Xã hội Việt Nam từ xa xưa đã được kết cấu theo mô thức gia đình, họ hàng, làng, nước. Yếu tố huyết thống đã thấm sâu vào xã hội Việt Nam từ ngàn xưa và cho đến nay vẫn chưa hề phai nhạt. Trước khi Tam giáo du nhập vào Việt Nam, người Việt đã có truyền thống cúng giỗ tổ tiên-cúng giỗ tổ tiên là biểu hiện huyết thống. Huyết thống thì bao giờ cũng có nguồn gốc. Một trong những điều mà người Việt Nam sợ nhất là quên mất nguồn gốc, tổ tông. Tổ tông có nhỏ, có lớn. Gia đình là tổ tông nhỏ, dòng họ là tổ tông lớn, đất nước là tổ tông cao hơn cả.
Đối với người Việt, từ bao đời luôn nhắc nhở nhau ý thức: “Con người có tổ, có tông
Do đó, ý thức tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên được hình thành, tồn tại và phát triển, trở thành đạo lý, lẽ sống... Đạo lý đó được thể hiện thông qua các nghi thức, nội dung thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống có nhiều hình thức và nhiều cấp độ khác nhau, trước hết là việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình (thờ cúng gia tiên). Từ niềm tin thiêng liêng về linh hồn ông bà tổ tiên đã dẫn đến hình thành những không gian thiêng liêng. Trong mỗi gia đình người Việt đều lập bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được coi là không gian thiêng liêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” gia đình và ngự trên đó. Vì vậy, với người Việt, bàn thờ tổ tiên thường được lập cố định, ở chỗ trang trọng nhất, hoặc gian chính giữa của nhà trên.
Tuỳ thuộc vào quan niệm tâm linh, điều kiện kinh tế mà các gia đình có cách bài trí bàn thờ gia tiên không giống nhau. Nhưng nhìn chung một bàn thờ gia tiên thường được chia làm hai lớp, giữa hai lớp được ngăn bằng một bức y môn bằng vải che rủ. Lớp trong đặt long khám tượng trưng cho ngôi vị của của tổ tiên, bộ đồ thờ để đặt hộp trầu, chén nước, đĩa hoa quả... Lớp ngoài là hương án, trên đặt bình hương, đèn, ống hương, mâm ngũ quả... Ngoài ra, có nhiều gia đình còn treo bức hoành phi, câu đối trên bàn thờ. Với những nội dung bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, hoặc lời hứa của con cháu đối với tổ tiên.
Trong những ngày lễ của tổ tiên thì ngày giỗ được coi là quan trọng nhất. Ý thức về cội nguồn được thể hiện tập trung ở lễ giỗ. Ngày giỗ chính là ngày kỷ niệm người đã mất, thường được gọi là kỵ nhật. Người chết sau khi được an táng theo phong tục lễ nghi, nằm yên dưới mộ, con cháu cũng phải dẹp sầu, dẹp nhớ thương để trở lại cuộc sống hàng ngày. Nhưng hàng năm khi đến ngày người chết qua đời, con cháu dù bận rộn đến mấy cũng phải
nhớ để làm giỗ. Giỗ có thể làm to hoặc nhỏ tuỳ theo gia cảnh của con cháu, tuỳ theo quan niệm nhân sinh của mỗi người và của mỗi gia đình.
Theo Thọ Mai gia lễ, giỗ một năm ngày qua đời là ngày giỗ đầu, còn gọi là tiểu tường. Trong ngày tiểu tường, con cháu vẫn còn mang tang, sự đau đớn như còn trong tâm khảm người sống, con cái còn đang thương cha mẹ ... Bởi một năm tuy thời gian có dài, nhưng chưa đủ hàn gắn vết thương đau, chưa đủ xoá bỏ mọi kỷ niệm giữa sống và chết, chưa đủ làm khuây khoả được nỗi buồn mất một người thân của người sống. Vì vậy, khi cúng tế người chết, con cháu mặc tang phục và khóc than như ngày đưa ma để chứng tỏ với vong hồn người chết nỗi nhớ thương chưa nguôi của mình. Giỗ năm thứ hai là giỗ hết (hay còn gọi là đại tường). Trong ngày đại tường, con cháu vẫn mặc tang phục để cúng giỗ và để đáp lễ khách khứa đến lễ giỗ. Lúc tế lễ con cháu vẫn khóc, tuy nỗi đau đớn qua thời gian hai năm đã dịu bớt nhiều. Ngày giỗ khiến con cháu nhớ lại lúc lâm chung của người khuất và nhắc lại biết bao nhiêu kỷ niệm giữa người mất người còn. Người không còn nữa, nhưng những kỷ niệm còn bền vững với thời gian chưa thể phai mờ được. Sau ngày lễ đại tường, người ta sẽ chọn một ngày tốt để làm lễ trừ phục, tức là lễ bỏ tang: tất cả tang phục như quần áo, gậy chống, mũ rơm, khăn sô, áo sô... đều được đem đốt bỏ.
