Trường THPT Hoài Đức B được thành lập theo Quyết định số 605/QĐUB ngày 25 tháng 11 năm 1978 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình sau này được tách và nhập về Hà Nội. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu cho đến nay với sự tận tình của các thế hệ giáo viên, sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ học sinh, nhà trường đang từng bước phát triển bền vững. Điều đó đã được khẳng định thông qua những thành tích to lớn mà nhà trường đạt được trong những năm qua, đến nay nhà trường đã, đang và sẽ trở thành một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, một địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh và học sinh trong huyện Hoài Đức và trong Thành phố Hà Nội.
Về những mặt mạnh:
Về cơ sở vật chất: Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, trường được xây dựng trên diện tích 17.891m2 gồm 36 phòng học với đầy đủ hệ thống chiếu sáng và các phương tiện dạy học hiện đại, 07 phòng học bộ môn với đầy đủ trang thiết bị phục vụ bao gồm các phòng Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Tin học, một nhà tập đa chức năng, một thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách báo, tài liệu phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh, khu làm việc cũng được xây dựng với đủ phòng làm việc của lãnh đạo, phòng họp, phòng chờ giáo viên, phòng Công đoàn, Đoàn thanh niên, phòng y tế, phòng tiếp dân…Diện tích sân chơi, sân thể dục rộng gần 10.000m2 đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Với điều kiện cơ sở vật chất như vậy đủ để đáp ứng cho nhu cầu học tập của gần 2000 học sinh.
Về đội ngũ giáo viên: Cho đến nay Nhà trường có đội ngũ giáo viên là 97 đồng chí trong đó có 79 đồng chí giáo viên đạt trình độ chuẩn và 18 đồng chí đạt trình độ trên chuẩn. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý có 3 đồng chí thì 3 đồng chí đạt trình độ đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, Ban giám hiệu hầu hết là những người năng động, sáng tạo, có năng lực chuyên môn, nhạy cảm với những đổi thay của môi trường nên luôn ứng xử phù hợp tạo được sự đồng thuận của các thành viên trong nhà trường. Bên cạnh đó Ban giám hiệu có phong cách lãnh đạo dân chủ, biết lắng nghe chọn lọc và phân tích các nguồn thông tin để có những quyết định hợp lí trong giải quyết công việc và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Hầu hết các đồng chí giáo viên đều tích cực học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra Nhà trường còn động viên tạo điều kiện cho các đồng chí giáo viên tham gia học sau Đại học như hỗ trợ kinh phí đào tạo, giảm giờ dạy, hỗ trợ về tài liệu… điều này đã động viên kịp thời đối với giáo viên, giúp họ yên tâm công tác.
Về học sinh: Đến nay Nhà trường có tổng số 1870 học sinh chia thành 43 lớp trong đó có 14 lớp 10, 15 lớp 11 và 14 lớp 12. 100% học sinh đều là dân tộc Kinh, hầu hết các em đều có nhận thức tốt về nhiệm vụ học tập và rèn luyện đạo đức của mình.
Về vấn đề dạy và học: Các kế hoạch xây dựng chuyên đề thao giảng chuyên môn được trường tổ chức thường xuyên hàng tháng và ngày càng có chất lượng cao cả về hình thức, phương pháp cũng như nội dung, đáp ứng được nhu cầu học tập tại chỗ, nhằm nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp giảng dạy trong đội ngũ giáo viên. Ngoài ra nhà trường còn khuyến khích toàn thể giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học để phù hợp với yêu cầu giáo dục ngày càng cao. Các hoạt động bổ trợ như hoạt động GDNGLL, hoạt động Hướng nghiệp, … được quan tâm chỉ đạo tổ chức.
Về việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chính quyền địa phương trong việc quản lí học sinh giúp cho việc phối hợp ba môi trường giáo dục chặt chẽ, phát huy hiệu quả. Trường thường xuyên tố chức gặp mặt phụ huynh vào các kì học, lập sổ liên lạc điện tử để PHHS có thể nắm chắc được các thông tin về con em mình. Trường còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giúp phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh. Ngoài ra nhà trường còn tổ chức hoạt động xã hội, các hoạt động ngoại khóa cho giáo viên và học sinh, như tham gia các hoạt động tham quan, hội trại tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ,… nhằm giúp học sinh có môi trường vui chơi lành mạnh, giúp thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng, giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh và giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh.
