Nền kinh tế của tỉnh Hà Giang đoạn 2001 - 2010 tăng trưởng khá nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2001 - 2005 bình quân tăng 10,55%/ năm, trong đó ngành nông lâm thuỷ sản tăng 5,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,7%, dịch vụ - thương mại tăng 16,9%; giai đoạn 2006 - 2010 bình quân tăng 12,45%/năm, trong đó ngành nông lâm thuỷ sản tăng 5,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%, dịch vụ tăng 16,6%.
Đơn vị tính: %/năm
Ngành KTQD 2001 - 2005 2006 - 2010
Tăng trưởng toàn nền kinh tế 10,55 12,45
I. Nông- lâm - thuỷ sản 5,90 5,80
II. Công nghiệp - xây dựng 12,70 17,70
III. Dịch vụ 16,90 16,60
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Hà Giang năm 2000; năm 2001-2005 và năm 2010
Một số lĩnh vực trong giai đoạn 2006 - 2010 có mức tăng trưởng nhanh như: công nghiệp khai thác mỏ tăng 13,05%; xử lý nước thải tăng 28,95%; xây dựng tăng 19,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 43,2%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 28,1%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 23,75%; hoạt động vui chơi giải trí tăng 20,75%.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2010, ngành dịch vụ chiếm 39,64%, tăng 4,76%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,23%; nông - lâm nghiệp chiếm 33,13%, giảm 8,9% so với năm 2005. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân năm 2010 đạt 7,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4,3 triệu đồng so với năm 2005.
- Về nông - lâm nghiệp - thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng tăng do đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện mạo khu vực nông thôn thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, an ninh lương thực từng bước được đảm bảo, bình quân lương thực đạt 460 kg/ người/ năm.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch phù hợp theo từng vùng, gắn phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung với chế biến, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Chủ trương đưa chăn nuôi lên ngành sản xuất chính từng bước thực hiện có hiệu quả, trên cơ sở đẩy mạnh trồng cỏ làm thức ăn gia súc, cải tạo giống và cơ cấu đàn, làm cho tổng đàn phát triển nhanh. Tốc độ tăng đàn bình quân hàng năm đạt trên 6%, giá trị của ngành chăn nuôi chiếm trên 26% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tập trung phát huy thế mạnh về rừng, tăng thu nhập từ rừng và tạo bước đột phá trong phong trào trồng rừng kinh tế. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả
dự án bảo vệ và phát triển rừng ở 04 huyện phía Bắc (trồng rừng mới 8.585 ha, bảo vệ 155.708 ha, khoanh nuôi phục hồi 71.429 ha). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%, tăng 5% so với năm 2005.
Nuôi trồng thuỷ sản được đầu tư và phát triển mạnh ở những nơi có điều kiện theo hướng sản xuất hàng hoá.
- Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong những năm qua đã có những bước phát triển nhất định, bước đầu đã khai thác được thế mạnh của tỉnh như thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, nông lâm sản, có sự đột phá về tăng trưởng giá trị kinh tế.
Triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển về thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản; nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và đang được triển khai thực hiện; đã có 07 nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động với tổng công suất 130MW.
Đã hoàn thành quy hoạch và tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bình Vàng; cụm công nghiệp Nam Quang để thu hút đầu tư, hiện đã có một số nhà máy, cơ sở đang được xây dựng. Thành lập và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp: Thuận Hoà, Tùng Bá, Minh Sơn 1, Minh Sơn 2 và đang hoàn chỉnh các cụm công nghiệp khác như: Ngô Khê, Ngọc Đường, Vị Xuyên, Yên Định, Mậu Duệ, Yên Thành, Sơn Vĩ và Thuận Hoà 1.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp tăng cả về số lượng, quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh, toàn tỉnh có 3.916 cơ sở công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 (theo giá thực tế) đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư lớn, nhất là hạ tầng thiết yếu, trên cơ sở năng động, sáng tạo trong huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị đem lại hiệu quả thiết thực.
Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn (2005 - 2010) tăng đáng kể, đạt trên 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm trên 65%, còn lại do nhân dân, doanh nghiệp tự đầu tư và vốn khác.
- Về thương mại dịch vụ đã có sự phát triển mạnh cả ở nông thôn và thành thị, trên cơ sở hình thành nhiều loại hình dịch vụ, nhiều sản phẩm hàng hoá, tạo lập được sức mua và trao đổi hàng hoá ở nông thôn. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 đạt 2.428,6 tỷ đồng, tăng trên 2,5 lần so với năm 2005; xuất khẩu của các doanh nghiệp địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét, mặc dù giá trị xuất khẩu không cao song đã có mức tăng trưởng khá, năm 2010 đạt 9,526 triệu USD tăng 2,8 lần so với năm 2005.
- Về tài chính - tín dụng tăng trưởng khá, thu ngân sách trên địa bàn tăng mạnh, đạt trên 700 tỷ đồng. Mạng lưới các tổ chức tín dụng được mở rộng, hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại phát triển đa dạng và ổn định, tăng trưởng tín dụng bình quân 30%/năm; nợ xấu giảm từ 41% xuống còn dưới 1,5%.