Từ năm thứ ba là giỗ thường hay gọi là cát kỵ. Theo Toan Ánh, cát kỵ là ngày giỗ lành, tức là người chết không còn nằm dưới huyệt hung táng nữa mà đã được cát táng (bốc mộ, thay áo cho người chết), khi đó con cháu không còn lo sợ linh hồn người chết bị trùng quỉ quấy nhiễu, trong nhà lục đục nữa. Ngoài ra kể từ sau ngày lễ đại tường, ngày giỗ sẽ là ngày con cháu tụ họp để thăm hỏi lẫn nhau, ôn lại truyền thống của gia đình cũng như bàn việc trong tương lai ... vì vậy nó được coi là một ngày tốt đẹp [2, 40].
Việc thờ cúng tổ tiên được người Việt rất tôn trọng, vì việc thờ cúng nghiêm túc là sự thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn và ý thức tưởng nhớ về
cội nguồn. Khi cha mẹ còn sống, thờ cúng ông bà tổ tiên, khi cha mẹ chết, ta thờ cúng cha mẹ, ông bà cụ kỵ, ấy cũng là gây ý thức cho con cháu ta nhớ về cha mẹ, ông bà. Chim có tổ, người có tông, mỗi dịp giỗ tết, là mỗi dịp con cháu ở xa nhớ về quê hương tổ tiên. Con cháu ở gần thì tụ tập cúng giỗ, hàn huyên nhắc lại công lao vất vả của ông bà, cha mẹ đã xây dựng nên những cơ nghiệp, đã nuôi dạy nên những khoa danh, mang lại tiếng thơm cho gia đình, dòng họ.
Ý niệm thiêng liêng hàng đầu trong thờ cúng tổ tiên là thể hiện nếp sống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”. Sự thiêng liêng ấy là tỏ lòng thành kính dâng lễ cúng tế vong hồn ông bà tổ tiên. Càng thực hiện được sự cúng lễ tổ tiên chu đáo bao nhiêu thì con cháu càng thấy thanh thản, sung sướng bấy nhiêu. Trong ý nghĩa này, triết lý đề cao chữ hiếu của Nho giáo, thuyết nhân quả của Phật giáo đã củng cố thêm tục thờ cúng tổ tiên ở chỗ “bất hiếu dĩ tử bất hiếu”, mình không có hiếu với cha mẹ ông bà, thì con cháu cũng không có hiếu với mình.
Thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự thể hiện lòng hiếu thảo, giáo dục ý thức tưởng nhớ về cội nguồn. Ở những nơi đây, phía sau bát hương, trên ban thờ chứa đựng biết bao giá trị văn hoá truyền thống đáng quí, vô hình về những tấm gương lao động quên mình, về công lao dẹp giặc, về những tính cách cao đẹp, nhưng lại cụ thể ở trong những bản gia phả, tộc phả, có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn, mỗi khi con cháu nhớ đến, đọc đến. Ở những nơi đây, mỗi khi nén nhang thắp lên những gì trần tục tự nhiên gác lại chỉ còn sự thiêng liêng cao cả, người chết với người sống như không còn chia cắt, quá khứ và hiện tại như quyện vào nhau. Có một động lực thức dậy, vươn tới tương lai thiện mỹ- đó chính là giá trị đạo đức, tâm linh mà thờ cúng tổ tiên truyền đời thế hệ nối tiếp thế hệ. Người Việt Nam, qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên muốn đi tìm mình ở quá khứ và muốn biết mình ở tương lai, muốn kéo dài cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian mà sự xuất hiện là
cái sinh và sự lặn tắt là cái chết. Đồng thời con người cũng không muốn bó hẹp mình trong cái không gian đã biết mà dần dần đã mở rộng để chìm đắm hoà mình vào cái sâu thẳm đầy bí ẩn của vũ trụ.
Trong việc thờ cúng tổ tiên, việc đầu tiên người Việt lưu tâm, đó là sự thành kính. Cổ nhân nói: “Tâm động quỉ thần tri” (trong lòng nghĩ thế nào, quỉ thần đều thấy rõ). Nếu thiếu thành kính, tức là thiếu sự hiếu thảo, tổ tiên sẽ không chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Sự thành kính được thể hiện ở tất cả các nghi lễ và nội dung thờ cúng. Từ việc chuẩn bị đồ lễ, thái độ khi làm lễ, cách khấn vái phải lầm dầm khấn nhỏ (nếu khấn to là phạm tội bất kính)... Coi việc cúng giỗ, thờ phụng tổ tiên là việc làm hàng ngày, hàng tháng, từng mùa, quanh năm và suốt đời. Với một mong mỏi là khói hương tiên tổ đời đời tiếp nối, dòng dõi“không đứt mạch”.
