II. Những mẩu chuyện lịch sử có thể sử dụng trong dạy học lịch sử Việt Nam từ 1954 đến nay.
7. Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”
“Nguyễn Viết Xuân sinh năm 1934, sinh ra trong một gia đình cố nông ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, năm 7 tuổi, Xuân đã phải đi ở bế em cho một bà con họ hàng xa để kiếm cơm ăn áo mặc. Nguyễn Viết Xuân đã phải sống cuộc đời đi ở kéo dài suốt 10 năm. Giá như được đi học như những chú bé khác thì cậu bé Xuân đã tốt
nghiệp lớp 10 rồi. Nhưng năm 18 tuổi, chú bé Xuân vượt vùng tạm chiếm ra vùng giải phóng để xin đi bộ đội, chưa có lấy một chữ cắn đôi. Mới đầu làm chiến sĩ trinh sát, rồi tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, sau làm chính trị viên phó đại đội. Dù ở bất kỳ cương vị nào Nguyễn Viết Xuân cũng luôn luôn nêu cao quyết tâm chống quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc, gương mẫu xung phong đi đầu.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Viết Xuân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và làm nhiệm vụ của một chiến sĩ trinh sát. Sau khi đánh bại đế quốc Pháp, Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam. Nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của quân và dân miền Nam chống Mỹ và tay sai Ngô Đình Diêm, mọi chính sách của chúng lần lượt bị phá sản, chính quyền Sài Gòn rơi vào khủng hoảng triền miên. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc (8/1964). Đơn vị của Nguyễn Viết Xuân được lênh hành quân đóng ở biên giới miền Tây Quảng Bình, một đơn vị phòng không làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời tổ quốc và con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 18/11/1964 nhiều tốp máy bay Mỹ đến bắn phá vùng Chà Lò thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình. Ngay đợt đầu, 3 chiếc F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội. Lúc đó là 10 giờ 43 phút. Khẩu đội trưởng khẩu đội 3 Nguyễn Duy Dĩnh hô lớn: - “Bắn!”. Loạt đạn xé không khí, đón lấy chiếc đi đầu. Bọn địch đổi hướng và tập trung công kích vào khẩu đội 3. Cả trận địa nổ súng giòn giã đánh trả lũ máy bay địch. Một chiếc F.100 bốc cháy lao xuống phía núi nhưng một chiếc khác đã phóng một loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự đứng bên khẩu đội 3 hô lớn: - “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” Lưới lửa của đại đội vây lấy lũ máy bay Mỹ và một chiếc nữa lại phải đền tội. Đợt chiến đấu lần thứ nhất kết thúc vào lúc 11 giờ 4 phút, đồng chí đi khắp các khẩu đội để nắm tình hình.
Bọn địch lại ập đến đập phá điên cuồng, bắn phá trận địa đại đội. Không may, đồng chí Xuân bị một viên đạn xiết vào đùi làm cho một chân bị giập nát.
Máu chảy xối xả. Xuân nghiến răng không kêu một tiếng. Chiến sĩ Tình quay lại thấy chính trị viên bị thương, lửa căm thù bốc lên ngùn ngụt. Anh định thét vang lên ngay giữa trận địa để báo tin cho tất cả đơn vị biết nhưng chính trị viên Xuân đã ra lệnh cho Tình giữ im lặng. Đồng chí Xuân nói:
- Đồng chí không được cho ai biết tôi bị thương. Đồng chí hãy giúp tôi truyền lệnh chiến đấu!
Tình gọi y tá Nhu. Thấy máu Xuân ra nhiều, y tá Nhu thương đến chảy nước mắt nhưng Xuân vẫn bình tĩnh và bảo:
- Đi băng cho những anh em bị thương đi đã!
Y tá Nhu không nghe lời Xuân nói, vội kéo chân của Xuân để băng. Xuân bảo: - Cậu cắt chân cho mình để khỏi vướng.
Nhu chần chừ không muốn cắt nhưng Xuân lại bảo:
- Cắt đi… và giấu cái chân vào chỗ kín hộ tôi!
