MỘT SỐ KHÍA CẠNH NHÂN SINH TRONG TÍN NGƢỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƢỜI VIỆT

Một phần của tài liệu Quan niệm về nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (Trang 36)

TIÊN CỦA NGƢỜI VIỆT

Để có thể làm sáng tỏ một số khía cạnh nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, tác giả luận văn xem xét khái niệm nhân sinh. Từ điển tiếngViệt xác định:“Nhân sinh là cuộc sống của con người” [58,711].

Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, để tiến hành hoạt động sống, con người không chỉ tìm hiểu về giới tự nhiên, mà còn phải tìm hiểu cuộc sống xã hội, tìm hiểu về chính bản thân mình. Cuộc sống là gì? Mục đích, ý nghĩa của nó là gì? Con người xuất hiện như thế nào và sẽ đi về đâu? Những câu hỏi ấy chỉ có con người mới đặt ra, và câu trả lời không dễ một

chút nào. Với một thái độ tiêu cực, có thể quan niệm cuộc sống là vô nghĩa, mọi giá trị trên đời chỉ là hư ảo. Đã có nhà triết học bi quan xem cuộc sống là sự vận dộng đến nấm mồ, có nhà văn liên tưởng con người với hình ảnh con kiến loanh quanh trên chiếc lá, những sinh vật ngẫu nhiên, tồn tại ngẫu nhiên trong một không gian ngẫu nhiên... Sự bất lực trước một câu hỏi lớn đã từng là nỗi buồn thấm đẫm trên các trang thơ từ cổ chí kim, là nỗi băn khoăn lớn của nhiều nhà tư tưởng ở các thời đại. Trả lời câu hỏi này với một thái độ tích cực có nghĩa là nhìn nhận giá trị cuộc sống, đi tìm những mục đích cao quí cho cuộc sống và đấu tranh để thực hiện chúng. Vấn đề cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống phụ thuộc vào việc con người sống như thế nào, và như thế nào thì không đáng sống. Cuộc đời con người có sinh có tử, có may - rủi, có hạnh phúc- khổ đau, có cao cả- thấp hèn, có nghĩa vụ trách nhiệm, có lý tưởng hoài bão... Nhưng quan niệm và sự thể hiện về những vấn đề đó ở các dân tộc khác nhau, các trường phái, quan điểm khác nhau, cũng rất khác nhau. Với đạo Phật, biểu tượng của cái thiêng liêng đó là cái thiện mà Phật là người qua tu luyện đã đạt tới đỉnh cao, nó đối lập với cái ác độc của đời sống trần tục. Phật coi đời sống hiện hữu là bể khổ, đầy rẫy sự cám dỗ, con người phải tu luyện, rũ bỏ dục vọng để đạt tới cái thiện, tới Phật tính. Chính điều này đã qui định mọi hành vi, ứng xử của con người trong cuộc sống. Phật giáo rất quan tâm đến số phận con người, mong muốn tìm kiếm con đường giải thoát mọi cảnh khổ đau cho con người. Triết lý giải thoát của Phật giáo được tập trung trong “Tứ diệu đế”, nghĩa là bốn chân lý tuyệt diệu, cao cả, thiêng liêng mà mọi người cần phải nhận thức được. Bốn chân lý đó là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Nhưng luận thuyết của Phật giáo về nhân sinh, về con đường giải thoát còn rất nhiều hạn chế. Phật giáo nhìn đời một cách bi quan, coi bản chất cuộc sống là bể khổ. Khi nói đến nguyên nhân nỗi khổ của con người, Phật giáo chỉ bó hẹp trong phạm vi tâm sinh lý cá nhân riêng lẻ, không đề cập đúng mức đến nguồn gốc xã hội (khổ vì nghèo nàn chậm tiến,

khổ vì chiến tranh phi nghĩa, khổ vì áp bức bóc lột trong xã hội có đối kháng giai cấp...). Do đó, khi đề cập đến vấn đề giải thoát, giải phóng con người, Phật giáo không đề cập đến vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Quan điểm của Phật giáo bộc lộ rõ tính chất hạn chế, duy tâm trong quan niệm về cuộc sống và trong lý tưởng sống của cuộc sống con người.

Triết học Mác lại có quan điểm hoàn toàn khác với quan điểm của Phật giáo. Triết học Mác khẳng định: Con người là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của giới tự nhiên. Con người làm ra lịch sử của chính mình, con người tồn tại với tư cách vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là chủ thể của lịch sử. Vì vậy, vấn đề ở chỗ, con người không chỉ giải thích thế giới, mà chủ yếu là cải tạo thế giới, vạch ra những con đường, những phương hướng cải tạo thế giới. Lý tưởng đạo đức của Phật giáo là hướng tới một xã hội tươi đẹp: Tây phương cực lạc, niết bàn tịch tịnh, con đường để cứu loài người khỏi những nỗi khổ bằng Tứ diệu đế, bằng sự thụ động chờ đợi kiếp sau sẽ được đền bù một cách hư ảo. Triết học Mác khẳng định: lý tưởng tối cao và ý nghĩa cuộc sống của con người là ở sự đấu tranh cho hạnh phúc của mỗi người và của mọi người, là khát vọng sáng tạo không ngừng những giá trị; con đường để giải phóng nhân dân lao động ra khỏi mọi nỗi khổ cực, áp bức, bất công, là phải tiến hành đấu tranh cách mạng, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một chế độ mới xã hội xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, trong quan niệm về cuộc sống của con người ở phương Đông và phương Tây cũng có những nét khác biệt. Người phương Tây có tư duy duy lý, thiên về hướng ngoại, chiêm nghiệm thế giới bên ngoài và thường đề cao cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đã phát triển đến cao độ ở phương Tây, vô tình đã làm giảm sút và cắt bớt các mối quan hệ giữa con người với con người. Người ta tìm đến sự an toàn, bảo hiểm cho cá nhân ở chính sức mạnh vật chất. Nhưng người phương Đông, người Việt Nam thiên về duy tình, hướng nội, coi trọng đời sống nội tâm tình cảm, coi trọng con người,

mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là những mối quan hệ huyết thống. Với người Việt, hạnh phúc, danh dự của cá nhân gắn liền với gia đình, họ tộc, quê hương. Quan niệm về nhân sinh của người Việt được thể hiện một cách phong phú, sinh động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều hình thái ý thức xã hội khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả chỉ khai thác một số khía cạnh nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, chủ yếu là những quan niệm về sự sống và chết. Người Việt luôn đề cao hiện tại, song không bao giờ quên quá khứ, và rất lạc quan tin tưởng, hi vọng ở tương lai của mình. Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là sự thể hiện triết lý nhân sinh của người Việt “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”...

Một phần của tài liệu Quan niệm về nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (Trang 36)