Bên cạnh việc thờ cúng gia tiên, người Việt còn thờ cúng tổ tiên trong dòng họ. Dòng họ ở đây được tính theo trục dọc, dòng máu theo họ nội là chính, vì xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội phụ hệ. Họ là “tập hợp tự nhiên” những người cùng dòng máu, tụ hội nhau theo từng đời và nhiều đời do một ông Tổ sinh ra. Học giả Cadiere lại cho rằng:
Họ theo nghĩa rộng mang tính tôn giáo là chủ yếu, vì bao gồm cả những thành viên diêu linh... Dòng họ được coi như một cái đền lớn. Những thành viên còn sống đương ở gian ngoài, phía trong cổng vào cửa. Người này tiếp theo người khác lần lượt sẽ bước qua cái ngưỡng cửa đáng sợ, tức là bước qua cửa tử vào trong bộ phận khác của đền, nơi chính điện. Những người sống cũng như người chết vẫn ở chung dưới một mái nhà. Những mối liên hệ đã thắt chặt họ trong cuộc sống không được cởi ra bởi cái chết; ngược lại, được thừa nhận bằng tôn giáo, lại trở lên mạnh mẽ hơn và vĩnh viễn tồn tại nhờ Đạo thờ tổ tiên. Phải thú nhận rằng, dòng họ như trên đã nói, đã mang một phẩm giá cao quí đầy ấn tượng”[7,40].
Thờ cúng tổ tiên trong dòng họ của người Việt có ý nghĩa to lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết, gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thuỷ tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng, xã. Để duy trì tổ chức cộng đồng từ gia đình đến dòng họ, người ta rất coi trọng việc ghi chép gia phả và tộc phả. Dựa trên các văn bản này, truyền thống dòng họ được bảo tồn, lễ nghi được tôn trọng. Tộc phả là loại sách biên niên sử của một họ, ghi từ ông tổ (thuỷ tổ) trở xuống theo một trình tự chặt chẽ : thế thứ và các ngành - nhánh (chi và phân chi), từ thuỷ tổ đến đời cuối cùng. Mỗi đời phải ghi chép vắn tắt tên người trưởng (chi và phân chi) cùng gia đình, tiếp đến là các em (nếu có). Cũng như gia phả, tộc phả cần ghi chép đầy đủ ngày (hoặc năm) sinh, danh phận, gia đình, ngày chết, nơi để mộ của từng thành viên.
Nhà thờ họ (thường gọi là nhà thờ tổ) là ngôi nhà thờ thuỷ tổ của từng dòng họ hoặc còn gọi là từ đường. Theo lệ, ngày giỗ tổ họ là dịp cả họ họp mặt đông đủ tại nhà thờ, dự tế lễ và hưởng lộc. Và đó cũng là những dịp trong họ ngoài làng nhận biết lẫn nhau, để khỏi mắc vào tội nhầm lẫn suy thoái giống nòi, thắt chặt thêm tình thân giữa những người có cùng huyết thống bằng sợi dây tâm linh tình nghĩa... Cứ như vậy, thế hệ nối tiếp thế hệ, chuyển giao nhận biết công đức tổ tiên. Và mỗi thành viên dòng họ ấy hợp thành cội nguồn và sức mạnh làng xóm quê hương. Lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước bắt nguồn từ lòng tự hào, ý thức về dòng họ ấy.
Ý thức về dòng họ có một vai trò vô cùng quan trọng đối với từng thành viên, từng gia đình và cả dòng họ. Biết lấy gương sáng của tổ tông trong họ để giáo dưỡng cho con cháu học tập, lao động tạo ra nhiều của cải cho gia đình và cho xã hội, biết sống đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những qui ước- phong tục tốt đẹp của từng dòng họ được tạo dựng và duy trì, phát triển, đó là những tộc phong quí
báu. Lòng tự hào về dòng họ cũng là yếu tố cần thiết, quan trọng, như là một sức mạnh tinh thần mà tổ tông truyền lại cho con cháu, nhiều khi còn linh thiêng cao cả hơn những thề nguyền. Như vậy, nói đến ý thức dòng họ là nói đến vấn đề sâu thẳm nhất trong tâm thức của mỗi thành viên được truyền lại từ tổ tiên ngàn xưa, đó là gốc rễ, cội nguồn của con người. Gốc rễ càng bền vững, thì cành lá mới xum xuê tươi tốt. Cây sẽ cho nhiều hoa thơm, nhiều trái ngọt cho đời.
Ý thức về cội nguồn, về những người có công sinh thành, tạo dựng cuộc sống đối với người Việt, cũng là ý thức hướng về cội nguồn chung của dân tộc. Gia đình - họ hàng- làng- nước hoà quyện không thể tách rời nhau trong tâm thức người Việt. Tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, tự lực tự cường, cũng được hun đúc từ đây. Bởi nếu nước mất thì nhà tan, nhà muốn ấm yên thì nước phải cường thịnh. Và cũng bởi họ có Tổ họ, làng có Tổ làng, thì nước có Tổ nước. Ở Việt Nam, vua Hùng là ông Tổ của muôn dân. Bác Hồ kính yêu đã căn dặn chúng ta: “Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn, con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ ơn tổ tiên vậy” [29, 221]. Lời Bác dạy là bài học quí giá về cách ứng xử trong đạo làm người, là sự thể hiện tập trung nhất ý thức về cội nguồn của các thế hệ trước đây, hôm nay và mai sau. Vì vậy thờ cúng tổ tiên không chỉ là ý thức về cội nguồn mà