Tiến trình lên lớp của giáo viên

Một phần của tài liệu Lập luận so sánh với việc làm văn nghị luận ở trung học phổ thông (Trang 41)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Tiến trình lên lớp của giáo viên

Tiến trình lên lớp của giáo viên chính là sự thể hiện quá trình hoạt động dạy và học của thày và trò vì thế để rèn luyện kỹ năng lập luận so sánh cho học sinh ngay trong giờ dạy lý thuyết cần được tiến hành khoa học, hợp lý và phù hợp với đối tượng học sinh nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Theo chúng tôi nên tổ chức theo bốn hoạt động cụ thể sau:

Hoạt động 1: Giáo viên cung cấp ngữ liệu và yêu cầu học sinh đọc kỹ ngữ liệu đã cho. Ngữ liệu phải là một văn bản đạt tính chuẩn mực mà qua đó giúp học sinh khái quát được hệ thống khái niệm, lý thuyết chuẩn mực nhất. Ngữ liệu có thể lấy từ sánh giáo khoa hoặc lấy từ những tài liệu tham khảo song tất cả đều phải mang tính phổ cập chung cho tất cả học sinh.

Ví dụ: “Yêu người, đó là một truyền thống cũ. “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm” đã nói đến con người. Nhưng dù sao cũng mới bàn đến một hạng người. Với “Kiều”, Nguyễn Du đã nói đến cả xã hội loài người. Với “Chiêu hồn” thì cả loài người được bàn đến(…). “Chiêu hồn” con người trong cái chết. “Chiêu hồn” con người trong từng giới, từng loài, “mười loài là những loài nào” với những nét cộng đồng phổ biến, điển hình cho từng loài một.

Tôi muốn nói đến bài văn “Chiêu hồn”, một tác phẩm có một không hai trong nền văn học của chúng ta. (Nghĩ mà xem, trước “Chiêu hồn” chưa hề có bài văn nào đem cái “run rẩy mới” ấy vào văn học. Sau “Chiêu hồn” lại càng không). Nếu “Truyện Kiều” nâng cao lịch sử thi ca thì “Chiêu hồn” đã mở rộng địa dư của nó qua một vùng xưa nay ít ai động tới: cõi chết” [Theo

Tuyển tập Chế Lan Viên].

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau: Em hãy xác định đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh, phân tích những điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng và phân tích mục đích so sánh trong đoạn trích rối từ đó nêu nhận xét?

Hoạt động 2: Giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu, phân tích ngữ liệu qua hệ thống câu hỏi. Quá trình tìm hiểu, phân tích ngữ liệu của học sinh cần được diễn ra một cách cởi mở, tự nhiên để đảm bảo các em nói ra được hết những cách hiểu và những quan điểm của mình. Ở bước này giáo viên có thể sử dụng phương pháp gợi mở nêu vấn đề để học sinh cùng tham gia vào bài học một cách tích cực nhất.

Ví dụ: Từ đoạn văn trên, em hãy xác định đối tượng được so sánh và đối tượng so sánh, phân tích những điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng và phân tích mục đích so sánh trong đoạn trích rồi từ đó nêu nhận xét?

Từ các câu trả lời của học sinh, giáo viên nêu nhận xét, đánh giá những cách hiểu đúng và điều chỉnh những cách hiểu chưa đúng về luận cứ, về việc tổ chức sắp xếp các lí lẽ so sánh và tính thuyết phục đã được đưa ra trong đoạn trích của học sinh. Thông qua hoạt động tìm hiểu này học sinh đã dần hình thành được những đặc điểm mang tính bản chất của lập luận so sánh. Tuy nhiên để học sinh nắm rõ bản chất của thao tác lập luận so sánh thì giáo viên cũng nên tích hợp với văn học hoặc với ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống để phân biệt được so sánh lôgíc (so sánh hơn kém) và so sánh tu từ với lập luận so sánh.

Hoạt động 3: Giáo viên định hướng để học sinh rút ra những đơn vị kiến thức lý thuyết cần phải nắm vững của bài học đó là: Thao tác lập luận so sánh là thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật hoặc là các mặt trong cùng một sự vật qua đó những đặc điểm tương đồng hoặc khác biệt của đối tượng nghị luận với đối tượng so sánh được thể hiện bằng sự phân tích, lý giải; mục đích của so sánh là làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục; yêu cầu khi so sánh, phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cũng một tiếu chí mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người nói (người viết); cách thức thực hiện thao tác lập luận so sánh (xác định mục đích so sánh, đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá các đối tượng trên cùng một tiêu chí, phân tích chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng và nêu rõ ý kiến quan điểm của mình) và tác dụng của việc sử dụng thao tác lập luận so sánh trong làm văn nghị luận.

Tuy nhiên trong làm văn nghị luận, một bài văn hay không chỉ sử dụng một phương pháp lập luận duy nhất mà rất cần có sự phối hợp với các thao tác lập luận khác. Với thao tác lập luận so sánh cũng vậy, nếu biết vận dụng, kết hợp một cách khéo léo với các thao tác lập luận khác sẽ đem lại cho bài văn sức hấp dẫn và tính thuyết phục cao hơn. Trong trường hợp này, giáo viên có thể đưa ra một đoạn văn mẫu và định hướng cho học sinh nắm được điều đó. Ví dụ: “Chớ tự kiêu tự đại. Tự kiêu tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người khác hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu tự đại tức là thoái bộ. Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Các chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu tự mãn thì cũng như cái chén, cái đĩa cạn”. [Hồ Chí Minh, Cần kiệm liêm chính].

Việc học sinh chỉ ra đoạn trích trên sử dụng phối hợp thao tác lập luận so sánh với thao tác lập luận phân tích trong đó thao tác lập luận so sánh đóng vai trò chủ đạo còn thao tác lập luận phân tích đóng vai trò bổ trợ trên cơ sở định hướng của giáo viên cũng chính là lúc các em đã nắm được kiến thức lý thuyết một cách cơ bản nhất.

Hoạt động 4: Giáo viên tổ chức thực hành làm bài tập trong sách giáo khoa để kiểm tra ngay được mức độ hiểu lý thuyết của học sinh đến đâu nhằm củng cố thêm một lần nữa những đơn vị tri thức mà học sinh phải nắm vững. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh tạo lập một đoạn văn bản nghị luận có sử dụng thao tác lập luận so sánh theo chủ đề tự chọn. Ví dụ: Tự chọn đề tài (một câu danh ngôn hoặc một thành ngữ, tục ngữ có nội dung so sánh, chẳng hạn: Một kho vàng không bằng một nang chữ) để viết đoạn văn so sánh.

Bước này giáo viên nên sử dụng phương pháp hợp tác nhóm nhỏ nhằm mục đích vừa đảm bảo thời gian giờ học vừa phát huy được tính tích cực vừa phát hiện được khả năng sáng tạo trong việc sử dụng thao tác lập luận so sánh vào làm văn nghị luận của học sinh

Tuy nhiên, trình tự các bước dạy học như trên là một phương án thực hiện một giờ lên lớp nhằm rèn luyện kỹ năng lập luận so sánh ngay trong giờ dạy lý thuyết cho học sinh. Còn đối với mỗi giáo viên, mỗi đối tượng học sinh thì việc vận dụng các bước và phương pháp dạy học có thể có sự linh hoạt hơn để vừa tạo hứng thú học tập cho học sinh vừa đạt được mục tiêu đề ra của giờ dạy học.

Một phần của tài liệu Lập luận so sánh với việc làm văn nghị luận ở trung học phổ thông (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)