Trong lịch sử phát triển của mình những tư tưởng của Phật giáo, Đạo giáo, mà đặc biệt là Nho giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm sống của người Việt. Bởi vì để tồn tại và phát triển, một mặt người Việt phải giữ gìn bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống, mặt khác phải nhạy bén, sáng tạo, tiếp biến những giá trị văn hoá bên ngoài, bản địa hoá bổ sung vào bảng giá trị truyền thống của mình.
Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, xã hội phong kiến Việt Nam qui định: vua là người đứng đầu thiên hạ, có bổn phận phải cúng tế, thờ trời đất, còn dân thường thì thờ cúng tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt Nam, trời chính là đấng chúa tể thiêng liêng sinh hoá muôn vật, quyết định vận mệnh của loài người. Vì vậy, hàng năm trên mảnh đất thiêng, nơi được coi là trung tâm của giang sơn đất nước, nơi giao lưu giữa trời và trần gian, bằng một sợi dây vô hình thay mặt cho toàn dân, nhà vua cầu xin trời- vị thần bản mệnh của cộng đồng, của bản thân nhà vua- một năm mới tốt lành. Nhà vua tự
mình làm chủ lễ, không nhường quyền đó cho một ai, cũng như ông tiên chỉ trước ban thờ Thành Hoàng, người con trưởng trước ban thờ họ hay gia đình.
Vua - Thần dù quyền cao, chức trọng cũng phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định không được trái mệnh Trời. Làm tốt, sống nhân đức, Trời khen; làm xấu, sống vô đạo, Trời phạt, giáng hoạ. Phúc ban, hoạ giáng vào nhà vua, đồng thời cũng là vào cộng đồng. Vì vậy đó cũng là một trong những yếu tố tâm linh quan trọng khiến cho các bậc thiên tử ở các thời phải tu thân sửa mình sao cho xứng đáng là bậc minh quân. Còn trong gia đình, người Việt rất chú trọng đến việc xây dựng gia đình theo chế độ tông pháp- lấy gia đình, dòng họ làm đơn vị cơ sở của xã hội. Trong gia đình, dòng họ, điều cốt lõi là con người phải có hiếu. Hiếu là “nết đầu trong trăm nết”, bởi vậy, hành vi của con người không gì lớn bằng chữ hiếu. Hiếu là biểu hiện của nhân. Hiếu còn gắn với trung, là nguồn gốc của trung. Xã hội phong kiến Việt Nam đề cao chữ hiếu, lấy hiếu để củng cố gia đình và ổn định xã hội. Hiếu được xem như một chuẩn mực đạo đức xã hội và cũng là thước đo lòng trung thành với vua.
Với người Việt, kính hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên là ý thức, là nội dung trong tục thờ cúng tổ tiên có từ xa xưa. Nó trở thành giá trị đạo đức trong gia đình truyền thống, trở thành lẽ sống của người Việt. Hiếu với cha mẹ không phải chỉ là sự thể hiện tình cảm và lòng biết ơn, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của đạo làm con. Hiếu với ông bà, cha mẹ trước hết phải là cách cư xử với người đang sống. Bởi :
“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha
Công cha nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn, con cái có báo đền suốt đời cũng không đủ. Vì vậy, đạo làm con phải kính trọng, hiếu thảo lúc cha mẹ còn sống, phụng dưỡng nâng niu cha mẹ lúc về già, thành kính tiếc thương lúc cha mẹ qua đời.
Đạo hiếu trong gia đình người Việt không chỉ nhắc nhở con cháu kính hiếu với ông bà, cha mẹ, mà cha mẹ cũng luôn quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, các nhà Nho vẫn lấy gương “Nhị thập tứ hiếu” của Trung Quốc để răn dạy con cháu. Các nhà Nho đã biên soạn gia huấn để dạy bảo, giáo dục đạo đức, lẽ sống cho các thế hệ con cháu, các thành viên trong gia đình. Có thể coi hạt nhân tư tưởng chi phối tất cả các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, đó là tư tưởng “từ-hiếu” của Nho giáo. “Từ” của cha mẹ chính là từ tình yêu thương, bao dung và cũng là trách nhiệm dạy dỗ con cái. Để giáo dục dạy dỗ con cái nên người, cha mẹ luôn là những tấm gương sáng của con cái trong cả lời nói và việc làm. Chính sự mẫu mực của cha mẹ trong gia đình có tác dụng như sự dạy bảo và đó cũng là một yêu cầu, một đòi hỏi của gia phong.
