tại xã hội, Trương Hiền Lượng đã xây dựng khá thành công về con người và cuộc đời của những “chân dài” này. Phải chăng là “hồng nhan bạc phận” hay tự chính họ đã đưa họ đến gần với cuộc sống ấy, cuộc sống của những phấn son. “Đồng tiền” đã chi phối tất cả, từ tình cảm con người cho đến vật chất. Tất cả gói gọn trong một chữ “tiền”. Có tiền mới có địa vị, vậy thì thử hỏi làm thế nào ở giữa chốn thị thành nhiều cám dỗ này có chỗ dung thân cho những “chân dài” này?

Chính cái xã hội luôn tồn tại những vấn đề băng hoại về đạo đức, nên cuộc sống con người cũng bị kéo theo guồng quay đó. “Có ai muốn làm tiểu thư đâu hả ông? Nhưng lên thành phố mà không làm tiểu thư thì em biết làm gì? Em chả nói với ông đó rồi, trong thành phố rộng lớn này làm gì có chỗ dung thân cho em! Em không làm việc đó thì sao giúp đỡ cho bố em và em trai em được?”[20,89]

Những lời tâm sự ấy rất chân thật. Đâu phải ai cũng muốn mình rơi vào cảnh làm “tiểu thư” như thế, nhưng số phận trớ trêu giữa một xã hội hiện đại buộc cũng phải như vậy thôi. Suy cho cùng tất cả cũng chỉ vì “đồng tiền” mà gây nên mọi chuyện phức tạp, buộc con người ta phải sa vào “bước đường cùng”.

Không phải những “chân dài” đều có số phận giống nhau, hoàn cảnh như nhau, có những người vì nghèo nên phải lên thành phố để kiếm kế sinh nhai nhưng cũng có những cô có gia đình đàng hoàng, nhưng vì cái nghiệt ngã của cuộc đời đã đẩy họ vào thân “bướm đêm”. Hoàng Tiểu Mai một nhân vật tuy chỉ được nhắc đến rất ít nhưng cô là hiện thân cho một số phận nghiệt ngã. Một thời xinh đẹp, nhan sắc lẫy lừng, lập gia đình sinh con nhưng hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật, chị phải đi thắt ống dẫn trứng, rồi chồng đòi li dị để kiếm con riêng, chị phải lưu lạc lên thành phố, bị tên ma cô ép làm “bướm đêm”, bị bắt vì tội mại dâm.

Cuộc đời chị tưởng chừng sẽ hạnh phúc khi có anh quản giáo nơi trại giam đã cưới chị, nhưng chị lại rơi vào cảnh tù tội vì đã không cứu được đứa con chồng. Quá phũ phàng cho kiếp người phụ nữ này, dường như không có điều gì là công bằng trong xã hội hiện đại này cả.

Lục Thư xinh đẹp và có một cuộc sống bình yên ở miền quê cùng với gia đình. Mẹ cô mất sớm nên mọi việc trong gia đình Lục Thư đều một tay cô lo liệu. Vì cuộc sống nghèo khổ, vì thương em trai và muốn em được học hành đàng hoàng, cô đã từ bỏ ước mơ của mình, tạm biệt quê hương lên thành phố kiếm việc làm. Thành phố xa hoa lộng lẫy, nhưng đầy rẫy những cám dỗ, đã đưa Lục Thư đến với nghiệp “tiểu thư”- con đường cùng buộc cô phải lựa chọn. Vừa đặt chân đến mảnh đất kinh kì này cô đã gặp được Phượng Thư, tuy là người đàn bà được xem là Tú Bà nhưng là một con người rất tốt và yêu thương cô chân thành, xem cô như chị em vậy. Ở lại tiệm làm tóc của Phượng Thư, Lục Thư cũng kiếm được chút ít từ công việc dọn dẹp, giặt giũ, để gửi về quê cho người cha.

Những tháng ngày ở thành phố, chứng kiến cuộc sống của các cô gái ở tiệm làm tóc, Lục Thư quyết định sẽ đi tìm công việc khác. Cô không muốn sống mãi ở cái chốn phức tạp ấy. Trời chẳng chịu chiều lòng người. Những tưởng sẽ có công việc ổn định là làm thư kí tại một công ty, nhưng đó chỉ là cái mác giả danh, thư kí chẳng qua là bồ nhí cho giám đốc. Thất vọng, cô trở về quán Phượng Thư tiếp tục công việc lâu nay của mình. Nhưng cuộc sống này không chịu buông tha cho cô. Giữa lúc không tìm được một công việc gì để kiếm tiền thì gia đình cô lại gặp chuyện. Trận mưa lịch sử ở quê đã đẩy Lục Thư đến bờ vực thẳm. Nhà sập, bố bị thương phải nằm viện. Những sóng gió trong cuộc sống này đã đẩy Lục Thư vào bước đường cùng. Cô lấy đâu ra một lúc nhiều tiền như vậy để gửi về quê cho bố chứ? Không còn lựa chọn nào khác, cô buộc phải “bán trinh” cho “đại gia” để lấy tiền. Từ đây cô đã chính thức bước chân vào thế giới của các “tiểu thư”. Lần “bán trinh” mang lại cho cô rất nhiều tiền nhưng cũng đẩy cô vào cái nghề không thể bước ra được.

San San không giống với Lục Thư. Là một cô gái thành thị được ăn học tử tế, nhưng sự phản bội của người chồng khi cô có mang đã đẩy liên tục cô đến với

những trớ trêu trong cuộc sống . Cuối cùng cô vào làm tiếp viên tại quán bar. Chính cái xã hội băng hoại đã đẩy những cô gái này vào “bước đường cùng” của cuộc sống.

Bởi thế mà San San đã đúng khi nhìn nhận về thực tại xã hội mình đang sống: “xã hội hiện nay, cơm áo gạo tiền cũng không xuềnh xoàng được nữa, phải không nào? Nhìn thấy các cô gái mặt mũi, dáng dấp không bằng mình mà làm gái, tiền kiếm được một đêm nhiều hơn tiền lương mà mình vất vả làm cả tháng trời; rồi người ta mặc hàng hiệu, cho dù là hàng hiệu rởm thì cũng vẫn là hàng hiệu, lại được cùng khách ra vào nhũng khu vui chơi….”[20,77]

Một phần của tài liệu Khoá luận tốt nghiệp Văn học Vấn đề con người trong Một tỉ sáu của Trương Hiền Lượng (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w