1.3.3- Thờ cúng tổ tiên của người Việt- điều kiện để duy trì những môi trường văn hoá cộng đồng trường văn hoá cộng đồng
Xét trên lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất, nếu gia đình là một đơn vị kinh tế- tổ chức sản xuất hoàn chỉnh, họ là tập hợp của những gia đình cùng huyết thống, thì làng là một đơn vị kinh tế- xã hội- văn hoá thống nhất,
chặt chặt chẽ giữa các gia đình, dòng họ lại với nhau trong một cộng đồng lãnh thổ chung. Như vậy, khái niệm làng bao gồm hai nội dung cơ bản, vừa là nơi cư trú vừa là một đơn vị sản xuất. Hai nội dung này hoà quện với nhau vào một mục đích là ổn định và phát triển cuộc sống của cá nhân, cộng đồng. Làm nông nghiệp thì phải ổn định cư trú lâu dài bình yên (an cư) và trong nông nghiệp thì cái mong lớn nhất là được mùa . Cuộc sống trong trình độ văn hoá, khoa học còn thấp của người Việt cổ, thì không phải chỉ có con người quyết định, mà còn phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên bao quanh. Có nghĩa là cuộc sống ấy còn có một lực lượng vô hình nào đó quyết định. Cái lực lượng vô hình ấy lại chính là do con người tưởng tượng ra, là các lực lượng siêu nhiên như: thổ công, hà bá. Người Việt quan niệm rằng, nhà có thần nhà, làng có thần của làng. Như vậy, mỗi cộng đồng làng xã của người Việt từ mục đích là cầu mong cuộc sống bình yên đã hình thành nên thần linh của mình. Thần của làng mang tính chất là thần hộ mệnh, thần phù hộ sinh mệnh và ban phúc cho tất cả cộng đồng. Đó chính là Thành Hoàng Làng- ông Tổ của cả làng.
Xuất phát từ đặc điểm kinh tế- xã hội, văn hoá riêng có của làng, xã người Việt, nên với mỗi người dân, Thành hoàng vừa là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, là hy vọng chung của cả làng, vừa là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên hệ vô hình đóng vai trò bảo trợ tâm linh cho cả làng, giúp cho làng trở thành một tổ chức có kết cấu chặt chẽ. Thành hoàng có thể là nhiên thần, cũng có thể là nhân thần. Thờ thần vốn đã là việc thiêng liêng. Song để cho thần khác thường, thiêng liêng hơn nữa, người Việt còn huyền thoại hoá các thần. Nhưng dù nội dung phản ánh của tín ngưỡng thành hoàng có mang nặng tính huyền thoại thì dân làng cũng không được phép nghi ngờ về tính đúng đắn chân thực, cũng không được phỉ báng hay coi thường thần tích.
Do vai trò quan trọng của Thành Hoàng làng đối với cuộc sống của cả dân làng, nên Thành Hoàng được thờ cúng ở đình làng. Đình làng là nơi diễn ra các sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng, là nơi thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại của làng, là nơi diễn ra các nghi lễ hội hè, tín ngưỡng, tôn giáo.
Ý thức về cộng đồng của dân làng được củng cố sâu sắc thêm thông qua các lễ hội làng. Lễ hội làng được coi là ngày giỗ của cả làng, hay còn gọi là ngày Thần kỵ. Ngày giỗ Thành Hoàng làng thường có hai phần: lễ và hội. Phần lễ là ghi thức được qui định chặt chẽ, mang đậm màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo, phần hội là phần diễn xướng tập thể, mang đậm màu sắc văn hoá văn nghệ dân gian, trong đó phảng phất những yếu tố tâm linh tôn giáo. Lễ giỗ thần thường chỉ có một ngày, còn lễ hội lại kéo dài hai đến ba ngày, thậm chí có nơi kéo dài đến mười lăm ngày. Nhưng dù là phần lễ hay phần hội, nội dung xuyên suốt của nó là bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao, ân đức và cầu mong nhận được sự che chở của Thần.
Lễ hội làng là nơi giải toả những ước muốn tâm linh của người nông dân Việt, là nơi giúp con người lập lại một sự cân bằng trong quan hệ nhiều chiều: người và người, người và thân linh, người và vạn vật. Nói cách khác, đó là những triết lý mang đậm mầu sắc Á Đông của người dân Việt về trời, đất, và người, với ước mong thiên thời địa lợi nhân hoà.
Thông qua lễ hội làng, mỗi người dân đều dường như cảm thấy mình được bình đẳng trước trời đất, thần thánh để tỏ lòng biết ơn, cầu mong sự che chở đối với bản thân, gia đình, họ tộc và làng xã. Dường như sự phân biệt về địa vị và thân phận của mỗi người đều bị phá bỏ trong mối quan hệ với thế giới thần linh, nó đã góp phần giúp người dân Việt tăng thêm niềm tin ngay trong chính bản thân mình, quên đi những lo toan, nhọc nhằn của đời sống hiện thực, giúp họ lấy lại được cân bằng về tâm lý để sống vui hơn, tốt hơn ngay khi lễ hội kết thúc. Khuôn quanh những không gian thiêng liêng ấy,
hàng năm lễ thần và hội làng diễn ra là dịp niềm tin thiêng liêng được củng cố. Thần thánh thiêng liêng nhắc nhở con người nhớ về cội nguồn, lễ hội thiêng liêng nhắc nhở xoá bỏ những gì khúc mắc bất hoà, làm cho người ta gắn bó với nhau hơn. Họ sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm , tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần, một miếng khi đói bằng một gói khi no... Đó là những sợi dây tình cảm vô cùng thiêng liêng cố kết, củng cố khối cộng đồng làng xã.