Lòng hiếu thảo còn đòi hỏi con cháu phải hiếu đễ với anh chị em trong gia đình, họ tộc. Trong gia đình anh em phải biết “kính trên, nhường dưới”. Làm anh chị phải biết thương yêu, nhường nhịn các em, phải luôn gương mẫu. Ngược lại, làm em phải đúng đạo làm em, phải biết vâng lời cha mẹ, anh chị, lễ phép với bề trên. Anh, chị em phải hết lòng thương yêu, đoàn kết, bảo ban nhau, sống cho xứng đáng với mong mỏi của ông bà, cha mẹ. Vì vậy, ngày giỗ ông bà, cha mẹ không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng về mặt tâm linh thể hiện sâu sắc ý thức, lòng biết ơn công sinh thành, mà còn có ý nghĩa đoàn kết, xum họp trong gia đình, họ tộc. Anh em, con cháu có điều kiện để được gặp gỡ nhau, thăm hỏi nhau, bảo ban nhau những điều hay lẽ phải, nhắc nhở nhau những điều sai trái ...
Một nội dung sâu xa của đạo làm con, đó là phải sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của ông bà, cha mẹ, phải phấn đấu tu dưỡng, học tập. Do đó, sự thể hiện của lòng hiếu thảo còn là sự hiếu học, là sự tu thân để thành người, là biết kế thừa ý chí, đạo lý của cha mẹ, luôn ra sức vươn lên để làm rạng rỡ cha mẹ, tổ tiên, dòng họ, “ con hơn cha là nhà có phúc”.
Lòng hiếu thảo của người Việt không chỉ bó hẹp trong gia đình, họ tộc, mà còn mở rộng ra trong cộng đồng làng, nước. Trước là “trong họ”, sau là “ngoài làng” phải thương yêu giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bà con, làng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, tình làng nghĩa xóm như anh em ruột thịt. Người Việt Nam vẫn có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Trong làng xóm, nhà nào có việc vui, buồn, mọi người đều đến thăm hỏi. Dù là tang ma hay lễ giỗ, ngoài con cháu trong gia đình, họ tộc, bà con xóm phố đều có mặt đông đủ, với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, thành kính với vong hồn người đã khuất, sẻ chia chân tình với người sống. Chính lòng nhân sinh ấy đã khắc sâu, làm đậm nét truyền thống văn hoá đạo đức của người Việt.
Nhưng đạo hiếu của người Việt không chỉ dừng lại ở ý thức, tư tưởng, quan niệm trong gia đình, xã hội, nó còn được thể chế hoá bởi pháp luật của nhà nước phong kiến. Như Bộ luật triều Lê sơ đã qui định:
“- Đạo làm con phải hiếu kính cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được để thiếu thốn cũng là không được bắt buộc các con làm việc quá khó nhọc mới cấp cho ăn uống. Các việc tế tự và tang táng thì phải căn cứ vào Lễ ký, như thế mới hết đạo làm con”. “- Đạo làm anh em trong gia đình phải cùng nhau hoà thuận. Anh thì
yêu em, em thì kính anh, chớ nên tranh nhau tài sản; chớ nên nghe lời vợ mà quên nghĩa cốt nhục”.
“- Đạo làm vợ chồng phải cùng kính yêu nhau, dốc lòng ân nghĩa... Vợ phải kính thờ cha mẹ chồng và không được trái lời dạy bảo của chồng, không được dòng dỡ ghen tuông, mà cũng không nên chán cảnh nghèo
đói đến nỗi bỏ nhau để hại điều phong hoá”.
“- Làm cha mẹ phải biết sửa mình để ngay thẳng gia đình, lấy nghĩa lý dạy con trai, lấy nữ công nữ tắc dạy con gái...
“- Nếu cha mẹ không biết dạy dỗ con cái, (và) con trai, con gái không chịu nghe lời dạy bảo thì cho phép các viên phường xã, thôn trưởng
được tố giác với các nha môn. Nếu lỗi nhỏ thì trừng phạt bằng roi vọt, nếu lỗi lớn thì chiếu phép trị tội” [10,141-142].
Ngày nay, đạo làm người trong xã hội truyền thống đã được nâng lên một tầm cao mới, được qui định trong các nguyên tắc chuẩn mực đạo đức mới, trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam: “Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội. Con cái có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc cha mẹ. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm chăm sóc giúp đỡ nhau” [9,1887].
Như vậy, đạo hiếu đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng phải hiếu kính ông bà, cha me, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, hiếu đễ với anh em, thuận hoà với hàng xóm. Nếu ai làm trái với đạo hiếu chẳng những bị dư luận chê cười, lên án, mà còn bị luật pháp trừng trị.
Lúc sống thì như vậy, còn lúc chết thì người Việt có quan niệm như thế nào? Có thể thấy, triết lý về sự sống và chết của người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.
