- Khảo sát đặc điểm các allele thuộc locus HLADRB1 của nhóm bệnh nhân viêm
4.2.6. Đặc điểm tổn thương tim mạch của nhóm bệnh nhân nghiên cứu
Trong viêm đa cơ và viêm da cơ, các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong của bệnh nhân và có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn của bệnh, ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm [113], [114]. Tỷ lệ bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ có tổn thương tim mạch giao động trong khoảng từ 9- 72% tùy theo kết quả của từng nghiên cứu. Theo nghiên cứu của Bohan, tổn thương tim mạch gặp nhiều hơn trong viêm đa cơ và kháng thể kháng Ro là một yếu tố nguy cơ của tổn thương tim mạch ở bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ. Bệnh lý tim mạch trong viêm đa cơ và viêm da cơ gồm: suy tim ứ huyết, rối loạn nhịp tim, xơ hóa cơ tim, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng tim và tăng áp động mạch phổi. Theo kết quả của một số nghiên cứu, ít gặp nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não và huyết khối gây tắc mạch trong viêm đa cơ và viêm da cơ, trích dẫn từ nguồn [115].
Trong 151 bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi thấy nhóm bệnh nhân viêm da cơ có tỷ lệ hội chứng Raynaud, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim và tăng áp động mạch phổi cao hơn so với nhóm bệnh nhân viêm đa cơ. Tuy nhiên, mức độ tiến triển của tổn thương tim mạch giữa 2 nhóm bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ không có sự khác biệt khi đánh giá bằng MDAAT. Trong một nghiên cứu của Limaye VS ở Australia, gồm 344 bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ, tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim cấp và tai biến mạch máu não cao hơn so với người bình thường [116].
Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 13- 72% bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nhưng không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng và chỉ được phát hiện nhờ các phương pháp thăm dò như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ tim. Trên điện tâm đồ, những rối loạn nhịp tim hay gặp nhất gồm: bloc nhĩ thất hoàn toàn và bloc nhánh do rối loạn dẫn truyền. Trong 151 bệnh nhân nghiên cứu, 4 bệnh nhân có rối loạn nhịp tim (chiếm tỷ lệ 2,6%) và 14 bệnh nhân có nhịp nhanh xoang (chiếm tỷ lệ 9,3%). Những bệnh lý tim mạch có thể gây tử vong ở bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ gồm: suy tim, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Theo nghiên cứu của Danko, các biến chứng tim mạch chủ yếu dẫn đến tử vong sau khi bệnh nhân mắc bệnh khoảng 5 năm.
Tăng áp động mạch phổi ít gặp nhưng là một yếu tố tiên lượng xấu của bệnh, có thể xảy ra thứ phát do xơ phổi tiến triển hoặc nguyên phát do bệnh lý về mạch gây tổn thương lớp nội mạc của thành mạch. Trong viêm đa cơ và viêm da cơ, nhiều tổn thương của viêm phổi kẽ có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi, gồm: tình trạng viêm mạch, xơ hóa tổ chức liên kết ở xung quanh các mạch máu của phổi, quá trình phá hủy các mạch máu do xơ cùng với sự phì đại do cơ chế bù trừ của các tiểu động mạch ở xung quanh.
Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi thấy tăng áp động mạch phổi chiếm một tỷ lệ cao (43,7%) và gặp nhiều hơn ở các bệnh nhân viêm da cơ so với viêm đa
cơ. Theo kết quả của một số nghiên cứu, khoảng 1/3 các bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi xảy ra trước khi được chẩn đoán bệnh và khoảng 50% tăng áp động mạch phổi xảy ra sớm trong vòng một năm tính từ thời điểm chẩn đoán bệnh [117]. Do đó, siêu âm tim để phát hiện sớm tăng áp động mạch phổi ở những bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ rất quan trọng, sẽ làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân.