Role và vai trò của role trong hệ thống thông tin

Một phần của tài liệu Mô hình tương tác dựa trên role trong hệ đa agent (Trang 37)

Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét những ý tưởng ban đầu về role qua một số nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau và vai trò của role trong các hệ thống thông tin [30].

Trong các ngành xã hội học, role có thể là chuỗi mẫu các hành động hoặc việc làm có ý thức mà một người có thể thực hiện trong một môi trường tương tác

(Sarbin) [55]. Chung quan điểm về chuẩn mực, năm 1975, Bates và Harvey đưa ra một định nghĩa role là tập các tiêu chuẩn cụ thể được tổ chức thành một chức năng [55]. Với định nghĩa này, chúng ta thấy rằng role chính là các chuẩn mực một người phải đảm bảo khi họ đảm nhận một chức năng của xã hội. Allen và Van De Vliert [55] cụ thể hóa các chuẩn mực trong định nghĩa trên bằng các hành vi chuẩn mực được mong đợi gắn liền với một vị trí nào đó trong một hệ thống xã hội. Ví dụ, với role người bán, hành vi chuẩn mực của người đó có thể là nhập hàng, bán hàng, thanh toán…Nói chung, những định nghĩa trên đây đều gắn kết role với các chuẩn mực như mẫu hành động, tiêu chuẩn…Tuy nhiên, với một hệ thống có quá nhiều định nghĩa về role, người đọc sẽ bối rối khi gặp những trường hợp không đáp ứng đủ tất cả các điều kiện. Trong trường hợp đó, liệu cái mà chúng ta đang xem xét có phải là role hay không? Nhằm kết hợp những thành phần của nhiều định nghĩa rời rạc để tạo thành một khái niệm tổng quát nhất, Bruce Biddle [55] đã đề xuất định nghĩa role:

Role là tập hợp các chuẩn mực, mô tả, quy tắc và khái niệm cho hành vi của một con người hoặc một vị trí xã hội.

Do đó, có thể nói khái niệm role đã cung cấp cho chúng ta một cầu nối thuận tiện giữa hành vi cá nhân với cấu trúc xã hội. Role tỏ ra hữu ích trong việc mô hình hóa quyền hành, trách nhiệm, chức năng và tương tác liên quan đến vị trí quản lý trong các tổ chức xã hội.

Đầu năm 1982, Turoff và Hiltz [46] lần đầu tiên áp dụng khái niệm role vào thiết kế hệ thống báo điện tử. Trong tòa báo điện tử, họ thiết kế các role khác nhau như: tác giả, biên tập, độc giả…Mỗi role trong hệ thống trao đổi thông tin điện tử (EIES) được gắn với một tập con các quyền cơ bản bao gồm các thao tác loại bỏ, liên kết, gán và sử dụng…Role đã được coi là một cơ chế quan trọng của hệ thống. Trong hệ thống của họ, người dùng làm việc với các role mà họ đảm nhận chứ không phải đặc quyền của từng cá nhân. Việc thiết kế những role này đã giúp điều khiển luồng thông tin và xử lý thông tin giữa các người dùng khác nhau của hệ

thống, tạo cho hệ thống hoạt động hiệu quả. Nhiều bài báo khác cũng đã được đăng tải về việc áp dụng role trong các lĩnh vực khác nhau như: điều khiển truy cập [55], quản trị hệ thống và kỹ nghệ phần mềm[12][13]… Role đã tỏ rõ ưu điểm trong việc giúp các thành viên trong một nhóm tránh được tình trạng quá sức bởi sự quá tải thông tin, tình trạng đan xen, chồng chéo giữa nhiệm vụ của nhiều người trong một nhóm…Như vậy, có thể thấy role đã thực sự trở thành một công cụ đắc lực trong việc quản lý và điều hành hoạt động của các hệ thống.

Phát triển phần mềm là một công việc khó khăn và phức tạp. Nó là một dạng hành động cộng tác điển hình liên quan đến tổ chức nhóm, phân chia công việc và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm. Phải làm cách nào đó để các thành viên trong nhóm hoàn thành bổn phận của họ đồng thời vẫn tôn trọng các quyền lợi của các thành viên khác. Vì vậy, role cũng thực sự hữu ích trong việc quản lý các dự án phần mềm. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã bắt đầu tập trung vào việc sử dụng role như các công cụ kỹ nghệ phần mềm chứ không chỉ đơn thuần là công cụ quản lý. Các phương pháp sử dụng role trong phát triển phần mềm được gọi chung là phương pháp phát triển phần mềm dựa trên role (Role-Based Software Development - RBSD) và sẽ được khảo sát chi tiết trong phần 2.2 tiếp theo.

Một phần của tài liệu Mô hình tương tác dựa trên role trong hệ đa agent (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)