Vì thiếu thuốc tê và dụng cụ, máu ra nhiều, chân nhức buốt nhưng Nguyễn Viết Xuân cắn chặt chiếc khăn để không bật ra một tiếng nào. Các khẩu đội biết Xuân bị thương, lòng căm thù càng sôi lên. Những viên đạn xé đỏ không khí vút lên đón lấy đầu máy bay địch. Một chiếc F.100 bị trúng đạn, bốc cháy. Nó như con thú bị chém ngang cổ, nhào đi hai vòng rồi mang theo khối lửa trên mình rơi chếch về hướng Nam. Hai chiếc còn lại hốt hoảng trước những làn đạn dày đặc của quan ta không dám xà xuống thấp nữa. Chúng trút từ trên cao loạt đạn cuối cùng rồi bỏ chạy.
Sau trận chiến đấu ác liệt, đồng chí Xuân vẫn chỉ định người thay thế, phân công người chăm sóc các đồng chí bị thương, bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ. Khi về tuyến sau vết thương quá nặng, máu ra nhiều, đồng chí thấy khó vượt qua được giờ phút hiểm nghèo nhưng khi có đồng đội đến thăm, Nguyễn Viết Xuân vẫn tỉnh táo hỏi tình hình trong đơn vị và nhắc phải chú ý chăm sóc tốt anh em, phát huy truyền thống của đơn vị, chiến đấu tốt hơn.
Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân đã hy sinh nhưng hình ảnh người bí thư chi bộ tận tụy, gương mẫu trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu
thương đồng đội và nhân dân sâu sắc vẫn hiện rõ trong tâm trí các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Khẩu hiệu ấy của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành bất diệt. Khẩu lệnh tấn công ấy đã từng làm bạt vía kinh hồn lũ giặc Mỹ lái máy bay. Mỗi lần lũ máy bay, kẻ cướp Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khẩu lệnh ấy lại vang lên… và những tên ăn cướp Mỹ lại phải đền tội.
Đó là khẩu lệnh mang tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của Đảng, của quân đội ta và nhân dân ta. Đó là khẩu lệnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam!”
Khi dạy phần “Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần 1 của đế quốc Mỹ”, giáo viên sẽ kể cho học sinh nghe về tấm gương hy sinh của Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Câu chuyện có tác động rất lớn đến trái tim các em: khâm phục, tự hào về sự dũng cảm và sự hy sinh cao đẹp, bất diệt của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân.
8. Phạm Tuân
"Sinh năm 1947, quê xã Quốc Tuấn, huỵện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là thượng úy, trung đội trưởng đại đội 5 máy bay tiêm kích Mic 21, trung đoàn 92, sư đoàn 371, Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian từ 18 đến 29-12-1972, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, Phạm Tuân xung phong trực chiến liên tục và chủ động xin được cất cánh đánh máy bay B52 của địch.
Đêm 18-12-1970, khi được lệnh cất cánh, mặc cho máy bay địch đánh phá sân bay, đồng chí nhanh chóng vận động qua hố bom, đến nơi để máy bay và lập tức cất cánh. Phát hiện máy bay đồng chí bay lên, địch phóng tên lửa tới. Anh bình tĩnh tránh tên lửa địch đến khu vực chiến đấu kịp thời.
Đêm 27-12-1972, nhiều tốp B52 từ Tây Bắc bay vào bắn phá Hà Nội. Được lệnh cất cánh, Phạm Tuân lập tức điều khiển may bay tiếp cận khu vực có máy bay địch. Anh dũng cảm xông thẳng vào tốp B52, bắn 2 quả tên lửa, hạ tại chỗ
một chiếc. Sau đó nhanh chóng vượt khỏi tốp máy bay yểm trợ của địch về hạ cánh an toàn. Hành động của anh được nhân và đồng đội mến phục, quân thù khiếp sợ.
Phạm Tuân luôn chịu khó nghiên cứu, học tập, lái thành thạo 2 loại máy bay Mic 17 và Mic 21 trong mọi điều kiện thời tiết, giúp anh em lái mới nhanh chóng cất cánh chiến đấu được. Đơn vị do anh phụ trách ngày càng tiến bộ. Anh luôn gương mẫu chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu, khiêm tốn giản dị, được mọi người tin yêu.
Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân."
Câu chuyện về anh hùng Phạm Tuân với lòng dũng cảm, mưu trí trong trận đánh máy bay địch bắn phá Hà Nội 27-12-1972, học sinh sẽ phần nào thấy được bức tranh lịch sử oai hùng của nhân dân Hà Nội đã đập tan trận oanh tạc bằng không quân của giặc Mỹ, làm nên trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không”, buộc chúng phải chấm dứt bắn phá miền Bắc và ký hiệp định Pari. Và từ đó giáo dục cho các em lòng kính yêu các bậc anh hùng cũng như trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.