Bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Một phần của tài liệu Quan niệm về nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (Trang 30)

Về bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến khác nhau. Tô-ca-rev- nhà dân tộc học người Nga cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tôn giáo nguyên thuỷ, mang tính sơ khai:

Sự thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, đã từ lâu được thừa nhận trong giới khoa học... là sự thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc đã chết và trước hết là hình thức gia đình thị tộc của sự thờ cúng đó tức là lòng tin rằng, tổ tiên đã chết che chở cho con cháu đang sống, và những lễ nghi cầu xin do các thành viên thị tộc hay gia đình tiến hành để nhằm thờ phụng tổ tiên ”[59, 312- 313].

Đặng Nghiêm Vạn xem tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tôn giáo dân tộc của người Việt Nam. “Đạo thờ cúng tổ tiên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với cộng đồng, làng, xã, đất nước” [60, 315]. Ông đã căn cứ vào tính đặc thù của các tôn giáo ở Việt Nam, vào tính phổ biến, tính cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để xem nó là một tôn giáo: “Những thể loại tôn giáo tuy đơn giản về nội dung, nghi lễ, nhưng mang tính cộng đồng, tuy không có một tổ chức có hệ thống và thống nhất, nhưng đã có những thể chế qui định khá chặt chẽ qua truyền thống, phải nên xem là một tôn giáo” [60, 23].

Nguyễn Đổng Chi thì phân vân, coi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên “gần như một thứ tôn giáo”

Nguyễn Đăng Duy trong “Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam” cho rằng: “ Thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo, vì mục đích của nó không phải là cứu cánh cho cái chết, mà là cầu mong cho hiện thực cuộc sống, nó mang tính là một tín ngưỡng, với nội dung là thờ cúng và cầu mong tổ tiên ban tốt lành. Và trong đó còn bao hàm một khía cạnh bản chất văn hoá Việt Nam là nhớ về cội nguồn ”[12, 32].

Nguyễn Tài Thư xem tục thờ cúng tổ tiên không thuần tuý là tôn giáo, mà vừa là một tín ngưỡng vừa là một tập tục, là thái độ biết ơn với các thế hệ trước của mình [54, 144].

Phan Kế Bính lại xem tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như là một tập tục truyền thống mang giá trị đạo đức, thể hiện lòng thành kính, nghĩa cử của con cháu: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người” [6, 20-21].

Toan Ánh thì khẳng định thờ cúng tổ tiên là một truyền thống văn hoá, đạo đức: “Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là Đạo ông bà được. Là một đạo phải có giáo chủ và giáo điều và việc

hành đạo phải qua trung gian tu sĩ. Thờ cúng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất” [2, 23-24].

Như vậy, xem xét một số quan điểm của các học giả trong và ngoài nước, về cơ bản có ba loại quan điểm đánh giá về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

Quan điểm thứ nhất, xem thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng, tôn giáo.

Quan điểm thứ hai, xem thờ cúng tổ tiên vừa là tín ngưỡng, vừa là tập tục, truyền thống đạo đức.

Quan điểm thứ ba, xem thờ cúng tổ tiên như một tập tục văn hoá, truyền thống đạo đức.

Các cách đánh giá trên về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tuy có những điểm khác nhau, không thống nhất, nhưng căn cứ vào quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo, tín ngưỡng, tác giả luận văn cho rằng thờ cúng tổ tiên của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian. Thờ cúng tổ tiên của người Việt là một hiện tượng xã hội phổ biến, là bộ phận đặc biệt của ý thức xã hội, phản ánh quan hệ xã hội hiện thực: đó là quan hệ giữa người sống (con cháu) và người chết (tổ tiên). Thờ cúng tổ tiên trở thành một tập tục, một truyền thống văn hoá đạo đức thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn và cầu mong sự giúp đỡ của tổ tiên đối với con cháu.