Những mặt yếu
Cơ sở vật chất: Trường hiện đang trong quá trình xây dựng, lại học 2 ca nên có ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức các hoạt động nhất là những hoạt động tập thể. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, một số thiết bị đã lạc hậu kém chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Cơ
sở vật chất, năng lực tài chính hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo chất lượng cao như mong muốn.
Đội ngũ cán bộ giáo viên: Một số ít giáo viên còn thụ động, thiếu nhiệt tình, kinh nghiệm trong công tác, chưa quan tâm sát sao đến từng đối tượng trong giảng dạy cũng như giáo dục, xử lý các tình huống sư phạm còn kém hiệu quả. Tổ chức quản lý của Ban giám hiệu còn một số hạn chế như chưa chủ động tuyển chọn được nhiều cán bộ giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao. Việc đánh giá chất lượng chuyên môn còn mang tính hình thức chưa thực thực sự phù hợp với năng lực, trình độ, khả năng chuyên môn của một số giáo viên.
Về học sinh: Do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm một bộ phận học sinh chạy theo lối sống thực dụng ảnh hưởng đến việc rèn luyện cũng như ý chí phấn đấu của học sinh. Nhiều học sinh còn chưa xác định rõ mục tiêu học tập của mình, còn thụ động khi tham gia các hoạt động của nhà trường, nhất là các hoạt động rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh.
Về kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm của học sinh:
Bảng 2.1. Bảng số liệu về xếp loại hạnh kiểm của học sinh năm học 2010-2011
Khối Tổng số HS Tốt Khá T. bình Yếu Kém SL % SL % SL % SL % SL % 10 606 498 82,14 87 14,4 17 2,8 4 0,66 0 0 11 649 469 72,3 148 22,8 21 3,2 11 1,7 0 0 12 615 530 86,2 72 11,7 13 2,1 0 0 0 0 Toàn cấp 1870 1497 80,1 307 16,4 51 2,7 15 0,8 0 0
Bảng 2.2. Bảng số liệu về xếp loại học lực của học sinh năm học 2010-2011
Khối Tổng số HS Giỏi Khá T. bình Yếu Kém SL % SL % SL % SL % SL % 10 606 30 5 395 65,1 151 24,9 30 5 0 0 11 649 37 5,7 376 57,6 205 31,6 30 5 1 0,1 12 615 45 7,3 442 71,9 124 20,2 4 0,6 0 0 Toàn cấp 1870 112 6 1213 64,8 480 25,7 64 3,4 1 0,1
Thông qua bảng số liệu về kết quả xếp loại học lực và hành kiểm của học sinh ở trên có thể thấy, nhìn chung kết quả học tập, rèn luyện của học sinh còn ở mức chưa cao so với nhiều trường trong Thành phố nhất là các trường nội thành. Kết quả xếp loại hạnh kiểm của học sinh cho thấy, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu vẫn còn chiếm 3,5%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi mới chỉ đạt 6% trong khi tỷ lệ này của toàn thành phố là 12%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu, kém vẫn còn tương đối cao.Trong năm học 2010-2011 tỷ lệ học sinh khối 12 thi đỗ tốt nghiệp đạt 99,8%, thi vào các trường Đại học, Cao đẳng đạt trên 70%.
Như vậy thông qua các số liệu trên cho thấy kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong toàn trường chưa đều, một số lớp chất lượng cao chỉ chú trọng nhiều đến việc dạy các môn văn hóa trong khi các hoạt động bổ trợ khác lại bị xem nhẹ dẫn đến hiệu quả giáo dục toàn diện chưa cao.
Điều này đòi hỏi nhà trường cần có nhiều biện pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong nhà trường bao gồm cả các hoạt động dạy học và giáo dục để vừa nâng cao kết quả học tập và vừa nâng cao kết quả rèn luyện cho các em.