Lễ hội làng là sinh hoạt văn hoá thiêng liêng nhất, là nét đẹp trong đời sống văn hoá bao đời nay của người Việt. Là nơi biểu dương sức mạnh đoàn kết gắn bó mọi thành viên với cộng đồng, là nơi chuyển giao văn hoá, sáng tạo văn hoá, thể hiện khát vọng về sự phong đăng hoà cốc, mùa màng tốt
tươi, cuộc sống no đủ. Đó là những khát vọng chân thành, lương thiện vốn là mục đích muôn đời của con người.
Lễ hội làng là sợi dây tâm linh liên kết sức mạnh to lớn, bền vững trong dựng làng giữ nước. Trong quan niệm của người Việt, làng là nước thu nhỏ, nước là làng nâng cao, mở rộng. Làng với nước như hình với bóng, mất làng là mất nước, còn làng là còn nước. Vì vậy, hoạt động thờ cúng tổ tiên của người Việt không chỉ dừng lại ở cộng đồng gia đình, họ hàng, làng xã mà còn ở cấp độ lớn hơn, đó là cấp độ nước - quốc gia dân tộc. Lễ giỗ Tổ nước gắn liền với quá trình hình thành nhà nước và sự trưởng thành của ý thức dân tộc- quốc gia.
Do điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính trị, nên ngay từ buổi đầu người Việt đã có tinh thần đoàn kết, có tính cộng đồng rất cao. Để tồn tại và
phát triển, người Việt đã biết cố kết thành làng xã, mà cao hơn nữa là thành dân tộc, quốc gia. Vì vậy, khi chữ hiếu được nâng lên thành đạo hiếu thì ý thức “cùng chung một cội nguồn”, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” ... không ngừng được bồi dưỡng trong quá trình dựng nước và giữ nước, được lý luận hoá và thể chế hoá, trở thành đạo lý, lối sống, tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt. Nếu chỗ dựa về tinh thần của gia đình, họ hàng, làng xóm, là ông bà tổ tiên, là Thành Hoàng làng, thì chỗ dựa tinh thần của cả dân tộc Việt là Tổ nước Hùng Vương. Trong tâm thức của người Việt, vẫn luôn nhắc nhở nhau ý thức về tổ Hùng Vương - cội nguồn của dân tộc:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.
Có thể khẳng định, trên thế giới hiếm có dân tộc nào lại có hình thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên độc đáo như tục thờ vua Hùng ở Việt Nam. Xuất phát từ ý niệm thiêng liêng hai tiếng đồng bào, con cháu cùng chung trong một bọc, Tổ quốc còn bao hàm tổ tông máu mủ, gia đình, gia tộc. Bàn về khía cạnh thờ cúng tổ tiên, thì Tổ quốc theo quan niệm của người Việt, cùng với lãnh thổ, con người, chủ quyền, còn có một không gian thiêng liêng, ấy là tôn miếu thờ cúng tổ tiên- không gian thiêng liêng ấy là núi Lĩnh Đền Hùng.
Hùng Vương là nhân vật được huyền thoại hoá, nửa “thực”, nửa “thiêng”. Nhưng theo các nhà Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học ... thì thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử, mà truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ - Hùng Vương là sự phản ánh cốt lõi của thời đại lịch sử đó. Đây là thời kỳ dựng nước, hình thành nhà nước sơ khai của người Việt. Đứng trước những khó khăn về thiên tai, địch hoạ kéo dài thì nhu cầu về sự đoàn kết, trong cộng đồng dân tộc - quốc gia được đặt lên hàng đầu. Về sau, cùng với sự phát triển của lịch sử, quá trình hoàn thiện của nhà nước phong
kiến, truyền thuyết Hùng Vương được thần thánh hoá và trở thành niềm tin thiêng liêng của người Việt.
Tục thờ cúng vua Hùng đã có từ lâu trong dân gian. Nhưng phải đến năm 1470, Lê Thánh Tông mới cho các quan lập ngọc phả Hùng Vương với mười tám đời vua. Từ đây, việc thờ cúng vua Hùng mới được nâng lên hàng “Quốc Tổ”, với những nghi lễ mang tính “Quốc lễ”, được điển chế hoá chặt chẽ theo tư tưởng Nho giáo. Hùng Vương chính thức được coi là vị “Thánh Vương ngàn đời”, là vị Thánh Tổ có công dựng nước, trông coi bờ cõi và bảo trợ tâm linh của dân Việt. Hàng năm, vào dịp lễ hội vua Hùng, đích thân nhà vua (hoặc đại diện là một viên quan cao cấp) đến đền thờ Hùng Vương để lễ Thánh Tổ. Dân chúng ở khắp nơi trong cả nước đổ về dự lễ, dâng cúng lên Tổ nước những sản vật của quê hương mình, tỏ lòng biết ơn và mong hương hồn của vua Hùng phù hộ cho bản thân, gia đình, họ hàng, làng xóm và cho vận mệnh cả dân tộc.