Với người Việt, từ cổ xưa đã cho rằng : chết chưa phải là hết, thể xác tuy chết (tiêu tan) nhưng linh hồn tổ tiên vẫn bất diệt và vẫn hằng lui tới gia đình. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (nghĩa là sự chết như sự sống, sự mất như sự còn), dương sao âm vậy. Tổ tiên tuy chết rồi nhưng vẫn có một cuộc sống như cuộc sống ở dương thế, cũng cần ăn uống, tiêu pha, nhà ở như người sống. Vì tin như vậy, nên người Việt cho việc cúng lễ là cần thiết và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có. Vong hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ luôn ngự trên bàn thờ để gần gũi

con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.

Sự tin tưởng vong hồn ông bà, cha mẹ ngự trên bàn thờ đã ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người trước khi định làm một việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Chính điều đó đã có tác dụng hướng con cháu đến những điều thiện, hạn chế những điều vô luân, bất hiếu.

Khi đánh giá bản chất thờ cúng tổ tiên của người Việt, chúng ta cũng cần lưu ý một số điểm khác biệt và tương đồng giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc. Người Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giữ vai trò trung tâm trong đời sống tinh thần của đa số dân cư và là tín ngưỡng quan trọng nhất. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc có tính chất, nghi thức nặng nề theo các qui phạm của Nho giáo. Các vương triều phong kiến Trung Quốc đề cao chế độ Tông pháp, coi chế độ Tông pháp là chỗ dựa vững chắc cho chế độ phong kiến. Quan hệ Tông pháp cố kết những người cùng huyết thống nhiều đời trong một gia tộc (đại gia đình phụ quyền). Thông thường trong quan hệ hôn nhân và tang tế, người Trung Quốc tính đến chín đời (cửu tộc). Ở Trung Quốc có nhiều đại gia đình lớn- “thế gia vọng tộc”- nhiều đời hiển vinh, giàu có và đặc biệt coi trọng gia đình “quyền huynh thế phụ”(người con trai trưởng thay cha làm chủ gia đình). Người con trai trưởng được quyền kế thừa tài sản và cũng có nghĩa vụ phải thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong gia đình phong kiến Trung Quốc, người phụ nữ không có quyền hành, phải đứng sau người đàn ông (cha, anh trưởng, chồng). Người phụ nữ theo Nho phong luôn phải “phu xướng, phụ tuỳ”, người chồng có quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, đặc biệt là có quyền quyết định về kinh tế.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hình thành từ thời nguyên thuỷ, song nó được thể hiện rõ nét nhất ở thời kỳ trung- cận đại. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt tuy chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng nó vẫn mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Về tính chất, người Việt thờ cúng tổ tiên không nặng nề theo các qui phạm của Nho giáo, hình thức thờ cúng phong phú, giản dị, nhưng lại sâu lắng trong lòng nhân dân. Trong xã hội và trong gia đình người Việt, người phụ nữ có một vai trò đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, xã hội, giáo dục con cái, thậm chí cả trong việc thờ cúng tổ tiên. Đây là một điểm khác biệt rất lớn so với gia đình phụ quyền trong xã hội Trung Quốc. Trong những trường hợp nhất định, người phụ nữ Việt cũng có quyền hành tương đương như của người đàn ông. Pháp luật trong xã hội phong kiến Việt Nam đã từng qui định: Nếu không có con trai, người phụ nữ (gái trưởng) cũng có quyền thừa kế hương hoả và lo việc thờ cúng tổ tiên.

Xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế tiểu nông, đa thành phần và những đặc điểm truyền thống khác, người phụ nữ trong gia đình người Việt được tôn trọng và bình đẳng với chồng hơn, nó khác xa với người phụ nữ trong gia đình Nho phong của Trung Quốc. Điều đó lý giải trong hệ thống tín ngưỡng nói chung và trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt nói riêng luôn coi trọng yếu tố nữ, đề cao hình tượng người mẹ hơn so với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc. Gia đình Nho Trung Quốc yêu cầu con cái nhất nhất vâng lời cha mẹ. Mối quan hệ cha mẹ- con cái từ chỗ qua lại theo kiểu cha ra cha, con ra con, anh ra anh trong quan niệm của Nho giáo nguyên thuỷ, đến Hán Nho chỉ còn lại quan hệ cha- con, anh- em một chiều, người dưới hoàn toàn phục tùng người trên. Do đó, trong giáo dục chỉ giáo dục kẻ dưới, mà không đả động đến việc giáo dục cha mẹ- kẻ trên. Bởi cha mẹ nào cũng đúng, cha mẹ luôn phải, thậm chí còn quá quắt đến nỗi “Cha có thể không nhân từ, nhưng con không thể không có hiếu. Vua bất nhân, nhưng bề tôi không thể không trung”. Điều đó cũng dễ giải thích, bởi mục đích cuối

