Hoàn thiện hệ thống XHTD doanh nghiệp của NHTM

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng đối với các doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Trang 34)

1.2.6.1. Khái niệm hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của NHTM

Hoàn thiện hệ thống XHTD doanh nghiệp của NHTM là quá trình điều chỉnh hệ thống XHTD doanh nghiệp nhằm phát huy cao nhất có thể kết quả XHTD doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đưa ra quyết định cho vay và hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Có thể nói Moody’s, S&P và Fitch là các tổ chức xếp hạng tín dụng chuyển nghiệp và có uy tín lớn nhất thế giới hiện nay. Các tổ chức này thực hiện được hệ thống XHTD doanh nghiệp của họ nhờ có khả năng khai thác thông tin đầy đủ từ các nguồn hỗ trợ và đội ngũ cán bộ có chất lượng cao. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hệ thống XHTD doanh nghiệp của các tổ chức này chưa phải là một hệ thống XHTD doanh nghiệp hoàn thiện vì khả năng đáp ứng đầy đủ thông tin cần thiết để XHTD doanh nghiệp là rất khó, mô hình XHTD phức tạp, chi phí thực hiện XHTD cao,…

Một hệ thống XHTD doanh nghiệp của NHTM được gọi là hoàn thiện nếu nó phù hợp với điều kiện, môi trường tại nơi áp dụng, đáp ứng được các tiêu chí sau:

- Hỗ trợ hiệu quả quyết định cho vay đối với doanh nghiệp, cải thiện chất lượng tín dụng của Ngân hàng.

- Mô hình XHTD đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ cán bộ Ngân hàng. - Chi phí thực hiện XHTD nhỏ, không gây phiền toái cho khách hàng

1.2.6.2. Nội dung của hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng doanh nghiệp

Xây dựng hệ thống thông tin làm cơ sở để phân tích và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp

Kết quả xếp hạng tín dụng phụ thuộc phần lớn vào mức độ chính xác của các nguồn thông tin. Vì vậy, cần phải thiết lập hệ thống thông tin, làm tiền đề cho việc phân tích và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, gồm: nguồn thông tin từ phía doanh nghiệp cung cấp, nguồn thông tin từ nội bộ ngân hàng, và nguồn thông tin từ bên ngoài ngân hàng và doanh nghiệp, cụ thể:

- Nguồn thông tin do doanh nghiệp cung cấp có đặc điểm là thiếu tính khách quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp vay vốn thường cung cấp những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích và xếp hạng tín dụng: tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường cho các sản phẩm đầu ra và đầu vào của doanh nghiệp... Những thông tin này giúp ngân hàng có được tổng quan về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

tìm hiểu năng lực và sự sẵn sàng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu liên quan hoặc phỏng vấn, quan sát cơ sở người vay.

- Xây dựng hệ thống thông tin từ nội bộ ngân hàng: Nguồn thông tin nội bộ ngân hàng giúp ngân hàng biết được trong quá khứ và hiện tại người vay đang có quan hệ tốt hay không tốt, hoạt động kinh doanh của họ có phát triển hay không...

- Hệ thống thông tin từ bên ngoài doanh nghiệp và ngân hàng:

Hệ thống thông tin từ ngân hàng nhà nước rất quan trọng. Việc xây dựng hệ thống thông tin 2 chiều giữa Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc cung cấp thông tin chồng chéo, giúp ngân hàng thương mại hiểu rõ hơn về tình trạng các nghĩa vụ tài chính của khách hàng, giúp ngân hàng Nhà nước có thể quản lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống tốt hơn.

Ngoài ra, thông tin từ các cơ quan thống kê cũng rất quan trọng, nó giúp ngân hàng thương mại có được các hệ số trung bình ngành, nhóm ngành làm cơ sở cho việc phân tích và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp được thuận lợi, chính xác.