Người Việt tổ chức thờ cúng vua Hùng ở rất nhiều địa phương khác nhau, nhưng trung tâm thờ cúng vua Hùng của cả dân tộc được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu cổ, nay là làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Đền thờ Hùng Vương gồm có ba đền: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Đền Hạ là nơi tương truyền Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng nở thành trăm con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi, còn lại một người con trưởng ở lại làm vua nước Văn Lang - vua Hùng thứ nhất. Đền Trung, theo tương truyền là nơi vua Hùng cùng các quần thần họp bàn việc nước. Còn đền Thượng là nơi vua Hùng làm lễ tế Trời, Đất, Thần.
Đúng vào ngày mùng mười tháng ba, người dân cả nước đổ về đây, chứng kiến cuộc tế lễ vua Hùng. Từ các đại diện cấp cao của nhà nước cho đến những người dân bình thường đều thành kính thắp nén nhang lên mộ Tổ để tỏ lòng biết ơn và cầu mong sự may mắn. Các nghi thức tế, lễ, dâng
hương, dâng hoa, dâng rượu được tiến hành trang trọng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Sau phần lễ là phần hội, các đám rước có nội dung liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương, có múa hát và nhiều trò chơi dân gian khác.
Thờ cúng tổ tiên của người Việt là nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, góp phần hình thành nên một ý thức hệ văn hoá, tín ngưỡng hướng về tổ tiên, về cộng đồng tạo nên một sức mạnh “nội sinh” của người Việt.
Tóm tại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội và chịu sự qui định của tồn tại xã hội. Bản chất của nó là niềm tin của con người vào sự tồn tại và sự cứu giúp của một thực thể siêu nhiên nào đó qua hệ thống nghi lễ. Thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng phổ biến của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt. Đó là ý thức về thế giới bên kia, ý thức về cội nguồn, về tông tộc, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, có công xây dựng và bảo vệ cuộc sống. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục truyền thống văn hoá đạo đức.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hình thành từ thời nguyên thuỷ do những nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý. Tổ tiên, ban đầu là tổ tiên tô tem giáo của thị tộc, sau là tổ tiên theo huyết thống trong chế độ phụ quyền, là sự phản ánh hư ảo quyền uy của người gia trưởng trong gia đình - thị tộc.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt, khái niệm tổ tiên có sự biến đổi, phát triển và mở rộng. Tổ tiên không chỉ có tổ tiên cùng huyết thống, mà còn có tổ tiên không cùng huyết thống. Tổ tiên bao gồm từ Tổ nhà, Tổ họ, cho đến Tổ làng,Tổ nghề, Tổ nước. Đó là những người có công sinh thành, có công trong việc mở làng, mở nghề, dựng nước và bảo vệ nước.
Điều kiện địa lí tự nhiên, kinh tế- xã hội, văn hoá, ở Việt Nam là những nguyên nhân trực tiếp tác động tới quá trình hình thành và tồn tại tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cư dân người Việt. Bên cạnh đó các tín ngưỡng dân gian, các tôn giáo ngoại nhập, trong đó đặc biệt là Tam giáo cũng đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với tín ngưỡng này.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn tồn tại khá phổ biến ở nước ta do nguồn gốc nảy sinh ra nó vẫn còn, và nó vẫn còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo dân cư trong xã hội.
Qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt đã thể hiện một triết lý nhân sinh độc đáo, vừa mang tính bản địa, vừa có sự thẩm thấu, sàng lọc những tư tưởng tinh hoa của Tam giáo: sống trọng tình nghĩa trong quan hệ gia đình, xã hội, luôn đề cao sự hiếu thảo nhân nghĩa, luôn tưởng nhớ về cội nguồn và duy trì những môi trường văn hoá truyền thống. Triết lý sống đó được thể hiện một cách sinh động qua hoạt động thờ cúng tổ tiên ở bốn cấp độ: gia đình, họ hàng, làng và nước. Thờ cúng tổ tiên một mặt góp phần giáo dục lòng hiếu thảo con cháu đối với ông bà, cha mẹ, xây dựng, vun đắp tình cảm yêu thương của các thành viên trong gia đình, họ tộc. Từ tình cảm huyết thống ấy mở rộng ra ngoài xã hội là tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song nếu nhìn nhận và đánh giá không đúng, nó cũng có những tác động tiêu cực, những yếu tố mê tín dị đoan. Vì vậy, để phát huy được những mặt tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, cần phải xem xét, đánh giá một cách chân thực thực trạng, xu hướng vận động của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện nay.
CHƢƠNG II