Phật giáo cho rằng: con người được cấu thành bởi hai yêu tố sắc (vật chất) và danh (tinh thần). Theo quan niệm của Phật giáo, cuộc đời là bể khổ, muốn thoát khỏi phải gây nghiệp thiện, để khi chết được đầu thai vào kiếp người. Chính nhờ quan niệm nhân quả, luân hồi mà con người giảm bớt sự sợ hãi khi đối mặt với cái chết. Chịu ảnh hưởng của những tư tưởng triết học Phật giáo, người Việt quan niệm về cái chết không quá nặng nề. Chết không phải là chấm hết, chết chỉ là sự “đi”, là “khuất núi”, “về với tổ tiên”, chết là
sự chuyển kiếp để tiếp tục sự sinh sôi nảy nở. Sự sống và sự chết chuyển hoá lẫn nhau, bởi người Việt cho “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”.
Đạo giáo cho rằng, con người ta sống chết, sướng khổ, hoạ phúc là lẽ tự nhiên ở đời. Sống thì nên hoà đồng với thiên nhiên, chết thì hướng về nơi bồng lai, tiên cảnh. Để sống lâu thì không nên quan tâm tới việc đời, mà chỉ chú ý tới việc tu đạo, luyện đan, tìm thuốc trường sinh. Quan niệm của Đạo giáo tuy mang tính xuất thế, song cũng một phần đáp ứng được nhu cầu nhận thức và tâm lý của người Việt. Người tin theo Đạo giáo sẽ thấy sự chết không đáng sợ, mà thấy thanh thản, hợp qui luật tự nhiên.
Còn điều mà Nho giáo quan tâm vẫn là thế gian có thật, cuộc sống là có thật, cái chết cũng là có thật. Vì vậy, xem ra quan niệm về sống- chết của người Việt chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhiều hơn là Phật giáo và Đạo giáo. Với tư tưởng “thiên- nhân hợp nhất”, con người giống như một “tiểu vũ trụ” tồn tại và chịu sự qui định của “đại vũ trụ” (Trời - Đất). Con người do trời đất sinh ra, và sau khi chết đi, sẽ lại trở về với trời đất, xương thịt sẽ tan ra thành đất, còn tinh thần bay lên cao trong sáng. Do đó “hiếu tử như hiếu sinh”- hiếu với người chết cũng như hiếu với người sống. Nho giáo là học thuyết thiên về mặt chính trị - xã hội và đạo đức, mang tính nhập thế rất rõ. Các nghi thức cúng giỗ, tang ma của người Việt chủ yếu dựa trên sự mô phỏng các nghi thức của Nho giáo. Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt không chỉ dừng lại là sự đối xử với người chết, mà chủ yếu thông qua đó, thể hiện sự đối xử với người đang sống; nhắc nhở người đang sống hướng thiện, hạn chế những điều vô luân, bất hiếu, tự điều chỉnh hành vi của mình trong các mối quan hệ với người khác, với cộng đồng.
Người Việt từ xa xưa đã tiếp thu quan niệm sinh-tử của Nho giáo. Kinh Dịch - kinh điển hàng đầu của Nho giáo, là cuốn sách về triết lý nhân sinh. Đáng lẽ quẻ cuối cùng kết thúc là quẻ Ký tế thì lập tức lại chuyển sang quẻ Vị tế - nghĩa là sự sống còn mãi. Chính vì quí trọng cuộc sống cho nên
người Việt Nam không hề do dự hiến thân cho sự nghiệp đấu tranh sinh tồn với tự nhiên cũng như giữ gìn độc lập dân tộc. Chết để được hoá thân thành tản Viên, thành Thánh Gióng bất tử, chết là kết thúc của cái hữu hạn, nhưng bản thân cái hữu hạn đã trở thành bất tử trong quan hệ với tự nhiên và trong sự nghiệp giữ gìn bờ cõi. Cuộc sống hữu hạn cũng được hoá giải để trở thành bất tử trong quan hệ giữa tổ tông và con cháu nối dõi tông đường. Cho nên ngược về cội nguồn cũng như xuôi về nối dõi tông đường, chẳng qua cũng chỉ là hai chiều của một cuộc hành trình.
Như vậy, triết lý nhân sinh của người Việt vừa dung dị, vừa sâu sắc và giàu tính thực tiễn, thể hiện lòng hiếu thảo, là lẽ sống của người Việt: Phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc sống, thờ phụng khi chết. Nhưng từ ý thức, tư tưởng đến hoạt động thờ cúng là cả một quá trình. Quan niệm nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt còn được thể hiện sinh động qua hệ thống nghi lễ và nội dung thờ cúng tổ tiên ở gia đình, họ hàng, làng và nước. Đó là ý thức tưởng nhớ về cội nguồn.