cùng mà học thuyết Nho giáo muốn tạo ra là một lớp người luôn luôn biết vâng mệnh bề trên. Quan hệ cha mẹ- con cái của người Việt bình dân có một bản chất khác hẳn. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái không phải là quan hệ một chiều trên- dưới, trên “sử”, dưới “sự”, mà là quan hệ gắn bó tình cảm, biện chứng “Trẻ cậy cha, già cậy con” hoặc “Lên non mới biết non cao. Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Nếu Nho gia Trung Quốc chỉ yêu cầu con cái phải có hiếu với cha mẹ, còn cha mẹ có thể thiếu nhân từ, thì người Việt bình dân lại coi trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái là vô điều kiện: “Nước mắt chảy xuôi”, “Cá chuối đắm đuối vì con”. Trong tình cảm hoặc trong tư duy của người Việt, quan hệ cha mẹ- con cái là quan hệ đồng lần. Ai cũng là con, rồi ai cũng là cha mẹ. Tư duy biện chứng này đã giúp mối quan hệ cha mẹ- con cái của người Việt giữ được bản sắc riêng dưới tác động của tư tưởng Nho gia.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tìm thấy những nét tương đồng trong quan niệm, ứng xử của người Việt và người Trung Quốc. Người Việt cũng như người Trung Quốc đều đề cao tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đều thờ cúng rất nghiêm túc. Nếu Nho gia Trung Quốc cho rằng “ Dương danh hiển vinh” là một cách báo hiếu cho cha mẹ, thì người Việt cũng cho rằng “Con cái khôn ngoan,vẻ vang cha mẹ”, hoặc “Con cháu mà dại, hại đến ông cha”.

Và ngay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, nhưng ở ba miền Bắc, Trung, Nam cũng có màu sắc đậm nhạt khác nhau. Ở miền Bắc Việt Nam mà chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc Bộ, được coi là cái nôi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện đậm nét loại hình tín ngưỡng này với tất cả sự phong phú, sinh động và sâu sắc của nó. Người miền Trung cũng thờ cúng tổ tiên nhưng mức độ của nó không sâu đậm bằng thờ cúng tổ tiên ở đồng bằng Bắc Bộ. Còn người miền Nam, trong lịch sử khi đi xây dựng, mở mang bờ cõi, họ đã mang theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến vùng đất mới. Nhưng trên vùng đất mới, do những điều kiện sinh sống

mới, nhiều đổi thay, dưới ảnh hưởng của những nền văn hoá khác nhau: Văn hoá Việt, văn hoá Khơ Me Nam Bộ, văn hoá Chăm Pa... đã làm cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có nhiều biến đổi, ít nhiều nhạt phai so với thờ cúng tổ tiên ở đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì vậy, mà việc nghiên cứu quan niệm nhân sinh cũng như đánh giá thực trạng của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, luận văn chủ yếu nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Từ những sự lý giải trên, chúng ta có thể hiểu: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là một bộ phận của ý thức xã hội, là một loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời nguyên thuỷ, được tiếp tục duy trì, củng cố và sẽ còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Thể hiện niềm tin thiêng liêng, lòng biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, Tổ sư, Tổ nghề, Tổ làng, Tổ nước ...

Trên cơ sở phân tích nguồn gốc,bản chất của tín ngưỡng thò cúng tổ tiên của người Việt, tác giả luận văn khai thác một số khía cạnh nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Một phần của tài liệu Quan niệm về nhân sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt (Trang 30)