Phân loại chi tiết ngành nghề kinh doanh của khách hàng và các đối tượng xếp hạng tín dụng

Mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có những đặc thù khác nhau do vậy các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế khác nhau cũng có những đặc điểm kinh doanh khác nhau. Nếu phân tích, đánh giá hoạt động của một doanh nghiệp mà không dựa trên những đặc điểm chung nhất của ngành hay lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động thì thường cho kết quả sai lệch, không chính xác. Vì vậy, việc phân chia các ngành kinh tế trong chấm điểm và xếp hạng doanh nghiệp là việc có ý nghĩa rất quan trọng để từ đó làm cơ sở xây dựng các giá trị chuẩn của từng bộ chỉ tiêu nhằm phản ánh tốt nhất đặc thù kinh doanh của từng ngành, từng lĩnh vực. Việc phân loai ngành nghề càng chi tiết thì việc đánh giá lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp càng được sát thực hơn.

Mặt khác, đối tượng doanh nghiệp rất đa dạng bao gồm doanh nghiệp là hàng truyền thống, doanh nghiệp là khách hàng đã có quan hê tín dugj lần đầu hoặc doanh nghiệp là đối tương ngân hàng sẽ hướng tới, …Với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau

như trên mức độ đầy đủ của thông tin liên quan đến khách hàng khác nhau. Do đó cần có sự phân loại đối tượng khách hàng hợp lý để làm cơ sở xây dựng các bộ chỉ tiêu tương ứng phù hợp.

Hoàn thiện bộ chỉ tiêu chấm điểm tài chính và phi tài chính tại NHTM

Hiện nay hầu hết các ngân hàng đang áp dụng XHTD doanh nghiệp trên cơ sở điểm tổng hợp từ điểm tài chính và phi tài chính của khách hàng. Do đó hạng của khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào bộ chỉ tiêu chấm điểm tương ứng.

Trên cơ sở dữ liệu tập trung, các ngân hàng có thể xây dựng bảng thống kê các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành của các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng. Từ đó mỗi ngân hàng có thể xây dựng bộ chỉ tiêu tài chính, phi tài chính phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp tại ngân hàng.

Tăng cường ứng dụng kết quả XHTD doanh nghiệp

XHTD doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý rủi ro tín dụng. Ngoài mục tiêu tạo căn cứ xây dựng chính sách phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo điều 7 QĐ 493, NHTM nên xây dựng chính sách khách hàng, chính sách tài sản đảm bảo và thực hiện chiết xuất các báo cáo chi tiết về danh mục đầu tư, phân loại khách hàng, thống kê các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành,… trên cơ sở dữ liệu liên quan đến XHTD doanh nghiệp được tập trung toàn hệ thống. Ngược lại, qua thời gian, việc đánh giá các kết quả báo cáo này sẽ là cơ sở để điều chỉnh bộ chỉ tiêu của XHTD cho phù hợp hơn với các ngành nghề kinh doanh, các đối tượng doanh nghiệp, đồng thời đây là cơ sở để có thể điều chỉnh chính sách khách hàng một cách phù hợp hơn với thực tiễn khách hàng tại ngân hàng

Xây dựng và duy trì hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống XHTD

Để đảm bảo kết quả xếp hạng chính xác và kiểm soát được các xung đột có thể phát sinh cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, rà soát đối với hệ thống xếp hạng nhằm xác định được các nhược điểm hiện tại, tiềm tàng và khuyến nghị các hành động chỉnh sửa cần thực hiện.

Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ thực hiện XHTD doanh nghiệp

Các nội dung trong phân tích, xếp hạng doanh nghiệp đòi hỏi phải tiến hành phân tích và tổng hợp trên nhiều mặt do đó yêu cầu cán bộ không những hiểu biết sâu về nghiệp vụ mà còn phải là người giàu kinh nghiệm, hiểu biết đa lĩnh vực. Vì vậy, cần thường xuyên đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này để đáp ứng được các yêu cầu cao về nền tảng kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng đối với các doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Trang 34)